Khi đi du học, chúng ta luôn nghĩ làm thế nào để đứng đầu lớp, xin được một công việc lương cao hay thậm chí tìm được người yêu lý tưởng. Tuy nhiên, bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều nếu không nghĩ tới việc trải nghiệm phong cách sống của người dân bản xứ, nơi bạn không thể dám chắc sẽ ở lại mãi mãi. Dưới đây mình xin chia sẻ một vài kĩ năng để bạn có thể tận dụng “triệt để” cuộc sống du học để không có gì phải nuối tiếc về sau!
Hãy làm bạn với người dân địa phương nơi bạn học/ làm việc
Những người bản xứ rành rẽ rất nhiều điều và địa điểm thú vị mà bạn không thể ngờ tới. Họ có thể dẫn bạn tới những nơi tuyệt đẹp có khi còn chưa được báo đài khai phá. Họ sẽ làm giàu vốn kiến thức của bạn về cuộc sống, cách giao tiếp và văn hóa của địa phương. Thậm chí họ có thể cho bạn mượn xe lúc bạn đang cần đi đâu đấy. Họ còn có thể giảng bài hay trợ giúp bạn làm bài tập nữa nhé!
Chẳng hạn, tại lớp học bơi ở trường, mình đã kết bạn với một người bản địa. Bác ấy đã dạy mình các kĩ năng và chỉnh sửa những gì mình còn thiếu sót. Nhờ bác mà mình đã và đang rất tiến bộ trong lớp bơi.
Ngoài ra, làm bạn với người dân ở đây còn giúp bạn bớt nhớ nhà. Những ngày lễ tết như lễ Tạ Ơn, Giáng Sinh, năm mới... mình đều được họ mời tới chung vui cùng gia đình. Mình rất tự hào vì không chỉ kết bạn với các bạn cùng trang lứa trong trường mà còn kết bạn với nhiều người “bạn” lớn hơn mình cả chục tuổi. Chính những người bạn thân thiện này đã giúp mình trưởng thành hơn trong suy nghĩ và chín chắn hơn trong hành động.
>> 7 bí kíp kết bạn khi đi du học
Lên kế hoạch thật tốt, bạn có thời gian làm điều mình thích!
Nhiều bạn trẻ luôn suy nghĩ rằng bạn có đủ các kĩ năng để có thể đối phó với bất kì tình huống nào xảy ra. Đương nhiên là bạn có thể và có quyền tin vào điều đó. Tuy nhiên, mọi việc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu bạn có một bản kế hoạch hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng để đảm bảo bạn có đủ thời gian cho những hoạt động mà bạn yêu thích.
Hãy thử tưởng tượng bạn rất muốn đi leo núi với đám bạn thân ngày thứ bảy nhưng bạn chợt nhận ra bạn đã quên làm bài tập về nhà cho môn Xác suất thống kê. Lúc đó bạn sẽ rất hối hận vì đã không lập kế hoạch và làm bài tập trước để có thời gian rảnh vào dịp cuối tuần. Ở trường mình tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa – chẳng hạn như các câu lạc bộ về kinh tế, cổ phiếu chứng khoán và hùng biện. Mặc dù vậy, mình vẫn có thời gian học hai ngành (Toán và Kinh tế) và làm thêm 20h một tuần. Mình không có “ba đầu sáu tay” hay “siêu nhân” như các bạn thường đùa. Đơn giản chỉ là vì mình biết cách lập kế hoạch và “to-do-list” hằng ngày.
>> Tận hưởng trọn vẹn cuộc đời du học với các CLB sinh viên
Tối ưu hóa ký năng Multitasking (làm nhiều việc cùng một lúc)
Với tư cách là một du học sinh, mình hiểu tầm quan trọng của việc học cũng như thời gian dành cho việc học. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ học được kiến thức ở trường, chúng ta còn học ở ngoài cuộc sống. Đi tham quan các thành phố (ở Việt Nam thường nhắc đến trào lưu đi “phượt”) hay tham gia hội thảo ở lĩnh vực các bạn quan tâm cũng là một hình thức học tập bổ ích. Vậy phải làm thế nào để bạn có thể làm tất cả cùng một lúc - vừa có trải nghiệm thú vị ngoại khóa, vừa đảm bảo GPA ổn định?
Theo kinh nghiệm bản thân, mình đã học cách multitasking – làm cùng một lúc rất nhiều việc. Có những lần mình làm powerpoint ở sân bay trong khi đang đi tới Philadelphia để gặp bạn học cấp ba. Mình đã từng viết bài luận để kịp nộp cho thầy trong thời gian xin nghỉ học để đi hội thảo việc làm tại một thành phố lớn. Đỉnh điểm là mình đã gọi skype để được học cùng cả lớp trong lúc đang đi phỏng vấn thực tập. Đôi lúc, kế hoạch là không đủ, chúng ta cần nhay nhạy và tận dụng tối đa thời gian để làm những điều hữu ích.
>> Đón đầu xu thế tuyển dụng: ưu tiên kỹ năng mềm
Và quan trọng không kém: giữ vững tinh thần lạc quan
Thực tế là cuộc sống nơi đất khách quê người không phải lúc nào cũng hài hòa và suôn sẻ như chúng ta nghĩ. Có khi ta nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ món ăn ngon hay đơn giản là nhớ cả ngôn ngữ Việt. Có nhiều lúc ta gặp chuyện không hay như bị ốm đau, điểm kém, không có bạn bè cạnh bên hay thậm chí là bị kì thị chủng tộc. Những chuyện không hay này không ai muốn xảy ra nhưng nó là một phần tất yếu. Vậy chúng ta làm được gì khi nó thực sự xảy ra?
Có nhiều bạn chấp nhận buông xuôi, đợi 4 năm (hoặc chưa hết 4 năm) thì về nước nhưng trong lòng không ngớt muộn phiền. Có bạn giận dữ và than trách số phận, đất nước, con người nơi đây. Với mình, mình chọn cách sống lạc quan và bình thản khi đối diện với sóng gió. Một người kì thị mình không đồng nghĩa với việc tất cả mọi người đều quay lưng. Món ăn Việt Nam rất ngon, nhưng mình cũng có thể bước ra ngoài và tìm đến nhà hàng địa phương để thưởng thức ẩm thực nơi đây. Khi nhớ gia đình bạn bè, tại sao không nhiệt tình kết nối mạng xã hội để cập nhật tình hình với mọi người ở nhà? Một vài cuộc điện thoại cuối tuần sẽ giúp cho thời gian trôi nhanh hơn đấy!
Giờ đây, khi mình đã là sinh viên năm cuối, nhìn lại chặng đường bốn năm du học Mỹ, mình có thể đảm bảo với các bạn rằng bạn sẽ không thể tin thời gian trôi nhanh thế nào đâu. Vậy nên hãy ra ngoài, kết bạn, tích cực học hành và giữ tinh thần lạc quan để tận hưởng những năm tháng không thể nào quên nhé. Chúc các bạn hạnh phúc mỗi ngày dưới bầu trời xa xứ!
* Bài viết được cập nhật ngày 8/3/2020 bởi tác giả Diễm Phương.