Có lẽ bạn đã từng nghe đến cuốn sách chia sẻ lối sống tối giản của Marie Kondo. Cuốn sách của cô đã trở thành niềm cảm hứng về thay đổi trong cách sống của rất nhiều người, trong đó có mình. Sau hai năm tìm hiểu thực hành phong cách sống tối giản ngay trong quá trình du học Mỹ, mình rất muốn giới thiệu đến các bạn những trải nghiệm của riêng mình - để các bạn có thể có một cuộc sống ít đồ đạc hơn, nhưng hạnh phúc nhiều hơn.
>> Đam mê về môi trường? Có rất nhiều ngành học để lựa chọn!
Sống tối giản (minimalist) là gì?
Mỗi người sẽ có một cách định nghĩa khác nhau về minimalist, nhưng với bản thân mình, sống tối giản là sử dụng ít đồ đạc hay vật chất để tránh lãng phí tiền bạc của cá nhân cũng như xã hội. Mình rất thích khái niệm này ngay từ lần đầu tiên nghe tới, bởi theo mình, đây là một hành động rất “nhân văn” và mang ý nghĩa lớn cho cả mình, những người xung quanh và môi trường. Mình cảm thấy “dễ thở” hơn theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng trong hai năm theo đuổi cách sống này. Mình đã mang lại niềm vui cho bản thân bằng cách nhìn thấy hành động của mình được lan tỏa và môi trường ngày càng xanh hơn.

Đầu tiên, hãy học cách kiềm chế bản thân
Là một người trẻ và có đôi phần “ngựa non háu đá”, mình từng quyết liệt giành lấy những gì mà mình thích mà không hề suy nghĩ xa hơn về tính hữu dụng của nó, và các đồ tiêu dùng thường là những món đồ phổ biến nhất.
Tuy nhiên, khi là một minimalist, mình đã tập suy nghĩ rất nhiều trước khi quyết định có nên mua hoặc không mua một món đồ nào đó, với những câu hỏi như: “Liệu đây có phải là thứ mình cần không, hay đơn giản chỉ là vì mình muốn?” Và nếu câu trả lời đơn giản đó chỉ là thứ mình “muốn”, thì sẽ không cần thiết phải mua.
Tiếp đến, mình hỏi bản thân “Nếu đây đúng là món đồ mình cần thì nó sẽ mang lại những lợi ích gì?” Nếu nó mang ít lợi ích và chỉ có thể sử dụng một hai lần thì mình sẽ tìm đến phương án thay thế bằng một món đồ có công dụng tương đương, hoặc đi mượn. Với những du học sinh Mỹ cứ vài tháng lại chuyển nhà, hay có kế hoạch thực tập và sinh sống ở nhiều tiểu bang khác nhau như mình thì việc sở hữu một chiếc vali gọn nhẹ - với ít hành lý nhất có thể - là vô cùng hữu ích.

Có lần mình đã đắn đo liệu có nên mua một chiếc áo khoác mùa đông rất đẹp và đang là “mốt” của năm đó. Tuy nhiên, sau một hồi suy nghĩ, mình đã quyết định không mua vì cảm thấy mình đã có nhiều áo khoác rồi. Và ít tháng sau đó, khi đóng vali để chuyển sang thành phố khác sống, mình đã phải quyên góp hai cái áo khoác mùa đông cho Goodwill (hệ thống cửa hàng bán đồ cũ) vì vali đã quá chật. Và khoảnh khắc ấy, mình đã thầm cám ơn bản thân đã không mua chiếc áo khoác kia.
Đầu tư vào trải nghiệm hơn là vào các món hàng
Chúng ta đang ở độ tuổi hai mươi hừng hực sức sống, tại sao không tận dụng thời gian này đi đây đó, lưu dấu chân mình trên những vùng đất mới hay thử thách bản thân mình ở những lĩnh vực khác nhau như leo núi, giong thuyền, lặn biển...?

Những trải nghiệm sẽ cho chúng ta những bài học, tình bạn, bức ảnh kỉ niệm và cả vốn sống. Trái ngược với đó, mua sắm đồ đạc chỉ là một cảm giác vui thích tạm thời. Khi có một thứ mới lạ hơn, chúng ta sẽ vứt bỏ cái cũ và tiếp tục vòng xoáy mua thêm những gì mới hơn... Không có gì sai với việc bạn có tiền và muốn mua đồ cho bản thân, nhưng khi vẫn còn đang đi học, việc mua sắm nhiều sẽ chỉ làm bạn vơi túi tiền mà không tich lũy thêm được kĩ năng sống – vốn vô cùng cần thiết cho sự nghiệp và đời sống sau này.
>> Top 10 trường đại học "xanh" ở Mỹ
Cuối cùng, vì sống tối giản là sống vì mọi người và hòa hợp với thiên nhiên
Sống tối giản không chỉ có lợi cho bạn mà còn cho những người quanh bạn và môi trường! Từ lúc học cách sống này, mình đã hạn chế sử dụng túi nilon triệt để. Khi đi siêu thị, mình thường mang một cái túi vải mà mình tự may từ quần áo cũ bỏ đi - thay vì dùng túi nilon ở siêu thị. Với thùng rác cá nhân, mình cũng thay bằng hộp giấy của Amazon những khi được ship hàng qua mạng. Mình nhận thức mọi thứ xung quanh về lối sống xanh và ủng hộ việc đó. Ví dụ như mình thường ưu tiên mua quần áo được làm từ chất liệu thiên nhiên, vải mặc bền và mềm. Bất kì đồ đạc gì mình mua cũng để ý nguồn gốc và xem có thân thiện với môi trường không.

Chỉ bằng những hành động cá nhân nhỏ như vậy thôi, mình đã trở thành một minimalist và mang lại ý nghĩa tích cực tới cộng đồng. Mình không thể hoàn toàn bỏ túi nilon. Một lý do điển hình là những hộp đựng thức ăn: Ở Mỹ, thực phẩm thường được đông lạnh nên họ đựng chúng trong túi nhựa, và mình không thể vì thế mà không ăn được. Tuy nhiên, mình có thể hạn chế mua những sản phẩm như vậy bằng cách đi chợ nông sản (farmer’s market). Chợ này giống như chợ truyền thống ở Việt Nam. Ở bang Kentuky nơi mình sống, chợ nông sản được họp mỗi sáng thứ bảy hàng tuần và họ bày bán các loại thực phẩm hữu cơ do nhà trồng, rất tươi ngon và không bị bọc trong túi nilon. Đặc biệt, đây cũng là một thói quen giúp mình lại gần hơn với đời sống văn hóa bản địa.
Tóm lại, mỗi người có một cách sống khác nhau để phù hợp với hoàn cảnh và môi trường sống cá nhân. Khi áp dụng lối sống tối giản, bản thân mình đã “nhẹ nhõm” hơn, vui vẻ hơn mỗi khi chuyển nhà và cũng thân thiện hơn với môi trường. Thực sự sống xanh cũng là một niềm hạnh phúc!
