Chi phí ăn uống là một trong những khoản phí chiếm tỉ lệ lớn trong ngân sách sinh hoạt phí, nhưng chắc chắn bạn không thể cắt giảm bằng cách nhịn ăn. Hãy tham khảo bài viết dưới đây về những cách tiết kiệm chi phí ăn uống mà vẫn đủ dưỡng chất, đảm bảo sức khỏe cho việc học tập tại Mỹ.
>> Tự nấu ăn, tìm nhà ở và chơi chứng khoán: 3 “chiêu” tiết kiệm mùa dịch của du học sinh Mỹ
Chọn “meal plan” phù hợp
Tìm hiểu lựa chọn meal plan (chế độ ăn uống) phù hợp là cần thiết nếu bạn sống trong ký túc xá và buộc phải ăn tại căng-tin của trường ít nhất trong năm đầu tiên sống tại ký túc xá. Các khẩu phần ăn của mỗi trường sẽ có đôi chút khác nhau, nhưng đa phần sẽ bao gồm số lượng bữa ăn mỗi kỳ tại căng-tin, kèm một số tiền để ăn tại các nhà hàng trong khuôn viên trường. Chẳng hạn, sinh viên trường University of Utah năm học 2019-2020 có thể chọn một trong số các lựa chọn sau: 21 bữa ăn/tuần & 350USD/kỳ, 18 bữa ăn/tuần & 200 USD/kỳ, 15 bữa ăn/tuần & 350 USD/kỳ hay chỉ 10 bữa ăn/tuần & 350 USD/kỳ. Linh Lê (sinh viên năm 3 tại Đại học Utah) chia sẻ dù sống 100% tại trường, Linh chỉ chọn phương án 15 bữa ăn/tuần & sử dụng 350 USD để ăn xen kẽ tại nhà hàng Trung Quốc.
Nếu khu ký túc xá của bạn có trang bị bếp (chi phí thường cao hơn ký túc xá không có bếp), bạn có thể cân nhắc việc nấu nướng một số bữa ăn trong tuần, như vậy bạn có thể tự nấu ăn vào cuối tuần khi có nhiều thời gian rảnh hơn, vừa tiết kiệm vừa hợp khẩu vị.
>> Du học Mỹ: 5 lý do nên sống trong ký túc xá cho sinh viên năm nhất
Lập thẻ thành viên tại các siêu thị
Các siêu thị chuỗi lớn như Kroger, Smith hay siêu thị địa phương nhỏ như Giant đều có chương trình thẻ thành viên (miễn phí) giúp bạn tiết kiệm một khoản tiền nho nhỏ. Số điểm tích được trên mỗi hóa đơn sẽ được quy đổi ra một khoản tiền mà bạn có thể sử dụng để trừ vào hoá đơn của lần mua hàng kế tiếp. Hơn nữa, bạn có thể mua hàng với giá ưu đãi dành cho thành viên. Thế nên, dù tự nấu ăn hay đăng ký ăn tại căng-tin trường thì bạn nên có thẻ thành viên của một siêu thị gần nhà để "tích tiểu thành đại" khi mua thức ăn hay các nhu yếu phẩm.
Ngoài ra, thẻ thành viên của các siêu thị bán hàng sỉ như Costco và Sam's Club cũng sẽ giúp ích khi bạn có thể tiết kiệm khoảng 5% giá trị đơn hàng. Tuy nhiên, phí thành viên của những siêu thị này tầm 45 USD/năm. Để không bỏ lỡ cơ hội mua được đồ ăn thức uống hay sản phẩm thiết yếu có giá siêu tốt, bạn có thể rủ hai hoặc ba người bạn góp lại đăng ký một thẻ thành viên cùng bạn nhé.
Ưu tiên các mặt hàng giảm giá
Mỗi siêu thị sẽ có các hoạt động giảm giá khác nhau rất thú vị, nên hãy quan sát các siêu thị bạn thường ghé đến để có thể mua các mặt hàng giảm giá. Nếu có thể, bạn nên cố gắng đi mua sắm trễ hơn vào cuối ngày (lý tưởng là một tiếng trước khi đóng cửa hoặc khoảng 7 tối ở những cửa hàng 24h) bởi hầu hết những mặt hàng chỉ bán trong ngày như rau củ quả, thức ăn chế biến sẵn sẽ được giảm giá mạnh. Tại Kroger, vào cuối ngày thường có một kệ nhỏ treo biển “Oops! We've baked too much!”, nơi bạn có thể tìm thấy các loại bánh mì hay cupcake với giá giảm tầm hơn 50%. Hay vào ngày thứ Tư tại một số Kroger, bạn có thể mua được một hộp sushi chỉ tầm 5 USD.
Đừng quên các siêu thị này cũng có cực nhiều coupon (mã giảm giá) mà bạn có thể sử dụng khi mua trực tiếp hoặc qua mạng.
Ngoài ra, mua thực phẩm theo mùa cũng là một chiến lược mua sắm thông minh bởi giá sẽ giảm kha khá. Chẳng hạn, vào mùa dâu, bạn có thể mua hẳn hai hộp dâu căng mọng to tướng chỉ với 5 USD. Nga Nguyễn (Ohio) chia sẻ cứ đến mùa đào là cô bạn mua rất nhiều đào về làm siro đào, rồi bảo quản trong tủ lạnh uống dần, vừa tiết kiệm vừa tốt cho sức khỏe khi thay thế các loại nước trái cây đóng chai.
>> Trước khi lên đường du học Mỹ: những thói quen nên tập ngay trong mùa hè này!
Tận dụng ưu đãi cashback
Nếu bạn đủ điều kiện hãy mở một thẻ tín dụng cashback (chương trình thưởng hoàn lại tiền) tại ngân hàng. Chẳng hạn, thẻ tín dụng của Capital One cho phép bạn nhận 1% cashback cho số tiền bạn đã chi tiêu, nghĩa là mua 100 USD thì bạn sẽ được hoàn 1 USD. Ngoài ra, một số ứng dụng như Ibotta cho phép bạn mua hàng và nhận hoàn tiền trên rất nhiều mặt hàng tại các siêu thị như Walmart hay thức ăn pick-up (mua mang đi) tại các nhà hàng như Domino. Chưa kể bạn sẽ được nhận Welcome Bonus (Giảm giá cho thành viên mới) trị giá 20 USD khi tải ứng dụng về máy và đăng ký tài khoản.
Một bí kíp nho nhỏ cho bạn là hãy lên một danh sách các thứ cần mua, rồi kiểm tra trên ứng dụng liệu có sản phẩm nào tương tự đang nhận được ưu đãi hoàn tiền. Nếu bạn dự định mua mặt hàng tương tự tại siêu thị thì hãy đặt mua trên ứng dụng để nhận được một khoản tiền hoàn lại.
Lựa chọn siêu thị phù hợp
Tuỳ vào mặt hàng cần mua mà bạn nên đến một siêu thị nào đó. Walmart nhìn chung bán nhiều chủng loại mặt hàng với giá thấp, song Kroger cung cấp nhiều thực phẩm tươi sống ngon và đa dạng hơn - với giá ngang bằng hoặc thấp hơn Walmart. Các nhu yếu phẩm hằng ngày như giấy vệ sinh, dầu gội, sữa tắm,... có thể mua với số lượng lớn và giá ưu đãi tại Costco hay Sam's Club.
Nếu ở các thành phố có đông người châu Á sinh sống, bạn có thể tìm thấy tất tần tật các nguyên liệu để nấu phở hay bánh canh với rau thơm, ngò tàu, sợi phở ở các siêu thị châu Á của người Việt, người Trung Quốc, hay Hàn Quốc. Ở đây, nguyên liệu châu Á nào, đặc biệt là trái cây, cũng rẻ hơn siêu thị Mỹ nhiều lần.
Ngoài ra, bạn có thể đến cửa hàng Dollar Tree để mua những vật phẩm với giá chỉ 1 USD (hoặc hơn một chút – nhớ đảm bảo bạn kiểm tra giá tiền trước khi mua). Chuỗi các cửa hàng Nhật như Daiso cũng có hàng trăm mặt hàng thiết yếu rất dễ thương với giá chỉ tầm 1 USD.
Trên thực tế, chi phí ăn uống là một khoản vừa khó lại vừa dễ để cắt giảm. Hi vọng những bí quyết mua sắm kể trên sẽ giúp bạn giảm phần nào gánh nặng tài chính du học Mỹ.