Khi du học đang ngày càng phổ biến thì một tấm bằng đại học ngoại quốc đôi khi vẫn chưa đủ tạo ấn tượng thuyết phục với nhà tuyển dụng. Thế nên, hãy tận dụng môi trường học gắn liền thực tiễn ở nước ngoài để tạo điểm nhấn cho hồ sơ xin việc sau này - thông qua các cơ hội thực tập, dự án thực tế và kinh nghiệm làm thêm giá trị.
>> Sinh viên tốt nghiệp năm 2017 cần luyện 6 kỹ năng này
>> Làm gì ở Đại học để xin được việc làm ngay khi ra trường?
1. Đi thực tập ngắn hạn
Cuộc đua để có được một vị trí thực tập tại các công ty tên tuổi & tập đoàn lớn thực sự rất gắt gao, bởi sinh viên bản địa và quốc tế sẽ phải cạnh tranh với nhau cho cùng một cơ hội. Một số vị trí thực tập còn yêu cầu ứng viên phải có kinh nghiệm từ trước, đòi hỏi du học sinh phải có sự chuẩn bị kĩ càng, tích lũy trải nghiệm, cộng thêm một chút may mắn thì mới có thể lọt vào vòng trong.
Ưu điểm của những đợt thực tập (internship/ work placement) đó là bạn sẽ có cơ hội quan sát môi trường công sở thực tế, học hỏi phương pháp làm việc của đồng nghiệp trong lĩnh vực mà mình theo đuổi, và nhất là còn được giao một số nhiệm vụ đảm trách. Nếu biết nắm bắt và hòa nhập vào môi trường chuyên nghiệp, làm tốt công việc được giao trong quá trình thực tập, đây có thể là cơ hội tốt để học hỏi và nâng tầm CV của bạn.
Lưu ý là không phải chương trình thực tập nào cũng trả lương hoặc trợ cấp cho thực tập sinh. Thông thường thì “phần thưởng” bạn nhận được chính là những kinh nghiệm học hỏi trong công việc. Vì thế, trước khi đi thực tập, nhất là ở một thành phố khác với thành phố bạn sinh sống, hãy chuẩn bị trước các khoản chi như chi phí cho việc di chuyển, mua sắm thiết bị văn phòng và trang phục đi làm, chi phí sống và sinh hoạt cá nhân ở những đô thị lớn, chi phí đăng ký thêm một số giấy tờ để được đi làm hợp pháp theo yêu cầu luật lao động của nước sở tại và cũng phải tính toán đến việc thu nhập của bạn sẽ suy giảm đáng kể vì không thể đi làm thêm vào thời gian thực tập.
>> Đi thực tập ở nước ngoài là một cơ hội lớn, hãy bắt lấy!
2. Vừa học vừa làm qua các dự án tích hợp
Các trường Đại học ở nước ngoài thường tích hợp các dự án thực tế vào các học kỳ & môn học đặc biệt, cho phép sinh viên vừa lên lớp, vừa góp mặt vào các dự án của công ty. Những dự án này thường là thành quả hợp tác giữa nhà trường với các đối tác uy tín để chạy những dự án kinh doanh/ nghiên cứu có giá trị cho sự vận hành của đối tác đó. Khi đó, nhà trường sẽ cho phép sinh viên dành thời gian cho doanh nghiệp, song song với giờ lên lớp, hoặc dành hẳn một thời gian chỉ tập trung cho dự án rồi mới trở lại trường học.
Tuy nhiên, hình thức “vừa học, vừa làm” này không phải lúc nào cũng phù hợp với mọi ngành học. Chẳng hạn như một du học sinh ngành sư phạm luôn cần có kỹ năng thực hành tốt nên có thể được đào tạo theo hình thức này, nhưng một sinh viên ngành toán thì không bao giờ được nhà trường cho phép làm điều này.
Các khoá học này (work-based course/ sandwich course) sẽ tập trung chủ yếu vào những kỹ năng cụ thể có thể áp dụng vào thực tế công việc, nên giờ học lý thuyết trên lớp không bị gò bó theo nội dung hàn lâm. Nhờ đó, du học sinh có ưu điểm là có thể chủ động đăng ký đi làm ở các vị trí công việc và dự án tương tự ngay sau tốt nghiệp.
Với những trường chưa áp dụng hình thức đào tạo này, du học sinh hoàn toàn có thể tự tìm kiếm cơ hội làm việc để phát triển chuyên môn của riêng mình. Các trường đại học nước ngoài muốn thật nhiều sinh viên có việc làm và thành danh ngay sau khi tốt nghiệp vì đó là cách nâng cao uy tín của trường. Do vậy, một bộ phận việc làm của trường luôn hỗ trợ du học sinh săn tìm cơ hội thực tâp và chuẩn bị hồ sơ thông qua các buổi huấn luyện kỹ năng như: kỹ năng phỏng vấn, kỹ năng làm CV, kỹ năng làm việc nhóm… Bạn có thể tìm đến bộ phận liên quan của trường để xin tư vấn thêm.
>> Năm học sandwich (sandwich-year) là gì?
3. Đi làm thêm ngoài giờ học
Đừng bao giờ coi thường những công việc làm thêm, bởi lẽ bạn có thể học được không ít điều trong quá trình này mà vẫn đảm bảo có thêm thu nhập cá nhân.
Một công việc bán hàng tưởng chừng bình thường nhưng lại có thể dạy du học sinh những bài học xử lý tai nạn chăm sóc khách hàng hoặc về kỹ năng quản lý chuỗi thực phẩm chẳng hạn. Bằng cấp không thể chứng minh được hết những kỹ năng thực tế này, nên kinh nghiệm làm thêm đôi khi lại là bằng chứng nặng ký trước nhà tuyển dụng.
Mỗi du học sinh lại có một lý do và mục tiêu khác nhau để rồi chọn cho mình những công việc làm thêm thích hợp. Có thể công việc đến với bạn hoàn toàn tình cờ, và không phải lúc nào nó cũng liên quan với ngành học, nhưng nếu biết cách tận dụng cơ hội này, bạn vẫn có thể đưa ra những lí lẽ về kỹ năng học được từ nó khi đối diện với nhà tuyển dụng.
Bạn nên cân nhắc thật kỹ về sở trường cá nhân, thời gian, ngành học, “cái được mất” của việc làm để có một trải nghiệm làm thêm ý nghĩa ở nước ngoài!