Thông tin cập nhật về bảng xếp hạng Asia University Rankings 2015 của Times Higher Education.
>> Ấn độ toàn thắng ở bảng xếp hạng các trường Đại học châu Á 2014
Nhật Bản – Trung Quốc cạnh tranh sát sao
Theo thông tin công bố từ bảng xếp hạng Asia University Rankings 2015 của Times Higher Education, Đại học Tokyo, Nhật Bản vẫn là trường tốt nhất châu Á. Tuy nhiên, Trung Quốc đang chứng tỏ mình là đối thủ đáng gờm với số lượng trường Đại học lọt vào top 100 cao nhất khu vực.
Cụ thể, Nhật Bản có 19 trường lọt vào top 100 (giảm 1 trường so với năm ngoái và 3 trường so với 2 năm trước), trong số đó có 15 trường đã bị tụt hạng với mức trung bình là 5,8 vị trí.
Ngược lại, Trung Quốc hiện nắm giữ đến 21 trường có mặt trong top 100 (tăng 3 trường so với năm ngoái). Hầu hết các đại diện từ quốc gia này đều có những bước thăng hạng đáng kể. Trong top 10, Trung Quốc có Peking University (hạng 4) và Tsinghua University (hạng 5) là hai trường có thứ hạng cao nhất. Wuhan University có lẽ là cái tên thu hút được nhiều sự chú ý nhất, khi "nhảy" đến 15 bậc.
Hong Kong năm nay có 6 trường lọt top 50.
Những anh tài từ Hàn, Sing, Thái, Thổ
Singapore có hai đại diện là National University of Singapore (hạng 2) và Nanyang Technological University (hạng 10) lọt vào top 10. Ở top đầu, Hàn Quốc có hai đại diện xếp hạng lần lượt ở vị trí thứ 6 (Seoul National University) và thứ 8 (Korea Advanced Institute of Science and Technology).
Một quốc gia cũng có “thành tích” ấn tượng và nhiều tiềm năng đó là Thổ Nhĩ Kỳ. Có 4 trường Đại học của Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện trong top 20.
>> Du học Thổ Nhĩ Kỳ, tại sao không?
>> Alô, mình là du học sinh tại Thổ!
Trong khi đó, đối với nước láng giềng Thái Lan, King Mongkut’s University of Technology Thonburi là trường có thứ hạng cao nhất, giữ vị trí thứ 55. Một ngôi trường khác cũng lọt vào top 100 của Thái Lan là Mahidol University (hạng 91).
Như vậy, có 14 quốc gia/vùng lãnh thổ có đại diện trường được vinh danh trong bảng xếp hạng năm nay: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn độ Hong Kong, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Iran, Ả rập Saudi, Singapore, Thái Lan, Lebanon và Macau.
Đôi nét về Asia University Rankings
Dù tập trung vào một khu vực địa lý cụ thể, Asia University Rankings cũng sử dụng các tiêu chí đánh giá dựa trên tiêu chuẩn toàn cầu của THE World University Rankings. Các tiêu chí này xoay quanh các vấn đề (tạm dịch) là: Giảng dạy (môi trường học), Nghiên cứu (sĩ số, doanh thu, danh tiếng), Việc được trích dẫn từ các tạp chí khoa học (khả năng ảnh hưởng trong nghiên cứu), Tính quốc tế (đội ngũ giáo viên và sinh viên cùng các công trình nghiên cứu) cũng như Doanh thu từ các ngành công nghiệp (giá trị của những công trình nghiên cứu khi áp dụng vào thực tế).
Bạn có thể theo dõi bảng điểm chi tiết theo từng hạng mục của top 100 để hiểu rõ hơn về cách thức tính điểm.