Statement of Purpose là bài luận thể hiện mục đích học tập bạn có thể sẽ được yêu cầu thực hiện để nộp hồ sơ nhập học vào các trường hoặc ứng tuyển cho những chương trình học bổng. Để có một bài luận Statement of Purpose ấn tượng, trước khi bắt tay vào viết thì bạn nên dành thời gian tìm hiểu để nắm rõ những thông tin cơ bản của tài liệu này.
Phân biệt “Statement of Purpose” và “Personal Statement”
Nếu bạn đang tự hỏi Statement of Purpose (SOP) có giống với Personal Statement (PS) không thì câu trả lời của HCVN là… vừa giống vừa khác. Về mặt giống nhau, SOP và PS có chung các điểm sau:
-
Nội dung của 2 bài luận đều xoay quanh ứng viên chứ không yêu cầu bạn đưa ra bất kỳ quan điểm nào về các vấn đề ngoài lề
-
Mục đích của 2 bài luận đều để thuyết phục ban tuyển sinh thấy rằng ứng viên là lựa chọn phù hợp cho chương trình học
-
Văn phong của cả 2 bài luận phải đảm bảo ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu
Ngoài các điểm chung trên, SOP và PS còn có một số điểm khác nhau cơ bản như:
-
Mặc dù nội dung cả 2 bài luận đều xoay quanh ứng viên nhưng định hướng khai thác lại hoàn toàn khác. SOP dành cho các chương trình sau đại học nên ứng viên cần tập trung chia sẻ nhiều hơn về kinh nghiệm làm việc, quá trình nghiên cứu và mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng trong tương lai. Trong khi đó, giống với tên gọi, PS lại khuyến khích ứng viên chia sẻ về các câu chuyện cá nhân để từ đó làm bật lên tính cách, đam mê và ước mơ sự nghiệp của mình.
-
SOP thường được yêu cầu cho bậc học Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ còn PS thường dành cho bậc học Cử nhân hay các chương trình học bổng. Đối với một số chương trình học nhất định, ban tuyển sinh vẫn có thể yêu cầu ứng viên nộp cả hai bài luận để hiểu rõ toàn bộ quá trình phát triển của ứng viên.
-
Cách truyền tải thông tin của SOP sẽ mang tính chuyên môn cao hơn với các thông tin về dự án nghiên cứu hoặc thành tích nghề nghiệp trong khi PS thì nên sử dụng cách diễn đạt giống như kể một câu chuyện để tạo sự thu hút và đồng cảm nơi người đọc.
Bạn nên lưu ý là sự phân biệt trên đây chỉ mang tính tương đối vì mỗi trường đại học nhất định sẽ có đôi chút khác biệt trong cách định nghĩa SOP và PS. Nếu bạn cảm thấy hoang mang không rõ mình có hiểu SOP hay PS đúng với yêu cầu của nhà trường không thì đừng ngần ngại hỏi văn phòng tuyển sinh để có câu trả lời chính xác.
>> Mẹo viết Personal Statement cho hồ sơ MBA
Định dạng chuẩn của SOP
Khi viết SOP, nếu không có yêu cầu đặc biệt nào từ ban tuyển sinh thì bạn nên tuân theo định dạng như sau:
-
Font chữ Times New Roman
-
Kích cỡ chữ 12 point
-
Canh lề 1 inch cho 4 lề giấy
-
Cách dòng 1.5
-
Độ dài tốt nhất của bài luận SOP là 1 trang giấy, nhiều lắm là 1 trang rưỡi, không hơn. Ban tuyển sinh thường đọc rất nhiều bài luận trong mỗi đợt duyệt hồ sơ nên SOP của bạn có độ dài vừa đủ thì sẽ tạo ấn tượng tốt hơn.
Gợi ý những nội dung cần trình bày trong SOP
Nếu bạn chưa biết nên triển khai bài luận SOP của mình với các ý chính gì thì có thể tham khảo sườn bài 5 đoạn văn dưới đây của HCVN:
Đoạn 1: Giới thiệu ngắn gọn về bản thân
Bạn có thể tự giới thiệu mình bằng cách đề cập đến vị trí công tác, kinh nghiệm làm việc hoặc mục tiêu nghề nghiệp. Giới thiệu như thế nào cũng được nhưng phải đảm bảo phần mở bài có liên quan mật thiết với chương trình học bạn dự định nộp hồ sơ. Nếu ngay từ đầu ban tuyển sinh thấy bạn có nền tảng không liên quan gì đến chương trình học thì khả năng cao họ sẽ không đọc tiếp các nội dung sau đó. Bạn nên đầu tư chất xám để viết một câu mở đầu vừa ấn tượng vừa liên quan để giữ chân người đọc.
Đoạn 2 và 3: Lý do bạn muốn theo đuổi lĩnh vực này
Những lý do này nên dựa trên trải nghiệm thực tế của bạn để tăng tính thuyết phục. SOP dành cho hệ Thạc sĩ và Tiến sĩ nên các lý do học tập bạn đưa ra càng sâu sắc và chín chắn bao nhiêu thì sẽ tạo ấn tượng tốt bấy nhiêu. Nếu có thể, bạn nên nêu thêm những dẫn chứng thực tế để bổ túc cho luận điểm của mình. Ví dụ, khi bạn nói rằng mình quan tâm đến vấn đề quyền con người, cụ thể là quyền của cộng đồng LGBT trong công việc và cuộc sống thì tốt nhất bạn nên liệt kê những hoạt động hoặc công việc có liên quan đến LGBT bạn đã phụ trách trong quá khứ.
Mặc dù có đến 2 đoạn để chia sẻ về lý do học tập nhưng bạn vẫn nên cân nhắc chọn ra các luận điểm tâm đắc nhất để trình bày. Bạn có thể nêu ra một số ý chính ở đoạn 2 và phân tích kỹ 1 ý nổi bật nhất ở đoạn 3.
Đoạn 4: Lý do bạn là ứng viên phù hợp với chương trình
Đây là lúc bạn đưa ra các dẫn chứng để ban tuyển sinh thấy nền tảng học vấn, kinh nghiệm làm việc và lý do học tập của bạn hoàn toàn phù hợp với nội dung của chương trình học. Không những thế, bạn còn phải cho ban tuyển sinh hình dung được chương trình học này sẽ giúp ích cho sự nghiệp của bạn như thế nào. Để tạo thêm ấn tượng, bạn có thể cân nhắc nêu các lý do đặc trưng khiến bạn chọn chương trình học này mà không phải các khóa học tương tự ở nơi khác.
Đoạn 5: Kế hoạch tương lai của bạn
Bất kể là bậc học nào thì ban tuyển sinh đều muốn nhìn thấy tầm nhìn xa của ứng viên trong con đường sự nghiệp. Họ sẽ ưu tiên chọn những ứng viên có hướng đi phát triển nghề nghiệp rõ ràng. Các nội dung bạn có thể đề cập trong phần này có thể kể đến như hướng đi tiếp theo của bạn sau khi tốt nghiệp, cách bạn sẽ ứng dụng những kiến thức cho công việc tương lai hoặc vị trí bạn muốn theo đuổi. Kế hoạch tương lai không nhất thiết phải quá “đao to búa lớn” nhưng phải đảm bảo phù hợp với lĩnh vực bạn muốn học hỏi.
Nguồn tham khảo: Essay Edge, Petersons, WES