TESOL là gì? Đâu là những điểm đến du học nổi bật về đào tạo TESOL, và cơ hội nghề nghiệp của sinh viên có bằng TESOL ra sao? Tất cả những thắc mắc kể trên sẽ được giải đáp qua bài viết dưới đây đến từ Hotcourses Vietnam.
TESOL là gì?
TESOL (viết tắt của Teaching English to Speakers of Other Languages) là chứng chỉ dành cho cho những ai muốn theo đuổi công việc giảng dạy tiếng Anh, theo định nghĩa bởi Hiệp hội Quốc tế TESOL (TESOL International Association).
Chứng chỉ TESOL thường được yêu cầu hoặc là một lợi thế lớn khi bạn muốn dạy tiếng Anh ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước không nói tiếng Anh, hiện được công nhận trên 80 nước. TESOL có thể được lấy qua các khóa học ngắn hạn hoặc dài hạn, tùy thuộc vào tổ chức và chương trình đào tạo.
Đặc biệt hơn, TESOL là chứng chỉ vô thời hạn. Không như những chứng chỉ khác, bạn được chứng minh khả năng giảng dạy bằng TESOL mà không cần quan tâm đến thời gian với mức lương cao mà lại tiết kiệm thời gian cũng như chi phí với việc học và thi lại chứng chỉ. Ngoài ra, TESOL cũng không có tính độc quyền và không thuộc về một tổ chức độc lập nào cả.
Học TESOL là học gì ?
Chỉ cần tham khảo yêu cầu tuyển dụng của các trường học và trung tâm Anh ngữ tại Việt Nam, các bạn sẽ thấy hầu hết đều yêu cầu ứng viên phải có chứng chỉ TESOL như một bảo chứng của trình độ Anh ngữ và kỹ năng giảng dạy tiếng Anh.
Như vậy, TESOL chính là điều kiện cần có cho bất kì ai đang có mong muốn trở thành một giáo viên tiếng Anh được quốc tế công nhận. Tất nhiên mỗi cơ sở đào tạo sẽ thiết kế nội dung, phương pháp và trọng tâm giảng dạy khác nhau, nhưng nhìn chung vẫn sẽ bao gồm những kỹ năng và kiến thức sau đây:
- Kiến thức tổng quan về ngành học ngôn ngữ Anh: Các ứng dụng, lý thuyết cũng như kiến thức khoa giáo liên quan đến việc giảng dạy các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh nhằm nâng cao kiến thức của học viên trong môi trường lớp học
- Cấu trúc tiếng Anh / Ngữ pháp tiếng Anh: Ở một số trường, nội dung này được lồng ghép vào lớp học tiếp nhận ngôn ngữ. Đây là nội dung quan trọng với các giáo viên tương lai bởi trong quá trình dạy học, các học viên sẽ có nhiều câu hỏi về ngữ pháp, và vì đây không phải là tiếng mẹ đẻ của mình nên sẽ rất khó để giải thích cho họ hiểu.
-
Lý thuyết giảng dạy: Phần này tập trung vào việc truyền đạt các lý thuyết, cách thức giảng dạy khác nhau cũng như ưu, nhược điểm của từng phương pháp.
-
Thiết kế chương trình học: Với học phần này, sinh viên tập trung vào việc thiết kế một chương trình học của riêng mình cũng như các mục tiêu (ngắn hạn và dài hạn), tiêu chí đánh giá, nguồn tài liệu, các câu đố và các bài kiểm tra.
-
Phương pháp nghiên cứu: Học phần này cung cấp các phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng, giới hạn nghiên cứu, cách sử dụng dữ liệu và công bố hay sử dụng kết quả nghiên cứu cho các nghiên cứu sau này.
- Các kỹ năng diễn đạt, truyền thông để giúp người học đáp ứng nhu cầu học thuật của bản thân/phân tích yêu cầu của ngôn ngữ/ thiết kế, lập giáo án cho các học viên Anh ngữ trong những bối cảnh khác nhau
- Đánh giá học viên: Phần này chỉ ra cách đánh giá các học viên thông qua chương trình ESL/EFL (dạy tiếng Anh cho người không phải là người bản xứ ở một quốc gia nói tiếng Anh), đồng thời lý giải tại sao các bài kiểm tra là cần thiết trong các lớp học.
- Kiến thức đa văn hoá: Các giảng viên tiếng Anh tương lai sẽ được học cách tiếp cận một lớp học đa văn hoá thông qua các nội dung về nền giáo dục hoặc chính trị của từng quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trên đây chỉ là những môn học thường gặp của các khóa TESOL trên thế giới, để nắm bắt nội dung đào tạo của một trường đại học cụ thể, các bạn có thể truy cập trang web của trường, liên hệ với nhà trường qua Hotcourses Vietnam, hoặc sử dụng dịch vụ tư vấn du học miễn phí của IDP Việt Nam.
Đâu là những tiêu chí để lựa chọn một khóa TESOL phù hợp?
Trên thực tế, các chương trình đào tạo TESOL có thể được tổ chức ở nhiều bậc học khác nhau (cử nhân, thạc sĩ), với những biến tấu riêng, tùy theo định hướng giảng dạy của mỗi trường. Nhưng để lựa chọn một chương trình TESOL phù hợp, trên hết vẫn phải lắng nghe nguyện vọng, khả năng và định hướng của bản thân.
Sẽ có một số tiêu chí khách quan để giúp bạn đánh giá chất lượng một chương trình học thạc sĩ TESOL, xoay quanh những thắc mắc sau:
- Chương trình học có cho phép bạn tích lũy kiến thức và kinh nghiệm trong môi trường giảng dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ?
- Cơ sở đào tạo có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giảng dạy TESOL không?
- Nội dung khóa học có thực tiễn, thiết thực cho công việc sau tốt nghiệp?
- Cơ sở đào tạo có phải là một ngôi trường được kiểm định?
- Nhà trường có những mối quan hệ với những đối tác nào?
- Tỉ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp có khả quan không?
- Đánh giá của cựu học viên như thế nào?
Ngoài ra, bạn cũng cần phấn đấu để đáp ứng các điều kiện theo học TESOL. Trong đó, thành thạo tiếng Anh là bắt buộc đối với cả khóa học TESOL trực tuyến và truyền thống. Các mức chứng nhận được đề xuất thường nằm trong khoảng từ B1 đến C2 trong CEFR (Khung tham chiếu chung quốc tế để mô tả trình độ ngôn ngữ) . Học viên Tesol cần đáp ứng 1 trong các điều kiện sau:
-
Theo học chuyên ngành tiếng Anh
-
IELTS 6.0 trở lên
-
Toeic từ 700
-
Hoặc một số chứng chỉ tương đương khác
Hiện nay, với các khóa học Master ở Vương Quốc Anh, đối tượng ứng viên đáp ứng đủ điều kiện sẽ có hai nhóm. Nhóm 1 là các bạn học đúng ngành như Ngôn ngữ Anh, sư phạm tiếng Anh. Và nhóm 2 là các bạn học trái ngành. Nhìn chung, có đến 70% các trường UK chấp nhận trái ngành, tuy nhiên, bạn phải có kinh nghiệm giảng dạy thực tế. Trong thư bày tỏ nguyện vọng (SOP), bạn cần đưa ra những dẫn chứng cụ thể, thuyết phục rằng lý do vì sao lại theo học TESOL.
>> IELTS là gì? Cập nhật thông tin mới nhất về kỳ thi IELTS
Hiểu về các loại hình học TESOL
Học TESOL theo lộ trình truyền thống
Ở Việt Nam, thời gian đào tạo chứng chỉ TESOL trung bình khoảng 120-200 giờ (khoảng 2 tháng), bao gồm cả lý thuyết và thực hành, với mức phí từ $300 đến $2,500. Việc hoàn thành khóa học nhanh hay chậm phụ thuộc vào giáo trình của trung tâm và nỗ lực của chính bạn.
Để theo học chứng chỉ TESOL một cách bài bản ở bậc cử nhân, các chương trình TESOL của Teesside University, Middlesbrough, hay Aberystwyth University có các lựa chọn:
- Cử nhân danh dự tiếng Anh và TESOL (bao gồm một năm dự bị)
- Cử nhân danh dự tiếng Anh và TESOL (bao gồm một năm tích hợp làm việc trong ngành)
- Cử nhân danh dự tiếng Anh và TESOL (bao gồm một năm du học nước ngoài) kéo dài 4 năm
- Cử nhân danh dự tiếng Anh và TESOL 3 năm
Trong khi đó, Đại học Derby lại cung cấp các chương trình Văn chương Anh và Ngôn ngữ với một năm dự bị Cử nhân TESOL. Với những ứng viên bậc cử nhân đang có mong muốn nâng cao kiến thức Văn chương Anh, tích lũy trải nghiệm làm việc thì những khóa học kể trên có lẽ là sự lựa chọn sáng suốt.
>> TEFL là gì? Khác biệt giữa chứng chỉ TEFL và TESOL bạn cần biết
Chương trình TESOL kết hợp với ngôn ngữ khác
Ở một số chương trình cử nhân khác, sinh viên quốc tế còn có cơ hội theo học chương trình TESOL kết hợp một thứ tiếng khác, chẳng hạn York St John University đào tạo kết hợp tiếng Nhật hay tiếng Hàn hay Sheffield Hallam University có các chương trình TESOL kết hợp tiếng Pháp, tiếng Đức hoặc tiếng Tây Ban Nha. Như vậy, với những bạn đã thông thạo một ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh, thì đây có lẽ là một lựa chọn “2 trong 1”. Và nếu bạn muốn chọn một “ngách” riêng cho mình, thì chương trình Cử nhân danh dự Toàn cầu hóa và TESOL của Nottingham Trent University sẽ giúp bạn tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động sau này.
hotcourses.vn
Chương trình thạc sĩ TESOL
Ở bậc cao học, các chương trình TESOL thậm chí còn có nhiều lựa chọn hơn cả bậc cử nhân, với sự đa dạng về phân ngành, bằng cấp và thời hạn khóa học. Phổ biến nhất chính là các chương trình Thạc sĩ TESOL, Thạc sĩ Sư phạm về TESOL, Thạc sĩ Giáo dục Đặc biệt, hay ngắn hạn có các chương trình cấp Chứng chỉ Sau Đại học (Graduate Diploma), tiêu biểu như khóa học Graduate Certificate of TESOL (half year) của Đại học Macquarie.
Bạn đã sở hữu bằng cử nhân tiếng Anh và muốn theo học TESOL kết hợp với một phân ngành nào đó? Các khóa học Thạc sĩ Ngôn ngữ Ứng dụng và TESOL, hay kết hợp khóa học kể trên với Thạc sĩ Ngôn ngữ Ứng dụng và Thạc sĩ Biên phiên dịch có lẽ là một hướng đi đúng đắn để tạo chỗ đứng trên thị trường tuyển dụng.
Học bằng TESOL ở đâu ?
Thông qua công cụ tìm kiếm khóa học của Hotcourses Vietnam, có thể nhận thấy rằng các chương trình TESOL được giảng dạy rộng rãi tại các trường đại học trên thế giới, bất kể bạn muốn du học ở quốc gia nào, và lựa chọn hình thức nào giữa các phương án: học tại trường, học từ xa (qua mạng) hay học chương trình liên kết. Hotcourses Vietnam đã tổng hợp một số chương trình TESOL nổi bật của các trường đại học tiêu biểu tại một số quốc gia sau :
Bạn lưu ý là bấm vào link "Xem [số] khóa học TESOL" để tìm hiểu thông tin cụ thể về chương trình học ở từng trường. Nếu bạn có thắc mắc về du học ngành TESOL, các chuyên gia du học IDP giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn hoàn toàn miễn phí.
Những cơ hội phát triển sự nghiệp với tấm bằng TESOL
Với một tấm bằng Cử nhân hoặc Thạc sĩ TESOL, con đường sự nghiệp của bạn sẽ rộng mở hơn bạn tưởng. Đối với giáo viên có chứng chỉ TESOL dạy học tại các trường quốc tế Việt Nam hiện đang có mức thu nhập ước tính $2,200 đến $4,900 mỗi tháng. Nhìn chung mức lương mà các giáo viên tiếng Anh tại trung tâm ngoại ngữ, tổ chức giáo dục với bằng TESOL có thể nhận được dao động từ 7 - 30 triệu đồng/tháng. Mức lương sẽ có sự thay đổi tùy vào vị trí và tính chất công việc mà bạn đảm nhận.
Ngoài ra, bạn hoàn toàn có thể đứng lớp giảng dạy tại các trường học công lập lẫn tư thục, hay tại các trung tâm Anh ngữ tại Việt Nam nếu bạn lựa chọn trở về nước làm việc. Nếu không, bạn cũng có thể trở thành gia sư tiếng Anh, trợ giảng cho các giáo viên tiếng Anh bản ngữ hay thậm chí là lựa chọn phương án giảng dạy tiếng Anh 1 kèm 1.
Hơn thế nữa, giảng dạy tiếng Anh không chỉ giới hạn trong môi trường học đường, bởi bạn hoàn toàn có thể trở thành nhân viên đào tạo (thường trực thuộc bộ phận nhân sự) của các công ty, doanh nghiệp nước ngoài. Vốn tiếng Anh sẵn có cũng sẽ giúp ích rất nhiều khi bạn ứng tuyển các vị trí biên/phiên dịch, chuyên viên đối ngoại hay thư ký cho giám đốc người nước ngoài.
Trên thực tế, nhiều sinh viên tốt nghiệp TESOL lựa chọn con đường giảng dạy freelance. Theo đó, họ không đầu quân vào một trường học/cơ quan/ trung tâm Anh ngữ cụ thể mà sẽ làm việc theo hình thức tự do. Cụ thể là làm kinh doanh về dạy tiếng Anh, khi đó bạn cần trang bị thêm những kiến thức ở các mảng business, marketing & finance. Bên cạnh đó, các bạn cũng có thể theo đuổi các mảng giáo dục khác thiên về xây dựng giáo trình, quản lý chất lượng đào tạo,...
Hơn nữa, nhiều giáo viên còn chuyển sang mô hình dạy trực tuyến, cho phép giáo viên dạy cho người học đến từ nhiều vùng miền khác nhau trên cả nước, thậm chí là ở nước ngoài. Bạn biết không, thị trường giảng dạy trực tuyến chưa bao giờ sôi động đến thế, và chỉ cần với một tấm bằng TESOL từ một cơ sở giáo dục uy tín, bạn hoàn toàn có thể tự tin lên những trang web giảng dạy online như VIPKID, Qkids, Cambly, iTalki, Preply, hay Verbling để tìm kiếm học viên.
Và nếu bạn có tâm hồn khởi nghiệp, thì một dự án viết ứng dụng, thành lập trung tâm tiếng Anh hay lập nhóm để giảng dạy tiếng Anh với các bạn cùng lớp thời du học cũng là một ý hay đấy chứ?
Review trải nghiệm học Thạc sĩ TESOL tại ĐH Griffith, Bristane
Cô Mai Khôi, giảng viên tiếng Anh tại một số trung tâm Anh ngữ tại Đà Nẵng là cựu du học sinh chương trình Thạc sĩ TESOL tại Đại học Griffith, Bristane. Và sau đây là những chia sẻ của cô Mai Khôi về khóa học vào năm 2020:
“Trước hết, mình phải chia sẻ rằng TESOL đa số là người bản xứ học, vì đây là chứng nhận để cho phép họ đi dạy tiếng Anh ở nước khác. Yêu cầu đầu vào dành cho sinh viên quốc tế là IELTS 6.5 tổng điểm trở lên, và không có kỹ năng nào dưới 6.0 (một số trường sẽ yêu cầu 6.5).
Khóa học của mình năm đó đa số là sinh viên châu Á, với mức học phí tương đương với những ngôi trường danh tiếng như University of Queensland và Queensland University of Technology (QUT): 40.000 AUD/năm.
Về nội dung khóa học, Đại học Griffith thiết kế các môn học gần gũi và hữu ích cho công tác giảng dạy và nghiên cứu, bao gồm: Ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, Phương pháp nghiên cứu, hay Phân tích ngôn ngữ trong lớp học, giúp các giáo viên tiếng Anh tương lai có được những bí quyết đặt câu hỏi mở, hay làm sao giúp sự tương tác giữa giáo viên và học sinh được diễn ra liên tục.
Môn học yêu thích nhất của mình là Nghiệp vụ sư phạm, cho phép học viên thực hành với giáo viên của trường, cũng như chia sẻ cách đứng lớp, cách soạn bài sao cho hoàn thành mục tiêu của từng buổi học. Ngoài ra, môn Giảng dạy trong môi trường đa dạng văn hóa và đối tượng học viên lại giúp sinh viên TESOL nhận dạng những đối tượng học viên đa dạng, đến từ các nền văn hóa khác biệt.
Hoạt động ngoại khóa của trường rất hữu ích cho sinh TESOL, với các vai trò như giảng dạy từ thiện (cho những người nhập cư lâu năm chưa thông thạo tiếng Anh), hay làm gia sư cho các em sinh viên khóa dưới (bậc cao đẳng/đại học) của trường.
Sinh viên quốc tế có nhu cầu kiếm thêm thu nhập trong quá trình du học Úc có thể tìm đến những công việc phổ biến như đi bán bánh mì, làm ở tiệm nails hay chạy bàn ở các nhà hàng Việt Nam. Mỗi tiếng làm việc ở tiệm bánh mì, mình được trả 12 AUD. Vào những tuần rảnh rỗi, có khi mình kiếm được cả trăm AUD, đủ để trả tiền phòng cho tuần lễ đó. Ở Brisbane, tiền nhà rơi vào mức 120 AUD/tuần, và những khu khác thì sẽ chênh lệch từ 50 đến 60 AUD. Bên cạnh đó, các du học sinh cũng cần phải chuẩn bị sinh hoạt phí cho mỗi tuần đi chợ, rơi vào mức 30-50 AUD.
Về cơ hội việc làm, trên thực tế, cơ hội làm việc ở nước ngoài cho sinh viên quốc tế là không cao, vì các nhà tuyển dụng thường ưu tiên tuyển người nước ngoài. Khi về Việt Nam, cơ hội việc làm có nhiều hơn, nhưng môi trường giảng dạy tại Việt Nam sẽ không lý tưởng bằng – khi sĩ số sinh viên mỗi lớp quá đông, và cơ sở giáo dục cũng chưa được trang bị tốt như nước ngoài.
Tuy nhiên, mình vẫn rất hài lòng và hạnh phúc về quãng thời gian du học Úc, cũng như những cơ hội mà tấm bằng Thạc sĩ TESOL của Đại học Griffith mang lại. Nếu được chọn lại, mình vẫn sẽ xách ba lô lên và sang Úc du học như mùa thu năm ấy!”
Hotcourses Vietnam xin cám ơn cô Mai Khôi, và xin chúc cô thật nhiều niềm vui với công việc giảng dạy.
*Bài viết được chỉnh sửa bởi tác giả Võ Quỳnh Hương vào ngày 11/09/2024.