"Glocal" là một xu hướng đang trở nên rất phổ biến trong giới sinh viên toàn cầu, những người có mong muốn theo đuổi một nền giáo dục toàn cầu ngay trên quê hương mình. Đây là cách viết chơi chữ, kết hợp của “toàn cầu”(global) và “địa phương”(local). Glocals đại diện cho phân đoạn của sinh viên tìm kiếm giáo dục xuyên quốc gia (Transnational Education - TNE) dưới các hình thức như: các cơ sở quốc tế của các trường đại học, liên kết giáo dục giữa các trường quốc tế và nội địa, giáo dục trực tuyến.
Điển hình cho hình thức này là đất nước Dubai, tại đây hiện có 37 cơ sở của các trường đại học quốc tế. Cung đi đôi với cầu, qua số lượng các cơ sở này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ trong nhu cầu tìm kiếm các phương pháp giáo dục xuyên quốc gia. Tiếp đến Malaysia gần đây cũng đã công bố có hơn 25 trường đại học nước ngoài đăng ký mở cơ sở tại nước này. Và kế hoạch của Malaysia đến năm 2015 là đạt được mốc 150.000 sinh viên quốc tế đăng ký các khóa học.
Trung Quốc cũng đã phát triển các chương trình bằng kép của mình trong suốt những năm qua nhằm thu hút các sinh viên trong khu vực đến học tập tại đây. Một số quốc gia như Ấn Độ, Singapore cũng là những đất nước đang nỗ lực phát triển các chương trình giáo dục xuyên quốc gia nhằm tiếp nhận thêm những sinh viên quốc tế trong khu vực.
Nói về các trường đại học phát triển mạnh mẽ trên trường quốc tế phải nói đến các trường của Anh và Úc. Đây là hai nước đi đầu trong các chương trình giáo dục xuyên quốc gia với ½ các hoạt động giáo dục quốc tế của Anh với hơn 400.000 sinh viên và 1/3 hoạt động giáo dục quốc tế của Úc với hơn 100.000 sinh viên đăng ký.
Như vậy số lượng sinh viên tìm kiếm các chương trình giáo dục ở nước ngoài sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ chóng mặt hơn nữa trong những năm tới đây. Đây không chỉ là một cơ hội lớn cho các “glocal” mà còn cho các tổ chức giáo dục muốn tăng tính toàn cầu của mình. Cung cấp cho “glocals” các chương trình học phù hợp nhưng cũng đồng thời là kết nối sâu hơn vào thị trường Châu Á đang đầy biến đổi trên các mặt chính trị, xã hội, kinh tế… Theo đó các phương pháp của giáo dục xuyên quốc gia sẽ không chỉ dừng lại việc tiếp nhận các sinh viên, những phương pháp này cần được nâng lên một tầm cao mới khi lượng sinh viên glocal bùng nổ, từ các chương trrình trao đổi hay các chương trình chuyển đổi giữa các chi nhánh. Tùy thuộc vào tiềm năng và tiềm lực của mỗi trường để phát triển các chương trình giáo dục xuyên quốc gia nhưng những sự thay đổi trên cần phải được thực hiện nếu họ muốn thu hút và giữ chân số lượng sinh viên khổng lồ tại thị trường màu mỡ như Châu Á.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng đa số các sinh viên theo học các chương trình này muốn được tiếp nhận các chương trình, kiến thức quốc tế nhưng là để có cơ hội áp dụng và phát triển tại quê hương đất nước. Chính vì thế sự am hiểu về đất nước sở tại cũng là một điều quan trọng đối với các cơ sở giáo dục khi họ có ý định mở rộng và xâm nhập vào các thị trường này.
Mô hình này đã được triển khai tại Việt Nam những năm gần đây như đại diện các trường đại học RMIT, La Trobe... với giáo trình học bằng tiếng Anh và tiêu chuẩn đào tạo quốc tế. Theo bạn mô hình này có hiệu quả? Bạn có tin tưởng vào chất lượng tại các trường đại học chi nhánh này?... Hãy chia sẻ cùng Hotcourses suy nghĩ của bạn về TNE và xu hướng Glocals nhé!
______________________________
Bài liên quan