Bạn có quan tâm tới du học Anh quốc? Có thể nói nền giáo dục tầm cỡ của quốc gia này với những cái tên như Oxford, Cambridge, Birmingham… luôn được xướng danh trong top các trường đại học đứng đầu thế giới đã khiến việc du học Anh trở thành ước mơ của không biết bao người. Các trường đại học ở đây không chỉ nổi bật về chất lượng giáo dục cao, cơ sở vật chất tốt cùng với môi trường hoạt động tích cực dành cho sinh viên quốc tế mà còn có hệ thống thư viện rất hữu ích cho việc học tập, nghiên cứu của học viên. Dưới đây là top một số thư viện trường đại học nổi bật trong số đó.
Thư viện đại học Oxford
Viện đại học này nằm tại Oxford, nổi tiếng là một trong những trường danh tiếng nhất thế giới cũng như là đại học lâu đời nhất trong các nước nói tiếng Anh. Viện Đại học Oxford có 39 trường đại học thành viên (college), nơi đây đã đào tạo nên những nhân tài nổi tiếng thế giới như Mark Carney - Giám đốc ngân hàng trung ương Canada, Dr. Manmohan Singh - Thủ tướng Ấn Độ…
(Thư viện Bodleian)
Ðại học Oxford có thư viện nổi tiếng Bodleian. Ðây là một trong số ít các thư viện lưu chiểu của Vương quốc Anh, nhận được tất cả các sách xuất bản tại nước này. Thư viện Bodleian trung tâm không cho mượn sách, sách chỉ được đọc tại thư viện thành viên chẳng hạn như tại Radcliffe Camera, bởi thế không có tình trạng không thấy sách mình muốn. Ngoài thư viện chính Bodleian, Oxford còn có các thư viện nhỏ tại từng khoa hoặc phân viện, tại các thư viện nhỏ này sách có thể mượn về.
Thư viện đại học Cambridge
Đây là viện đại học cổ xưa thứ hai tại các nước nói tiếng Anh, chỉ sau Đại học Oxford. Hệ thống đại học Cambridge có 31 trường cùng hàng nghìn chuyên ngành đào tạo khác nhau. Trường Đại học Cambridge có truyền thống gần 1000 năm đào tạo những nhà lãnh đạo trên thế giới, những chuyên gia kinh doanh cũng như những nghệ sĩ lớn.
Trường có hơn 100 thư viện với hơn 13 triệu cuốn sách trong đó có 200.000 cuốn in trước năm 1800, có hơn 6.000 bản thảo từ thời trung cổ. Đây là kho tàng kiến thức rộng lớn phục vụ vô cùng đắc lực cho quá trình nghiên cứu và học tập của sinh viên Cambridge.
Thư viện đại học Birmingham
Đại học Birmingham là điểm đến của hàng ngàn sinh viên quốc tế để nghiên cứu và học tập. Birmingham được xếp hạng thứ 5 ở Anh Quốc về chất lượng nghiên cứu theo đánh giá gần nhất của chính phủ Anh, trong đó có sáu lĩnh vực nghiên cứu của Birmingham đạt tiêu chuẩn 6 sao - thứ hạng chỉ dành cho những nghiên cứu có tầm quan trọng đặc biệt ở cấp quốc tế. Birmingham còn được đánh giá có các chương trình nghiên cứu chuyên sâu danh tiếng nhất châu Âu.
(Thư viện Đại học Birmingham)
Thư viện của trường có hơn 2 triệu đầu sách và là một trong những thư viện lớn nhất nước Anh với số lượng sách, thông tin lưu trữ, tài liệu dạng đĩa, băng từ, vi phim cực kỳ lớn và đa dạng. Sinh viên được tiếp cận với tất cả các nguồn tài liệu khác nhau, từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối. Ngoài thư viện trung tâm, trong khuôn viên trường đại học còn có thư viện riêng của từng trường thành viên. Về phòng máy tính, tại thư viện trung tâm cũng như từng trường riêng lẻ đều có phòng máy cho sinh viên sử dụng. Trong số đó có những phòng máy mở cửa 24/24 để mọi sinh viên có tài khoản đều có thể sử dụng bất cứ lúc nào.
Thư viện học viện Kinh tế Chính trị London
Học viện Kinh tế London (LSE) được biết đến là một trong những trường danh tiếng nhất thế giới về giảng dạy các môn kinh tế xã hội. Ngoài ra, cấu trúc học sinh tại LSE mang tính quốc tế cao nhất trong tất cả các trường đại học toàn cầu.
(Thư viện đại học hiện đại của LSE, nguồn Wikipedia)
Thư viện trung tâm của trường được thành lập năm 1896, là thư viện quốc gia Anh quốc về Chính trị và Kinh tế. Đây cũng là thư viện lớn nhất thế giới về xã hội học và khoa học chính trị. Thư viện bao gồm 1700 chỗ ngồi tự học và 450 máy tính. Với hệ thống giá để sách dài hơn 50km nếu xếp liên tiếp, chứa hơn 4,5 triệu cuốn sách và 30 000 đầu báo in cũng như 15000 đầu báo điện tử, nơi đây đón khoảng 6500 học sinh và giáo viên đến sử dụng mỗi ngày, cũng như phục vụ cho khoảng 12000 người dùng đăng ký bên ngoài LSE. Những bộ lưu trữ ở đây có tầm quan trọng cao và đã được tặng thưởng danh hiệu “Status” bởi Museums Libraries and Archives Council (MLAC).