Về cơ bản, các bước mở tài khoản ngân hàng ở Anh không khác so với ở Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào. Điều khác biệt là bạn đang ở một quốc gia xa lạ và không tránh khỏi cảm giác bỡ ngỡ do không nắm đầy đủ thông tin cũng như các lựa chọn hiện có. Đừng lo lắng, hãy tham khảo những bước sau đây để tìm kiếm cho mình một ngân hàng phù hợp với nhu cầu của bạn khi du học tại Anh nhé!
> Du học Vương Quốc Anh tốn… chừng này tiền
> Bí quyết giảm thiểu chi phí khi du học Anh Quốc
Lựa chọn ngân hàng phù hợp

Có hàng tá ngân hàng ở Anh cho bạn lựa chọn. Vì thế, hãy chọn lọc một số ngân hàng tiêu biểu, uy tín trước khi tiến hành so sánh dịch vụ và ưu đãi của các ngân hàng. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và không cảm thấy "choáng ngợp" vì phải tiếp cận quá nhiều thông tin. Một số tiêu chí quan trọng bạn có thể xem xét để rút gọn danh sách ngân hàng tiềm năng bao gồm:
-
Ngân hàng có chi nhánh, ATM gần trường đại học, ký túc xá hay nơi bạn sống
-
Ngân hàng có chương trình ưu đãi tốt cho sinh viên
-
Số tiền thấu chi miễn lãi mà ngân hàng cho phép (số tiền thấu chi miễn lãi là số tiền tối đa bạn có thể tiêu vượt quá số tiền sẵn có trong tài khoản mà không phải trả thêm lãi)
-
Phí in sao kê (nếu có)
-
Phí chuyển tiền trong nước và quốc tế
Ở đây, Hotcourses Vietnam đã tổng hợp thông tin và so sánh chính sách của một số ngân hàng lớn ở Anh để các bạn tham khảo:
Ngân hàng
|
Loại tài khoản
|
Thấu chi miễn lãi
|
Dành cho sinh viên quốc tế
|
Ưu đãi thêm
|
HSBC
|
HSBC Student
|
Lên tới £3,000
|
Phí chuyển tiền quốc tế: £4
|
Ưu đãi £100 khi làm thẻ, giảm giá khi mua sắm, bar, nhà hàng, hỗ trợ dịch vụ mobile banking
|
Barclays
|
Barclays Student
|
Lên tới £3,000
|
Miễn phí chuyển tiền
|
Hoàn tiền khi mua sắm, được tự do thiết kế thẻ ngân hàng theo ý thích, hỗ trợ dịch vụ mobile banking
|
Lloyds
|
Lloyds Student
|
Lên tới £1,500
|
Phí chuyển tiền: £9.50
|
Thẻ giảm giá TOTUM (*), hỗ trợ dịch vụ mobile banking
|
Natwest
|
Natwest Student
|
Lên tới £2,000
|
Phí hàng tháng là £10, với điều kiện phải sống ở UK ít nhất 3 năm trở lại đây
|
Tặng thẻ Tastecard miễn phí hoặc gói Amazon Prime cho sinh viên hoặc thẻ National Express Coachcard, hỗ trợ dịch vụ mobile banking
|
Santander
|
Santander 123 Student
|
Lên tới £2,000
|
Phí chuyển tiền £25 đối với học sinh quốc tế, miễn phí nhận tiền
|
Miễn phí thẻ Railcard 16-25 (**) trong 4 năm, hoàn tiền khi mua sắm ở các nhà bán lẻ lớn
|
Nationwide
|
Nationwide FlexStudent
|
Lên tới £3,000
|
Phí chuyển tiền £20 đối với học sinh quốc tế, miễn phí nhận tiền
|
Lãi 1% trên số tiền trong tài khoản, tối đa lên tới £1.000, hỗ trợ dịch vụ mobile banking
|
RBS
|
RBS Student
|
Lên tới £2,000
|
Phí hàng tháng là £10
|
Tặng thẻ Tastecard miễn phí hoặc gói Amazon Prime cho sinh viên hoặc thẻ National Express Coachcard, hỗ trợ dịch vụ mobile banking
|
Chú thích:
(*) Thẻ TOTUM là thẻ giảm giá dành cho sinh viên ở Anh Quốc, giúp bạn tiết kiệm khi mua sắm, sử dụng dịch vụ tại hàng trăm nhà bán lẻ khác nhau. Ví dụ: ưu đãi 10% khi mua sắm tại ASOS, giảm giá 25% vé xem phim tại Odeon,...
(**) Thẻ Railcard 16-25: Tấm thẻ này có giá £30 và mang đến ưu đãi giảm giá 30% trong suốt cả năm cho mọi hành trình di chuyển của bạn bằng đường tàu hoả khắp Anh Quốc.
Ngoài ra, có nhiều ngân hàng điện tử cho phép mở dịch vụ tài khoản trực tuyến như Monzo, Revolut, Starling. Loại tài khoản này cũng rất phù hợp để bạn theo dõi chi tiêu và thiết lập ngân sách dễ dàng.
Tránh mắc bẫy quảng cáo của các ngân hàng
Khi đã có một danh sách rút gọn về các ngân hàng uy tín để xem xét kỹ hơn, hãy chắc chắn rằng bạn đang không mắc bẫy quảng cáo của ngân hàng.
Các ưu đãi cho sinh viên nhìn có vẻ hấp dẫn nhưng thực tế chưa hẳn như vậy. Mỗi ngân hàng đều đưa ra chính sách ưu đãi riêng, khi là thẻ giảm giá, khi là vé tàu, khi là lãi suất tiền gửi,... nên thật khó để so sánh chính xác giữa các ngân hàng. Tuy nhiên, nếu trị giá của ưu đãi đó chỉ tầm £20 trở xuống, bạn nên bỏ qua ngân hàng này. Con số đó quá khiêm tốn so với mặt bằng chung.

Một yếu tố khác bạn nên lưu tâm đó là khi nhìn vào những con số về mức thấu chi. Con số mà các ngân hàng quảng cáo thường là con số tối đa mà bạn có thể được đề xuất (up to) chứ không đảm bảo chắc chắn bạn sẽ được hưởng mức đó. Thông thường, phải đến năm cuối đại học và đảm bảo duy trì một mức điểm tín dụng tốt trong suốt quãng thời gian sinh viên, bạn mới được hưởng đến mức thấu chi này. Vì thế, hãy tìm hiểu thật kỹ về quyền lợi của mình khi mở tài khoản ngân hàng nhé.

Lựa chọn loại tài khoản

Có 2 loại tài khoản chính ở Anh, đó là tài khoản thanh toán và tài khoản tiết kiệm. Các bạn có thể lựa chọn và cân nhắc giữa các loại tài khoản này tùy vào nhu cầu bản thân:
-
Tài khoản thanh toán: loại tài khoản này cho phép bạn nộp tiền và rút tiền bất cứ khi nào bạn muốn. Thông thường, khi mở tài khoản thanh toán, bạn sẽ được phát kèm một sổ séc và một thẻ ghi nợ, hầu hết các sinh viên quốc tế sẽ chỉ cần mở loại tài khoản này là đủ khi đi du học tại Anh Quốc.
-
Tài khoản tiết kiệm: đây là nơi giữ tiền cho các mục tiêu dài hạn. Một số sinh viên cũng có thể sẽ muốn mở tài khoản này nếu có công việc làm thêm và muốn tiết kiệm tiền đi du lịch hoặc dùng trong tình huống khẩn cấp.
Đăng ký mở tài khoản ngân hàng

Bạn hoàn toàn có thể mở tài khoản ngân hàng qua một cú điện thoại hay vài cú click chuột. Tuy nhiên, là du học sinh, chúng tôi khuyên bạn nên đến làm việc trực tiếp với các giao dịch viên và nhận tư vấn từ ngân hàng. Để mở tài khoản ngân hàng, bạn sẽ cần các thông tin, giấy tờ như:
-
Họ và tên đầy đủ, địa chỉ nhà, số điện thoại bàn, số điện thoại trường học và địa chỉ trường
-
Hộ chiếu
-
Các giấy tờ định danh như thẻ sinh viên, giấy khai sinh, giấy phép lái xe hoặc thư xác nhận từ trường đại học.
-
Thư chấp nhận của trường đại học
-
Số tiền tối thiểu để duy trì tài khoản (tùy ngân hàng có quy định riêng về số tiền này)
Những yêu cầu này có thể có khác biệt giữa các ngân hàng. Vì vậy, cách tốt nhất sau khi lựa chọn được ngân hàng là hãy ghé thăm website của ngân hàng đó và tìm hiểu về quy định mở tài khoản chính xác nhé!

Nguồn: Times Higher Education, Save The Student, Top Universities