Trong thời kỳ chuyển đổi số hiện nay, hầu hết các Công ty đều cần tìm một đối tác đáng tin cậy để tích hợp công nghệ vào vận hành doanh nghiệp, từ xây dựng Web, phát triển Mobile App, hệ thống quản lý nội bộ, áp dụng Blockchain, AI,... Vì vậy, nhu cầu nguồn nhân lực trong ngành công nghệ thông tin, đặc biệt là lập trình viên, đang tăng nhanh hơn bao giờ hết. Vậy lập trình là gì? Làm sao để trở thành một lập trình viên?... Tất cả sẽ được Hotcourses Vietnam giải đáp chi tiết trong bài viết dưới đây!
> Những kỹ năng mềm bạn có được khi học lập trình
Lập trình viên là gì?
Với những bạn mới bắt đầu tìm hiểu về Công nghệ thông tin và ngành lập trình viên, chắc hẳn đều sẽ có những thắc mắc như “Lập trình là gì?”, “Developer là gì?” hay “Developer là nghề gì?”.
Lập trình viên (developers) hay nhà phát triển phần mềm dùng để chỉ những người sử dụng các ngôn ngữ lập trình khác nhau để thiết kế, xây dựng, sửa lỗi và bảo trì các phần mềm. Các nhà lập trình sẽ sử dụng ngôn ngữ lập trình, bộ khung và công cụ để tạo ra các ứng dụng đáp ứng các nhu cầu cụ thể, cho dù là dành cho người dùng, doanh nghiệp hay thiết bị cụ thể. Ví dụ, người lập trình các phần mềm trên hệ điều hành iOS sẽ sử dụng ngôn ngữ Objective-C và Swift, trong khi những developers của phần mềm hệ Android cần thành thạo về Kotlin.
Lập trình viên cần học những gì?
Một trong những thắc mắc nhiều nhất của các bạn sinh viên khi xác định theo đuổi lập trình viên là “Lập trình viên học ngành gì?” hay “Lập trình viên cần học môn gì?”. Dưới đây là một số ngành học có thể trang bị cho bạn những kiến thức cần thiết về phát triển phần mềm:
-
Khoa học máy tính: Đây là ngành học dành cho các bạn trẻ đam mê nghiên cứu về máy tính. Bạn sẽ được trang bị mọi kiến thức liên quan tới máy tính, như thiết kế, chế tạo, vận hành và sửa chữa phần mềm, phần cứng và hệ thống. Một số môn trong ngành Khoa học máy tính là cấu trúc dữ liệu máy tính, trí tuệ nhân tạo (AI), ngôn ngữ lập trình, hệ điều hành, xử lý dữ liệu,... Tất cả đều rất có ích trong quãng đường trở thành lập trình viên sau này.
-
Hệ thống thông tin: Ngành học này sẽ trang bị cho bạn kiến thức về thiết bị và quy trình thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, thiết kế hệ thống thông tin, quản trị,... Một số ngôn ngữ lập trình mà bạn sẽ học như Java, PHP, C#, SQL… Tuy nhiên, SQL sẽ được tập trung học nhiều hơn.
-
Kỹ sư phần mềm: Đây có lẽ là ngành học chuyên sâu và gần nhất nếu bạn muốn học lập trình IT. Bạn sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản nhất về quy trình xây dựng và phát triển phần mềm, các công cụ phát triển, kỹ năng phân tích, thiết kế, lập trình, kiểm thử, vận hành và bảo trì phần mềm…
Sau khi tốt nghiệp những ngành nghề trên, tùy theo định hướng của bản thân mà bạn sẽ phải trang bị thêm nhiều kiến thức và nhiều ngôn ngữ lập trình khác.
Công việc cụ thể của lập trình viên
Nghề lập trình viên được chia thành các mảng khác nhau, tùy thuộc vào kỹ năng và kiến thức chuyên môn mà bạn sở hữu để có thể trở thành:
Front-End Developer
Tập trung vào các khía cạnh trực quan và tương tác của trang web hoặc ứng dụng mà người dùng tương tác trực tiếp (UI/UX). Bạn sẽ sử dụng chính các ngôn ngữ như HTML, CSS và JavaScript.
Back-End Developer
Xử lý logic phía máy chủ, cơ sở dữ liệu và giao diện lập trình ứng dụng (API) đảm bảo giao diện người dùng hoạt động chính xác. Một số ngôn ngữ lập trình mà lập trình viên sẽ cần “quen mặt” bao gồm Python, Java, Ruby, PHP,...
Full-Stack Developer
Có kỹ năng phát triển cả Front-End và Back-End, xử lý cả khía cạnh phía máy khách và phía máy chủ của ứng dụng.
Mobile Developer
Chuyên tạo ứng dụng cho thiết bị di động bằng các ngôn ngữ và nền tảng như Swift (iOS), Kotlin hoặc Java (Android) và Flutter hoặc React Native (đa nền tảng).
DevOps Engineer
Tập trung vào việc tích hợp phát triển các đường ống kỹ thuật số (đường ống CI/CD) với hoạt động, đảm bảo triển khai, mở rộng quy mô và bảo trì ứng dụng suôn sẻ bằng cách tự động hóa quy trình làm việc và giám sát hiệu suất hệ thống.
Game Developer
Thiết kế và tạo trò chơi điện tử bằng các ngôn ngữ lập trình và công cụ trò chơi cụ thể như Unity hoặc Unreal Engine.
Embedded Systems Developer
Làm việc trên phần mềm chạy trên phần cứng có nguồn lực hạn chế, chẳng hạn như thiết bị IoT hoặc máy công nghiệp.
Nhưng cho dù ở vị trí công việc và mảng công việc nào, thì công việc chính của một người làm lập trình viên bao gồm:
-
Trao đổi với kỹ sư phần mềm để xác định yêu cầu phần mềm và thiết kế hệ thống kiến trúc, phác thảo cách thực hệ thống sẽ hoạt động.
-
Sử dụng đúng ngôn ngữ lập trình cần thiết để viết code nhằm tạo chức năng hoàn chỉnh cho phần mềm hoặc ứng dụng.
-
Luôn kiểm tra code định kỳ để đảm bảo phần mềm hoạt động như mong đợi và đáp ứng các tiêu chuẩn theo yêu cầu.
-
Thực hiện nâng cấp thường xuyên để đảm bảo tính bảo mật và hiệu quả của phần mềm và hệ thống.
-
Làm việc chặt chẽ với các bên liên quan như chuyên viên thiết kế giao diện người dùng, quản lý dự án, người chịu trách nhiệm thử nghiệm chất lượng sản phẩm.
-
Viết tài liệu kỹ thuật giải thích cách phần mềm hoạt động, cách sử dụng và cách sửa đổi hoặc bảo trì phần mềm hỗ trợ người dùng.
-
Triển khai các biện pháp thực hành tốt nhất về mã hóa và bảo mật phần mềm hoặc ứng dụng.
hotcourses.vn
Trở thành lập trình viên sẽ tiến bộ những kỹ năng gì?
Bên cạnh những kiến thức chuyên môn, để trở thành một lập trình công nghệ thông tin giỏi, bạn cần trang bị cho mình một số kỹ năng sau đây:
-
Kỹ năng tiếng anh để đọc, hiểu các tài liệu vì phần lớn các đoạn mã lập trình hiện nay đều được viết bằng tiếng Anh.
-
Kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm giúp bạn dễ dàng làm việc và trao đổi với những vị trí khác trong team: quản lý dự án, phân tích kinh doanh, thử nghiệm phầm mềm,...
-
Kỹ năng tư duy, phân tích logic để nhanh chóng nắm bắt thông tin kỹ thuật phức tạp và theo sát mạch công việc.
-
Kỹ năng giải quyết vấn đề giúp các nhà lập trình nhanh chóng xác định và giải quyết các vấn đề trong quá trình phát triển phần mềm.
-
Kỹ năng chú ý chi tiết và tỉ mỉ do tính chất phức tạp của công việc lập trình đòi hỏi các lập trình viên phải làm việc một cách cẩn thận. Nếu có bug trong quá trình phát triển thì bạn sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức để khắc phục.
-
Kỹ năng tự học giúp bạn nhanh chóng cập nhật những công nghệ và kiến thức mới để áp dụng vào việc phát triển phần mềm.
-
Kỹ năng làm việc trong môi trường áp lực để bạn “tồn tại” và phát triển trong ngành công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay.
Tại sao nên thử sức với nghề lập trình viên?
Trước hết, trong thời đại số hóa như hiện nay, nhu cầu về nhân sự lập trình viên không ngừng tăng lên. Theo thống kê của viện Chiến lược CNTT, Việt Nam cần khoảng 50.000 nhân lực ngành CNTT nữa mới đáp ứng nhu cầu xã hội. Vì thế, bạn có thể dễ dàng lựa chọn một công ty phù hợp với nhu cầu của bản thân và không lo sợ thất nghiệp.
Ngoài ra, những người theo học lập trình viên có thể nhận mức lương tốt nhất hiện nay. Không hề khó để tìm thấy những vị trí có kinh nghiệm 1-3 năm với mức lương 15-25 triệu/ tháng, trong khi những developers 5 năm kinh nghiệm có thể nhận tới 40-50 triệu/ tháng. Dĩ nhiên, mức lương bạn thực nhận còn phụ thuộc khá nhiều vào kết quả công việc và quy mô dự án. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng lĩnh vực IT có khả năng nâng bậc lương và tăng lương nhanh nhất. Trên thực tế, bạn hoàn toàn có thể kiếm trăm triệu mỗi tháng nếu vừa có công việc ổn định, vừa thực hiện những dự án cá nhân bên ngoài.
Bài viết được chỉnh sửa bởi Marilyn Giang Nguyen vào ngày 19 tháng 09 năm 2024.