Thông tin du học Mỹ
Mỹ: ĐẾN CHÂN TRỜI MỚI - Không thể bỏ lỡ

Kinh nghiệm đạt GPA 4.0 suốt 4 năm liền du học Mỹ bậc cử nhân

2.3K
kinh nghiệm học tốt tại Mỹ

Học hỏi kinh nghiệm học tập từ những người đi trước sẽ giúp bạn có sự chuẩn bị tốt nhất cho hành trình du học nơi xứ người. Bài viết dưới đây là chia sẻ của bạn Nguyễn Việt Hà My, sinh viên từng đạt được GPA 4.0 trong 4 năm học liên tiếp ngành Tâm lý học, tại Liberty University. Hiện Hà My đang theo học thạc sĩ ngành Tâm lý học phát triển ứng dụng (Applied Developmental Psychology) tại George Mason University.

 

>> Tìm hiểu du học ngành Tâm lý: học gì và làm gì?

 

1. Tư duy, thái độ đối với việc học

 

Một trong những bí quyết của mình đó là sự đam mê và yêu thích đối với ngành học. Môi trường đại học Mỹ cho phép sinh viên thử các lớp học khác nhau ở những ngành khác nhau trong năm học đầu tiên để giúp sinh viên tìm ra đam mê của mình. Học bằng đam mê là động lực mạnh mẽ nhất giúp mình hiểu bản chất môn học cũng như duy trì năng lượng một cách lâu dài khi học tập.

 

Phương pháp của mình trong việc tìm kiếm ngành học yêu thích đó là đặt bản thân vào nhiều môi trường cụ thể và lần lượt trải qua các bước bao gồm: cảm nhận, tìm hiểu, và hành động.

 

Bước đầu tiên, bạn cần nhận biết xem mình có hứng thú với các vấn đề trong ngành học này hay không. Ví dụ, mình học cấp 3 chuyên lý nhưng lại học đại học ngành tâm lý học. Niềm yêu thích với tâm lý học bắt nguồn từ những ngày ôn thi TOEFL để đi du học, mình được tiếp cận với nhiều bài nghe, bài đọc về mảng này và mình cảm thấy rất thú vị. Vì thế mình đã quyết định tìm hiểu sâu hơn về tâm lý học bằng cách đọc và học nhiều hơn.

 

Tiếp đó, mình tham gia vào các nhóm khác nhau trên mạng xã hội và các hoạt động ngoại khóa liên quan tới lĩnh vực mình thích để trao đổi và chia sẻ thông tin. Khi mình tương tác với càng nhiều người để thảo luận về đề tài tâm lý học, mình thấy bản thân trở nên chủ động, hứng khởi. Đây cũng là một dấu hiệu giúp mình càng có thêm niềm tin về đam mê.

 

Bước cuối cùng là hành động. Bạn cần làm thử (ví dụ như tham gia vào các dự án, đề tài nghiên cứu hay viết blog về vấn đề bạn quan tâm) để biết chắc rằng mình có thể phát huy và yêu thích ngành học này thực sự hay không? Bởi nhiều khi thích thôi chưa đủ, có hành động bạn mới nhận ra rõ ràng đây có phải là ngành học phù hợp với khả năng và đam mê của mình.

 

Khi học chuyên ngành tâm lý, mình được biết tới cách vận hành về động lực của con người bao gồm 2 các yếu tố đến từ bên ngoài (extrinsic motivations) và đến từ bản thân (intrinsic motivations). Điều này càng giúp mình khẳng định rõ hơn về cách tìm kiếm đam mê và vì sao theo đuổi mục tiêu bên trong cá nhân (intrinsic motivations) mới tạo nên sự thay đổi tích cực. Mỗi con người luôn có thể phát huy bản năng ham muốn học hỏi một cách lâu dài nếu biết cách đi theo đam mê của chính mình. Nếu để bản thân hành động dựa trên những yếu tố tác động từ bên ngoài quá nhiều, ví dụ như học vì quyết định của người khác, học vì điểm cao, học vì ngành học “hot”, thì dần dần bạn sẽ mất đi nhận thức về động lực đến từ trong bản thân mình. Việc phát huy và giữ vững các động lực tự phát của một cá nhân là một trong những kĩ năng quan trọng giúp bạn không chỉ tạo nên thành công mà còn sống và hành động một cách hạnh phúc, trọn vẹn và ý nghĩa.

 

>> Các chương trình cử nhân Tâm lý học tại Mỹ

 

2. Thói quen học tập tại giảng đường

 

Từ nhỏ tới giờ, mình may mắn vì không bị cha mẹ bắt đi học thêm nhiều. Do vậy, mình luôn ưu tiên thói quen học đúng cách thay vì học nhồi nhét. Thói quen học tốt của mình rất đơn giản: đọc bài trước khi đến lớp, ngồi chăm chú nghe giảng, và học bài trước khi thi. Bộ não con người hoạt động dựa trên sự lặp lại của thông tin. Bằng việc đọc, nghe, học, sự lặp lại thông tin tới 3 lần sẽ giúp neuron liên kết và từ đó mình nhớ bài tốt hơn.

 

Mình lập một blog cá nhân chuyên chia sẻ các kiến thức về tâm lý học để chia sẻ được kiến thức được học trên trường và thảo luận với những người cùng chung đam mê. Bên cạnh đó, mình cũng có thói quen ghi nhớ theo hệ thống mạng lưới thông tin, tức là thay vì học thuộc, mình sẽ liên kết cái mình học với cái mình đã biết và quen thuộc đối với cuộc sống của bản thân. Ví dụ, khi mình học đạo hàm ở môn toán thì mình sẽ hình dung xem áp dụng đạo hàm vào tính gia tốc vận tốc trong môn chuyên lý của mình thế nào. Hoặc khi tiếp cận các lý thuyết trong các môn khoa học xã hội, mình thường áp dụng vào những cá nhân mình biết để phân tích dễ hơn.

 

Ví dụ với những người học về ngành marketing và học về một phương thức quảng cáo, họ có thể thử nhớ xem nó giống hay khác những quảng cáo mình xem trên tivi, và vì sao lại như vậy. Việc biến những kiến thức hàn lâm tưởng chừng như tách rời vào các ví dụ gần gũi, thực tế trong cuộc sống không chỉ khiến cho những kiến thức đó trở nên thú vị mà còn giúp mình nhớ lâu và rất sâu.

 

 

3. Thói quen học tập ở nhà

 

Thói quen của mình là luôn làm việc có thời hạn cụ thể bới đây là động lực lớn giúp mình thúc đẩy bản thân hoàn thành công việc hiệu quả. Ở nhà, mình sẽ đọc giáo án từ đầu kì và biết được các thời hạn nhất định cho từng bài tập, môn học. Mình thuộc kiểu người làm việc vào giữa hạn chót của công việc. Khoảng thời gian đầu, mình dành nhiều thời gian rảnh để nghĩ về cách làm, nghĩ về nội dung và nghĩ về hướng đi cho các bài tập. Từ đó, mình sẽ chia nhỏ các phần việc và thực hiện dần. Do vậy, khi tiến hành làm, mình có sẵn định hướng trong đầu và việc làm việc ở khoảng giữa hạn chót giúp mình có thêm thời gian vào cuối hạn chót để kiểm tra, rà soát lại nội dung.

 

Mình cũng có thói quen tận dụng google calendar để sắp xếp lịch học, họp hành, hay hạn chót cho bài tập cho cả một học kì. Khi đó, mình sẽ biết được mình cần tăng làm ở công việc nào hay giảm bớt lượng công việc nào để hoàn thành deadline hiệu quả. Khi hoàn thành những công việc đặt ra, mình sẽ tự thưởng cho bản thân những niềm vui, món quà nhỏ để có thêm động lực.

 

Ngoài thời gian học tập trên trường, mình để bản thân thư giãn bằng việc theo đuổi sở thích riêng đó là chụp ảnh. Mình tạo 1 blog nhiếp ảnh riêng để lưu giữ những khoảnh khắc ý nghĩa. Đây cũng là cách giúp mình luôn hạnh phúc và có thêm năng lượng.

 

4. Các lời khuyên hữu ích trong việc học

 

Lời khuyên đầu tiên của mình đó là hãy tập trung cho việc học bởi du học sẽ giúp bạn bồi đắp nhiều kiến thức chuyên môn hữu dụng cho công việc sau này. Nếu như bạn có những vướng bận về tài chính thì hãy cố gắng học hết mức có thể để giành các học bổng, phần thưởng từ trường hoặc các tổ chức.

 

Đặc biệt, hãy luôn để cho bản thân được thư giãn. Nếu như bạn buồn bực hay căng thẳng, hiệu suất công việc sẽ giảm và bạn không thể có được những quyết định đúng đắn trong hoàn cảnh bị cảm xúc chi phối khả năng đưa ra quyết định.

 

Giữ thói quen ăn và ngủ đều đặn, đầy đủ cũng là điều luôn cần được ưu tiên. Bởi khi học, não sử dụng  khoảng 1/5 năng lượng của bạn trong ngày nên để não hoạt động hiệu quả bạn cần ăn đủ chất. Hơn nữa, ngủ đủ giấc (7-8 tiếng một ngày) giúp não sắp xếp, liên kết các thông tin trong ngày nên bạn sẽ có trí nhớ tốt hơn, học tốt hơn. Nếu bạn thấy mình thuộc kiểu người làm việc hiệu quả về đêm thì cố gắng đừng chọn các lớp học buổi sáng và ngược lại. Trên tất cả, kỉ luật về sức khỏe và hiểu, trân trọng bản thân là những yếu tố quan trọng nhất mà mình muốn gửi gắm.

 

Cảm ơn My rất nhiều về những kinh nghiệm thật sự bổ ích. Chúc bạn gặt hái được nhiều thành công và trải nghiệm ý nghĩa tại Mỹ!

 

Study in the USA

Free

EBook Hướng dẫn du học Mỹ

Bạn thấy bài viết vô cùng hữu ích? Bạn có thể tìm thấy các bài viết tương tự đã được HCVN dày công biên soạn trong cuốn ebook Hướng dẫn du học Mỹ trên nhé.

XEM NGAY

Không thể bỏ lỡ

article Img

Tác giả Đỗ Liên Quang: “Tại Mỹ, mình có cơ hội để phát triển bản thân nhiều nhất”

Đỗ Liên Quang hiện đang là Product Manager tại Amazon Web Services. Anh lớn lên ở thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk và nhận được học bổng du học Hà lan của United World Colleges vào năm lớp 11, sau đó là học bổng cử nhân của Đại học Duke, Hoa Kỳ. Cùng Hotcourses Việt Nam trò chuyện với Quang về tinh thần vượt lên khó khăn, quá trình săn học bổng du học toàn phần, góc nhìn trong ngành Neuroscienece, và cuốn hồi ký du học giàu cảm hứng của anh: Trường

1.5K
article Img

Hành trình thích nghi văn hóa Mỹ: từ tưởng tượng đến thực tế

Trước khi qua Mỹ du học, mình từng có thời gian du học ở một nước tại Đông Nam Á và hơn 5 năm kinh nghiệm làm việc, tính ra cũng khá “từng trải” và “già đời”. Thế nhưng, thực tế những ngày đầu du học Mỹ vẫn làm mình khá ngỡ ngàng. Đây là câu chuyện thật của mình sau một năm bôn ba trên đất Mỹ, và các lời khuyên đưa ra hoàn toàn dựa trên quan điểm cá nhân. Hi vọng những chia sẻ sau đây có thể giúp các bạn có được một góc nhìn thực tế, và xa hơn là giúp rút ngắn quá

1.3K
article Img

Bí quyết vững lý thuyết, chắc thực hành từ sinh viên Minerva, ĐH có tỉ lệ chọi cao nhất nước Mỹ

“Du học Mỹ có khó không?” là băn khoăn của rất nhiều bạn học sinh đang ấp ủ giấc mơ học tại xứ sở cờ hoa. Bên cạnh đó, làm thế nào để học tốt và áp dụng kiến thức đã học vào công cuộc tìm kiếm vị trí thực tập phù hợp cũng là những trăn trở phổ biến. Qua chia sẻ của bạn Đoàn Phương Linh, sinh viên năm 2 Đại học Minerva cũng là ngôi trường có tỉ lệ chọi cao nhất nước Mỹ, Hotcourses Vietnam sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc kể trên. Hiện tại Linh đang theo học ngành

1.2K
article Img

4 bài học “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” của riêng mình

Mình đã sống xa nhà đến nay là gần bảy năm tính cả hồi trung học phổ thông ở Hà Nội và du học bên Mỹ. Đó là khoảng 1/3 cuộc đời của mình cho tới hiện tại. Sống xa nhà làm mình nhớ gia đình, nhớ đồ mẹ nấu và những buổi quây quần bên người thân. Tuy nhiên, sống xa nhà đã làm mình trưởng thành lên rất nhiều mặc dù đó là cả một chặng đường chông gai. Dưới đây là bốn bài học mình nhận ra được sau nhiều năm sống xa gia đình.   >> 7 bài học cuộc sống

1.1K