Thông tin du học Mỹ
Mỹ: HƯỚNG NGHIỆP - Không thể bỏ lỡ

Trải nghiệm “săn” thực tập tại Mỹ: 8 tháng tăng tốc và 7 lần thất bại!

Trai nghiem xin thuc tap tai My

Tháng vừa rồi mình đã nhận được rất nhiều lời chúc mừng từ bạn bè khi biết mình nhận được một cuộc thực tập hè rất tốt. Để có được thành công đó, mình đã thất bại hàng trăm lần và phải cố gắng không ngừng nghỉ suốt ba năm qua tại Mỹ. Đặc biệt trong vòng 8 tháng trở lại đây, mình đã không biết bao nhiêu lần cố gắng giữ ngọn lửa đi tiếp trên con đường đầy khó khăn này với lời nhắn nhủ dành cho chính mình: “Don’t be afraid to fail. Be afraid not to try!”

 

Sau 9 tháng dày công xin thực tập tại Mỹ, mình đã rút ra được một bài học rất lớn (mà có lẽ bạn đã từng nghe đâu đó chia sẻ): để có được thành công, bạn sẽ phải tự mình đứng lên sau rất nhiều vấp ngã.

 

Và đây là câu chuyện của mình:

 

Trước khi kể về quá trình, mình muốn làm rõ là tại sao sinh viên Mỹ, hay đặc biệt là du học sinh ở Mỹ lại cần thực tập đến vậy. Ở Mỹ, việc ở lại quốc gia này sau khi học xong là rất khó khăn vì các chính sách chính trị, cộng thêm việc tìm nhà tài trợ/ bảo lãnh cũng rất khó nên sinh viên quốc tế cần phải có một nơi làm việc hoặc học tập thật tốt thì cơ hội được bảo lãnh sẽ cao hơn. Thông thường, sinh viên sau khi thực tập xong sẽ nhận được lời mời làm việc sau khi tốt nghiệp. Vì vậy du học sinh, nếu có được thực tập năm ba, thì gần như cầm chắc tấm vé ở lại nước Mỹ trong vòng ít nhất vài ba năm tiếp theo.

 

Từ năm đầu tiên du học Mỹ, mình cũng đã nghe ngóng nhiều về việc tìm thực tập. Nhưng do chưa có kinh nghiệm và kết quả học tập nên rất khó tìm được thực tập ngay. Phải đến năm hai thì mình mới có thực tập đầu tiên về khởi nghiệp cho cộng đồng (Entrepreneurship for the Public Good) tại trường. Mình cũng đã cố gắng apply làm nghiên cứu kinh tế tại Việt Nam cho dịp hè nhưng không được nhận do thiếu các lớp cần thiết.

 

Sau đây là 8 tháng gần nhất mà mình đã chuẩn bị cho việc xin thực tập:

 

Tháng 6/2018: Mình bắt đầu tìm hiểu làm sao để nhận được thực tập năm ba tại Mỹ. Mình bắt đầu hành trình này rất… mông lung và ngây ngô. Nhiều bạn du học sinh Việt Nam tại Mỹ nói với mình khi bắt đầu quá trình này, các bạn không biết muốn làm gì. Mình thì khác vì mình muốn làm quá nhiều thứ. Cái gì cũng thấy hay và hấp dẫn, cái gì cũng thấy có cơ hội và hi vọng.

 

Mình bắt đầu nói chuyện và gọi điện cho những người mình quen biết để hỏi về làm sao để nộp hồ sơ. Tuy nhiên, do mình muốn làm quá nhiều thứ nhưng lại không biết chi tiết những thứ đó cần gì, mình đã phạm phải sai lầm đầu tiên trong quá trình này: thiếu tập trung.

 

Tháng 7/2018: Song song với việc thực tập tại kinh doanh vì cộng đồng (EPG), mình dành thời gian gọi điện và nói chuyện mỗi cuối tuần với cựu sinh viên tại trường hay vài anh chị người Việt đã có công việc tại Mỹ. Nhưng cả tháng 7 này, dù nói chuyện rất nhiều, cái cuối cùng mình nhận ra là tìm kiếm thực tập ở Mỹ ngành Tài chính ngân hàng là vô cùng khó khăn và cơ hội dành cho du học sinh ở trường lẻ như mình thì gần như là con số 0 tròn trĩnh. 

 

Tháng 8/2018: Mình vô cùng may mắn vì tình cờ biết tới hội thảo Vòng Tay Nước Mỹ trên Facebook. Đây là chương trình hội tụ nhiều người Việt thành công trên nước Mỹ tới để chia sẻ về công việc và các cách để nhận được thực tập/công việc tại Mỹ. Mình còn may mắn hơn nữa đó là nhà trường tài trợ hẳn $1,000 cho mình để tới được hội thảo này ở Chicago. Hôm tới nơi ngủ ở khách sạn hạng sang, sáng gặp bác đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc mà còn không nhận ra, gọi các anh làm việc cho bác là cậu với tớ, xong đến lúc bác phát biểu tại chương trình mới làm mình ngẩn ngơ, tự dưng vừa thấy buồn cười vừa thấy xấu hổ.

 

Đây cũng là lần đầu mình tự đi xa một mình ở Mỹ, cái gì cũng bỡ ngỡ và mới lạ, y như lần đầu từ quê ra Hà Nội học Chuyên Ngữ. Cảm giác lúc đó đầy phấn khởi vì một hành trình bắt đầu, nhưng cũng sờ sợ vì tương lai không rõ ra sao.

 

Tại hội thảo này, mình đã có duyên gặp gỡ với những anh chị người Việt thành công mà chân chất, tận tụy cho đàn em đi sau. Tới bây giờ, khi mình tìm được thực tập rồi, vẫn còn liên lạc và cập nhật thông tin với họ. Hôm tới chương trình và nói chuyện với họ, mình đã suýt khóc vì cảm thấy quá may mắn, cộng thêm những lời động viên và nghe những câu chuyện lăn lộn với tìm việc trên đất Mỹ để ngày hôm nay họ thành công đến vậy. Họ là những người mình tôn trọng vì cả tâm lẫn tài. Mình thực long ước sau này cũng sẽ được như họ.

 

Tháng 8 năm ngoái cũng là thời điểm mình gấp rút hoàn thiện hồ sơ trên LinkedIn, trang mạng xã hội cho những ai muốn tìm việc và giao lưu vì công việc.

 

Tháng 9/2018: Một cựu sinh viên của trường giới thiệu chương trình thực tập hè tại BlackRock, công ty quản lí tài sản lớn nhất nước Mỹ. Tuy nhiên chương trình này chỉ ưu tiên các bạn là người Châu Phi, Châu Mỹ Latinh, khuyết tật hay cộng đồng LGBTQ. Mình không thuộc loại nào trong số này cả, tuy nhiên mình cứ mạnh dạn nộp vì… có mất gì đâu, cùng lắm là không được nhận, mà việc này thì quá quen thuộc với mình rồi. Thế là mình apply và quên hẳn nó. Vẫn miệt mài gọi điện hàng tuần cho các anh chị đi trước xin kinh nghiệm, mình vẫn loay hoay không biết làm sao mới được nhận thực tập. Hai tuần sau ngày mình nộp hồ sơ (không chính quy) đó, mình rất bất ngờ nhận được thư muốn phỏng vấn từ văn phòng công ty ở New York! Đây sẽ là lần phỏng vấn đầu tiên trên nước Mỹ của mình và nó đến từ Blackrock!

 

Mình đã chuẩn bị rất nhiều và hi vọng rất nhiều. Đọc hồ sơ miêu tả công việc, mình đinh ninh sẽ được nhận vì công việc này đòi hỏi toán nhiều, mà toán thì là chuyên ngành chính của mình ở trường. Ngày mình phỏng vấn, mình… đờ đẫn với nhiều câu hỏi rất bất ngờ mà bản thân chưa bao giờ có dịp được rèn luyện. Cuộc phỏng vấn kéo dài chỉ 26 phút trong khi nó nên là 30 phút. Ngay lúc đó mình biết người phỏng vấn không có hứng thú với mình. Thất bại đầu tiên và quan trọng này đã cho mình một bài học: Để nhận được một công việc, cái quan trọng không phải bạn giỏi thế nào mà bạn phải làm cho người ta hứng thú với con người, tính cách và cách nói chuyện của bạn.

 

Thất vọng ê chề, mình nhắn tin cho anh S, một người mình quen tại Vòng Tay Nước Mỹ, cựu sinh viên Harvard chuyên ngành Xác suất thống kê, là người cực kì thông minh, hài hước, hay giúp đỡ mọi người và đặc biệt yêu quý Việt Nam và nói tiếng Việt rất giỏi. Mình nhắn tin xin anh 20 phút nói chuyện như với biết bao nhiêu người khác, nhưng với anh S, chỉ cần 10 phút thôi là anh đã hỏi em có muốn anh giới thiệu vào McKinsey không. McKinsey là công ty mơ ước của bao nhiêu sinh viên. Đó là một trong ba công ty tư vấn chiến lược hàng đầu nước Mỹ và thế giới. Thế là thất vọng lại chuyển sang hi vọng, mình lại miệt mài chuẩn bị hồ sơ và cách phỏng vấn.

 

McKinsey là một công ty vô cùng khó để vào làm việc. Nó lại càng khắt khe hơn với sinh viên trường lẻ như mình. Trong khi các bạn trường Ivy không cần làm vòng 1 (thi toán và đọc hiểu), mình đã phải làm vòng 1 này với vô vàn khó khăn. Mình đã kì vọng vòng toán rất nhiều nhưng vẫn bị trượt vì tốc độ trả lời câu hỏi quá nhanh. Bạn phải giải 1 bài toán vô cùng khó hoặc đọc một cái biểu đồ loằng ngoằng trong vòng 30 giây. Vì đây là công ty mình vô cùng yêu thích, lúc biết kết quả, mình đã khóc mất một buổi tối. Thế là cái vòng luẩn quẩn lại tiếp diễn: thất vọng => kỳ vọng => cố gắng => lại thất vọng => và tiếp tục kỳ vọng…

 

Sau thất bại lần hai, mình không còn gì phải sợ nữa, cứ nhắn tin bừa cho những ai mình nghĩ họ có thể giúp đỡ mặc dù ngại ngùng. Rất tình cờ, mình nhắn tin cho một chị quen được ở Vòng tay nước Mỹ. Chị N đang làm về tài chính ngân hàng ở Renewable Energy Group, một công ty lớn chuyên sản xuất năng lượng sạch ở bang Iowa. Sau khi nghe mình kể lể thất bại và cố gắng, chị hỏi có muốn vào bên tư vấn chiến lược cho công ty không. Mình đã vô cùng cảm ơn cơ hội này và lại tiếp tục chuẩn bị thật kĩ cho việc phỏng vấn. Vòng tuần hoàn lặp lại, hi vọng nối tiếp những thất vọng trong quá khứ.

 

Tháng 10/2018: Sau cuộc nói chuyện đầy may mắn với chị N, mình đã được bên công ty chị gọi điện cho cuộc phỏng vấn lần đầu tiên kéo dài 30 phút. Nhờ vào hai lần thất bại trước, cộng thêm nhiều tháng miệt mài chuẩn bị cách trả lời phỏng vấn, mình đã vượt qua vòng này không quá khó khăn. Hi vọng tiếp tục được đẩy lên cao nhưng thử thách vẫn còn đó. Mình tiếp tục tiến tới vòng hai là phỏng vấn với 5-6 người trong công ty. Lần này mình biết sẽ khó khăn hơn nên tìm mọi cách để chuẩn bị thật tốt.

 

Thật may mắn, mình lại được giới thiệu tới anh D, cũng là cựu học sinh Chuyên Ngữ, đã từng phỏng vấn với công ty này năm ngoái. Công việc ở công ty rất bận nên anh D không có thời gian rảnh cho tới 12h đêm, nhưng anh nhiệt tình đến nỗi hai đến ba tối liền, hai anh em gọi điện trao đổi công việc có lúc đến 1 giờ sáng. Mình rất trân trọng thời gian và sự giúp đỡ của những người này. Mình đã tự nhủ sẽ “pay it forward” (giúp đỡ những người đi sau) coi như lời cảm ơn của mình tới họ.

 

Cuộc phỏng vấn kéo dài 1 tiếng 30 phút căng thẳng và mệt mỏi, mình đã cố hết sức và luôn giữ bình tĩnh. Mặc dù vậy, mình vẫn trượt vòng hai và tạm gác lại giấc mơ tìm kiếm thực tập ở đây.

 

Mình đã lo lắng và suy sụp vài ngày bởi vì đã là cuối tháng 10, rất nhiều công ty đã xong phần tuyển thực tập sinh. Cộng thêm đó là mình không có nhiều mối quan hệ nên cơ hội phỏng vấn với bất kì công ty nào khác là rất khó. Mình chán nản, mất hi vọng nhiều lần và quan trọng nhất, mình cảm thấy cạn kiệt năng lượng và không thấy lối đi tương lai.

 

Mình là người làm gì cũng có mục đích. Mình cần có mục tiêu để đi tiếp và phấn đấu. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, mình cảm giác như đã cố gắng 500% sức lực, đã đặt hết tâm sức vào công việc và ý tưởng này nhưng mọi chuyện chẳng dẫn tới đâu. Mình bắt đầu băn khoăn và hỏi chính bản thân: Liệu đây có phải là công việc mình muốn làm? Liệu cố sống cố chết để được làm thực tập cho một công ty và nhận việc sau khi tốt nghiệp có phải là con đường mình thích? Liệu tài chính ngân hàng hay tư vấn chiến lược là những gì mình hướng tới…

 

Tháng 11/2018: Tháng 11 tới, mình vẫn dành nhiều thời gian apply qua mạng như một thói quen thường ngày. Kể từ tháng 8, trung bình một ngày mình apply khoảng 5 việc trên LinkedIn và Indeed, tới bây giờ là được 60 ngày, vậy là 300 đơn xin việc đã được rải đi khắp các nơi. Cứ thấy việc nào trên mạng là mình gửi hồ sơ. Phương châm mình lúc đó là “Apply nhầm còn hơn bỏ sót”, đằng nào cũng không mất gì cả nên cứ apply, mặc dù đã được khuyên là cơ hội được trả lời gần như là 0.

 

Quả thật thì mình không được nhận bất kì một lời mời phỏng vấn nào từ 300 đơn rải đi cả. Đơn giản không phải vì CV mình kém mà người ta có khi không đọc, các vị trí đã được phỏng vấn và định sẵn bởi những người nội bộ giới thiệu sinh viên rồi. Qua đây mình cũng muốn chia sẻ bài học về việc ứng tuyển trực tuyến. Mình không nghĩ là apply càng nhiều càng tốt như mình đã thử. Hãy dành thời gian apply đó tạo mối quan hệ trên LinkedIn hoặc viết một bức thư lịch sự và chi tiết tới ban nhân sự công ty để xin một cuộc phỏng vấn. Less is more (Ít mà nhiều).

 

Hiểu rằng chiến lược này không có kết quả, mình dành cả tháng 11 này suy nghĩ về những việc mình đã làm cũng như cân nhắc lại lối đi cho bản thân. Bên cạnh đó, mình cũng thả lỏng bản thân, cho phép mình được nghỉ ngơi đôi chút cho thư thả hòng nhẹ gánh áp lực.

 

Tháng 12/2018: Trong suốt tháng 11, mình đã nghĩ sẽ đi theo con đường nào nhanh nhất, dễ có việc nhất và lương lậu ổn thỏa. Câu trả lời cho những thứ này không quá khó. Ở Mỹ có một ngành vô cùng hot bây giờ đó là khoa học máy tính (computer science). Mình nói thật là dù học ngành toán nhưng có một lợi thế rất lớn để bước vào lãnh địa khoa học máy tính, nhưng… mình không có đam mê lắm. Mình nghĩ sẽ đi theo hướng này chỉ vì nó đang thịnh, việc nhiều và lương cao. Mình bắt đầu tìm hiểu ngành này và nói chuyện với các giáo sư xin ý kiến. Càng tìm hiểu sâu thì mình càng thấy mình không thích việc này. Mình thích học lý thuyết hơn áp dụng. Tuy nhiên, mình vẫn giữ quan điểm đó là có kiến thức đôi chút về ngành này, ví dụ như biết vài ngôn ngữ lập trình (python, R,…) là vô cùng cần thiết cho bất cứ ngành nào.

 

Cuối tháng 12, mình được nghỉ đông ba tuần. Mình dành cả thời gian này cho làm việc và tiếp tục suy nghĩ về hướng đi tương lai. Mình rất thích làm công việc có ích và giúp đỡ người khác. Vậy để giúp đỡ được nhiều người, có thể ngành Y là ngành ai cũng cần trong cuộc sống (vì có ai sống mà không có bệnh?). Bây giờ đã quá trễ cho việc làm bác sĩ, nhưng ngành Y không chỉ có bác sĩ mà còn có những người làm nghiên cứu. Thế là mình bắt đầu tìm hiểu ngành Epidemiology (Tiếng Việt hình như là Dịch tễ học). Đây là ngành nghiên cứu về dịch tễ hay bệnh tật trên diện rộng. Qua tìm hiểu thì mình rất hứng thú với việc nghiên cứu ung thư và phòng chống ung thư.

 

Tháng 1/2019: Từ vực thẳm thất vọng, mình được “vớt” lên bởi một tia hi vọng nhỏ nhoi và một mục tiêu để đi tiếp: Apply làm nghiên cứu sinh ngành Dịch tễ học hè 2019. Việc đầu tiên mình làm là tìm đọc các bài nghiên cứu trong ngành này xem mình có hiểu không. Rất may mắn là mình thấy bài nghiên cứu có rất nhiều toán, đôi lúc có cả kinh tế. Vậy nên mình tự tin tìm việc ngành này.

 

Mình nghĩ ngay tới Johns Hopkins, ngôi trường nổi tiếng về nghiên cứu và y học. Trong ban Epi của trường thì có khoảng hơn 200 giáo sư. Mình rất muốn tìm giáo sư về bệnh ung thư để đọc bài viết. Thế là mình phải lần mò từng giáo sư một trong số 200 giáo sư này và đọc bài nghiên cứu của họ. Cuối cùng mình giới hạn được khoảng 20 giáo sư mình muốn đọc bài và gửi thư xin việc. Mình chắc chắn rằng trong thư mình sẽ đề cập làm việc cho giáo sư hè không lương để tăng cơ hội được nhận.

 

Trong 20 giáo sư này, mình may mắn có… duy nhất một người trả lời thư và cũng là người giới thiệu mình tới chương trình thực tập hè mà mình chính thức được nhận. Vậy xác suất được trả lời của mình là 0.5%, tuy nhiên, trong quá trình này, cứ số nào nhiều hơn 0 là đã có hi vọng rồi.

 

Giáo sư D ở JHK sau khi đọc thư đã rất thích mình, tuy nhiên cô nói rằng mình sẽ có cơ hội phát triển còn nhiều hơn nếu apply chương trình SUMR của University of Pennsylvania (UPenn). Cô cũng từng tham gia chương trình này những năm 2000.

 

Tháng 2/2019: Mình thực sự may mắn khi biết tới SUMR vì thời hạn ứng tuyển cho chương trình này là một tuần trước khi mình biết tới nó. Mình đã nộp CV, bảng điểm, hai thư giới thiệu và một bài luận, trong đó bài luận đã được điều chỉnh rất nhiều lần. Không dưới 3 bạn đã đọc bài luận của mình để cho ý kiến. Mình gửi hồ sơ mà trong lòng cũng thực sự không nhiều hi vọng lắm, vì UPenn là một trường Ivy League, cộng thêm trường Y của họ nằm trong top 3 trường Y tốt nhất nước Mỹ. Tuy nhiên, mình cũng không mất gì khi nộp cả, cùng lắm là nhận thư từ chối – trải nghiệm mình vốn đã rất quen thuộc.

 

Tháng 3/2019: Cái gì tới cũng tới, giữa tháng 3, khi đang trong kì nghỉ xuân, mình nhận thư từ trường UPenn mong muốn được phỏng vấn với mình. Với kinh nghiệm ba lần phỏng vấn thất bại, mình cũng rút ra được nhiều bài học. Tuy nhiên, lần phỏng vấn này không quá khó khăn vì sở dĩ họ đã thích mình rồi, nói chuyện thêm chỉ để xem mình có hứng thú với các dự án trong chương trình của họ không thôi. Chưa đầy một tuần sau ngày phỏng vấn, mình chính thức nhận được thư mời tham gia chương trình SUMR của UPenn. Mình sẽ được tự chọn người hướng dẫn với chủ đề mình thích. Mình đang nghĩ tới việc chọn dự án về nghiên cứu ung thư.

 

Vậy là 8 tháng lao động vất vả, bền bỉ đã được đền đáp bằng một chương trình không thể ý nghĩa hơn. Sau chuyện này, mình tin rằng, việc gì xảy ra cũng có lí do của nó. Thất bại không có nghĩa là kết thúc. Thất bại không có nghĩa là bạn vô dụng. Những lá thư từ chối chỉ là cái cớ hoàn hảo để bạn tìm được một cái gì đó thực sự phù hợp cho bản thân mình. Vậy nên, thân gửi các bạn trẻ và đặc biệt các du học sinh đang vất vả tìm việc, hãy chọn cái gì mình thích, thành công sẽ đến lần thứ 8 sau 7 lần bạn thất bại nhưng vẫn đứng lên đi tiếp.

Study in the USA

Free

EBook Hướng dẫn du học Mỹ

Bạn thấy bài viết vô cùng hữu ích? Bạn có thể tìm thấy các bài viết tương tự đã được HCVN dày công biên soạn trong cuốn ebook Hướng dẫn du học Mỹ trên nhé.

XEM NGAY

Không thể bỏ lỡ

article Img

Nước Mỹ qua lời kể của một du học sinh Trung Quốc

Dưới đây là câu chuyện về một du học sinh Trung Quốc sau khi sang Mỹ du học, sự thật về nước Mỹ làm cậu bàng hoàng..   Tôi đã từng ôm giấc mộng được học tập ở đó, đã tìm mọi cách để tới được cái xứ sở siêu cường đó.   Tôi có thời gian qua Mỹ khá lâu. Và nói thật, đến giờ này tôi vẫn còn thấy hối hận vì sự lựa chọn đó! Truyền thông phương Tây đã khiến chúng ta mê muội rằng Hoa Kỳ là một xứ sở hiện đại! Tôi đã từng ôm giấc mộng

193.1K
article Img

Điểm danh 7 công việc tiềm năng nhất nước Mỹ năm 2017

  Cùng đón đầu xu hướng những nghề nghiệp tiềm năng trong năm 2017 do Hotcourses Vietnam tổng hợp từ kênh Cheatsheet và thống kê của Cục Lao Động Hoa Kỳ.     >>  9 công việc hay ho cho người rành nhiều ngoại ngữ   >>  12 thành phố tốt nhất để phát triển sự nghiệp trên thế giới     1. Nhà thống kê     Bạn có tố chất phân tích và lý luận?

4.1K
article Img

Trượt thị thực H-1B thì nên làm gì?

Được tiếp tục ở lại Hoa Kỳ làm việc sau khi hết hạn OPT (Optical Practical Training) là mong muốn của mọi du học sinh Mỹ nhưng cơ hội này không dành cho tất cả mọi người. Trong đợt nộp hồ sơ vào tháng 4 năm 2018 vừa qua, có đến 190,098 người đăng ký xét duyệt thị thực H-1B để làm việc ở Mỹ nhưng Sở Di Trú Hoa Kỳ (USCIS) chỉ cấp thị thực cho vỏn vẹn… 85,000 hồ sơ. Với tỉ lệ cạnh tranh khốc liệt như vậy thì khả năng bị từ chối thị thực H-1B cũng tăng cao. Trong

3.4K