Thông tin du học
Du học nước ngoài: LÊN KẾ HOẠCH DU HỌC

Bí quyết viết luận (assignment) đúng và hay

111.1K
bi quyet viet luan assignmen khi di du hoc

Bên cạnh thuyết trình và bài tập nhóm, viết luận là một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá chất lượng học tập cho từng kì học. Tùy theo quy chế của trường và ngành học mà giáo viên đưa ra tỉ lệ phần trăm của bài luận để hợp thức hóa môn học. Chẳng hạn, theo Raluca Popescu, cựu sinh viên ngành International and European Law ở The Hague University of Applied Sciences (The Hague, Hà Lan), tỉ lệ phần trăm của kết quả bài luận để thông qua năm học là 30% cho tất cả các môn (tỉ lệ này cho năm nhất là 20%). Chính vì tầm quan trọng của viết luận, bạn nên trang bị cho mình những bí quyết để viết luận thành công.

 

>> Viết bài tự luận (personal statement) như thế nào cho ấn tượng?

 

Cấu trúc mạch lạc

 

Cũng như những bài luận ở Việt Nam, việc lên cấu trúc cho bài luận là điều đầu tiên cần làm. Bạn không nên bắt tay vào viết ngay phần mở đầu khi không biết mình sẽ đưa ra những ý gì ở phần thân bài. Trước hết hãy suy nghĩ và viết lên giấy nháp những luận điểm quan trọng bạn muốn đề cập và nguồn tham khảo đi cùng với mỗi luận điểm ấy. Một bài luận xuất sắc sẽ mạch lạc từ ý này sang ý khác và không vòng vo.

 

Trong phần mở bài, các câu hỏi hoặc vấn đề cần thảo luận nên được trình bày rõ ràng để khái quát điều mà người viết đang đề cập. Những vấn đề này sẽ được trình bày và giải quyết trong phần thân bài một cách sâu sắc, tỉ mỉ hơn dưới dạng các luận điểm chính, và đi kèm với mỗi luận điểm là lập luận, quan điểm của tác giả cùng những dẫn chứng minh họa.

 

Phần kết luận, bạn phải tóm tắt lại nội dung đã giới thiệu và phân tích trong phần thân bài để người đọc có được cái nhìn tổng thể toàn bài. Hai cách kết bài thông thường đó là tóm gọn lại nội dung vấn đề cần thảo luận hoặc đưa ra câu hỏi để gợi mở một vấn đề mới. Quy tắc quan trọng là nếu người đọc chỉ đọc phần mở đầu và kết luận, họ cũng có thể nhận ra những ý chính được đề cập trong bài luận. 

 

Thuyết phục người đọc bằng dẫn chứng

 

Để “ăn điểm” phần nội dung, bạn đặc biệt nên chú ý tới thân bài. Khi viết luận, bạn nên chia vấn đề thành các luận điểm lớn và thành từng đoạn riêng biệt để dễ phân tích cũng như để thuận tiện cho sự theo dõi của người đọc, tránh trường hợp chưa giải quyết được luận điểm này đã nhảy sang luận điểm khác vì sẽ khiến người đọc có cảm giác vấn đề không được giải quyết thấu đáo.

 

Kinh nghiệm giữ cho bài luận “đi theo một đường thẳng xuyên suốt” với đề tài chính là bạn hãy chắc chắn thường xuyên nhắc đến vấn đề/câu hỏi mà đề bài đưa ra. Khi kết thúc một luận điểm chính ở phần thân bài, bạn nên tự hỏi lại tại sao những gì vừa trình bày có liên quan đến đề bài (và nếu chưa thỏa đáng thì có nên đào sâu hoặc bỏ ý vừa xong). Cách này sẽ giúp bạn luôn đi đúng hướng và tạo ra móc xích liên kết với đoạn tiếp sau.

 

Sử dụng dẫn chứng sau mỗi luận điểm cũng là một cách làm phổ biến để tạo sức thuyết phục cho bài viết. Dẫn chứng ở đây có thể là trích dẫn trong một tác phẩm chuyên ngành, một học thuyết, một số liệu cập nhật nào đó mang tính thời sự hay câu nói của người nổi tiếng. Dẫn chứng càng mang tính thời sự, độc đáo sẽ càng thu hút được sự chú ý của người đọc. Đối với những bài luận yêu cầu quan điểm cá nhân, các dẫn chứng “dựa trên một câu chuyện có thật” từ trải nghiệm của bản thân sẽ giúp bạn nổi bật.

 

Đọc kỹ bài luận (bởi nhiều người) trước khi nộp

 

Ngữ pháp, chính tả và cách xây dựng câu cú vô cùng quan trọng với một bài luận, đặc biệt là với các ngành học thuộc lĩnh vực Khoa Học Xã Hội và Truyền thông. Ở khoa Thông tin Truyền thông (Viện Đại Học Khoa Học Công Nghệ Besancon, Pháp), Expression trở thành môn học “hắc ám” của sinh viên vì cô giáo bộ môn sẵn sàng trừ 0,5 điểm cho một lỗi chính tả.  Sinh viên trong khoa vẫn thường truyền tụng giai thoại đã có một anh bạn bị 20 điểm âm vì sai quá nhiều lỗi chính tả trong bài luận. Tất nhiên, các sinh viên nước ngoài sẽ được du di cho một số lỗi khó, nhưng đối với các lỗi chính tả cơ bản, họ vẫn phải nhận điểm trừ không thương tiếc. Để khắc phục nhược điểm này, cách duy nhất là luyện viết thường xuyên. Bạn cần phải đọc đi đọc lại bài luận, cũng như nhờ người khác đọc vì người ngoài sẽ dễ nhận ra lỗi hơn chính người viết. Nhớ rằng đừng nộp bản viết đầu ngay lập tức, vì nó có khả năng nhiều lỗi sai. Để bản thân nghỉ ngơi 1 – 2 ngày rồi hãy quay lại đọc bài luận với đầu óc tỉnh táo, lúc đó lỗi sai sẽ dễ dàng tìm thấy hơn (và bạn cũng có thời gian nhờ trợ giảng hay bạn bè đọc hộ bài để cùng “săn” lỗi sai của nhau chẳng hạn). Lời khuyên này không chỉ dành viết luận mà còn cho tất cả những văn bản viết bằng tiếng nước ngoài như: viết bài tự luậnviết writing task 2 cho bài thi IELTS

 

Hotcourses gợi ý các bạn hãy sử dụng những công cụ sửa lỗi chính tả hay ngữ pháp được cài sẵn trong Microsoft Word hay phiên bản miễn phí của Grammarly

>> 10 thực tế mà bạn sẽ gặp phải khi chuẩn bị luận án tốt nghiệp

 

Thêm một vấn đề thường gặp của học sinh Việt Nam được giáo viên nước ngoài chỉ ra là thường xuyên sử dụng những từ “đao to búa lớn” và luôn cố gắng đa dạng hóa từ ngữ. Đồng ý rằng không nên lặp đi lặp lại một từ xuyên suốt cả bài viết, nhưng bạn hãy chắc chắn tìm ra đúng từ để thay thế. Có nhiều từ đồng nghĩa dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt nhưng ngữ cảnh của chúng lại khác nhau. Sử dụng không đúng chỗ sẽ làm lộ rõ khuyết điểm ngoại ngữ và đánh mất sự tự nhiên, liền mạch của bài viết. Ví dụ, một câu văn trông có vẻ phức tạp nhưng thực ra rất khó hiểu như “I established a dissimilar automobile itinerary this daybreak” có thể được viết một cách đơn giản hơn là “I found a new bus route this morning”.

 

Lời khuyên là đừng nên lo lắng về việc cho người đọc thấy bạn có “núi” từ vựng phong phú như thế nào mà hãy tập trung vào ý chính, lý lẽ logic cùng với những chứng cứ hay, số liệu chính xác và kết luận thông minh, bởi những yếu tố trên chính là “công thức” giúp bạn để lại ấn tượng tốt nhất khi viết luận.

 

Những lời khuyên bỏ túi cho một bài luận thuyết phục

 

  • Hãy bắt đầu sớm: Bạn nên cho bản thân nhiều thời gian để suy nghĩ về những gì bạn sẽ viết và bàn luận. Giảng viên dễ dàng nhận ra đâu là bài được viết trong 2 ngày và bài được chuẩn bị cả một tuần trước! Do đó, đừng chủ quan rằng một bài tiểu luận 2000 từ “không là gì khó khăn” mà chờ đến hạn nộp bài mới cắm cúi vào viết. Hãy thử phương pháp đặt mục tiêu viết, ví dụ 500 từ/ngày để giảm tải căng thẳng và có thời gian suy nghĩ kỹ càng trước khi đặt bút viết.

  • Trong quá trình lập dàn ý, bạn cần đọc trước những tài liệu được cung cấp bởi giảng viên. Bài luận của bạn sẽ có điểm cộng nếu bạn cho thấy mình đã đọc những tài liệu liên quan và biết cách vận dụng dẫn chứng.

  • Cuối mỗi bài luận là phần dẫn nguồn tham khảo. Mỗi ngành học sẽ có một phong cách dẫn nguồn riêng biệt. Ví dụ, các ngành Khoa học Nhân văn sẽ sử dụng lối dẫn nguồn MLA của Modern Language Association (Hội Ngôn ngữ Hiện đại). Trong khi đó, các ngành Khoa học Xã hội sử dụng lối dẫn nguồn APA của American Psychological Association (Hội Tâm lí Hoa Kỳ). Nếu không có “động tác” này, bạn sẽ gặp rắc rối nhiều hơn bạn tưởng, thậm chí còn có thể bị nhà trường áp dụng các hình thức kỷ luật và quy tội đạo văn. Nếu bạn gặp khó khăn khi dẫn nguồn, hãy dùng Citation Machine để có một phần "Nguồn tham khảo" đúng và đẹp nhé! Sau đó bạn hãy dùng các trang web lọc đạo văn như Urkund, Turnitin hoặc công cụ lọc đạo văn của nhà trường (nếu trường bạn có áp dụng hình thức này đối với các bài luận nộp qua mạng) trước khi nộp nhé!

  • Lưu lại danh sách nguồn tham khảo sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức. Việc tổng hợp lại nguồn tham khảo tốn thời gian hơn bạn nghĩ, nên để dễ dàng hơn bạn nên tạo một danh sách những nguồn bạn đã sử dụng. Nhớ là hãy ghi lại số trang có thông tin từ sách hay đường link.

  • Và những trang web tham khảo như Voices of Youth (với những góc nhìn đa chiều trước các vấn đề nổi cộm của thế giới), Google Scholar hay Online Writing Lab (chuyên cung cấp chi tiết các trích dẫn từ tác phẩm, sách báo, tài liệu giảng viên và thậm chí là các bài tập ESL) sẽ giúp bạn tích lũy những kiến thức và kỹ năng viết luận quý báu! 

 

Bài viết được cập nhật bởi Lê Hải Vân vào ngày 23 tháng 6 năm 2021.

Không thể bỏ lỡ

article Img

Các chiêu trò tư vấn du học lừa đảo làm bạn mất tiền oan

Để chọn trường, chọn ngành và chuẩn bị hồ sơ để đi du học một cách suôn sẻ, việc lựa chọn một trung tâm tư vấn du học đáng tin cậy là rất quan trọng. Tuy nhiên, không ít học sinh và gia đình bị dụ dỗ bởi các công ty tư vấn du học lừa đảo với những chiêu trò ngày càng tinh vi. Qua bài viết sau, Hotcourses Vietnam sẽ giúp bạn định vị các chiêu thức lừa đảo mới đồng thời gợi ý trung tâm tư vấn du học uy tín và miễn phí. Bắt đầu thôi!   Chiêu trò

107.7K
article Img

Có nên học thạc sĩ?

Đối với rất nhiều sinh viên, sau khi hoàn thành bằng cử nhân thì nghĩ ngay tới việc tiếp tục học lên cao và nhất là đi du học. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều bạn sinh viên và du học sinh đặt ra những câu hỏi như “Học thạc sĩ để làm gì?”, “Bằng thạc sĩ có tác dụng gì?” hay thậm chí “Có nên học thạc sĩ?”. Để có những nhận định rõ ràng hơn về lợi ích cũng như tầm quan trọng của việc học thạc sĩ đối với bản thân, hãy theo dõi bài viết dưới đây nhé!  

36.9K
article Img

Nên học MBA ở đâu: Top trường đại học có chương trình MBA tốt

Chương trình học MBA ra đời nhằm mục đích trang bị cho người học những kỹ năng và kiến thức cần thiết cho sự nghiệp kinh doanh và quản lý. Tuy nhiên, học MBA ở đâu tốt, chương trình MBA quốc tế liệu có phù hợp với bạn? Hotcourses Vietnam sẽ đưa ra những trường có khoá học MBA tốt tại Mỹ, Úc, Anh, New Zealand, Canada và Ireland, được xếp hạng trong QS Ranking năm 2023. Hy vọng bạn sẽ tự trả lời được cho bản thân câu hỏi “Nên học MBA ở đâu?”.   >

26.9K
article Img

10 câu hỏi quan trọng khi chọn trường du học

Khi đã thích ứng với xã hội bình thường mới sau đại dịch,  nhiều sinh viên bắt đầu “rục rịch” chuẩn bị cho giấc mơ du học và cân nhắc lựa chọn các điểm đến có nền giáo dục tốt nhất. Cùng lúc đó các trường đại học cũng tự đổi mới mình để đem đến các khóa học toàn diện và tốt nhất. Dưới đây là 10 câu hỏi mà bạn có thể đặt ra cho đại diện trường mà bạn đang cân nhắc du học.   1. “Tôi sẽ sống ở đâu?” - ‘Where can I live?’ Đâu là các

19.5K