Lựa chọn du học Mỹ hay Canada là thắc mắc thường gặp của các du học sinh tương lai dành cảm tình cho nền giáo dục Bắc Mỹ. Cả hai quốc gia đều có chất lượng giáo dục hàng đầu thế giới, tuy nhiên, các chuyên gia nhận định đại dịch Covid-19 sẽ có những ảnh hưởng đáng kể lên khả năng thu hút sinh viên quốc tế của hai điểm đến danh giá này.
Canada thắng thế Mỹ về khả năng kiểm soát dịch Covid-19 và chính sách hỗ trợ sinh viên quốc tế
Tính đến ngày 12/1/2021, tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Canada là 668.000 ca (trên tổng dân số 37.7 triệu người), với 17.086 ca tử vong. Trong khi đó, tổng số ca nhiễm ở Mỹ là 22.6 triệu người (trên tổng dân số 332 triệu người), với số ca tử vong lên đến 376.000 ca. Như vậy, nếu tính tỷ lệ phần trăm ca bệnh và số người tử vong trên dân số, tình hình kiểm soát dịch bệnh ở Canada tốt hơn nhiều so với Mỹ.
Ngay từ những tháng đầu bùng dịch, Canada đã có những chính sách hỗ trợ và cập nhật thông tin mạnh mẽ đến cộng đồng sinh viên nước ngoài đang và sắp theo học tại Canada. Theo Reuters, vào tháng 5 năm 2020, Canada đã cấp 30.785 giấy phép học tập (study permit) cho các tân sinh viên, tăng 11% so với số giấy phép được cấp vào cùng kỳ năm 2019. Tháng 7/2020, chính phủ Canada cũng đã điều chỉnh chính sách hỗ trợ sinh viên nước ngoài ghi danh vào các khóa học của Canada – kể cả khi biên giới nước này vẫn đang đóng cửa. Theo đó, Canada đã tạo điều kiện cho sinh viên bắt đầu học trực tuyến từ nước ngoài và cho phép người học đủ điều kiện để xin giấy phép làm việc sau tốt nghiệp. Dự kiến, những sinh viên bắt đầu học trực tuyến sẽ sang Canada học trực tiếp ít nhất là 50% nội dung của chương trình.
>> Giới thiệu hình thức “Học trực tuyến trước, trực tiếp sau” để ứng phó với đại dịch
Trong khi đó, vào thời điểm giữa năm 2020, Tổng thống Donald Trump đã bất ngờ công bố khả năng buộc hàng chục ngàn sinh viên nước ngoài phải rời Mỹ nếu nhà trường chuyển toàn bộ sang hình thức trực tuyến vì Covid-19. Động thái này đã vấp phải phản ứng của các trường đại học và cao đẳng của Mỹ, và được các chuyên gia đánh giá là một nước cờ có lợi cho các cơ sở đào tạo ở nước láng giềng, vốn không ngừng nỗ lực cạnh tranh với các điểm đến du học nói tiếng Anh hàng đầu thế giới là Mỹ, Úc và Vương quốc Anh trong những năm qua.
Kết quả là, theo Times Higher Education, tỷ lệ sinh viên nước ngoài ghi danh vào kỳ học mùa thu năm 2020 ở Mỹ đã giảm đến 11%. Bên cạnh đó, động thái thắt chặt các điều khoản của chương trình OPT đã một lần nữa khẳng định khuynh hướng hạn chế nhập cư của chính quyền Donald Trump, và là lý do khiến nhiều sinh viên quốc tế “rẽ” sang Canada.
Mới đây, vào ngày 8/1/2021, trang Queenscitizen đưa tin: chính quyền liên bang hiện đang cấp giấy phép làm việc mới cho sinh viên quốc tế, nhằm mục đích thuyết phục các du học sinh định cư lâu dài tại Canada. Trang này cũng dẫn lại thông điệp của của Bộ trưởng Di trú Canada, Marco Mendicino: “Chúng tôi không chỉ muốn cán bạn học tập ở đây, mà còn muốn các bạn ở lại đây.” Theo đó, những sinh viên nước ngoài tốt nghiệp đã hoặc đang có giấy phép làm việc sau tốt nghiệp (PTPD) hiện có thể đăng ký “giấy phép làm việc mở” - cho phép họ ở lại Canada thêm 18 tháng để tìm việc để rồi định cư tại quốc gia này sau đó, biết rằng giấy phép làm việc hiện tại đã cho phép sinh viên nước ngoài bậc cao học ở lại Canada làm việc đến 3 năm sau khi ra trường,
Về khả năng định cư cho du học sinh Mỹ thời gian tới, sự kiện Joe Biden đắc cử và trở thành Tổng thống Hoa Kỳ vào ngày 20/1/2021 được giới trí thức hi vọng sẽ đảo ngược bối cảnh hiện tại.
Tổng thống đắc cử Joe Biden từng công bố dự định sẽ tăng số lượng thị thực tay nghề cao, bỏ các giới hạn đối với thị thực việc làm theo quốc gia, tăng lượng thị thực nhập cư thường trú diện việc làm và sẽ không giới hạn thời gian ở lại Mỹ cho những sinh viên tốt nghiệp chương trình Tiến sĩ thuộc lĩnh vực STEM. Như vậy, với chính sách di trú được kỳ vọng của Tổng thống đắc cử Joe Biden, nước Mỹ sẽ lại trở thành điểm hẹn của những tài năng quốc tế.
Chất lượng giáo dục: Mỹ vẫn thống trị bảng xếp hạng
Nếu đánh giá Canada và Mỹ về chất lượng giáo dục, cả hai đều không thiếu các đại diện ưu tú. Tại Xếp hạng Đại học Thế giới của Times Higher Education năm 2021, có đến 8 trong top 10 trường đại học tốt nhất toàn cầu đến từ xứ cờ hoa, bao gồm: Stanford University, Harvard University, California Institute of Technology, Massachusetts Institute of Technology, University of California, Berkeley, Yale University, Princeton University và The University of Chicago.
Trong khi đó, Canada cũng có ba đại diện lọt vào top 50 toàn cầu là Đại học Toronto, The University of British Columbia và McGill University.
Tất nhiên bên cạnh xếp hạng các trường đại học thế giới, sẽ xác tín hơn nếu các bạn tìm hiểu thêm xếp hạng các trường đại học theo ngành học, bởi đó mới chính là dữ liệu giúp bạn tìm thấy ngôi trường có chất lượng đào tạo xuất sắc nhất trong từng lĩnh vực cụ thể. Nếu các bạn chưa biết sẽ chọn ngành gì khi du học Mỹ, bài viết “Du học Mỹ nên chọn 9 ngành này” sẽ giúp bạn định vị những lĩnh vực tiềm năng. Trong khi đó, Canada có những ưu thế riêng để Hotcourses Vietnam khẳng định rằng: “Đồ họa, Kỹ sư phần mềm và Dầu khí là 3 ngành nên học ở Canada”.
Cũng phải lưu ý rằng, phương pháp tiếp cận giáo dục của các cơ sở giáo dục đại học tại Mỹ và Canada cũng có đặc thù riêng, tùy theo định hướng của mỗi trường. Tuy nhiên, với dân số 332 triệu người, hơn 5300 cao đẳng và đại học, với hơn hơn 32 triệu công ty, Mỹ vẫn sở hữu một môi trường rộng lớn hơn để mang đến mô hình giáo dục thực nghiệm, đa dạng và linh hoạt. Bằng chứng là những chia sẻ được các du học sinh Mỹ gửi về cho Hotcourses Vietnam: từ trải nghiệm du học chuyên ngành kép Toán – Kinh Tế, bí quyết trúng tuyển ngành Y bậc tiến sĩ ngay sau cử nhân, lợi ích của việc học văn bằng kép Cử nhân-MBA trong 5 năm, cùng rất nhiều những khác biệt của nền giáo dục Mỹ mà có thể bạn chưa biết. Hơn nữa, hệ thống giáo dục Mỹ còn sở hữu rất nhiều ngôi trường giảng dạy theo định hướng khai phóng (Liberal Arts) – một lựa chọn thích hợp cho những bạn chưa xác định được ngành học muốn theo đuổi.
Canada, với dân số khoảng 37.7 triệu người, khó lòng đạt được sự linh hoạt vượt ngoài khung chương trình giáo dục tiêu chuẩn – nhưng cũng không có nghĩa là không có những chương trình học kiệt xuất. Cùng khám phá bí quyết chọn trường du học Canada từ kinh nghiệm của các du học sinh Canada và chuyên gia trong ngành để điểm mặt những ngôi trường sáng giá nhất.
Học phí ở Canada thân thiện hơn với túi tiền sinh viên quốc tế
Khi so sánh du học Canada với Mỹ, chi phí du học là một trong những lý do khiến ngày càng nhiều sinh viên quốc tế (trong đó có cả sinh viên Mỹ) chọn Canada làm điểm đến du học. Theo Statistics Canada, học phí trung bình bậc cử nhân dành cho sinh viên quốc tế năm học 2019/2020 ở Canada là 29.714 CAD/năm (khoảng 538 triệu đồng), trong đó sinh viên các ngành nhân văn có mức học phí thấp hơn (khoảng 5.542 CAD), các ngành như kỹ thuật và y khoa lại có học phí cao hơn (khoảng 21.717 CAD cho sinh viên nha khoa). Ngành kinh doanh và quản lý ở Canada có xu hướng rẻ hơn so với mức học phí trung bình cả nước, rơi vào khoảng 6.827 CAD mỗi năm. Còn ở bậc cao học, du học sinh cần chuẩn bị khoảng 17.744 CAD cho học phí mỗi năm, biết rằng sinh viên ngành Executive MBA có thể phải trả đến 56.328 CAD. Về sinh hoạt phí, mức sinh hoạt thực tế rơi vào khoảng 10.000-12.000CAD/năm, tức vào khoảng 15 đến 18 triệu mỗi tháng.
Về mức học phí của Mỹ, Times Higher Education ước tính một sinh viên quốc tế (đóng mức học phí như sinh viên người Mỹ đến từ bên ngoài tiểu bang, hay out-of-state) sẽ phải chuẩn bị mức học phí trung bình 26.290 USD/năm cho trường công lập hệ bốn năm, và 35.830 USD/năm cho các trường tư thục. Có thể thấy mức học phí trung bình ở Mỹ cao hơn so với mức học phí của Canada, chưa kể mức sinh hoạt phí ở Mỹ có phần nặng hơn. Jennifer Vo, tác giả bài viết “Kinh nghiệm chuyển tiểu bang để tiết kiệm tiền khi du học Mỹ” chia sẻ, mức sinh hoạt phí trung bình mỗi tháng của một du học sinh tại tiểu bang Texas là từ 20 đến 25 triệu. Jennifer nói thêm: “Tùy vào nhu cầu và sở thích cá nhân mà khoản sinh hoạt phí có thể rất thấp hoặc rất cao. Ngoài ra, phương tiện đi lại cũng là một khoản cần lưu ý. Sẽ có những tiểu bang có phương tiện công cộng phổ biến, giúp cho việc di chuyển trở nên thuận tiện hơn. Tuy nhiên, có nhiều tiểu bang thì không như vậy. Vì sư bất tiện này nên mình phải đi xe riêng và phải trả bảo hiểm, xăng xe và các chi phí bảo dưỡng xe khi cần.”
Để có góc nhìn khái quát về chi phí du học Mỹ, các bạn có thể tham khảo bài viết Cần bao nhiêu tiền để du học Mỹ.
Và cuối cùng là chính sách nhập cư: Mỹ vẫn còn cơ hội trở lại đường đua
Những năm gần đây, Canada được biết đến là một quốc gia cởi mở trong việc chào đón nhiều người nhập cư và người tị nạn hơn so với với Hoa Kỳ. Theo số liệu, người nhập cư tại Canada chiếm đến 1/5 dân số và đóng một vai trò quan trọng cho nền kinh tế. Họ được gọi là “thế hệ người Canada mới”, nhận được nhiều sự hỗ trợ từ chương trình #WelcomeRefugess.
Để có thể tận dụng cơ hội ở lại Canada sau tốt nghiệp, các bạn có thể tìm hiểu “6 nhóm ngành đầy triển vọng cho cơ hội định cư cho du học sinh Canada” nếu đã trót “té vào tình yêu” với xứ sở lá phong. Bài phỏng vấn “Câu chuyện du học tuổi 30 để tìm kiếm cơ hội định cư Canada” cũng sẽ mang đến bạn góc nhìn cận cảnh từ người trong cuộc.
Tuy nhiên, những bạn đang có nguyện vọng du học Mỹ cũng đừng thất vọng. Khuynh hướng hạn chế nhập cư của Tổng thống Donald Trump đã đến giai đoạn mãn nhiệm, và những chính sách được hứa hẹn là sẽ cởi mở, quốc tế và nhân văn hơn của Tổng thống đắc cử Joe Biden nhiều khả năng sẽ giúp bạn hiện thực hóa được “giấc mơ Mỹ” của riêng mình.
* Bài viết được cập nhật ngày 12/1/2021 bởi tác giả Trang Ami.