Những điều cần biết
Hà Lan: HƯỚNG NGHIỆP

Ngô Di Lân chia sẻ trải nghiệm học Quan hệ quốc tế tại UCM, Hà Lan

7.2K
Ngo Di Lan

Sau khi hoàn tất chương trình Cử nhân Chính trị quốc tế với học bổng toàn phần tại UCM (University College Maastricht, Hà Lan), Ngô Di Lân sẽ tiếp tục lên đường du học bậc Tiến sĩ vào tháng 8 năm 2015 với học bổng 45.000USD/năm từ Đại học Brandeis, Mỹ. Những chia sẻ nhiệt tình của Lân trong bài phỏng vấn dành riêng cho Hotcourses Vietnam sẽ giúp bạn hiểu hơn về trải nghiệm, đánh giá của nhân vật về môi trường học tại UCM, Hà Lan.

 

Một số thành tích nổi bật của Ngô Di Lân 

  • Học bổng Tiến sĩ toàn phần Đại học Brandeis 2015-2020  
  • Học bổng toàn phần Đại học College Maastricht 2012-2015  
  • Sáng lập – Chủ tịch của Tổ chức Hợp tác Thanh niên Việt Nam (VYCO)  
  • Tổng thư ký chương trình Mô phỏng họp Liên Hợp Quốc (VYMUN) 2014  
  • Đại sứ hội thảo “Harvard Project for Asian and International Relations” 2014  
  • Đại biểu giỏi ngoại giao nhất “Hanoi Model United Nations” 2013  
  • Đại biểu xuất sắc nhất “Model East Asia Summit” 2013  
  • Thí sinh xuất sắc nhất “Vietnam Youth Icon” 2013  
  • Giải 2 cuộc thi hùng biện “Novice Leiden Open” 2013  
  • Giải 3 cuộc thi “IChallenged” 2013 - Hà Nội
  • Học sinh xuất sắc và truyền cảm hứng nhất 2012 tại THPT Kungsholmens Gymnasium - Thụy Điển  
  • Đại biểu xuất sắc nhất tại cuộc thi “Stockholm Model United Nations” 2012 - 1 giải nhất, 2 huy chương đồng, 2 huy chương bạc giải Bóng bàn tại Thụy Điển (2010-2012)
  • Giải VĐV bóng bàn của năm 2011 tại Hammarby IF club-Stockholm - Thụy Điển.

 

Hà Lan có phải là điểm đến du học duy nhất mà Lân ngắm đến và tại sao bạn chọn quốc gia này, cụ thể là ở UCM, nhất là khi bạn đã từng có cơ hội học phổ thông tại Anh và Thụy Điển?

 

Mặc dù mình cũng nộp hồ sơ vào một số trường khác nhưng cuối cùng vẫn chọn chương trình Cử nhân Chính trị quốc tếUCM do bị thu hút bởi nội dung chương trình, phương pháp học tập độc đáo và môi trường học tập tự do. Bên cạnh đó, việc mình giành được học bổng toàn phần cũng là một lý do lớn để chọn UCM, bởi mình muốn giảm bớt gánh nặng cho gia đình khi đã bắt đầu trưởng thành.

 

 

 

 

Việc đã từng sinh sống ở Anh càng khiến mình muốn tìm đến những chân trời mới để học hỏi và có những trải nghiệm mới mẻ, đa dạng hơn. Người Việt có câu "học thầy không tày học bạn", chúng ta không chỉ học hỏi trong khuôn khổ của nhà trường mà chúng ta học hỏi và mở mang tầm mắt ở bất kì nơi đâu, và điều quan trọng là chúng ta phải đến những nơi mới để tìm hiểu những thứ mới lạ. Đó là triết lý của mình.

 

 

Sự khác biệt giữa một trường theo đuổi định hướng “khai phóng” (Liberal Arts) có gì khác so với những trường thông thường? Được biết chỉ có 6 trường ở Hà Lan giảng dạy theo định hướng Liberal Arts, bạn có thể chia sẻ thêm về những trường còn lại?

 

Có lẽ sự khác biệt lớn nhất giữa một trường dạy các bộ môn khai phóng (Liberal Arts College) và một trường Đại học (University) là việc bạn phải học rất nhiều các môn không liên quan trực tiếp đến chuyên ngành của mình. Những sinh viên ở những trường này dù theo đuổi chuyên ngành Luật, Quan hệ quốc tế, Sinh học hay Hoá học đều sẽ phải học những môn "trái ngành". Ví dụ như mình vẫn phải học một vài các môn tự nhiên và ngược lại, các bạn sinh viên chuyên ngành Khoa Học Tự nhiên vẫn phải học một số môn xã hội. Thế nên một trường Liberal Arts có thể không đào tạo ra những kĩ sư giỏi nhất nhưng khả năng cao là họ sẽ đào tạo ra những sinh viên toàn diện và cân đối nhất, bởi họ có đủ kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau chứ không bị quá thiên lệch về cái gì.

 

Ở Hà Lan hiện nay mới có 6 trường Liberal Arts nhưng theo mình được biết thì trong những năm gần đây University College Maastricht đang dẫn đầu bảng xếp hạng, có lẽ bởi đây là trường có một giáo trình hết sức đa dạng, nhiều bộ môn thú vị và đội ngũ giảng viên có chất lượng cao, cho phép học sinh tự do lựa chọn các môn học. Mình không thể đánh giá một cách chính xác các trường còn lại bởi chưa dành thời gian học ở các trường đó.

 

 

 

Bạn có thể chia sẻ kĩ hơn những kiến thức mà mình đã được học, bên cạnh các môn về Quan hệ quốc tế?

 

Bên cạnh các môn chuyên ngành Quan hệ quốc tế, mình cũng học một chút về Kinh tế, LuậtTriết học. Theo mình, đây là một sự bổ trợ về kiến thức rất quan trọng giúp mình hiểu rõ hơn về quan hệ quốc tế, bởi luật pháp ngày càng có vai trò chi phối quan hệ giữa các quốc gia lớn hơn, mục tiêu kinh tế ngày càng trở nên quan trọng với mỗi quốc gia và các hệ tư tưởng triết học luôn là nền tảng cho các lý thuyết quan hệ quốc tế cơ bản. Nói cách khác, mình cảm giác rằng việc tiếp cận với nhiều môn học ở các chuyên ngành khác nhưng có liên quan tới Quan hệ quốc tế đã và đang giúp mình có cái nhìn toàn cảnh và đa chiều hơn về chuyên ngành mà mình theo đuổi.

 

>> Kỹ sư, Xã hội học và Môi trường - 3 ngành học nên theo đuổi tại Hà Lan

>> 6 lí do khiến Hà Lan thu hút hơn 90.000 du học sinh mỗi năm

 

 

Điều tạo nên sự khác biệt của UCM là phương pháp “Problem-Based Learning”, chia sinh viên thành nhóm nhỏ (tối đa 12 người) để cùng nhau giải quyết một vấn đề học thuật hay thực tiễn. Lân có thể giải thích rõ hơn về phương pháp này? Có một trải nghiệm tranh luận nhóm nào mà bạn đặc biệt nhớ?

 

Problem-Based Learning hay PBL được coi là một trong những thứ tạo nên sự khác biệt cho UCM. PBL là một phương pháp học thuật để dẫn dắt các cuộc thảo luận nhóm bao gồm 7 bước khác nhau. Mục đích của PBL là quy chuẩn hoá các cuộc thảo luận và đảm bảo rằng mọi cuộc thảo luận có cấu trúc rõ ràng, rành mạch và không bị lan man. Rất khó để giải thích về PBL trong một vài dòng ngắn ngủi vì theo kinh nghiệm cá nhân của mình thì các bạn phải có trải nghiệm rồi thì mới hiểu được. Tuy nhiên mình có thể nói rằng PBL là một phương pháp hay vì nó đặt sinh viên vào vai trò dẫn dắt, giáo viên sẽ chỉ chơi vai trò phụ trợ trong lớp. Do đó, sinh viên sẽ có trách nhiệm lớn hơn đối với sự thành/bại của PBL nhưng mặt khác họ lại có toàn quyền điều khiển cuộc thảo luận và tự do tranh luận các vấn đề mà họ quan tâm. PBL tạo ra một môi trường học thuật thực sự tự do và dân chủ.

 

 

Trong quá trình theo học Quan hệ quốc tế tại UCM, Lân đã từng đi học trao đổi tại University of Connecticut. Bạn có thể chia sẻ kỹ hơn về trải nghiệm “du học trong khi đi du học” này?

 

Cũng như nhiều trường khác, Đại Học Maastricht cũng có chính sách cho học sinh tham dự các khoá học trao đổi tại nhiều trường khác nhau trên thế giới. Và du học trong khi đang du học là một điều khá hay, mình ủng hộ các bạn nên thử nếu có cơ hội. Bản thân mình dành nửa năm ở UCONN (Mỹ) và trải nghiệm này đã giúp mình cảm thấy tự tin hơn khi đưa ra quyết định theo học ở Mỹ ở bậc cao học. Hơn nữa, đơn giản là mình cảm thấy càng được ra ngoài nhiều, tiếp xúc với các môi trường khác nhau thì bạn càng có dịp để mở mang tầm mắt và học hỏi.

 

 

Đánh giá của bạn về môi trường đào tạo ở UCM và cuộc sống du học ở Hà Lan, cụ thể là tại thành phố Maastricht, như thế nào?

 

Nếu ai hỏi mình rằng UCM có gì để lôi kéo học sinh, mình sẽ đưa ra hai yếu tố quan trọng nhất - môi trường học thuật tự do và lớp nhỏ. Thứ nhất, là một người theo đuổi học thuật, bạn sẽ không thể nào phát triển bản thân trong một môi trường gò bó và luôn tìm cách kìm hãm sự sáng tạo. Ở UCM bạn có thể nói lên mọi suy nghĩ của bạn, miễn là chúng không gây phương hại tới ai và bạn luôn sẵn sàng để bảo vệ chính kiến của mình. Thứ hai, mỗi lớp học ở UCM chỉ có tối đa 12 học sinh, đây là con số lý tưởng bởi nhóm không quá to cũng không quá nhỏ, đảm bảo mọi cuộc thảo luận luôn diễn ra sôi nổi mà không ai bị cô lập. Nói chung mình nghĩ rằng tuy UCM cũng có nhiều mặt hạn chế như mọi trường khác nhưng mình vẫn đánh giá khá cao môi trường đào tạo ở đây.

 

Về thành phố Maastricht, đây là một nơi khá dễ chịu để sinh sống và học tập. Đây là một trong những thành phố cổ nhất ở Hà Lan nhưng lại là một thành phố sinh viên chứ không hề nhạt nhẽo và buồn tẻ chút nào. Tuy không sôi động như Paris hay London nhưng nếu năng động và hoà đồng, bạn sẽ tìm được những người bạn quốc tế có cùng sở thích, cùng tham gia vào những hoạt động phong phú. Hơn nữa, thành phố nằm ở một vị trí tương đối trung tâm ở châu Âu nên bạn có thể dễ dàng "xách ba lô lên và đi". Theo mình, đây là một nơi rất phù hợp để sinh sống và học tập, ít ra trong khoảng thời gian 3 năm Đại học, sau đó thì bạn có thể đi tìm những chân trời mới như mình hoặc tiếp tục gắn bó với nơi này.

 

 

Được biết Lân vừa nhận được học bổng Tiến sĩ toàn phần 45.000USD/năm từ Đại học Brandeis (Massachussetts, Mỹ). Ngoài Brandeis, bạn có xin học bổng của những trường khác không?

 

Ngoài Brandeis, mình đã nhận được offer cho chương trình thạc sĩ tại các trường Đại học Chicago (Mỹ), Sciences Po (Pháp) và Oxford (Anh) và ở những nơi này thì mình đang trong quá trình được xét học bổng chứ chưa có quyết định cuối cùng. Tuy nhiên vì mình đã nhận lời mời từ Đại Học Brandeis nên mình đã từ chối đề nghị của các trường còn lại.

 

 

Bạn có thể giải thích cho đọc giả được biết về khái niệm “làm tiến sĩ không qua thạc sĩ” và đề tài mà bạn sẽ nghiên cứu, cũng như tại sao bạn lại chọn đề tài đó?

 

 

Mỹ là một trong số ít những nơi cho phép bạn ứng cử thẳng vào chương trình tiến sĩ sau khi tốt nghiệp cử nhân. Không hẳn là bạn "làm tiến sĩ mà không qua thạc sĩ" mà nên hiểu đây là một khái niệm "2 trong 1". Về cơ bản, 2 năm đầu của chương trình tiến sĩ ở Mỹ sẽ không khác mấy một chương trình thạc sĩ, chỉ từ năm 3 trở đi thì bạn mới chuyên tâm nghiên cứu về đề tài của mình và bắt đầu viết luận văn tiến sĩ. Dù sao mình cũng nghĩ đây là một hướng đi rất hay, rất linh hoạt, đáng để nhiều quốc gia khác noi theo.

 

Tháng 8 này mình mới bắt đầu nhập học và đến đầu năm 3 mới quyết định đề tài nghiên cứu nên hiện nay mình chưa thể nói chắc chắn mình sẽ nghiên cứu về vấn đề gì. Tuy nhiên trọng tâm nghiên cứu của mình là chính sách đối ngoại Mỹ đơn giản vì nước Mỹ hiện là siêu cường duy nhất trên thế giới, nhất cử nhất động của họ đều có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của chúng ta và Mỹ sẽ luôn là một đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam. Hơn nữa, mình đang theo học tại Mỹ thì tại sao không nghiên cứu về Mỹ nhỉ!

 

 

Cuối cùng, bạn có thể dành một lời khuyên cho đọc giả Hotcourses bí quyết sở hữu một bản CV thu hút? Với trường hợp của riêng Lân, việc tham gia nhiều chương trình hội thảo ở nhiều nơi trên thế giới, chiến thắng các cuộc thi hùng biện hay cả những cuộc thi thể thao đóng vai trò như thế nào trong việc xin học bổng Tiến sĩ thành công? 

 

 

Tuy mình cho rằng có một bản CV hấp dẫn là một điều tuyệt vời nhưng cá nhân mình không ủng hộ tư duy đánh bóng CV của một số bạn. Quan trọng là bạn làm những gì bạn đam mê vì như vậy bạn mới làm tốt mọi thứ được. Và khi có thành quả, tự nó sẽ hiện lên trên CV của bạn thôi. Thế nên quan trọng chỉ cần bạn năng động, tích cực tham gia những hoạt động ngoại khoá mà bạn thực sự thích thì mình nghĩ sẽ ổn thôi. Tuy nhiên lưu ý rằng một bản CV đẹp ở bậc cao học khác với bậc đại học bởi càng về sau người ta càng ít quan tâm đến những hoạt động thể dục thể thao, ca múa nhạc của các bạn, họ sẽ quan tâm xem bạn có kĩ năng nghiên cứu không, có kinh nghiệm nghiên cứu không, bạn đã đi thực tập ở đâu rồi... Mình nghĩ chính là khoảng thời gian mình thực tập ở Viện nghiên cứu Chiến lược của Học viện Ngoại giao và những bài viết mình đăng trên báo mới là những điểm sáng trên CV ở bậc cao học của mình, những cái còn lại tuy rất tốt nhưng không mang tính quyết định.

 

 

Cám ơn những chia sẻ của Lân, chúc mọi điều tốt đẹp!