Sau khi chọn điểm đến du học, lên danh sách trường đại học là bước đi quan trọng tiếp theo. Mỗi trường đều có thế mạnh riêng về chuyên ngành, cơ sở vật chất, hay học phí… nhưng trải nghiệm, cơ hội và thách thức của bạn tại một trường đại học quy mô lớn sẽ rất khác so với học tập tại ở một trường đại học nhỏ. Dưới đây là những câu hỏi gợi ý giúp bạn đưa ra quyết định nhanh chóng khi sàng lọc trường đại học phù hợp nhất dựa trên tiêu chí quy mô.
>> Chọn điểm đến du học: Thành phố lớn hay thành phố nhỏ
Sĩ số lớp học lớn hay nhỏ?
Một số trường như Đại học bang Florida Mỹ hay Monash tại Úc có thể cùng lúc nhận 50,000 sinh viên năm nhất, trong khi số học viên ở các trường đại học nhỏ hay các trường cao đẳng cộng đồng thường ít hơn 2,000. Điều này dẫn đến sĩ số lớp học và khả năng tương tác với giảng viên cũng có sự khác biệt vào giờ lên lớp.
Mount Allison University Canada, một trong những đại học tốt nhất Canada đào tạo hệ cử nhân, có sĩ số lớp học trung bình 41 người cùng tỷ lệ sinh viên/giảng viên 17:1 nhờ duy trì một lượng nhỏ đều đặn đầu vào khoảng 2100 sinh viên cử nhân. Tỉ lệ giảng viên/sinh viên càng thấp đồng nghĩa với việc bạn sẽ dễ dàng trao đổi với giáo viên và cả các học viên cùng lớp.
Các trường đại học lớn chẳng hạn như Đại học Texas tại Austin trái lại thường có quy mô lớp học lớn ở các môn bắt buộc, ví dụ các lớp tiếng Anh cho sinh viên năm nhất. Khi sinh viên bước sang năm thứ ba và bắt đầu học chuyên ngành, các lớp học sẽ nhỏ và tập trung hơn. Để trao đổi với giáo sư trong các lớp học vài trăm người là không hề dễ dàng, thay vào đó người giúp đỡ bạn trong trường hợp này là trợ giảng - thường là những sinh viên giỏi khoá trên mặc dù đôi khi họ thiếu kinh nghiệm giảng dạy của một giáo sư. Đây là cách để các trường đại học lớn đảm bảo rằng mọi sinh viên đều nhận được sự hỗ trợ cần thiết cả trong và ngoài việc học.
Vì vậy, nếu ghi chép đầy đủ trên lớp, đọc sách, và chú ý nghe giảng có thể giúp bạn xử lý bài tập mà không cần thêm nhiều trợ giúp, bạn có thể nghiêng hơn về một lớp học quy mô lớn, và ngược lại.
Bạn muốn học ngành gì?
Nếu bạn đã biết chính xác ngành muốn theo học, bạn nên bắt đầu bằng cách tìm trường đại học có chương trình được đánh giá cao trong lĩnh vực bạn quan tâm, bất kể quy mô. Nhưng nếu chưa biết muốn học ngành gì, trường đại học lớn dường như là một lựa chọn an toàn hơn, bởi những trường này thường có điều kiện tài nguyên thuận lợi, bao gồm giảng viên, chuyên ngành, cơ hội nghiên cứu… cho phép những sinh viên không chắc chắn về lựa chọn của mình trong năm đầu tìm được chuyên ngành thay thế mà không phải chuyển trường.
Các trường đại học nhỏ có thể cho bạn trải nghiệm tương tự nhưng số lượng trường tổ chức đa dạng chương trình học như vậy không nhiều.
>> Những tiêu chí để chọn trường đại học, ngoài kết quả xếp hạng
Đâu là môi trường sinh hoạt ngoại khoá lý tưởng với bạn?
Tất cả các trường đại học dù lớn hay nhỏ đều sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo du học sinh cảm thấy thoải mái và gắn kết. Đây là lúc quyết định xem đâu là hình thức hoạt động ngoại khoá bạn thấy thân thuộc hơn?
Trong các khuôn viên nhỏ bạn sẽ có cảm giác như đang sống trong một ngôi làng - nơi bạn biết mặt tất cả mọi người, nhìn thấy họ thường xuyên dù bạn đang ở thư viện, quán ăn, hay trong lớp. Nhà trường cũng thường tổ chức các hoạt động gắn kết, chẳng hạn như chương trình ghép cặp “peer-to-peer”, thường dành cho sinh viên quốc tế năm nhất để thích nghi với môi trường mới.
Điều này tuy không mấy phổ biến tại các trường đại học lớn, song thường có lợi hơn cho các sinh viên có tính độc lập cao. Các trường đại học lớn dù không mang lại cảm giác gắn kết trên quy mô toàn trường, nhưng cho phép bạn trở thành một phần của các cộng đồng nhỏ hơn thông qua các câu lạc bộ học thuật, thể thao, hoặc hội du học sinh, hay nhóm những sinh viên khác có chung sở thích. Khi đó, bạn có thể sẽ phải kiềm chế bản thân để nói "không" với các hoạt động ngoại khoá hấp dẫn có khả năng khiến bạn xao nhãng việc học.
>> Những truyền thống đón tân sinh viên độc đáo nhất nước Anh
Nhu cầu và hình thức nhà ở
Các trường đại học nhỏ và lớn cũng khác nhau về chỗ ở cho sinh viên. Điều này có thể ảnh hưởng đến ngân sách chỗ ở, phương thức di chuyển, và kế hoạch tìm việc làm thêm của bạn.
Nhiều đại học nhỏ yêu cầu sinh viên phải sống trong kí túc xá ít nhất một năm, thậm chí một số trường yêu cầu bạn ở trong khuôn viên cả bốn năm đại học. Thêm một hạn chế nữa đó là các trường đại học lớn đôi khi không có đủ nhà ở cho toàn thể sinh viên ghi danh vào trường. Do đó bạn phải cực kì nhanh chân để kịp đăng ký chỗ ở, hoặc phải tìm nơi thuê nhà bên ngoài khuôn viên trường.
Vậy làm thế nào để phân biệt quy mô của trường?
Dựa trên số lượng sinh viên, thông thường các trường đại học cao đẳng được coi là "nhỏ" khi có ít hơn 5,000 sinh viên. Đây thường là những trường đại học tư thục như Colgate, Grinnell và Reed, nơi Steve Job học về Caligraphy. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể tìm thấy các trường đại học công lập nhỏ, chẳng hạn như Đại học SUNY Geneseo hay Đại học Delaware.
Nhiều trường đại học thuộc quy mô "trung bình", từ 5,000 đến 15,000 sinh viên. Các tên tuổi như Yale, Brown, Howard, Duke, cho đến những trường đại học tiêu biểu của tiểu bang như Đại học Arkansas, Đại học Montana (Mỹ), Đại học Birmingham (UK) đều thuộc nhóm này.
Quy mô "lớn" thường rơi vào hơn 15.000 sinh viên. Đại học Nam California, Đại học New York và Đại học Pennsylvania là các đại học tư thục quy mô lớn. Đối với nền giáo dục Hoa Kỳ, các trường công lập lớn có thể kể đến Đại học California Los Angeles, Đại học bang Michigan, và Đại học Texas tại Austin. Với hơn 30,000 sinh viên, có thể và đúng hơn nên xếp loại trrường đại học đó ở quy mô “khổng lồ”.
Không ít du học sinh khi chọn trường theo quy mô đã nhắm đến các đại học “trung bình”. Đây dường như là lựa chọn an toàn, cho bạn cảm giác khuôn viên đủ nhỏ để thấy gần gũi như ở nhà, và đủ lớn để có các lựa chọn học tập bạn tìm kiếm. Phải nhấn mạnh rằng mỗi trường có văn hoá, bầu không khí sinh hoạt, và môi trường học tập rất riêng.
Đến thăm trường và tìm hiểu kĩ thông qua các cựu du học sinh, kênh xã hội, website của trường là cách hữu hiệu để biết bạn có thật sự phù hợp với một môi trường học tập nào đó.
Nguồn: StudyUSA, CollegeData