Trong tháp nhu cầu của con người, chuyện ăn uống được đặt ở một vị trí rất nền tảng. Khi đời sống vật chất đã cải thiện nhiều, cách chúng ta suy nghĩ và chọn lựa cách ăn uống cũng khác biệt. Ngành F&B ra đời từ chính nhu cầu này, không đơn thuần chỉ là “ăn được” mà còn phải “ăn ngon, ăn bổ và trải nghiệm hay”. Vậy cụ thể F&B là gì? F&B hoạt động như thế nào và cơ hội việc làm cho các bạn trẻ đam mê lĩnh vực ẩm thực ra sao? Hãy cùng Hotcourses Vietnam tìm hiểu qua bài viết sau đây.
F&B là gì?
F&B (Food and Beverage) là loại hình dịch vụ kinh doanh ẩm thực, nhà hàng, ăn uống. Nơi cung cấp dịch vụ F&B phổ biến có thể kể đến là khách sạn và các đơn vị kinh doanh đồ ăn thức uống độc lập như nhà hàng, quán cà phê, quán ăn... Riêng với lĩnh vực kinh doanh khách sạn, F&B là một trong những yếu tố mang lại nguồn doanh thu cao nhất, bên cạnh dịch vụ thuê phòng lưu trú, bởi tốc độ phát triển cũng như tỷ suất lợi nhuận mà nó mang lại.
F&B còn cung cấp các dịch vụ khác như: Tổ chức liên hoan, Sinh nhật, Tiệc mừng Hội thảo,... theo yêu cầu của khách hàng. Cần phân biệt rõ rằng ngành dịch vụ là một khái niệm tổng quan, trong khi đó, F&B là một chuyên ngành, phân hệ nhỏ trong ngành dịch vụ, với nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu ăn uống cho khách hàng.
Những mô hình kinh doanh F&B mà bạn cần biết
Sự phát triển ngành F&B nay có sự kết hợp với công nghệ trực tuyến và đa dạng trong cách chế biến lẫn hình thức tiêu dùng. Dưới đây là những mô hình F&B phổ biến với trải nghiệm khác nhau:
-
Waiter service: Hình thức phục vụ tại bàn, khi đó thực khách được nhân viên phục vụ ngay tại bàn ăn.
-
Assisted service: Mô hình phục vụ hỗ trợ, tức là khách được phục vụ một phần bữa ăn tại bàn và tự phục vụ đối với một số món ăn, thức uống tự chọn.
-
One-Stop Dining: Mô hình ăn uống tiện lợi tại một điểm, như quán cafe có phục vụ ăn trưa, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và không gian. Doanh nghiệp có thể thu hút khách hàng mới và giảm chi phí nguyên liệu.
-
Take-away: Với sự hỗ trợ của các app giao đồ ăn, mô hình này giúp tiết kiệm chi phí mặt bằng và đầu tư nhiều hơn vào chất lượng sản phẩm.
-
Self-service: Khách hàng tự lấy khay và chọn phần ăn của mình cùng dụng cụ dao nĩa. Mô hình tự phục vụ như buffet cho phép khách hàng tự chọn món yêu thích, giúp người bán tiết kiệm chi phí nhân sự.
-
Farm to Table: Mô hình từ nông trại đến bàn ăn, đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch và an toàn, là xu hướng lâu dài hướng đến sự bền vững.
Ngành F&B học gì?
Sinh viên theo đuổi ngành F&B sẽ có những trải nghiệm thú vị khi xây dựng kiến thức về các loại rượu, bia, cocktail và nghệ thuật ăn uống. Ngoài ra, kiến thức trong ngành này cực kì thực tế, chẳng hạn như:
-
Nghiệp vụ cơ bản trong ngành dịch vụ
-
Quản trị đa văn hóa
-
Tính toán chi phí thực phẩm và nguyên liệu
-
Thiết kế thực đơn
-
Cách bố trí không gian - ẩm thực
-
Lập kế hoạch tài chính
Đặc thù của ngành F&B là yêu cầu sinh viên nắm được quá trình vận hành dịch vụ ăn uống tại một nhà hàng và hiểu được những vấn đề về thực phẩm của cuộc sống hiện đại ngày nay, ví dụ như nguồn cung ứng thực phẩm địa phương và các thực phẩm hữu cơ. Ngoài ra, chương trình đào tạo còn khơi dậy tiềm năng về sự tinh tế khi chế biến và phục vụ các món ăn, cũng như đòi hỏi người học cần có sự chăm chỉ, nắm vững lí thuyết và tập trung đầu tư vào sản phẩm phục vụ đến khách hàng.
Những kỹ năng mà bạn có được khi theo đuổi ngành F&B
Kỹ năng giao tiếp
Trong ngành F&B, kỹ năng giao tiếp đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bạn sẽ là người đại diện cho thương hiệu và trực tiếp tương tác với khách hàng. Để làm tốt điều này, bạn biết:
-
Nghe chủ động: Biết cách lắng nghe để hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của khách hàng.
-
Giao tiếp rõ ràng: Trình bày thông tin một cách mạch lạc, dễ hiểu, tránh sử dụng những từ ngữ chuyên ngành quá phức tạp.
-
Xử lý tình huống: Biết cách ứng phó linh hoạt với những tình huống phát sinh, như khi khách hàng phàn nàn về món ăn hoặc dịch vụ.
-
Tạo dựng mối quan hệ: Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng để họ cảm thấy hài lòng và muốn quay lại.
Khi một khách hàng phàn nàn về món ăn quá mặn, bạn cần lắng nghe ý kiến của họ, xin lỗi và đề nghị đổi món hoặc chế biến lại món ăn theo yêu cầu của khách.
Kỹ năng quản lý
Để quản lý hiệu quả một nhà hàng hoặc quán cafe, bạn sẽ nắm những kỹ năng quản lý sau:
-
Lập kế hoạch: Lên kế hoạch chi tiết cho các hoạt động hàng ngày, tuần và tháng.
-
Quản lý nhân sự: Tuyển dụng, đào tạo và đánh giá nhân viên.
-
Quản lý tài chính: Kiểm soát chi phí, lập báo cáo tài chính và xây dựng các chiến lược kinh doanh hiệu quả.
-
Giải quyết vấn đề: Xác định và giải quyết các vấn đề phát sinh một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Khi nhà hàng gặp phải tình trạng thiếu nguyên liệu, bạn cần nhanh chóng liên hệ với nhà cung cấp để đặt hàng bổ sung, đồng thời điều chỉnh thực đơn tạm thời để đảm bảo vẫn phục vụ được khách hàng.
Kỹ năng chuyên môn
Kỹ năng chuyên môn là yếu tố không thể thiếu để bạn có thể tạo ra những món ăn ngon và phục vụ khách hàng một cách chuyên nghiệp. Bạn sẽ được học:
-
Kiến thức về ẩm thực: Hiểu biết về các loại nguyên liệu, gia vị, cách kết hợp các nguyên liệu để tạo ra những món ăn hấp dẫn.
-
Kỹ năng chế biến: Thành thạo các kỹ năng cơ bản như thái, xào, nấu, nướng...
-
Vệ sinh an toàn thực phẩm: Đảm bảo thực phẩm luôn được chế biến và bảo quản đúng quy trình để tránh ngộ độc thực phẩm.
Bạn biết cách chọn mua những nguyên liệu tươi ngon, cách bảo quản thực phẩm đúng cách để đảm bảo chất lượng món ăn.
Ngoài những kỹ năng trên, bạn còn được trau dồi các kỹ năng mềm khác để thành công trong ngành F&B, như:
-
Làm việc nhóm: Làm việc hiệu quả cùng với đồng nghiệp để đạt được mục tiêu chung.
-
Sáng tạo: Không ngừng sáng tạo để tạo ra những món ăn mới lạ, hấp dẫn khách hàng.
-
Khả năng chịu áp lực: Làm việc trong môi trường nhà hàng thường rất bận rộn, bạn cần có khả năng làm việc dưới áp lực cao.
Bạn có thể tham gia các khóa học pha chế, nấu ăn để học hỏi thêm những kỹ năng mới, hoặc tham khảo các công thức nấu ăn trên mạng để sáng tạo ra những món ăn độc đáo.
Vậy nên, để sống lâu trong ngành F&B, bạn cũng nên:
-
Bắt đầu từ những công việc cơ bản: Làm việc tại các nhà hàng, quán cafe để tích lũy kinh nghiệm.
-
Tham gia các khóa học chuyên nghiệp: Nâng cao kỹ năng và kiến thức về ẩm thực.
-
Đọc sách, xem video về ẩm thực: Tìm hiểu về các xu hướng ẩm thực mới nhất.
-
Thực hành thường xuyên: Luyện tập các kỹ năng nấu ăn, pha chế.
Ngành F&B học ở đâu?
Vì F&B là một nhánh chuyên môn của ngành dịch vụ, nếu bạn muốn học chính quy thì nên tìm hiểu thi vào các trường đại học cung cấp chương trình đào tạo ngành Quản trị khách sạn và du lịch. Ngoài ra, tại Việt Nam cũng bắt đầu có nhiều trung tâm dạy chuyên sâu về kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng - cà phê, phải kể đến COOKED F&B Business School.
Đặc biệt, du học là một sự lựa chọn lý thú cho ngành F&B. Sinh viên sẽ có nhiều cơ hội đi đến những vùng đất mới để trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, ngôn ngữ và lịch sử độc đáo trong khi học hỏi cách làm F&B ở mỗi nơi khác nhau thế nào. Hotcourses Vietnam sẽ gợi ý cho bạn những điểm đến du học phổ biến sau đây:
Bạn lưu ý là bấm vào link "Xem [số] khóa học Dịch vụ F&B" để tìm hiểu thông tin cụ thể về chương trình học ở từng trường. Nếu bạn có thắc mắc về du học ngành Dịch vụ F&B, các chuyên gia du học IDP giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn hoàn toàn miễn phí.
Học ngành F&B ra làm gì?
Đa số sinh viên tốt nghiệp ngành Dịch vụ ăn uống sẽ làm việc trong lĩnh vực thực phẩm và khách sạn. Sau đây là một số vị trí công việc phổ biến trong ngành F&B:
-
Giám đốc bộ phận F&B: Đảm nhận vai trò quyết định và chịu trách nhiệm trước ban giám đốc về chất lượng hoạt động kinh doanh ẩm thực. Đồng thời họ sẽ là người trực tiếp đưa ra và triển khai các chiến dịch đã được thống nhất và đảm bảo hoàn thành đúng mục tiêu, đạt được lợi nhuận ở mức cao nhất.
-
Quản lý nhà hàng: Theo dõi, quản lý khu vực ăn uống: đại sảnh, quầy phục vụ, phòng tiệc,… Quản lý nhà hàng sẽ đưa ra các tiêu chuẩn phục vụ, đồng thời chịu trách nhiệm đào tạo trưởng nhóm.
-
Trưởng nhóm: Ở từng bộ phận đều sẽ có trưởng nhóm để quản lý hoạt động khu vực diễn ra suôn sẻ, hiệu quả, bao gồm: Trưởng nhóm nhân viên đặt bàn , trưởng nhóm phục vụ bàn, nhóm phó.
-
Nhân viên phục vụ rượu vang: nhiệm vụ chính của nhân viên là phục vụ đồ uống cho khách hàng. Các nhân viên làm ở vị trí này cần phải am hiểu loại thức uống nào phù hợp cho các món ăn và biết cách phục vụ khách hàng một cách hiệu quả và chuyên nghiệp nhất.
-
Nhân viên trực bàn: Nhân viên sẽ đứng phục vụ trực tiếp khi khách hàng dùng bữa. họ sẽ hỗ trợ khi khách hàng có yêu cầu. Đồng thời phối hợp với nhà bếp để phục vụ món ăn nhanh chóng không để khách hàng phải chờ đợi lâu.
-
Nhân viên chia đồ ăn: đây là vị trí việc làm của các nhân viên sử dụng xe đẩy phục vụ đồ ăn tới những bàn khách hàng yêu cầu. Vị trí này phải có sự nhanh nhẹn, tư duy và sắp xếp đồ ăn hợp lý tránh đổ vỡ, mất thẩm mỹ.
Một số công ty F&B lớn nhất Việt Nam mà bạn trẻ có thể đầu quân phải kể đến Vinamilk, Masan Consumer Holdings, Trung Nguyên Legend,... hay trên thế giới là Starbucks, McDonald’s, KFC, Subway,.... Lúc này, thị trường ngày càng chứng kiến nhiều doanh nghiệp mới phát triển, đem đến trải nghiệm ẩm thực đa dạng và cùng chia “miếng bánh lớn” về thị phần.
Mức lương của ngành dịch vụ F&B khá cao và có chênh lệch, đặc biệt là mùa du lịch, nhân viên được thưởng thêm dựa trên lợi nhuận của công ty. Với những vị trí giám đốc, thu nhập từ 25 – 50+ triệu/tháng, quản lý có mức lương mỗi tháng từ 15 – 30+ triệu. Các vị trí từ nhân viên đến bếp chính có mức thu nhập từ 8 – 20+ triệu/tháng tùy vào vị trí cụ thể.
Tuy nhiên, học ngành F&B không chỉ dừng lại ở việc đi làm công ăn lương mà bạn hoàn toàn có thể kinh doanh độc lập như mở nhà hàng, quán cà phê mang dấu ấn của riêng và tự vận hành. Hình thức tự kinh doanh này, tuy ban đầu sẽ vất vả và có rủi ro, nhưng nếu thành công sẽ đem đến cho bạn mức thu nhập khủng cùng khả năng tự do tài chính sớm.
>> Điểm GPA là gì? Giải đáp những thắc mắc về điểm GPA
>> 6 mẹo quản lý thời gian đơn giản nhưng hiệu quả
*Bài viết được cập nhật bởi tác giả Võ Quỳnh Hương vào ngày 25/09/2024.