Thầy Lê Đức Tiến là giảng viên của Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, chuyên ngành Quản trị kinh doanh bán lẻ. Đồng thời, thầy cũng giữ vai trò thủ lĩnh của Hội Cựu du học sinh Anh trực thuộc Hội đồng Anh tại Đà Nẵng (UKAV ĐN) và là người Sáng lập và điều hành Cộng đồng các nhà kiến tạo toàn cầu (Global Shapers Community - GSC) trực thuộc Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum - WEF).
Thầy Tiến đã nói chuyện về chương trình học truyền thông ở đại học Stirlink với Hotcourses trước đó. Và trong bài viết này là những chia sẻ của thầy Tiến về các vấn đề đăng ký học trái ngành, tài chính và cả những điều kiện cần thiết để thành công.
>> Du học ngành Truyền thông doanh nghiệp ở Anh
>> Trải nghiệm du học ngành Truyền thông tại Anh của người mẫu Jessica Minh Anh
Hotcourses được biết thầy đã học Quản trị kinh doanh ở bậc Cử nhân, sau đó mới chuyển sang ngành Truyền thông ở bậc Thạc sĩ. Tại sao lại có sự chuyển hướng này?
Năm 2001, mình tốt nghiệp đại học chuyên ngành Quản trị kinh doanh thương mại của Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng và sau đó vào năm 2008 thì có cơ hội học bổng để tiếp tục theo học chương trình Thạc sĩ tại Vương quốc Anh.
Lúc bấy giờ Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng đang khởi động một dự án hợp tác và liên kết đào tạo quốc tế về chuyên ngành Truyền thông với Đại học Stirling (Vương quốc Anh), chính vì thế lãnh đạo nhà trường khuyến khích mình chuyển đổi ngành học để phục vụ cho hướng hợp tác lâu dài sau này giữa hai trường.
Thú thật là mình chuyển hướng về ngành học trong khi không có nhiều hiểu biết cũng như là kiến thức căn bản trong chuyên ngành về truyền thông mà chỉ đơn giản là vì ham thích viết lách và đọc sách báo, ngoài ra là bởi vì sự mới mẻ của lĩnh vực này đã hấp dẫn và thu hút mình.
>> Tải cầm nang du học các trường tại Anh miễn phí
Quá trình đăng ký học Quản trị Truyền thông ở trường Đại học Stirling, thầy đã làm thế nào để thuyết phục nhà trường cho việc học trái ngành?
Bởi vì nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa hai trường nên một chừng mực nào đó thì mình có được sự ưu tiên trong việc xem xét chuyển đổi ngành học này. Tuy nhiên theo như mình biết thì việc chuyển đổi những ngành học trong phạm vi khoa học xã hội từ bậc đại học lên thạc sĩ ở các trường đại học châu Âu cũng không quá khó khăn, miễn là mình chứng tỏ được sự ham thích, kế hoạch học tập và làm việc sau này, sự tương đồng của ngành học ở bậc đại học và thạc sĩ. Trong hồ sơ đăng ký đối với trường Stirling thì mình cũng có nhấn mạnh về sự ham thích và những kế hoạch dài hạn của mình, ngoài ra thì mình cũng chỉ ra sự tương đồng trong việc sử dụng các công cụ truyền thông để thực thi các nhiệm vụ marketing của các công ty - tổ chức. Mặc dù vậy, sau này khi đã chính thức nhập học thì mình mới nhận ra sự khác biệt đáng kể giữa hai chuyên ngành này, và mình cũng đã phải cố gắng và nỗ lực rất nhiều để phần nào khỏa lấp khoảng trống về mặt chuyên môn để theo kịp với các học viên trong lớp vốn là những người đều có nền tảng và kiến thức căn bản về truyền thông.
>> Học Khoa học Xã hội và Truyền thông tại Anh
Thầy có thể chia sẻ về nguồn tài chính đã cho phép thầy sang Vương quốc Anh du học? Với điều kiện này, thầy có phải chật vật với nỗi lo kinh phí trong thời gian du học?
Mình may mắn được chọn tham gia chương trình TRIG (Teaching and Research Innovation Grant) do Ngân hàng thế giới tài trợ và được cấp học bổng toàn phần theo mức quy định của học bổng chính phủ Việt Nam dành cho các du học sinh và nghiên cứu sinh.
Có một định kiến không biết từ khi nào luôn cho rằng du học ở Anh rất tốn kém, mình nghĩ rằng lý do có lẽ là bởi vì đồng bảng Anh là đồng tiền có mệnh giá lớn nhất thế giới chăng. Tuy vậy, khi mình đi học và so sánh với các bạn bè thì mới thấy rằng tổng chi phí cho khóa học Thạc sĩ ở Anh của mình còn ít hơn nhiều so với các chương trình Thạc sĩ ở Úc và ở Mỹ.
Lý do là bởi vì khóa học Thạc sĩ ở Anh kéo dài chỉ trong 1 năm và ngoài ra thì mức sống ở nhiều thành phố đại học ở Anh cũng không quá đắt đỏ, các khoản chi chủ yếu tập trung vào tiền thuê nhà và tiền đi lại bằng các phương tiện giao thông công cộng. Chính vì thế mà với mức sinh hoạt phí khoảng 500 GBP/1 tháng (tương ứng với mức học bổng 1,000 USD/1 tháng mà mình nhận được từ học bổng) vẫn cho phép mình sống thoải mái mà không phải quá bận tâm về mặt tài chính. Mình đã từng có cơ hội làm thêm ở một nhà hàng Pizza ở trung tâm thành phố Stirling với mức lương khoảng 200 GBP cho 9 tiếng làm việc/1 tuần nhưng đã từ bỏ chỉ sau 1 ngày làm thử vì muốn dành thời gian khám phá và tập trung cho việc học của mình.
>> Bí quyết giảm thiểu chi phí khi du học tại Anh
>> Tiết kiệm chi phí khi học tại Anh quốc
Cuối cùng, thầy có lời khuyên gì dành cho các bạn sinh viên trong nước đang trong quá trình chuẩn bị du học ở Vương quốc Anh ngành Truyền thông?
Trong bất cứ thời đại nào thì truyền thông đều đóng vai trò tối quan trọng. Với bối cảnh đất nước đổi mới và hội nhập như hiện nay và sự xuất hiện của các hình thức, nền tảng truyền thông mới mà thế giới đang chứng kiến thì đây chính là cơ hội tuyệt vời cho ngành truyền thông phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Đối với nước Anh thì đây cũng chính là một môi trường rất thuận lợi để các bạn sinh viên ngành truyền thông có thể hiện thực hóa ước mơ của các bạn khi họ có những tập đoàn truyền thông nổi tiếng thế giới cũng như là có các trường đại học hàng đầu thế giới về nghiên cứu và đạo tạo truyền thông.
Điều quan trọng khi theo đuổi ngành học này là xác định bạn cần những phẩm chất và kỹ năng gì. Theo mình nghĩ thì ngành học nào cũng cần nhất sự đam mê. Sự đam mê có thể đến từ sự tương hợp của đặc điểm cá nhân với ngành học (như trong câu "cá gặp nước"), hoặc sự đam mê đến từ quá trình kiên nhẫn, gắn bó, tìm hiểu, càng hiểu biết nhiều thì sẽ càng thấy thích, mặc dù có thể ban đầu chưa thích hoặc chưa phù hợp. Riêng đối với ngành truyền thông thì người học cần có một phổ kiến thức rộng, cần phải đọc rất nhiều, vì đây là một chuyên ngành xã hội có tính liên ngành rất cao vì khả năng ứng dụng của nó trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội,… Khả năng tư duy phản biện và kỹ năng viết lách cũng là những yêu cầu không thể thiếu của sinh viên ngành học truyền thông.
Xin cám ơn thầy vì những chia sẻ bổ ích và chúc thầy mọi điều thuận lợi!