Làm quen với môi trường sống mới, thích nghi với văn hóa khác biệt và cảm giác cô đơn khi xa nhà là một vài yếu tố trong quá trình du học có thể khiến bạn rơi vào trạng thái trầm cảm. Vượt qua trầm cảm cần thời gian và sự kiên trì nên nếu lúc đọc bài viết này bạn vẫn chưa thoát khỏi cơn khủng hoảng tâm lý thì không có gì phải xấu hổ mà hãy nhớ rằng mọi chuyện rồi cũng sẽ qua.
Ba dấu hiệu dễ nhận thấy của trầm cảm
Trầm cảm có các biểu hiện, mức độ nặng nhẹ và thời gian kéo dài khác nhau với từng người cụ thể. Trong giới hạn bài viết này, Hotcourses chỉ nêu ra ba dấu hiệu dễ nhận biết nhất của trầm cảm nhưng bản thân bạn vẫn nên lắng nghe chính mình thật kỹ để có thể tự phát hiện những điều bất thường.
Gặp vấn đề về giấc ngủ
Đó có thể là tới giờ ngủ nhưng bạn không muốn ngủ, tới giờ thức mà chẳng muốn dậy. Bạn không ngủ trong nhiều ngày trời hoặc có thể ngủ vùi trong thời gian quá mức cho phép. Nếu giờ giấc ngủ nghỉ của bạn bị đảo lộn thì khả năng cao bạn đang rơi vào trầm cảm.
Không muốn làm gì hết
Từ việc nhỏ đến việc lớn, khi rơi vào trầm cảm bạn sẽ không có một chút động lực nào để hoàn thành bất kỳ việc gì. Kể cả những chuyện bình thường như ăn, uống, vệ sinh cá nhân hay ngồi dậy tắt chuông đồng hồ báo thức cũng trở nên quá sức với bạn.
Có ý nghĩ tự sát
Vì không thể làm gì nên bạn sẽ cảm thấy bản thân vô dụng, từ đó nảy sinh nhiều suy nghĩ tiêu cực và cuối cùng dẫn đến ý nghĩ muốn tự kết liễu để mọi chuyện qua đi nhanh chóng. Đây là dấu hiệu rõ ràng và chính xác nhất của trầm cảm bạn không nên phớt lờ.
>> 20 bài học cuộc sống du học sinh cần biết
Một số cách vượt qua trầm cảm
Nhận biết trầm cảm vốn đã khó vì không phải ai cũng dám thừa nhận bản thân bị trầm cảm nhưng vượt qua cơn khủng hoảng tâm lý lại càng khó hơn nhiều lần, nhất là với cộng đồng du học sinh chỉ có một thân một mình ở xứ lạ quê người. Dưới đây là một số cách du học sinh có thể áp dụng trong việc chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình để không những vượt qua trầm cảm mà còn ngăn chặn nó quay trở lại.
Thừa nhận mình bị trầm cảm
Để có thể chữa trầm cảm thì trước hết bạn phải dũng cảm đối diện với sự thật rằng mình đang gặp bất ổn về tâm lý. Trầm cảm là bệnh có thể chữa được nên không việc gì phải thấy xấu hổ. Chỉ khi bạn dám thừa nhận thì bạn mới có thể tự tìm cách giúp mình cũng như nhờ sự trợ giúp của người khác.
Dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn
Không có thời gian cho bản thân là một trong những lý do khiến bạn bị trầm cảm. Nếu bạn chọn học quá nhiều môn trong một kỳ để mong tốt nghiệp sớm thì hãy cân nhắc chọn ít môn lại trong học kỳ sau. Nếu bạn đang đi làm thêm quá nhiều chỗ để trang trải sinh hoạt phí thì hãy nghỉ bớt một chỗ, thu nhập sẽ giảm nhưng bạn có thời gian để thở. Trong lúc bị trầm cảm, bạn càng có ít deadline thì sẽ càng tốt.
Giải tỏa cảm xúc
Che đậy cảm xúc trong thời gian dài, nhất là những xúc cảm tiêu cực sẽ khiến tình trạng trầm cảm của bạn không bao giờ dứt mà sẽ tái đi tái lại nhiều lần. Vì vậy sau khi đỉnh điểm trầm cảm khiến bạn chẳng muốn làm gì qua đi thì bạn nên cố gắng giải tỏa cảm xúc của mình từng chút một. Mỗi người sẽ có cách giải bày tâm sự riêng, chẳng hạn như bạn có thể viết ra những suy nghĩ sâu kín nhất của mình mà không nhất thiết phải công khai chúng, vẽ nguệch ngoạc một bức tranh rồi tự ngắm hay chạy một vòng quanh khu ký túc xá. Những việc nhỏ và dễ thực hiện như vậy sẽ giúp bạn trút được nhiều gánh nặng trong lòng.
Đừng giả vờ mình đang hạnh phúc
Sự giả dối không bao giờ đem lại bất kỳ lợi ích nào nên nếu bạn đang thấy buồn thì đừng cố gắng giả vờ vui vẻ để mọi người không lo lắng. Thay vào đó, nếu có ai hỏi thăm thì bạn nên thành thật chia sẻ tình trạng của mình. Đối phương có tiếp nhận những điều bạn nói một cách nghiêm túc hay không thì khoan bàn vội nhưng trước hết bạn sẽ được sống thật với chính mình, một điều vô cùng quan trọng khi đang trong trạng thái khủng hoảng. Khi mọi người biết bạn gặp vấn đề, khả năng họ giúp đỡ bạn cũng cao hơn, từ đó bạn cũng bớt tủi thân.
Sử dụng dịch vụ tư vấn tâm lý sinh viên
Nếu bạn tự nhận thấy bản thân mình không thể tự vượt qua được trầm cảm thì nên nhờ đến sự giúp đỡ của những người có chuyên môn. Hầu hết các trường đại học ở nước ngoài đều có dịch vụ tư vấn tâm lý cho sinh viên quốc tế nên bạn có thể đến nhờ sự trợ giúp của họ.
Tha thứ cho bản thân
Trong lúc bị trầm cảm, bạn sẽ trong trạng thái không ổn định nên sẽ có xu hướng phạm lỗi trong mọi việc. Bạn có thể cáu gắt vô cớ với người này, hoàn thành công việc không đúng hạn, vô tâm với mọi người xung quanh, vân vân. Khi bình tâm lại, bạn không nên tự dằn vặt mình về những điều trên mà nên tập tha thứ cho bản thân vì lúc đó sức khỏe của bạn không tốt. Tất nhiên nếu bạn đã làm việc gì có lỗi với ai thì vẫn nên chia sẻ về tình trạng của mình và xin lỗi họ.
>> Nhận biết và vượt qua giai đoạn “kiệt sức” trong công việc
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Cuộc chiến với trầm cảm rất gian nan nên tốt nhất là ngay từ đầu bạn nên có ý thức không tạo điều kiện để trầm cảm có dịp ghé thăm bằng cách chuẩn bị những điều sau đây thật tốt.
Chuẩn bị tài chính vững vàng
Tài chính đóng vai trò rất lớn trong quá trình du học nên cũng thường là yếu tố khiến du học sinh đau đầu nhất. Hotcourses khuyên bạn chỉ nên đi du học khi đã có nguồn tài chính vững mạnh mà không cần phải làm thêm quá cật lực để ổn định cuộc sống ở xứ người. Đỡ được mối lo về tài chính thì bạn sẽ có tâm trạng thoải mái hơn mà chăm lo cho việc học.
Học ngoại ngữ cho tốt nhất có thể
Mặc dù bạn có giỏi ngoại ngữ ở Việt Nam đến mấy thì sang xứ người vẫn sẽ gặp tình cảnh “vịt nghe sấm” do không hiểu người bản xứ nói gì nhưng ít nhất khi trình độ ngoại ngữ của bạn đủ tốt thì thời gian bạn có thể làm quen với môi trường ngôn ngữ ở nước ngoài sẽ được rút ngắn hơn. Nếu bạn chưa thật sự tự tin với vốn liếng ngoại ngữ của mình thì hãy hoãn việc du học lại một thời gian để “luyện nội công cho thâm hậu”.
Chọn chương trình học vừa sức
Trường đại học càng danh tiếng thì áp lực học tập sẽ càng lớn nên bạn cần tỉnh táo khi chọn trường hoặc chương trình học cho mình. Bạn không nên đưa ra quyết định dựa trên kỳ vọng của mọi người mà hãy chọn trường đúng với năng lực của bản thân để không phải luôn cố gắng gồng mình trong quá trình học tập.
>> Chọn trường du học cần lưu ý gì?