Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đưa thế giới lên một tầm cao mới trong thời đại tự động hoá khi máy móc và robot dần đảm nhiệm vô số công việc ở mức độ xử lý thông tin cực kỳ phức tạp, và những thành quả của trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) được cho là sẽ thay thế cho con người trên diện rộng. Tuy nhiên, “Con dao hai lưỡi” AI cũng khiến không ít người nghi ngại về việc suy giảm nhu cầu lao động trong tương lai gần. Nhà vật lý nổi tiếng người Anh - Stephen Hawking thậm chí còn đưa ra cảnh báo rằng "Trí tuệ nhân tạo có thể đặt dấu chấm hết cho toàn nhân loại." Một báo cáo mới đây còn dự đoán, gần một nửa số công việc hiện tại trong xã hội sẽ biến mất vì trí tuệ nhân tạo từ đây đến năm 2035.
Vậy, trí tuệ nhân tạo liệu có làm mất giá bằng cấp du học của bạn? Và việc lựa chọn ngành nghề trong thời đại "robot hoá", kể cả là bằng cấp từ một trường đại học nước ngoài danh tiếng, có còn đáng giá? Một số phân tích dưới đây sẽ mang lại góc nhìn cận cảnh, giúp bạn có những “nước cờ” thông minh hơn trên hành trình du học sắp tới.
>> Các khóa học về Trí tuệ nhân tạo trên thế giới
>> Du học ngành Khoa học máy tính ở Hà Lan: góc nhìn người trong cuộc
Một quy luật tất yếu
Lịch sử đã cho thấy, các giai đoạn phát triển khác nhau của xã hội gắn liền với sự ra đời và phổ biến của một số ngành nghề nhất định. Các phát mình này vừa là cú hích thiết lập lại cơ cấu xã hội, vừa là kim chỉ nam định hướng cho những cải tiến tiếp theo của con người. Đây là một quy luật tất yếu.
Nhà hàng và siêu thị giờ đây đã áp dụng thanh toán bằng màn hình cảm ứng mà không cần đến thu ngân. Mua sắm trực tuyến cũng làm giảm nhu cầu mua hàng tại cửa hàng. Những chiếc xe không người lái dự đoán sẽ thay thế cho các tài xế lái xe truyền thống. Ngay cả những công việc trình độ cao và đòi hỏi kỹ năng quản lý phức tạp cũng đang được AI hóa. Các nhà đầu tư hay phân tích tài chính cũng không tránh khỏi nguy cơ mất việc bởi đội ngũ "cố vấn ảo" với khả năng dự đoán tiềm năng kinh tế tức thời, trong khi con người phải mất vài tháng hay thậm chí vài năm để làm điều đó. Bệnh viện dần đưa robot vào hỗ trợ phẫu thuật nhằm hạn chế rủi ro. Các nông trại có thể sử dụng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo để tối ưu hoá sản lượng cây trồng nhờ có robot kiểm soát việc cày cuốc, gieo hạt và chăn nuôi.
Thêm vào đó, sự xuất hiện của iPhone và tiếp đó là sự nở rộ của những chiếc điện thoại thông minh là đơn cử cho tính sáng tạo và đa nhiệm của công nghệ số. Giờ đây mọi chức năng cần thiết đều (phải) được gói gọn trong một chiếc điện thoại hoặc một thiết bị cầm tay. Hệ quả là các nhà sản xuất đồng hồ và máy ảnh truyền thống hiện đang lao đao trong cuộc đua công nghệ với các hãng điện thoại thông minh - bởi cái gì hiện đại hơn, tiện dụng cho số đông hơn sẽ thay thế cho những thứ lỗi thời, nguyên bản.
Rõ ràng, trí tuệ nhân tạo giúp gia tăng lợi nhuận đáng kể cho các công ty thông qua dây chuyền sản xuất hàng loạt và tính chính xác gần như tuyệt đối. Thông thường những công ty này ban đầu chỉ phải đầu tư vào bộ máy sản xuất, nhưng đổi lại họ sẽ tiết kiệm khá nhiều chi phí về sau trong khoản nhân công.
Kết quả là, dù muốn hay không, "tự động hoá" đã và đang "cướp" đi công việc của hàng triệu người trong những ngành công nghiệp như may mặc, đóng giày, chế tác thuỷ tinh, sản xuất hoá chất, lắp ráp các thiết bị điện tử hay quy trình chế biến thực phẩm.
Bản thân AI đã là một mảnh đất màu mỡ
Sức nóng của trí tuệ nhân tạo trong mọi khía cạnh cuộc sống đã đang kéo theo sức hút nhân sự vô cùng mạnh mẽ. Cuộc đua phát triển AI khốc liệt giữa các quốc gia tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Úc, Canada… và cả những đế chế công nghệ khổng lồ như Facebook, Google, Microsoft... đang tạo ra cơn khát lực lượng lao động có chuyên môn cao về AI. AI không tự tạo ra AI, mà chính con người mới là cha đẻ của công nghệ này. Gần như mọi sinh viên ngành này đều được vô số tập đoàn săn đón bằng những dự án triệu độ kèm theo lời mời có mức lương hàng khủng ngay từ năm nhất đại học.
Mọi khóa học đại học liên quan (dù ít hay nhiều) đến trí tuệ nhân tạo đều đang đối mặt với tình trạng quá tải. Đặc biệt ở những ngôi trường Đại học danh giá hàng đầu như Đại học Stanford, các khóa trí tuệ nhân tạo như CS224N - Natural Language Processing with Deep Learning hay CS231N - Convolutional Neural Networks for Visual Recognition nhận tới hàng trăm và hàng nghìn đơn xin nhập học của sinh viên quốc tế trong khi các lớp này chỉ nhận vài chục học sinh mỗi năm.
>> Điểm danh 7 công việc tiềm năng nhất nước Mỹ năm 2017
Giới hạn của AI là không-giới-hạn
Vai trò của trí tuệ nhân tạo ngày càng len lỏi vào mọi mặt của đời sống, câu hỏi đặt ra là "Vậy thì con người sẽ làm những gì khi máy móc có thể làm hầu hết mọi công việc?"
Nếu nhìn về lịch sử từ lúc xuất hiện máy ATM, dịch vụ thanh toán qua điện thoại và internet thì các giao dịch tại ngân hàng đã giảm đi đáng kể. Nhờ đó, giới ngân hàng bắt đầu có thể tập trung vào phát triển thêm các dịch vụ tài chính có lợi nhuận lớn như bảo hiểm, vay vốn thế chấp và thị trường chứng khoán càng về cuối thế kỷ 20.
Khi máy móc đảm nhiệm gần như mọi công việc "thể chất" thì con người sẽ có nhiều thời gian hơn cho những hoạt động mang tính sáng tạo. Tuy robot hoàn toàn làm được những thứ yêu cầu độ chuẩn xác nhưng chúng sẽ không thể thay thế ngay được con người trong những công việc đòi hỏi tư duy và sáng tạo.
Các ngành nghề tiêu biểu cần trí óc con người sẽ có khả năng “miễn dịch” lâu dài nhất với “cơn sốt” AI, như bác sĩ, điều dưỡng, vật lý trị liệu, giáo viên, quản lý nhân sự, luật sư, chính trị, điện ảnh – truyền hình, báo chí, thiết kế... Đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến giao tiếp xã hội, sáng tạo và nghệ thuật.
Ở những nước phát triển, yếu tố sáng tạo luôn được đưa lên hàng đầu vì quan niệm rằng "bộ óc con người là cỗ máy ưu việt nhất" và máy móc vốn dĩ được tạo ra từ bàn tay của con người. Các trường đại học quốc tế ngày nay rất chú trọng đến các ngành về tư duy và cảm xúc. Thế nhưng bạn cũng đừng quá lo lắng nếu lĩnh vực mình chọn để du học không nằm trong các nhóm nghề trên; tính cần cù và ham học hỏi những kĩ năng mới sẽ giúp bạn "sống khoẻ" ở bất kỳ thời đại nào.