Câu hỏi này sẽ không có đáp án nào đúng với tất cả mọi người vì tùy vào hoàn cảnh của từng người mà câu trả lời sẽ khác nhau. Để tìm ra thời điểm thích hợp nhất để du học cho bản thân, các bạn có thể tự vấn những câu hỏi do HCVN liệt kê dưới đây. Nếu đáp án của bạn chỉ toàn “có/ rồi/ đúng” thì bạn sẽ dễ dàng biết được đâu là thời điểm vàng để lên đường đi du học.
Bạn đã có định hướng du học ở bậc học nào chưa?
Có rất nhiều mốc thời gian để bạn lựa chọn cho hành trình du học của mình như du học từ khi học cấp ba, du học bậc Cử nhân, du học bậc Thạc sĩ và du học bậc Tiến sĩ. Ngoài những chương trình học chính quy kể trên, bạn còn vô số hướng đi khác như du học hè từ vài tuần đến vài tháng, du học trao đổi văn hóa từ một đến hai học kỳ, du học theo diện chương trình liên kết 2 năm học ở Việt Nam 2 năm học ở nước ngoài.
Bạn cần biết rõ mình muốn lên đường du học ở bậc học nào thì mới có thể trả lời cho câu hỏi thời điểm nào thích hợp để du học. Lúc đó bạn sẽ có cơ sở để lên kế hoạch cho việc biến ước mơ du học thành sự thật. Ví dụ như bạn muốn du học từ cấp ba thì trước đó trong khoảng thời gian học cấp 2 bạn đã phải chuẩn bị ôn luyện khả năng Anh ngữ và các kỹ năng cần thiết.
Dù mong muốn du học ở bậc học nào đi chăng nữa thì HCVN vẫn muốn nhắc bạn rằng không bao giờ quá muộn để đi du học. Nếu chỉ vì không thể du học ở bậc học mình mong ước mà bạn từ bỏ luôn giấc mơ du học thì không nên. Con đường du học luôn rộng mở với tất cả mọi người thuộc mọi độ tuổi.
Khả năng của bạn đã đạt đủ điều kiện để du học chưa?
Sau khi đã có định hướng về bậc học, lúc này bạn nên tự suy xét xem khả năng của mình đã đủ điều kiện để du học chưa? Nếu chưa thì bạn có đủ thời gian hoàn thiện bản thân để theo kịp kế hoạch du học như mong muốn không?
Ví dụ như bạn muốn du học Mỹ hệ Cử nhân thì số điểm IELTS và SAT của bạn có đủ cao để bạn nộp hồ sơ vào trường mình ưng ý? Nếu không đủ thì bạn có thời gian để ôn luyện và nộp hồ sơ đúng hạn không? Nếu câu trả lời chỉ là “không” thì bấy giờ chưa phải là thời điểm thích hợp để bạn đi du học. Thay vào đó, bạn có thể chọn con đường học các chương trình liên kết 2 năm ở Việt Nam 2 năm ở nước ngoài hoặc đợi năm sau nộp hồ sơ du học lại.
HCVN nghĩ rằng bạn không nên quá buồn khi bản thân chưa đủ khả năng để du học. Bạn nên kiên nhẫn dành thời gian tự trau dồi kiến thức để đạt đủ điều kiện du học thì khi đó quá trình học tập ở xứ người của bạn tuy có muộn một chút nhưng sẽ suôn sẻ và thành công hơn.
Bạn có đủ nguồn lực tài chính cho quá trình du học không?
Ngay cả khi bạn đã có định hướng du học rõ ràng và đủ khả năng nhưng lại thiếu hụt về tài chính thì giấc mơ du học của bạn vẫn khó có thể thành sự thật. Du học ở quốc gia nào cũng rất tốn kém nên việc tự chuẩn bị cho mình một nguồn lực tài chính vững mạnh là điều bắt buộc nếu bạn muốn du học thành công. Ngoài con đường du học tự túc, bạn hoàn toàn có thể xem xét đến các lựa chọn du học bằng học bổng để tiết kiệm chi phí.
Nếu chọn du học theo con đường học bổng thì lựa chọn bậc học sẽ hạn chế hơn vì các chương trình học bổng thường chỉ đài thọ cho hệ Thạc sĩ trở lên do thời gian học sẽ ít hơn so với những bậc học khác. Tùy thuộc vào tình trạng tài chính của gia đình và bản thân, bạn có thể cân nhắc ứng tuyển học bổng 50% hoặc 100%. Đối với một số loại học bổng do chính phủ nước ngoài cấp như Fulbright của Mỹ hay Chevening của Anh, ứng viên trúng tuyển sẽ được đài thọ toàn bộ chi phí du học kể cả ăn ở trong quá trình học tập của mình. Bạn có thể tham khảo thêm 7 địa chỉ tìm kiếm học bổng do HCVN thu thập trong hành trình “săn” học bổng của mình.
Trong trường hợp bạn không có nguồn tài trợ nào cho việc học thì HCVN khuyên bạn không nên cố gắng du học bằng mọi giá và nghĩ phương án làm thêm ở nước ngoài sẽ giải quyết vấn đề. Làm thêm ở nước ngoài chỉ có thể giúp bạn chi trả sinh hoạt phí chứ không thể giúp bạn thanh toán tiền học đắt đỏ. Đó là chưa kể nếu bạn làm thêm quá nhiều sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc học.
Bạn đã có thể sống tự lập chưa?
Du học xa nhà đòi hỏi bạn sẽ phải sống tự lập vì bạn chỉ có một thân một mình tại đất khách quê người. Không chỉ phải tự giác trong học tập, bạn còn phải tự lo toan mọi thứ trong cuộc sống hàng ngày như nấu nướng, giặt giũ và chăm sóc bản thân.
Nếu lúc ở Việt Nam bạn vẫn còn nhận được sự bảo bọc và chăm lo từng li từng tí của gia đình thì HCVN khuyên bạn nên gác lại việc du học mà cố gắng luyện tập lối sống tự lập để chuẩn bị cho hành trình du học sắp tới. Bạn có thể tập nấu một bữa cơm hoàn chỉnh cho gia đình, tập lau dọn phòng riêng, tập rửa chén (bát) và tự chăm sóc bản thân khi đau ốm. Những kỹ năng tưởng nhỏ nhặt này sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong quá trình du học của mình.
Khi bạn có thể sống tự lập thì trước tiên phụ huynh sẽ an tâm hơn khi để bạn ra nước ngoài học. Cá nhân bạn cũng sẽ tự tin hơn vì có thể tự giải quyết mọi tình huống trong cuộc sống. Nếu bạn chọn sống chung với các bạn sinh viên khác thì cũng sẽ được mọi người yêu mến hơn vì ai cũng muốn sống cùng một người có trách nhiệm và biết tự chăm sóc bản thân.
Quyết định du học không ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống cá nhân của bạn chứ?
Du học là một lựa chọn và sự lựa chọn nào cũng đi kèm với một sự đánh đổi. Trong trường hợp này thì bạn sẽ phải đánh đổi việc mình sẽ không có mặt ở Việt Nam trong một khoảng thời gian có thể sẽ rất dài. Việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với cuộc sống cá nhân của bạn là điều bạn cần xem xét.
Ví dụ như hiện tại bạn đã có gia đình và có con nhỏ thì quyết định du học có thể sẽ không cho bạn cơ hội được ở bên cạnh con trong những năm tháng đầu đời của bé. Không phải quốc gia nào cũng cho phép du học sinh mang gia đình theo như New Zealand nên bạn sẽ phải cân nhắc rất kỹ khi muốn du học sau khi đã có gia đình. Hoặc giả dụ bạn đang có người yêu ở Việt Nam thì khi quyết định du học liệu cả hai người có chấp nhận yêu xa hay không?
Du học là một quyết định lớn trong cuộc đời của mỗi người nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng không ít thì nhiều đến cuộc sống cá nhân của bạn. Nếu bạn có thể chấp nhận những thay đổi việc du học có thể đem lại thì hãy cứ mạnh dạn đi du học.

Tạm kết
Nếu như bạn vẫn còn đắn đo trong việc đưa ra câu trả lời cho 5 câu hỏi trên thì HCVN khuyên bạn nên gác việc du học lại một thời gian cho đến lúc mọi chuyện đều thông suốt. Cuối cùng, chỉ có bạn và duy nhất bạn là người có thể biết chính xác “thời điểm nào là tốt nhất để đi du học”.