Đã viết rất nhiều bài về kinh nghiệm học IELTS nhưng đây lần đầu tiên tôi chia sẻ những gì tôi trải nghiệm với tư cách là người học.
Du học Anh từ năm 17 tuổi và bắt đầu học A-levels ở thành phố Manchester. 1 trong những môn học mà tôi chọn là Văn học Anh. Buổi đầu nhìn quanh lớp thấy có mỗi mình là châu Á, còn lại đều là bản xứ hết. Họ nhìn tôi và cười. Đến thầy giáo bộ môn cũng ‘cười’ tôi, có lẽ vì chưa có người châu Á nào học môn này cả. Thầy gọi tôi vào phòng giáo viên và nói tôi không nên học Văn học Anh ở trình độ này vì nó quá khó cho học sinh quốc tế châu Á như tôi và thầy ‘khuyên’ nên học trình độ thấp hơn. Tôi nhất quyết không nghe vì đã xin được cái học bổng thì không muốn phí tiền học từ trình độ thấp. Vậy là tôi bảo thầy cho tôi 1 tháng học thử rồi sau đó hãy quyết định.
>> Học A-level hay Foundation?
>> Điều kiện du học bậc đại học tại Anh
Viết lần đầu tiên, tôi vẫn còn nhớ thầy cho tôi điểm ‘D’ với nụ cười ‘nhếch mép’. Tủi thân lắm. Vậy là lại cố gắng đọc và viết tiếng Anh nhiều hơn. Và lần tiếp theo lên được điểm ‘C’. Thầy bảo ‘good’ với đôi mắt nói với tôi rằng ‘chỉ đến thế này thôi’ nhưng với tôi thì không. Tôi không muốn thấy cái nụ cười ‘nhếch mép’ của thầy và của những người bản xứ học cùng lớp thêm lần nào nữa nên cứ học xong là ôm lấy cái thư viện. Và cuối cùng tôi được điểm A trong bài thi về Shakespeare. Từ đó thầy giáo và các bạn trong lớp không còn nhìn tôi với ánh mắt lạnh lùng, xa lánh. Chính lúc đó, tôi cảm nhận được một điều rất rõ. Tiếng Anh không chỉ đơn giản là một ngoại ngữ mà nó còn là một vũ khí, một công cụ đắc lực để giúp sinh viên quốc tế như tôi ngẩng cao đầu và hòa nhập với con người bản xứ.
>> Cẩm nang du học các trường tại Anh
Giờ đây càng nhiều sinh viên du học nhưng chỉ để có cái bằng. Chính vì vậy nên nhiều người chỉ học để thi cho qua kì thì IELTS cho xong rồi bỏ ra một số tiền lớn để sang đây du học. Nhưng khi sang đây, phần lớn thời gian lại dùng tiếng mẹ đẻ. Có lẽ vậy mà trong lễ tốt nghiệp thạc sỹ của tôi, tôi thấy buồn khi thấy cô bạn người châu Á hào hứng đang phát biểu diễn văn bế mạc nhưng lại không biết rằng những bậc phụ huynh bản xứ đến tham dự ngồi ở dưới đang nhăn nhó mặt mày hoặc cố gắng nhịn cười vì không hiểu cô ấy nói gì.
Có rất nhiều học viên ban đầu hỏi tôi tại sao tôi và chồng dạy IELTS lại nghiêm khắc và bắt học viên phải suy nghĩ nhiều thế mà không cho xem bài viết mẫu, soạn sẵn ý tưởng? Tôi nói thẳng luôn ‘cần bài viết mẫu thì chằng cần đến đây học mà cứ lên mạng đọc là xong, tha hồ ý tưởng’ Nếu dạy chỉ để giúp học viên qua cái bài thi IELTS cho xong thì có lẽ tôi đã không chọn cái nghề này. Tôi hiểu cảm giác bị cười là thế nào. Và tôi muốn người học không phải trải nghiệm cảm giác này mà thay vào đó là cảm giác tự hào ngẩng đầu lên khi có thể hòa mình vào cuộc sống ở xứ người bằng những gì đã học được và tận dụng được từng xu, từng đồng, từng giây, từng phút ở đây. Và không có niềm vui nào hơn là biết được tin học viên đi du học ‘nhận bản báo cáo cuối kì với điểm tuyệt đối’ ở trường đại học nước ngoài. Tôi tin rằng khi người học đặt mục tiêu học tiếng Anh nói chung và IELTS nói riêng để học thật tốt khi đi du học và hòa nhập với bạn bè quốc tế thì họ sẽ đạt được thêm nhiều thành công trong cuộc sống.
Bạn có thể tham gia vào các bài học của cô giáo San tại FB Virtual English lessons with San Adams hoặc tìm hiểu thêm về khóa IELTS của cô giáo trên website http://ieltsandbeyond.com/