Về dự án tham vọng của Đại học Arizona (Hoa Kỳ) với mục tiêu xây dựng mạng lưới bao gồm hơn 25 “khu học xá vi mô” và các chương trình liên kế đào tạo nói chung trên thế giới, Giáo sư Eugene Sebastian, Giám đốc Trung tâm Australia – Indonesia nhận định: “Trải nghiệm của sinh viên phải là yếu tố then chốt của chiến lược phát triển.”
>> Chương trình liên kết là gì?
Một hướng đi không mới
Mới đây, Đại học Arizona (Hoa Kỳ) đã công bố kế hoạch xây dựng hơn 25 “khu học xá vi mô” trên thế giới trong vòng 3 năm tới, nhằm phục vụ hơn 25.000 sinh viên trên toàn thế giới có nguyện vọng “du học tại chỗ/du học trong khu vực” lấy bằng của Mỹ.
“Khu học xá vi mô” hay “micro campus” nôm na là không gian của Đại học Arizona đặt trong khuôn viên các trường đại học đối tác nước ngoài. Châu Á và Trung Đông là hai nơi được nhà trường đầu tư trước tiên, với hai khu học xá đã được đưa vào hoạt động – một chương trình cấp bằng kép kéo dài hai năm với Đại học Hải dương Trung Quốc tại Thanh Đảo và một cơ sở mới mở năm ngoái ở Phnom Penh, Campuchia. Sau khi hoàn thành chương trình cấp bằng kép, sinh viên sẽ nhận được một lúc cả hai bằng do đại học Arizona và trường đại học liên kết cấp.
Giới chuyên gia nhận định, mô hình hợp tác đào tạo cấp bằng kép là một lựa chọn khôn ngoan về kinh tế và rủi ro. Bởi vì trang thiết bị, dịch vụ, giáo viên giảng dạy hầu hết được cung cấp bởi trường liên kết nên Đại học Arizona không cần bỏ ra vốn đầu tư hay chi phí vận hành khổng lồ. Và đây là một chính sách không hề mới, đặc biệt là đối với sinh viên châu Á.
Từ nhiều năm nay, các trường đại học ở Úc (Đại học RMIT, Đại học Monash, Đại học Curtin, Đại học Công nghệ Swinburn) đã bắt tay với các trường Đại học tại Việt Nam và trong khu vực để tổ chức nhiều loại hình cấp bằng kép khác nhau, trong đó nổi bật nhất là Đai học RMIT với các khuôn viên đại học ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Với khoảng 10.000 sinh viên ở Thượng Hải, Hong Kong, Singapore, Jakarta đã đang theo học, chương trình bằng kép của RMIT liên kết với các trường đại học và cơ sở đào tạo trong nước. Trong khi đó, chương trình hợp tác giữa RMIT với Học viện Quản trị Singapore đã được tổ chức suốt 30 năm qua, đào tạo hơn 7.000 sinh viên với 9 chương trình giảng dạy.
Những con số ấn tượng này thể hiện phần nào sự thành công của các chương trình cấp bằng kép, đồng thời chứng tỏ sinh viên bản địa giờ đây đã có nhiều lựa chọn hơn cho con đường du học của mình. Thay vì phải sang học xá chính của các trường, giờ này bạn có thể di chuyển đến một quốc gia lân cận - nơi đặt “học xá vi mô” của các trường tại nước ngoài - để theo học. Lựa chọn này không chỉ giúp loại bớt các rủi ro thích nghi văn hóa, rút ngắn khoảng cách với gia đình mà còn giảm được phần nào sinh hoạt phí so với việc du học tại những đất nước có chi phí đời sống đắt đỏ như Úc, Anh, Mỹ.
>> Theo học chương trình cấp bằng kép tại Malaysia
>> Học tại hai quốc gia với chương trình cấp bằng kép (Dual/ Twinning/Double degree)
Trải nghiệm của sinh viên vẫn là quan trọng nhất
Tuy nhiên, danh tiếng của trường và chất lượng bằng cấp thôi vẫn là chưa đủ. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn một chương trình cấp bằng kép, trong đó, trải nghiệm quốc tế là một trong những yêu cầu được sinh viên đặt lên hàng đầu.
Theo Giáo sư Eugene Sebastian, có 4 yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới lựa chọn chương trình liên kết:
Thứ nhất, sinh viên muốn được gắn kết sâu hơn với cơ sở giáo dục nước ngoài thông qua việc tương tác trực tiếp nhiều hơn với các giảng viên. Khi đó, thời lượng giảng dạy của các giảng viên nước ngoài cũng cần được tăng lên.
Thứ hai, sinh viên muốn được lại gần với thế giới thực tiễn. Theo đó, các trường cần mời những chuyên gia có kinh nghiệm thực tế tới giảng dạy hoặc tổ chức các buổi hội thảo nghề cho sinh viên. Các chuyến thực địa, thực tập, trải nghiệm thử thách kinh doanh cũng rất quan trọng để phát triển kĩ năng làm việc.
Thứ ba, sinh viên muốn có cảm giác mình là một phần của ngôi trường cấp bằng. Theo một nghiên cứu nội bộ do RMIT thực hiện, sinh viên Singapore mong muốn được gắn bó với trường hơn, để thêm tự hào về những bằng cấp, chứng chỉ của RMIT. Việc này không chỉ đòi hỏi các trường đầu tư hơn về thiết bị giảng dạy, tập trung phát triển nhận diện thương hiệu ở không gian giảng dạy, mà còn cần tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ngoại khóa.
Cuối cùng, sinh viên muốn phát triển các kĩ năng nghề nghiệp hữu ích cho việc làm sau này. Các trường có thể tạo cho sinh viên nhiều cơ hội ngoài giờ lên lớp như tham gia quá trình sáng tạo doanh nghiệp như hackathon (sự kiện có sự tham gia của nhiều lập trình viên, kĩ sư tham gia để hoàn thành một dự án CNTT) hay những ý tưởng kinh doanh qua những gian hàng, hướng dẫn, tập huấn.
>> 3 trải nghiệm sẽ giúp bạn tích lũy kỹ năng làm việc thời du học
>> 4 lợi thế mà bạn nên tận dụng khi còn học Đại học ở trong nước
Khuyến khích sinh viên tham gia các khóa học trực tuyến MOOC về kĩ năng mềm, học cách kinh doanh online, marketing số, hay lập kế hoạch kinh doanh cũng là cách làm giàu trải nghiệm cho sinh viên.
Mặt bằng giáo dục xuyên quốc gia đang thay đổi. Đại học Arizona, RMIT và những trường đã đang thành công trong việc tổ chức các khóa học liên kết hay thậm chí đặt học xá chi nhánh tại các nước đều có những cách tiếp cận khác nhau. Và trải nghiệm của sinh viên phải là yếu tố then chốt trong mọi chiến lược phát triển giáo dục ở nước ngoài.
Nguồn: University World News