Những kết quả, đánh giá của các chuyên gia về bảng xếp hạng các trường Đại học hàng đầu thế giới Times Higher Education 2015-2016.
>> Bảng xếp hạng các trường Đại học hàng đầu của THE World University Ranking 2014-2015
Dấu hiệu tụt hạng của các trường Đại học Mỹ
Tuy vẫn chiếm gần 1/5 các vị trí trong bảng xếp hạng, nhưng sự thống trị của các trường Đại học Mỹ tiếp tục bị suy yếu trong Danh sách các trường Đại học hàng đầu Thế giới theo bình chọn của tạp chí Times Higher Education (THE) năm 2015 – 2016.
Có tổng cộng 147 trường đại học của Mỹ lọt vào top 800 – bảng xếp hạng lớn nhất của THE hiện nay, trong đó Viện công nghệ California giữ vị trí đầu bảng năm thứ 5 liên tiếp. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy sự đi xuống của cường quốc hàng đầu về giáo dục này. Cụ thể, Mỹ hiện có 63 trường lọt vào top 200, trong khi năm ngoái là 74 trường, và năm trước nữa là 77. Trong đó, số trường được vào top 10 đã giảm đi một trường so với năm ngoái. Cụ thể, sau Caltech, lần lượt là: Stanford (thứ 3), Viện Công nghệ Massachusetts (thứ 5), Harvard (thứ 6 – lần đầu tiên tuột khỏi top 4 trong vòng 12 năm trở lại đây), Princeton (thứ 7) và Đại học Chicago (thứ 10).
Các vị trí còn lại của top 10 bao gồm: Đại học Oxford của Anh (hạng 2), Cambridge (hạng 4), Imperial College London (hạng 8) và ETH Zurich – Viện công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (hạng 9).
Theo ông Phil Baty, biên tập viên bảng xếp hạng THE, sự tụt hạng của các trường đại học Mỹ ở một góc độ nào đó lại cho thấy sự tiến bộ của Bảng xếp hạng năm nay, đó là số lượng lớn các nghiên cứu được công bố bằng ngôn ngữ ngoài tiếng Anh và sự phân bố rộng rãi về mặt địa lý của các trường lọt vào top cho thấy mức độ phủ sóng của bảng xếp hạng uy tín này. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng, danh hiệu nền giáo dục hàng đầu thế giới của Mỹ đang bị lung lay, dẫn chứng là 47 bang của Hoa Kỳ đã áp dụng biện pháp cắt giảm kinh phí giáo dục kể từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.
Còn theo lý giải của giáo sư Simon Marginson, phụ trách giáo dục đại học quốc tế của Viện giáo dục UCL, các nghiên cứu của đại học Mỹ hoàn toàn không phải suy giảm, mà là các nước khác đang dần cải thiện và lọt vào top 200.
Châu Âu chiếm gần ½ vị trí trong top 800
Một trong những quốc gia cạnh tranh lớn nhất là Vương quốc Anh, với tổng cộng 78 trường được vào top 800, trong đó 34 trường nằm trong top 200, so với 29 trường của năm trước.
Các nước châu Âu khác cũng không thua kém. Đức với 20 trường vào top 200, tăng đáng kể so với năm ngoái là 8 trường, trong khi đó Hà Lan có 12 trường. Đặc biệt, năm nay Viện công nghệ Thụy Sĩ là cơ sở đầu tiên không thuộc các nước nói tiêng Anh lọt vào top 10 trong vòng một thập kỉ qua.
Tổng kết, Châu Âu có 345 trường đại học trong top 800 trường hàng đầu thế giới, chiếm gần 1/2 vị trí trên Bảng xếp hạng.
Giải thích về kết quả này, giáo sư Marginson chia sẻ: “sau 15 năm hợp nhất về giáo dục đại học, ở các nước Bắc Âu, Hà Lan và Đức, đã thu được thành quả”. Đặc biệt, ông dẫn chứng các chương trình thúc đẩy nghiên cứu khoa học, các chương trình tài trợ nghiên cứu khu vực Châu Âu, cải cách Bologna, và chính sách nhập cư được quản lý một cách cẩn thận nhằm chọn lựa các tài năng, là những chiến lược giúp phát triển hệ thống giáo dục đại học ở Châu Âu”. Ông nói thêm: “Châu Âu trở thành đối thủ cạnh tranh với Mỹ ở bậc đào tạo sau tiến sĩ, lĩnh vực mà Mỹ đã thống trị trong thời gian dài”.
Tuy nhiên, ông cũng đưa ra cảnh báo rằng vị trí của Vương quốc Anh có khả năng bị suy giảm nếu như tiếp tục áp dụng chính sách nhập cư khắc khe, trong khi các nước Liên minh Châu Âu được đánh giá là “sắc sảo và hiệu quả”.
Theo đó, số lượng các nghiên cứu phụ thuộc vào ý tưởng, con người và sự đầu tư của chính phủ. Đó là lý do chính của sự tụt hạng đáng kể trong thời gian dài của Nhật Bản và Nga trong lĩnh vực nghiên cứu.
Tóm lại, các trường đại học trong bảng xếp hạng năm nay đến từ 70 quốc gia, nhiều hơn 29 nước so với năm ngoái, với một số nước lần đầu tiên có đại diện như Indonesia, Bangladesh và Kenya.
Châu Á có quán quân mới
Đại học Quốc gia Singapore (NUS) chiếm vị trí số một ở Châu Á và đây cũng là lần đầu tiên đại diện của đảo quốc này vươn lên vị trí cao nhất châu lục trong vòng 12 năm. NUS đứng thứ 26 trong bảng xếp hạng, xếp sau lần lượt là Đại học Bắc Kinh thứ 42 và Đại học Tokyo thứ 43.
Nhìn chung, khu vực Châu Á năm nay có hai thái cực - bên cạnh sự ổn định của Trung Quốc với 37 trường vào top 800 (trong đó có 2 trường lọt vào top 50), thì Nhật Bản và Hàn Quốc lại mất phong độ. Cụ thể, Nhật Bản chỉ có 2 trường vào top 200 - giảm 3 trường so với năm trước, còn Hàn Quốc chỉ có 1 đại diện vào top 100.
Tuy nhiên, dù không có nhiều trường ở vị trí cao nhưng Nhật Bản vẫn đứng thứ 3 thế giới về số lượng trường đại học có mặt trên “bảng vàng”, với 41 trường trong top 800.
Theo Phil Baty, đây là “thời kì khó khăn cho Nhật Bản và thất vọng đối với Hàn Quốc với tư cách là các quốc gia hàng đầu khu vực trong xếp hạng các trường Đại học Thế giới của THE”.
>> Toàn cảnh về du học tại các cường quốc châu Á