Du học luôn dành cho mọi đối tượng, bao gồm cả những người khuyết tật. Trong thời đại ngày nay, không khó để tìm được một trường đại học nước ngoài có các dịch vụ đồng hành trợ giúp sinh viên khuyết tật hoàn thành khóa học một cách trọn vẹn. Nếu bạn thực sự có quyết tâm du học thì Hotcourses tin rằng không có bất kỳ khiếm khuyết vô hình hay hữu hình nào có thể ngăn cản ước mơ ấy trở thành hiện thực!
Những điều cần lưu ý trước khi du học
Tìm hiểu thật kỹ về địa điểm du học tiềm năng:
Các bạn sinh viên khuyết tật nên dành thời gian tìm hiểu môi trường học tập ở nước ngoài kỹ hơn thông thường vì không phải nơi nào cũng có chính sách giúp đỡ người khuyết tật. Ngoài tra cứu về chính sách trợ giúp của trường đại học, bạn đừng quên cập nhật thêm thông tin về luật nhập cảnh, cơ sở hạ tầng của thành phố, cách nhìn nhận của người dân và quyền lợi dành cho người khuyết tật ở nước sở tại.
Nếu bạn không tìm được thông tin nào đó, hãy chủ động liên hệ với ban tuyển sinh nhà trường để đặt câu hỏi. Việc bạn cởi mở chia sẻ tình trạng và nhu cầu của mình là hết sức cần thiết để ban tuyển sinh có thể tư vấn chính xác. Nếu có điều kiện, bạn nên liên lạc với những cựu sinh viên khuyết tật từng học tại trường để xin nhận xét và đánh giá. Du học không chỉ có đến trường hàng ngày mà còn bao gồm cả sinh sống ở một nơi xa lạ trong thời gian dài nên việc đảm bảo bạn luôn nhận được trợ giúp ở mọi hoàn cảnh là điều hết sức quan trọng.
Chuẩn bị thiết bị và dụng cụ cá nhân:
Nếu tình trạng sức khỏe của bạn cần dùng dụng cụ chuyên biệt thì tốt nhất bạn nên mua thêm một cái phòng hờ khi du học vì có thể ở nước ngoài không bày bán loại dụng cụ đúng ý bạn. Cẩn thận hơn, bạn nên chủ động tìm kiếm thiết bị có thể tạm thay thế dụng cụ cá nhân của mình ở nước ngoài. Nếu địa điểm du học yêu thích của bạn không bán các thiết bị tương tự thì bạn nên cân nhắc về việc chọn nơi khác để du học để đề phòng rủi ro.
Quy tắc này vẫn nên áp dụng với các loại thuốc được kê riêng cho bạn. Bạn nên lưu ý hải quan ở nước ngoài hoàn toàn có quyền cấm một số loại thuốc thông quan và không có gì đảm bảo đơn thuốc bạn dùng có thể dễ dàng mua được ở xứ người.
Chuẩn bị tài liệu quan trọng:
Để có thể sử dụng các dịch vụ dành cho người khuyết tật ở nước ngoài, bạn sẽ cần phải nộp một số tài liệu để chứng minh tình trạng sức khỏe của mình. Các tài liệu này có thể là giấy chứng nhận của Hội người khuyết tật quốc gia, giấy khám bệnh hoặc kết quả điều trị. Mọi giấy tờ đều phải được dịch sang tiếng Anh có công chứng.
Tốt nhất bạn nên chuẩn bị tất cả giấy tờ liên quan bao gồm bản gốc lẫn bản dịch để tiết kiệm thời gian cho việc làm hồ sơ nhập học. Các tài liệu này sẽ góp phần giúp nhà trường cung cấp những dịch vụ phù hợp với nhu cầu của bạn nhất.
Nắm hết các lựa chọn:
Bạn nên nhớ du học không phải là con đường duy nhất để bạn có thể tiếp cận nền giáo dục ở nước ngoài. Du học vốn đã không đơn giản với các sinh viên thông thường nên hành trình này chắc chắn sẽ đem đến nhiều chông gai hơn cho những bạn khuyết tật. Nếu vì một lý do nào đó bạn không thể du học theo con đường truyền thống thì bạn vẫn còn một lựa chọn an toàn hơn đó là tham dự các khóa học trực tuyến của trường đại học nước ngoài.
Hoặc nếu bạn có thể đi du học thì vẫn có các chương trình kết hợp giữa hai hình thức học trên lớp và học từ xa để bạn đỡ phải tốn công sức đến trường hàng ngày như mọi người. Đối với sinh viên khuyết tật, bạn nên chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng về tất cả các lựa chọn hiện có để cân nhắc.
Những điều cần biết trong khi du học
Tham gia tổ chức người khuyết tật:
Hotcourses khuyên bạn nên chọn các quốc gia hoặc trường đại học có sự hiện diện của những tổ chức đứng ra bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng người khuyết tật địa phương. Khi tham gia vào cộng đồng này, bạn sẽ nhận được sự tư vấn và giúp đỡ của mọi người để vượt qua các khó khăn trong lúc du học. Quan trọng nhất, bạn sẽ gặp gỡ và làm quen với những bạn chung cảnh ngộ để học hỏi cũng như bớt tủi thân nơi xứ người.
Chủ động nhờ sự trợ giúp:
Mỗi quốc gia sẽ có cách đối xử với người khuyết tật khác nhau. Ví dụ như ở Mỹ người khuyết tật được xem là một cá thể tự chủ nên mọi người sẽ chỉ giúp đỡ khi được người khuyết tật nhờ trong khi ở một số quốc gia khác người khuyết tật sẽ được mặc định luôn cần được giúp đỡ nên đôi khi không cần nhờ. Dù bạn có học tập tại bất kỳ nền văn hóa nào thì Hotcourses khuyên bạn nên chủ động nhờ vả khi cần giúp đỡ để cuộc sống du học dễ dàng hơn.
Ví dụ như bạn có thể chủ động yêu cầu các dịch vụ hỗ trợ như sử dụng sách chữ nổi, chép bài hộ hoặc công cụ chuyển đổi chữ viết trong sách giáo khoa thành bài đọc. Khi tham dự kỳ thi, bạn cũng có thể yêu cầu được gia hạn thời gian làm bài dài hơn những người khác.
Thực tế khác với kỳ vọng:
Dù bạn có nghiên cứu kỹ lưỡng đến đâu thì chắc chắn vẫn sẽ có một số điều trong thực tế du học khác với những gì bạn hình dung. Hotcourses khuyên bạn nên cố gắng linh động thay đổi để thích nghi với cuộc sống ở nước ngoài. Điều chỉnh bản thân để hòa hợp với môi trường mới cũng là một trong những điều thú vị nhất mà hành trình du học đem đến cho bạn.
Một số trường đại học tốt dành cho người khuyết tật
Hotcourses gợi ý một số trường đại học chất lượng có các chương trình học được điều chỉnh để đáp ứng các nhu cầu đặc biệt của sinh viên khuyết tật. Thứ tự của các trường được xếp theo thứ tự ngẫu nhiên.
2. West Virginia Wesleyan College
7. University of Arizona, Tucson
12. Southern Illinois University, Carbondale
15. Rochester Institute of Technology
17. University of Southern California
19. Marist College
* Nguồn: Best College Online, Best Value Schools, College Choice
Các bạn có thể click vào tên trường để đặt câu hỏi trực tiếp cho ban tuyển sinh hoặc liên hệ với IDP để được các chuyên viên tư vấn giàu kinh nghiệm giúp đỡ.
Học bổng du học dành cho người khuyết tật
Hầu hết các chương trình học bổng của chính phủ đài thọ 100% chi phí cho bậc học Thạc sĩ như Fulbright (Mỹ), Chevening (Anh) và Australia Awards (Úc) đều khuyến khích những bạn khuyết tật nộp hồ sơ ứng tuyển nên các bạn đừng bỏ qua cơ hội này. Ngoài học bổng chính phủ, các bạn còn có thể chủ động vào trang web trường đại học tiềm năng của mình để tìm kiếm các chương trình hỗ trợ chi phí phù hợp với bản thân.
Những công ty lớn trên thế giới cũng có các chương trình cấp học bổng cho người khuyết tật. Ví dụ như Google có chương trình "Google Lime Scholarship Program” cấp học bổng cho sinh viên khuyết tật theo học các ngành liên quan đến Công nghệ Thông tin với mức phí là 10.000 USD nếu du học Mỹ và 5.000 USD nếu du học Canada. Tham khảo thêm một số địa điểm khác để săn học bổng du học tại đây các bạn nhé.
Một số tấm gương truyền cảm hứng
Có lẽ các bạn đã từng nghe qua cái tên Nick Vujicic, người không có tay chân bẩm sinh và là một trong những nhân vật khuyết tật có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Vị diễn giả nổi tiếng từng có thời gian đến Việt Nam này đã hoàn thành chương trình Cử nhân ngành Thương mại tại University of Griffith.
Một nhân vật khuyết tật nổi tiếng khác được nhiều người Việt biết đến chính là nhà vật lý lý thuyết Stephen Hawking. Ông đã không để chứng bệnh xơ cứng teo cơ ngăn cản ước muốn theo đuổi lĩnh vực Vũ trụ học tại Oxford University và sau đó tiếp tục tham gia chương trình Tiến sĩ cùng ngành tại Cambridge University.
Để biết thêm về các câu chuyện du học cá nhân của những bạn khuyết tật khác, các bạn có thể truy cập vào trang MIUSA.
Nguồn tham khảo: World Education Services, Go Abroad, UNSW Sydney