Các mẹo khi tìm hiểu về trường và học bổng định đăng ký
Bạn nên truy cập vào trang web của các trường để biết được yêu cầu đầu vào và các loại giấy tờ bắt buộc. Bạn chú ý đọc kỹ mục “Eligibility” (tính hợp lệ) của từng học bổng và xem mình có đạt đủ các điều kiện không nhằm tránh mất thời gian đăng ký để rồi bị loại ngay từ vòng đầu tiên vì không phù hợp. Bạn đừng quên đọc cả mục “Những câu hỏi thường gặp – FAQs” (Frequently asked questions) để được giải đáp những thắc mắc phổ biến.
Ngoài trang web của trường, bạn còn có nhiều nguồn khác để tìm hiểu về học bổng như Google, bạn bè, mạng xã hội, diễn đàn, networking... Trong quá trình tìm hiểu, bạn lưu ý tổng hợp những thông tin chính như số lượng học bổng được cấp qua từng năm, yếu tố quan trọng của ban xét duyệt học bổng quan tâm và nhất là danh sách những người đã đạt học bổng vào những năm trước để bạn có thể liên hệ học hỏi kinh nghiệm.
Cách dễ nhất để biết những người đã đạt học bổng là vào mục Alumni (Cựu sinh viên) của chương trình và kiểm tra xem có anh chị Việt Nam nào không. Nếu có thì bạn hãy đọc bài chia sẻ kinh nghiệm của họ để học hỏi. Nếu bạn may mắn tìm được thông tin liên lạc của họ thì có thể chủ động liên lạc để nhờ họ hướng dẫn một số việc quan trọng. Tuy nhiên bạn cần lưu ý không nên hỏi quá nhiều mà hãy tự thân vận động vì chắn chắn các cựu sinh viên cũng bận rộn và những thông tin bạn cần hầu hết đều có thể tìm thấy trên mạng.
>> Danh sách địa chỉ hội nhóm du học sinh Việt ở nước ngoài
>> Kinh nghiệm xin Học bổng toàn phần bậc Cao học
Hầu hết các bạn đều sẽ tìm hiểu ít nhất từ 2 học bổng trở lên nên việc quản lý thông tin trong lúc tra cứu cũng rất cần thiết. Trong ứng dụng đánh dấu trang (bookmark) của trình duyệt, bạn nên tạo một tập tin riêng biệt cho mỗi trường hay mỗi học bổng mình định đăng ký. Mỗi khi đọc đến các thông tin quan trọng liên quan đến trường hay học bổng đó trên mạng thì bạn có thể nhanh chóng lưu vào tệp trên để tiết kiệm thời gian.
Các chiêu khi xin thư giới thiệu (letter of recommendation) và viết đơn xin nhập học (personal statement)
Thư giới thiệu và đơn xin nhập học giữ vai trò quan trọng không kém các yếu tố như GPA, bảng điểm, thành tích học tập hay giải thưởng của bạn. Chính vì thế nên bạn cần đầu tư thời gian và công sức để chăm chút cho hai tài liệu này.
>> Kỹ năng viết đơn xin học, CV và bài tự luận
Để có được thư giới thiệu hay thì bạn nên tính trước ít nhất 1 năm để chọn cho mình những người giới thiệu (Referee) có khả năng viết lách tốt và có uy tín. Sau đó bạn nên chủ động làm quen với những người này và cố gắng chứng tỏ năng lực của mình cho họ thấy. Ví dụ như bạn tính nhờ một người thầy trong trường viết thư giới thiệu thì trong giờ giảng của họ bạn nên chăm chỉ giơ tay phát biểu, làm bài tập đầy đủ và cố gắng đạt điểm cao. Nếu họ cần người giúp đỡ hoàn thành dự án nào đó thì bạn hãy xung phong tham gia. Chỉ cần như vậy thì người thầy đó sẽ không ngần ngại nói tốt về bạn trong thư giới thiệu.
Đối với đơn xin nhập học, các bạn nên lưu ý một số điều sau:
-
Tùy theo yêu cầu và tiêu chí của từng học bổng mà viết đơn xin nhập học để ban xét duyệt thấy bạn phù hợp với tiêu chí của học bổng đó.
-
Thực hiện vòng tuần hoàn Đọc—Viết—Sửa trong lúc viết. Tức là đầu tiên bạn nên đọc những bài mẫu để học cách viết của họ, sau đó vắt óc tìm ý tưởng rồi bắt tay vào viết. Tiếp theo đó thì nhờ người khác đọc và chỉnh sửa. Bạn cứ làm như thế đến khi nào có được một lá thư hoàn chỉnh thì thôi.
-
Bạn nên lập dàn ý trước khi viết rồi dựa vào đó phát triển lên thành một bài hoàn chỉnh. Bạn nên nhớ trả lời hết các câu hỏi mà học bổng yêu cầu, cân bằng các ý và cố gắng liên kết chúng với nhau.
-
Trong đơn xin nhập học bạn hãy cố gắng đề cập đến những gì không có trong các nội dung khác như những trải nghiệm liên quan đến ngành học bạn định đăng ký, lý do bạn muốn học cao lên và dự định tương lai của bạn sau khi tốt nghiệp.
Sau khi gửi hồ sơ cuối cùng, bạn đừng quên liên lạc với trường để xác nhận họ đã nhận được hồ sơ chưa. Bạn có thể chủ động hỏi hồ sơ có thiếu sót gì không để kịp thời bổ sung.
Bí kíp liên hệ với trường để được phản hồi nhanh
Sau khi gửi email đi mà bạn không nhận được phản hồi nhanh chóng thì đừng quá lo lắng mà hãy hiểu rằng số lượng email đổ về trong thời điểm tuyển sinh thường rất lớn nên nhà trường sẽ không trả lời kịp. Nhưng chắc chắn một điều là trước sau gì họ cũng sẽ hồi đáp cho bạn.
Tuy nhiên bạn vẫn có thể chủ động áp dụng thêm một số cách để email của mình được phản hồi nhanh chóng hơn. Đầu tiên là bạn nên chọn gửi email vào khung giờ 7 – 8 giờ sáng (giờ bên họ) hoặc 14 – 15 giờ chiều (giờ bên họ). Lúc đó là họ bắt đầu làm việc ca sáng hoặc ca chiều nên email của bạn sẽ xuất hiện ở vị trí đầu tiên trong hòm thư. Ngoài ra bạn có thể viết tiêu đề email “hấp dẫn” một tí nhưng đừng quá lố để gây sự chú ý cho người đọc.
>> Công cụ tìm học bổng của Hotcourses Vietnam