Thông tin du học Mỹ
Mỹ: ĐẾN CHÂN TRỜI MỚI - Không thể bỏ lỡ

Bí quyết vững lý thuyết, chắc thực hành từ sinh viên Minerva, ĐH có tỉ lệ chọi cao nhất nước Mỹ

1.2K
kinh nghiệm du học Đại học Minerva

“Du học Mỹ có khó không?” là băn khoăn của rất nhiều bạn học sinh đang ấp ủ giấc mơ học tại xứ sở cờ hoa. Bên cạnh đó, làm thế nào để học tốt và áp dụng kiến thức đã học vào công cuộc tìm kiếm vị trí thực tập phù hợp cũng là những trăn trở phổ biến. Qua chia sẻ của bạn Đoàn Phương Linh, sinh viên năm 2 Đại học Minerva cũng là ngôi trường có tỉ lệ chọi cao nhất nước Mỹ, Hotcourses Vietnam sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc kể trên. Hiện tại Linh đang theo học ngành Khoa học xã hội và kinh doanh với kết quả GPA 3.9/4.0 và đã từng thực tập với vị trí Partnership and Ecosystem Catalyst Intern tại EDGEof, Nhật Bản.

 

>> Đi thực tập ở nước ngoài là một cơ hội lớn, hãy bắt lấy!

 

Để đạt kết quả tốt ở môi trường khai phóng? Hãy chủ động tự học tối thiểu 40 tiếng/tuần

 

Đặc thù của Đại học Minerva đó là trong 4 năm học, sinh viên sẽ được học tại 7 thành phố lớn ở 7 quốc gia khác nhau bao gồm San Francisco (Mỹ) Seoul (Hàn Quốc), Hyderabad (Ấn Độ) Berlin (Đức), Buenos Aires (Argentina) London (Anh) và Đài Bắc (Đài Loan). Bởi vậy, cái khó cho sinh viên Minerva là làm sao có thể thích nghi với môi trường mới càng nhanh càng tốt. Không chỉ vậy, điều quan trọng là sinh viên cần tập trung học tốt ngay tại quốc gia mình đang sống vì nếu bị trượt môn bạn sẽ phải học lại khi sang quốc gia khác. Khi đó, khó khăn về vấn đề lệch múi giờ, thích nghi văn hóa, việc học lại các lớp đang ở quốc gia khác sẽ trở nên vất vả hơn rất nhiều.

 

Đại học Minerva là ngôi trường có tỉ lệ chọi cao nhất Hoa Kỳ

 

Đại học Minerva là trường liberal art nên năm đầu tiên, sinh viên phải học dàn trải 4 môn đó là hệ thống phức tạp (Complex System), phân tích chính thức (Formal Analysis), truyền thông đa phương thức (Multimodal communication) và phân tích thực nghiệm (Empirical Analysis). Vì trường không có học xá nên các lớp học tại Minerva đều diễn ra trực tuyến. Mỗi lớp học có nhiều nhất 19 học viên, do vậy thầy cô sẽ nắm bắt rất rõ tình hình của mọi người trong lớp. Sinh viên được yêu cầu liên tục đưa ra ý kiến, thảo luận vì thế đòi hỏi sự tập trung cao độ và chuẩn bị bài kĩ lưỡng trước khi học, nếu không bạn sẽ rất dễ bị bỏ lại phía sau so với các bạn hoặc thậm chí bị đánh vắng bởi giáo viên nếu các câu trả lời quá kém, thể hiện sự thiếu chuẩn bị cho bài học.

 

Một tuần sinh viên học 4 ngày, mỗi ngày lên lớp 3 tiếng (1.5 tiếng/lớp) nhưng phải tự học từ 40-60 tiếng/tuần. Bởi mỗi lần lên lớp, bọn mình phải tự tìm hiểu một lượng thông tin vô cùng lớn, liên tục trau dồi vốn sống bằng cách tham gia các hoạt động và đọc sách. Nhờ việc tự tìm tòi, tự học hỏi, sinh viên được phát triển tính sáng tạo và đam mê cá nhân. Minerva có tiêu chí chấm điểm khá hay đó là bài tập phải có tính sáng tạo thì mới được đánh giá cao và được điểm tối đa. Do đó, nếu không học vì đam mê cá nhân, bạn sẽ khó có động lực mạnh mẽ vừa để vượt qua được lương bài tập khổng lồ vừa thể hiện được tính sáng tạo của mình. Tư duy mình luôn giữ vững cho bản thân để học tốt đó là học vì đam mê, học để tạo ra thay đổi tích cực.

 

Mỗi tuần, sinh viên Minerva sẽ phải tự học từ 40 đến 60 tiếng

 

Từ khi học ở Minerva và được tiếp xúc với môi trường toàn cầu hóa, mình nhận ra rằng nếu việc học chỉ vì một công việc thì kết quả mang lại không bền vững bằng việc học vì đam mê, vì những thay đổi… (chẳng hạn có những công việc chưa bao giờ nghe tới trước đây giờ lại rất được ưa chuộng, hay có những công việc mình đã quá quen nhưng trong thực tế lại mai một dần).

 

>> 3 trải nghiệm sẽ giúp bạn tích lũy kỹ năng làm việc thời du học

 

Ở Minerva, sinh viên không có thi cử nhưng phải làm dự án và các dự án ở Minerva thì cực lớn và áp dụng thực tế nhiều, nên có những bài tập mình mất gần 2 tuần mới xong. Trường sẽ dạy các kiến thức lý thuyết, công cụ trên lớp để sinh viên áp dụng vào các dự án này. Có một dạng bài tập mình rất thích đó là location-based assignment (LBA). Lớp nào cũng phải có một bài/một học kì. Đề bài gần đây nhất của mình yêu cầu phải tương tác với 1 tổ chức/công ty tại thành phố mình đang sống và đề ra chiến lược cho công ty để bước vào thị trường mới. Để làm được bài tập này, mình đã phỏng vấn CEO của Cure.fit – công ty sức khỏe, thể hình nổi tiếng ở Ấn Độ và viết kế hoạch để trực tiếp đề xuất chiến lược mở rộng công ty ra thị trường Đông Nam Á, cụ thể là ở Việt Nam.

 

Để có một cuộc thực tập thành công? Hãy bước ra khỏi vùng an toàn!

 

Để đảm bảo tìm được cơ hội thực tập tại một nơi uy tín và an toàn, mình thường thông qua các mối quan hệ từ trường đại học, bởi hầu hết các trường đại học Mỹ đều sở hữu một mạng lưới quan hệ rộng khắp với nhiều công ty lớn, theo đó các công ty cũng có hệ thống tuyển dụng được sàng lọc ưu tiên cho sinh viên các trường đối tác.

 

Không những vậy, trường học còn giúp mình làm các thủ tục giấy tờ quan trọng khác. Ví dụ, năm ngoái khi còn là du học sinh Mỹ, mình có thực tập cho một công ty ở Nhật Bản. Do hai nước có những yêu cầu visa khác nhau, trường đã lo cho mình từ A-Z trong các khâu quan trọng đó bao gồm tìm hiểu xem mình thuộc loại visa gì, liên lạc với công ty… thậm chí còn giúp mình làm giấy tờ visa và chứng minh tài chính.

 

Để tìm kiếm công ty phù hợp với năng lực của mình, hãy đi từ đam mê và niềm yêu thích của bản thân. Phải xác định xem bản thân muốn tìm hiểu điều gì, khả năng của mình tới đâu, có ứng dụng được những điều mình học hay không. Ví dụ như hết năm nhất, mình rất thích môn Complex System vì mình được học cách ứng dụng khoa học để xây dựng kế hoạch cho cả một công ty. Vì thế, mình tìm kiếm cơ hội thực tập với vị trí là Ecosystem Catalyst.

 

Kinh nghiệm trở thành sinh viên của môi trường đa văn hóa ở Minerva

đã giúp mình rất nhiều khi đi thực tập

 

Nhiệm vụ của mình là lên các chiến lược để mọi người trong công ty tương tác với nhau tốt hơn. Sau đó, mình nghiên cứu công ty để biết yêu cầu công việc với sinh viên là gì, môi trường làm việc thế nào, văn hóa của họ phù hợp với những người như thế nào. Để thuyết phục công ty chọn mình, mình phải thể hiện rõ điểm mạnh cá nhân và vì sao điểm mạnh đó phù hợp với tiêu chí của công ty. Ví dụ, mình chọn các công ty đề cao môi trường làm việc đa văn hóa, mình thể hiện được điểm mạnh của mình đó là có trải nghiệm toàn cầu (nhờ môi trường học tập tại Minerva trong 4 năm), có khả năng linh hoạt và kinh nghiệm làm việc cho startup (nhờ trải nghiệm gap year 3 năm của mình và mình cũng thành lập một vài dự án cá nhân riêng), có khả năng nghiên cứu (nhờ kinh nghiệm mình có được khi học Minerva),... Một điều quan trọng mình muốn lưu ý đó là việc thể hiện rõ các kĩ năng chuyển giao của mình (transferable skills) trong CV hay khi phỏng vấn. Các kĩ năng chuyển giao tức là các kỹ năng mình có được và thuần thục khi làm một vị trí nhất định trong quá khứ và chúng có ích cũng như bổ trợ cho các vị trí khác của mình trong tương lai.

 

>> Trải nghiệm “săn” thực tập tại Mỹ: 8 tháng tăng tốc và 7 lần thất bại

 

Để hòa nhập tốt ở môi trường mới tại công ty, mình thường có các cuộc gọi trực tiếp với sếp ở công ty để biết trước về tình hình, các dự án tại đây cũng như thể hiện con người mình nhằm tạo dựng lòng tin. Mình cũng dành cho bản thân 1 tháng nghỉ ngơi ở nhà trước khi đi thực tập, vừa có thời gian thư giãn, vừa có thể chuẩn bị một vài kiến thức cần thiết liên quan tới công việc mình sắp đảm nhiệm.

 

Để hoàn thành tốt các công việc khi đi làm, mình học cách khiêm tốn, lắng nghe và quan sát nhiều hơn. Mình sẽ không cố gắng chứng tỏ bản thân một cách sáo rỗng, thay vào đó, mình hỏi mọi người nhiều và chủ động trình bày ý kiến cá nhân. Môi trường trong các công ty tốt rất hỗ trợ và cởi mở đối với người mới. Khoảng thời gian đầu, mình tập trung làm quen về văn hóa công ty, trách nhiệm và tỉ mỉ cho các công việc được giao dù là nhỏ nhất. Bởi sau 1-2 tuần đầu, khi họ hiểu rõ tính cách và khả năng của mình, họ sẽ sẵn sàng giao thêm việc phù hợp với năng lực. Một trải nghiệm đáng nhớ của mình khi đi làm đó là dự án phát triển chương trình lãnh đạo từ trường Đại học MIT, Mỹ cho 140 lãnh đạo tại Tokyo trong 1 tuần. Đây là một dự án được tài trợ bởi một khoản đầu tư lớn nên ban đầu khi một nhóm chỉ có mình và 4 bạn khác cùng chạy dự án này, mình cảm thấy khá lo lắng. Tuy nhiên, mình đã vượt qua bằng cách mạnh dạn hỏi, chủ động làm và phát huy tối đa khả năng. Có những ngày chúng mình làm việc liên tục từ 9 giờ tối tới 4-5 giờ sáng. Dự án thành công khiến mình cảm thấy rất vui và ý nghĩa.

 

 

Mình nhận ra rằng mọi người học được nhiều nhất khi rời khỏi vùng an toàn của mình. Do đó, mình thích việc được thử thách bản thân khi làm việc tại những quốc gia khác nhau, gặp những khó khăn và chinh phục được những khó khăn ấy.

 

Hotcourses Vietnam xin cảm ơn Linh về những chia sẻ vô cùng bổ ích và chi tiết. Chúc bạn gặt hái được nhiều thành công và ý nghĩa trên con đường theo đuổi đam mê của mình!

Study in the USA

Free

EBook Hướng dẫn du học Mỹ

Bạn thấy bài viết vô cùng hữu ích? Bạn có thể tìm thấy các bài viết tương tự đã được HCVN dày công biên soạn trong cuốn ebook Hướng dẫn du học Mỹ trên nhé.

XEM NGAY

Không thể bỏ lỡ

article Img

Kinh nghiệm đạt GPA 4.0 suốt 4 năm liền du học Mỹ bậc cử nhân

Học hỏi kinh nghiệm học tập từ những người đi trước sẽ giúp bạn có sự chuẩn bị tốt nhất cho hành trình du học nơi xứ người. Bài viết dưới đây là chia sẻ của bạn Nguyễn Việt Hà My, sinh viên từng đạt được GPA 4.0 trong 4 năm học liên tiếp ngành Tâm lý học, tại Liberty University . Hiện Hà My đang theo học thạc sĩ ngành Tâm lý học phát triển ứng dụng (Applied Developmental Psychology) tại George Mason University .   >> Tìm hiểu du học

2.3K
article Img

Tác giả Đỗ Liên Quang: “Tại Mỹ, mình có cơ hội để phát triển bản thân nhiều nhất”

Đỗ Liên Quang hiện đang là Product Manager tại Amazon Web Services. Anh lớn lên ở thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk và nhận được học bổng du học Hà lan của United World Colleges vào năm lớp 11, sau đó là học bổng cử nhân của Đại học Duke, Hoa Kỳ. Cùng Hotcourses Việt Nam trò chuyện với Quang về tinh thần vượt lên khó khăn, quá trình săn học bổng du học toàn phần, góc nhìn trong ngành Neuroscienece, và cuốn hồi ký du học giàu cảm hứng của anh: Trường

1.5K
article Img

Hành trình thích nghi văn hóa Mỹ: từ tưởng tượng đến thực tế

Trước khi qua Mỹ du học, mình từng có thời gian du học ở một nước tại Đông Nam Á và hơn 5 năm kinh nghiệm làm việc, tính ra cũng khá “từng trải” và “già đời”. Thế nhưng, thực tế những ngày đầu du học Mỹ vẫn làm mình khá ngỡ ngàng. Đây là câu chuyện thật của mình sau một năm bôn ba trên đất Mỹ, và các lời khuyên đưa ra hoàn toàn dựa trên quan điểm cá nhân. Hi vọng những chia sẻ sau đây có thể giúp các bạn có được một góc nhìn thực tế, và xa hơn là giúp rút ngắn quá

1.3K
article Img

4 bài học “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” của riêng mình

Mình đã sống xa nhà đến nay là gần bảy năm tính cả hồi trung học phổ thông ở Hà Nội và du học bên Mỹ. Đó là khoảng 1/3 cuộc đời của mình cho tới hiện tại. Sống xa nhà làm mình nhớ gia đình, nhớ đồ mẹ nấu và những buổi quây quần bên người thân. Tuy nhiên, sống xa nhà đã làm mình trưởng thành lên rất nhiều mặc dù đó là cả một chặng đường chông gai. Dưới đây là bốn bài học mình nhận ra được sau nhiều năm sống xa gia đình.   >> 7 bài học cuộc sống

1.1K