Khoa học chính trị hiện đang là một ngành rất “oách” và thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ trên thế giới. Sau khi tốt nghiệp Thạc sỹ chuyên ngành, bạn sẽ có nhiều cơ hội trở thành giảng viên, phóng viên, nhà bình luận chính trị, người làm công tác tham mưu trong các cơ quan của chính phủ hoặc trong các cơ quan, tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức kinh tế, tổ chức phi lợi nhuận, chuyên viên nghiên cứu ở các cơ quan lí luận, chính trị và thậm chí với năng lực xuất sắc, bạn sẽ là những chính trị gia tương lai.
>> Tôi có thể làm nghề gì nếu học Khoa học Chính trị?
Khoa học Chính trị trong mắt sinh viên trong cuộc
Khoa học chính trị (Political Science) là khoa học nghiên cứu về chính trị hay nói cách khác, đối tượng của Khoa học chính trị là Chính trị (Politics). Nói một cách vắn tắt thì chính trị là quá trình bao gồm tranh luận, quyết định, xung đột và hợp tác giữa các cá nhân, nhóm và tổ chức đối với sự chi phối, kiểm soát, phân phối và sử dụng các nguồn tài nguyên cũng như các giá trị và tư tưởng làm nền tảng cho các hoạt động đó.

Khoa học chính trị khác Khoa học tự nhiên ở chỗ, nếu mục đích của Khoa học tự nhiên là phát hiện ra quy luật của thế giới tự nhiên để từ đó đưa ra các dự báo về tương lai, thì mục đích của Khoa học chính trị là cố gắng nghiên cứu chính trị một cách có hệ thống, nhằm đạt được sự hiểu biết hơn là tìm ra các quy luật và nguyên tắc. Nhưng điều này không đồng nghĩa sẽ không có một quy luật nào trong Khoa học chính trị.
Ngày nay, Khoa học chính trị ở phương Tây đã là một ngành phát triển với 3 bộ phận cấu thành hữu cơ gồm: Các học thuyết chính trị (Political Theories), Chính trị học so sánh (Comparative Politics) và Quan hệ quốc tế (International Studies).
Trong các sách giáo khoa về khoa học chính trị, nội dung chính đều xoay quanh các học thuyết chính trị kinh điển và hiện đại, quyền lực và nhà nước, các cơ quan của chính phủ (lập pháp, hành pháp, tư pháp), các loại hình chính phủ, quan hệ giữa các cấp của chính phủ, quân đội, chính đảng, bầu cử, các nhóm lợi ích/áp lực, vai trò của truyền thông đại chúng, hợp tác và xung đột giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế và khu vực, luật pháp quốc tế và những biện pháp gìn giữ trật tự quốc tế và giải quyết các vấn đề toàn cầu.
>> Học Khoa học Chính trị ở xứ sở bò tót
Những ngôi trường đào tạo Khoa học Chính trị hàng đầu tại châu Á
Ở Châu Á, bên cạnh APU của Nhật Bản thì trường Đại học Thammasat, Thái Lan cũng là một trong những trường top ở khu vực có bề dày đào tạo về Khoa học chính trị (năm 2017 kỷ niệm 69 năm thành lập Khoa). Từ năm 2014, Trường thành lập Chương trình đào tạo quốc tế Thạc sỹ Nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương (Master of Art in Asia-Pacific Studies _MAPS) với các môn học chính dựa trên 4 lĩnh vực: Kinh tế, Chính trị, Luật và Quan hệ quốc tế được giảng dạy bởi các giáo sư giàu kinh nghiệm, tâm huyết tốt nghiệp từ nhiều trường top trên thế giới như Oxford, Cambridge, Manchester, Havard, ANU, Tokyo và một số trường hàng đầu của các nước trong khu vực Châu Á. Bên cạnh đó, MAPS còn mời đến các khách mời, chuyên gia đầu ngành đến từ nhiều cơ quan, tổ chức như UNESCAP, WTO và cán bộ từ các Bộ ngành trong khu vực để giảng dạy.

>> Du học có phải đi thật xa, Thái Lan liệu có đủ xa?
Trải nghiệm học Khoa học Chính trị ở Thái Lan
Tại Đại học Thammasat, mỗi khóa học ngành MAPS kéo dài từ 16-18 tháng bắt đầu vào tháng 8 hằng năm, tại 2 cơ sở đào tạo chính ở Rangsit và Tha Prachan (Bangkok), với sĩ số lớp không quá 15 học viên. Phòng học được trang bị cơ sở vật chất tiện nghi, cao cấp phục vụ cho mục đích học tập và hội họp. Ngoài các phòng học phục vụ cho giờ lên lớp, MAPS còn xây dựng một phòng nguồn dữ liệu chuyên lưu trữ các tài liệu học thuật chuyên ngành và trưng bày các vật phẩm văn hóa từ nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh phòng tự học, thư viện và các lớp học riêng của MAPS, học viên còn có nhiều sự lựa chọn ngoài giờ lên lớp ở các thư viện lớn nhỏ khác, và khu trung tâm tự học ngay trong trường.

Chương trình học được chia làm 3 kỳ với các học phần chính (một học phần có thể có 2 môn học). Học kỳ 1 (tháng 8 đến tháng 12) được trải dài các ngày trong tuần với các khóa học từ cơ bản đến nâng cao ở đa dạng lĩnh vực nhằm tạo cho học viên kiến thức tổng quát và giúp học viên có được sư lựa chọn ưu tiên, kiến thức chuyên sâu với lĩnh vực tiềm năng cho đề tài khóa luận tốt nghiệp. Học kỳ 2 (tháng 02 đến tháng 6) sẽ tiếp tục với các môn học mở rộng mang tính cập nhật tình hình thực tế ở khu vực và thế giới. Học kỳ 3 (tháng 8 đến tháng 12 năm sau) học viên sẽ chỉ học một học phần chung với khóa tiếp theo và thực hiện khóa luận tốt nghiệp của mình. Với mỗi học phần, học viên sẽ thường được yêu cầu 1 bài thuyết trình cá nhân, 1 bài luận giữa kỳ (2500-5000 từ), bài tập nhóm, và cuối kỳ sẽ được thi theo các hình thức khác nhau dựa vào yêu cầu của giảng viên môn như: vấn đáp, làm bài giấy (3 tiếng) hoặc 1 bài luận 5000 từ. Mỗi học viên phải đảm bảo đạt điểm thành phần, luận văn tốt nghiệp bảo vệ thành công, có một bài báo quốc tế (trường tổ chức Hội nghị quốc tế vào tháng 12 hằng năm) và yêu cầu Tiếng Anh (theo quy định của MAPS) để được tốt nghiệp vào cuối năm (giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời), vì bằng tốt nghiệp chỉ được trao vào năm sau theo lịch của Hoàng gia Thái.
Bên cạnh việc giảng dạy, MAPS thường tổ chức các chuyến đi dã ngoại ở các địa điểm nổi tiếng Thái Lan giúp học viên có được những giây phút thư giãn và hiểu biết hơn về văn hóa lịch sử Thái. Không chỉ riêng MAPS, trường Thammasat nói chung luôn có các hoạt động hằng tháng nhằm khích lệ tinh thần văn thể mỹ của sinh viên với sự đầu tư và quy mô lớn luôn đón chào sự tham gia của sinh viên quốc tế.
Cơ hội học bổng theo học chương trình MAPS
Bạn có thể nắm bắt cơ hội theo học chương trình MAPS với học bổng toàn phần của trường với thông tin cụ thể bên dưới:
Giá trị học bổng: Học bổng toàn phần trị giá 570,000 THB và chỉ hỗ trợ các khoản phí được liệt kê cụ thể tại trang học bổng chính thức. Thời hạn học bổng kéo dài trong 3 học kì thường và một học kì hè (khoảng 16-18 tháng tuỳ vào thời điểm bắt đầu năm học được thông báo từ trường.
Số lượng học bổng: 10-12 suất (hằng năm) được trao bởi Trường ĐH Thammasat (TU) hoặc Cơ quan hợp tác quốc tế Thái Lan (TICA).
Quốc tịch: Ứng viên từ khắp nơi trên thế giới đều có thể ứng tuyển. Ưu tiên ứng viên từ khu vực cộng đồng ASEAN.
Yêu cầu:
Bằng cử nhân ở bất kì lĩnh vực nào với GPA từ 2.5 trở lên, cấp bởi một trường đại học được công nhận.
Yêu cầu ngoại ngữ:
- Yêu cầu tối thiểu cho trình độ ngoại ngữ là 6.5 chứng chỉ IELTS (điểm thành phần không có kỹ năng nào dưới 6.0), 550 điểm chứng chỉ TOEFL (đề giấy), 79 (đề mạng), 213 điểm (đề máy tính) hoặc 550 điểm chứng chỉ TU-GET. Điểm chính thức chỉ được công nhận khi thời hạn không quá 2 năm tính đến thời điểm đóng đơn.
- Yêu cầu ngoại ngữ không áp dụng cho ứng viên có đến từ các nước có tiếng Anh là bản ngữ.
Đại học Thammasat yêu cầu sinh viên không phải là người bản ngữ phải đạt được trình độ ngôn ngữ Anh nhất định như là một phần của điều kiện tốt nghiệp.
