“Du học là cơ hội chứ không phải lối thoát dành cho sĩ tử trượt đại học” - Nguyễn Huỳnh
Đại học không phải là con đường duy nhất dẫn tới thành công, đại học chỉ là con đường nhanh nhất. Có rất nhiều nhân vật trên thế giới trở nên giàu có và nổi tiếng mà không có bằng đại học phải kể đến như Sean Connery, Mark Zuckerberg, Will Smith, Steve Jobs..hoặc ngay đâu đó xung quanh bạn, họ có thể không thành công về tài chính nhưng thật sự họ đã có nhiều thứ còn quan trọng hơn chính là kinh nghiệm là kỹ năng mà con đường đại học không thể đem lại.
Du học đối với nhiều người như là lối thoát để trốn tránh vì nghĩ rằng mình thất bại, tất nhiên không kể đến một số bạn đạt học bổng, lý do là bị áp lực từ bạn bè mọi người xung quanh kì vọng quá nhiều. Bạn nên nhớ rằng bạn học không tốt không có nghĩa là bạn là người không tốt, là người thất bại.
Du học có tiền là chưa đủ. Việc du học phải có kế hoạch. Bạn muốn tìm kiếm môi trường tốt để trải nghiệm mới mẻ, muốn giao tiếp hội nhập trực tiếp với nước ngoài, bạn định hướng rõ mình đến đó để làm gì, muốn gì và sau khi đạt được bạn sẽ có gì trong tay. Nói như vậy có thể có một số bạn bảo rằng bạn ban đầu đi chỉ là gia đình muốn, mọi người đi du học bạn cũng đi, giờ vẫn ổn, nhưng bạn cứ ổn như thế đến bao giờ, cái đích mà bạn muốn là như thế nào? Khi nào mới đạt được nó? Bạn nên đặt cho mình nhiều câu hỏi đáp án nằm ngay trong bản thân bạn hoặc có thể hỏi ý kiến của người mà bạn thương yêu nhất.
Kết lại, theo mình nghĩ du học chỉ cần thiết khi bạn đã sẵn sàng, không bao giờ là quá muộn, quyết định chỉ sai khi chúng ta sợ sệt, sợ rằng mình sai. Mình đã nghe câu này ở đâu đó “Du học là cơ hội chứ không phải lối thoát dành cho sĩ tử trượt đại học”
Bonus thêm về bản thân (Tất cả dường như chỉ là nói suông nhưng với mình một cô gái mong muốn đặt chân lên một vùng đất mới để thay đổi mình, tìm thứ thuộc về mình nhưng thật ra trong đâu vẫn chưa sẳn sàng, thứ nhất là tài chính, muc tiêu lẫn kỹ năng trong môi trường mới, vì thế đó là lý do mình tìm đến các quyển sách du kí, du học để mong có một ngày cơ hội đến để mình tự tin rằng mình có thể làm được. Chúc các bạn đang du học vẫn sẽ thực hiện được những gì mình mong đợi, các sĩ tử còn bối rối với con đường đại học và du học sẽ chọn đúng con đường dành cho mình, bỏ ngoài tai những đánh giá này nọ hãy tin vào bản thân vì cuộc đời này ta chỉ sống một lần).
“Du học đâu chỉ là chuyện tiền bạc” - Hà NGỌC
Sau kì thi đại học căng thẳng, bẵng đi vài tuần, mỗi học sinh lớp 12 lại có những ngã rẽ khác nhau. Người đỗ, người trượt, người vào đại học, vào cao đẳng, người lại ở nhà một năm để ôn thi lại. Bên cạnh đó có những người chuẩn bị cất cánh đi du học nhờ nhận được học bổng, cũng có những người không nhận được học bổng cũng cất cánh. Nhắc đến họ, người ta cười khẩy bảo nhau rằng: Con nhà giàu, học chả ra sao, đại học còn chẳng đỗ ra nước ngoài làm được cái gì?
Thực tế, việc trượt đại học rồi đi du học xảy ra chủ yếu ở bộ phận các gia đình giàu có. Một mặt những gia đình không muốn họ phải xấu hổ với xã hội. Một mặt họ nghĩ rằng cho con cái ra nước ngoài là cơ hội tốt để con tiếp xúc với nền giáo dục tiên tiến, giúp con ra trường sẽ có cơ hội việc làm tốt. Thế nhưng việc đi du học không phải dễ dàng chỉ là chuyện tiền bạc. Môi trường học tập và làm việc độc lập ở một nơi xa lạ không hề dễ dàng, nhất là với những cậu ấm cô chiêu quen được bao bọc. Những bất đồng ngôn ngữ, sốc văn hóa, cuộc sống tự lập khiến bất kì ai cũng có thể sa ngã.
Biết bao khó khăn thử thách như vậy nhưng điều đó không có nghĩa bạn không thể du học nếu trượt đại học. “Trượt đại học thì nên đi du học” là sai nhưng “trượt đại học thì có thể đi du học” thì lại không sai. Điều quan trọng nhất là bạn xác định đúng đắn mục đích đi du học của mình. Đó là cơ hội để bạn học hỏi, trải nghiệm, thử thách bản thân. Quan trọng không phải là việc bạn đã đi du học mà là sau khi đi du học bạn đã tích lũy được những gì. Đừng để phí hoài 2-3 năm ở nước ngoài với danh hão ĐI DU HỌC để rồi khi về nước không tìm được nổi một công việc ổn định. Cần vạch rõ mục tiêu và cách thức để thực hiện nó ngay từ khi ý định du học còn nhen nhóm trong bạn. Chỉ khi xác định rõ được mục tiêu, việc chạm đến nó mới trở nên khả thi.
Đại học không phải là con đường duy nhất và du học cũng không phải là con đường trải hoa cho mỗi người chúng ta. Hãy bỏ ngoài tai những định kiến cho rằng những điều bạn đang làm là sai trái và nỗ lực hết mình vì những gì bạn mơ ước bởi tất cả mọi thứ đều là không thể chỉ đến khi nó được hoàn thành
“IT ALWAYS SEEM IMPOSSIBLE UNTIL IT’S DONE” - Nelson Mandela
Một chút về bản thân: Hiện đang là một học sinh lớp 12, đứng trước việc chọn trường, chọn nghề nhưng mình vẫn mong muốn một ngày được đến những vùng trời mới, được độc lập, được trải nghiệm. Vì thế mình đang cố gắng thực hiện ước mơ của mình từ bây giờ. Sẽ là cố gắng vào đại học, tham gia các khóa đào tạo, các tổ chức phi chính phủ cho sinh viên quốc tế, sẽ học tập tốt để có một CV đẹp cho việc đi du học. Đó là dự định của nhiều năm sau còn bây giờ là việc cố gắng hết mình cho kì thi đại học sắp tới. Chúc những anh chị đang đi du học, những anh chị, những bạn còn đang bối rối với con đường du học hay đại học sẽ cố đủ quyết tâm để thực hiện ước mơ của mình.
>> 10 khoảnh khắc khó khăn mà du học sinh (có thể) sẽ phải đối diện
“Đừng xem du học là phong trào” - QUỲNH ANH HOÀNG
Trật đại học, bạn có nhiều hướng đi khác nhau, và du học là cơ hội để bắt đầu một con đường mới, chứ không phải là kết quả của việc chạy theo phong trào.
Đại học chính là môi trường để nâng cao kiến thức, thực tập hướng nghiệp và là bằng chứng chứng tỏ trình độ học vấn cuả mỗi người. Gia đình đặt khá nhiều hy vọng vào các bạn trẻ. Không thể phủ nhận điều này. Tuy nhiên, một số niềm hy vọng có thể là động lực, số ít khác đôi khi lại là áp lực.
Vậy nên, trật ngưỡng cửa đại học được coi là thất bại đối với không ít bộ phận học sinh hiện nay. Tiếp theo đó là hàng loạt những quyết định cho tương lai. Nhiều bạn sẽ nản chí, tự ti và cảm thấy thua kém bạn bè. Họ sẽ chọn cho mình những con đường êm ả hơn. Hay, họ lại tiếp tục cố gắng làm lại từ đầu để đỗ đại học. Tốt chứ sao! Nhưng, mình nghĩ, nó chỉ tốt khi bạn cảm thấy cánh cổng trường đại học ấy thực sự phù hợp với bạn, đáp ứng được đam mê vốn có trong bạn. Bởi lẽ, một khi đã "thất bại", nên chi nhẹ nhàng rẽ sang lối khác? Không có gì đảm bảo được rằng khi bắt đầu lại bạn sẽ làm tốt hơn trước.
Vâng, hãy rẽ sang một hướng mới. Trật đại học có thể là do bạn chưa đánh thức được đúng mảng kiến thức "tài năng" cuả bạn. Hoặc đôi khi môi trường đại học không phải là nơi thích hợp để bạn "toả sáng".
Bạn cần một sự thay đổi. Mình nghĩ thế. Thay đổi môi trường, cách tiếp nhận kiến thức. Và du học có thể là một hướng đi khác biệt, mới mẻ. Bạn nên nghĩ xem đâu là đam mê, đâu là cuộc sống bạn hướng đến.
Khi đã xác định được thì hãy hành động. Nếu bạn còn lăn tăn vấn đề tài chính mà thực sự ước mơ du học vẫn đang bùng cháy trong bạn, hãy tìm học bổng. Có rất nhiều cơ hội để bạn tự khẳng định chính mình. Có thể là một môi trường làm việc với tốc độ nhanh chóng mặt nhưng ở đó sẽ luyện cho bạn tinh thần tập trung cao, một quyết tâm tột độ. Có thểcuộc sống nơi xứ người rất khắc nghiệt, nhưng ở nơi đó bạn sẽ tìm được khả năng giao tiếp và sự bền dẻo cuả bản thân. Bạn sẽ tìm thấy tình yêu mới bên cạnh tình yêu với quê hương, tại nơi mà bạn đã từng xem là lạ lẫm. Tuy nhiên, một số các bạn có điều kiện du học thì xin hãy xem đó là cơ hội, đừng xem du học như là một phong trào. Hãy biến thất bại thành những trải nghiệm để thành công trong hạnh phúc, đúng nghĩa cuả "thành công".
Bonus thêm về bản thân: Ước mơ du học cuả mình có thể cũng chỉ là xa vời, nhưng mình tìm được lý do để khao khát được du học, lý do để được đứng dưới chân tháp Eiffel, được ngắm rạng đông Paris, được thử không khí tấp nập, vội vã. Mình MUỐN đến Paris trong tương lai. Vì không gì là không thể. Vì cái nhìn đầy khát khao mỗi lần ngắm Paris trên trang giấy. Vì khát vọng đẹp đẽ cuả tuổi trẻ. Vì để đổi tầm nhìn cuộc sống dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Có ai phải trả phí cho ước mơ bao giờ đâu. Sống là phải mơ, mơ là phải thành hiện thật và mình để ước mơ đó làm động lực cho chính mình
Cám ơn mọi người.
“Mỗi người sẽ là một lựa chọn riêng” – HÀ PHẠM BÍCH TRÂM
Cuộc đời của mỗi con người cũng giống như những con đường, lắm khúc khuỷu, rẽ ngoặc. Mỗi cái ngã ba, ngã tư ấy sẽ là nơi chúng ta dừng lại, ngẫm nghĩ và quyết định nên sẽ phải làm gì - chọn một ngã rẽ hay dừng lại, hoặc lùi về con đường lúc trước đã từng đi. Mỗi quyết định ấy sẽ mở ra một tương lai riêng cho chính chúng ta. Không con đường nào như con đường nào, không phải nhất định một con đường sẽ tốt cho tất cả mọi người, vì vậy mọi người sẽ phải chọn một con đường phù hợp với chính mình.
Và đại học chính là một ngã rẽ đó. Nó có đến 2 con rẽ riêng. Sẽ là đậu đại học, tiếp tục học tiếp hay là rớt đại học và đi vào con đường đó, và chọn tiếp một con đường khác của cuộc đời mình. Ngã rẽ ở Đại học là bạn không thể tự quyết định được, nhưng ở con đường sau khi đã rớt đại học chính là do bạn chọn lấy, vì vậy – hãy chọn con đường đúng đắn.
Có đến 3 con đường có thể chọn nếu rớt đại học: Chọn một nghề khác, học lấy nghề đó; học và thi lại; hoặc đi du học. Ở đây, mình sẽ mổ xẻ vấn đề đi du học khi bạn trượt đại học.
Có lẽ cái cảm giác khi trượt đại học không tốt cho lắm nhỉ? Tất cả mọi thứ như tối sầm, một màu đen huyền, không ánh sáng. Bạn sẽ thất vọng đấy, nhưng bạn sẽ phải đứng lên! Mình khuyên là không nên nản lòng hay làm bất cứ điều gì dại dột, không tốt chút nào đâu! Bạn còn có gia đình, bạn bè nữa cơ mà! Mình có nghe câu nói: “Bạn sẽ không biết mình dũng cảm đến mức nào, cho đến khi đó là lựa chọn duy nhất để tồn tại!” Vậy, hãy dũng cảm sống, đối mặt với thực tại để tồn tại, để được sống trọn cuộc đời mình. Nhưng sẽ làm gì tiếp theo nhỉ? Với một số gia đình, họ sẽ cho con cái mình đi du học. Có lẽ là để lấy lại một chút danh dự, hay có thể là chọn hướng đi khác. Mình hy vọng nếu bạn rớt đại học, và nếu bạn chọn đi du học, thì hãy đi vì lí do thứ hai!
Cơ mà đi du học cũng không dễ dàng đâu nhỉ? Sẽ phải làm quen với rất nhiều thứ mới lạ. Nên hãy chuẩn bị kĩ càng, suy nghĩ kí càng về điều đó! Sẽ rất khó để định hướng lúc đó, mình nghĩ bạn nên đến một nơi nào đó, thật yên tính, dành một ngày để suy nghĩ về ước mong của mình, về gia đình, về mọi người. Bạn sẽ chọn được quyết định đúng đắn cho mình! Muốn đi du học, bạn phải chăm học môn ngoại ngữ của quốc gia mà mình sẽ đến, phải chuẩn bị kĩ cả về văn hóa và chăm lo cho sức khỏe! Lựa chọn một ngôi trường đúng đắn cho bản thân, vừa sức mình cũng thật quan trọng! Bạn phải làm quen với cảnh sống tự lập, tự thân vận động. Sẽ nhớ ba, nhớ mẹ, nhớ mọi người và Việt Nam lắm đấy; lại còn cả có thể sốc văn hóa nữa chứ; nhưng nếu quyết tâm, bạn sẽ làm được! Và quyết tâm đó, chỉ có thể có được, khi bạn chọn đi du học, vì chính mình, vì chính mong ước của bản thân – không phải vì ai hết! Đó cũng là lí do mà mình nghĩ các bạn nên chọn đi du học vì lí do thứ hai. Còn lí do thứ nhất, đó là điều không nên chút nào. Một lúc nào đấy, bạn sẽ hối hận vì quyết định này. Đơn giản vì nếu không thực sự muốn du học, bạn sẽ có thể tự từ bỏ hoặc bị đuổi về vì kết quả không cao (không yêu thích thì làm sao học được?)
Đại học là một khúc ngoặt đối với mỗi con người, con đường đi được chọn đúng hay sai, là do chính bản thân của mỗi chúng ta! Hãy chọn con đường phù hợp cho chính mình, con đường mà bạn sẽ đi với tất cả lòng nhiệt huyết, với tất cả quyết tâm của mình, dù nó khó khăn, ngặt nghoèo đến mấy. Con đường này sẽ không thể thay đổi được, nên hãy đưa ra quyết định sáng suốt! Hãy nhớ Bạn sẽ phải sống cuộc đời của chính bạn nên hãy chọn chính quyết định của mình. Nếu chọn du học, bạn không được lơ là! Học không phải để có bằng cấp, hay để khoe tiếng mà học là cho chính kiến thức của chúng ta. Nên dù học ở đâu, tự học vẫn là chính! Và điều cuối cùng mình muốn nhắn nhủ chính là: “Khi một cánh cửa bị đóng lại, những cánh cửa khác sẽ mở ra với bạn. Hãy chọn cánh cửa đúng đắn, phủ hợp với chính mình!”
“Du học không nên là vỏ bọc” – ĐỖ AN KHANG
"Theo mình, việc du học lắm nỗi khó khăn vậy tại sao không xem đây là phương án ưu tiên hàng đầu, mà xếp nó sau việc học đại học ở nước nhà? Và cũng bởi nó quá khó khăn, nên việc đi du học ngay sau khi trượt đại học cũng không phải là lựa chọn khôn ngoan"- Đỗ An Khang
Ngay từ câu thảo luận “Trượt đại học thì hãy đi du học”, mọi người đã vô tình hạ thấp giá trị của việc du học.
Thứ nhất, du học không phải muốn đi là được, không phải cứ có nhiều tiền thì du học sẽ thành công. Việc học muôn đời luôn khó khăn và vất vả, đằng này còn đi học ở nước ngoài có biết bao xa lạ. Do đó, du học không đơn giản như cân đường hộp sữa, khi muốn chỉ cần ra chợ mua, mà vô cùng gian nan và khó khăn nên phải được suy tính cẩn thận và chuẩn bị kĩ càng.
Thứ hai, du học là cơ hội để mở mang kiến thức chứ không phải là lối thoát hay là vỏ bọc của các bạn trượt đại học. Lối thoát là đường dẫn đến những nơi khiến con người cảm thấy dễ chịu, yên tâm hơn, trong khi việc đi du học lại không hề long lanh như các bạn tưởng, cũng gian truân, cực nhọc lắm đấy. Để mặc lớp vỏ bọc này lên người, các bạn phải trả một cái giá rất đắt (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) bao gồm cả tiền bạc, thời gian, công sức của chính mình.
Theo mình, việc du học lắm nỗi khó khăn vậy tại sao không xem đây là phương án ưu tiên hàng đầu, mà xếp nó sau việc học đại học ở nước nhà? Và cũng bởi nó quá khó khăn, nên việc đi du học ngay sau khi trượt đại học cũng không phải là lựa chọn khôn ngoan.
Nhiều người hay nói “Đậu đại học còn không xong làm sao du học nổi!”, nói như thế là các bạn đã đặt nền giáo dục Việt Nam ngang hàng với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới rồi. Thực tế phũ phàng rằng bộ máy giáo dục Việt Nam vẫn đang rị mọ phát triển, đổi mới từng ngày nếu không nói là đang lẹt đẹt đi sau thế giới. Từ trước đến nay, giáo dục Việt Nam vẫn còn nặng nề với khối lượng kiến thức đồ sộ trải đều suốt 12 năm học nhưng chưa được phân bổ hợp lý. Chưa kể mục đích học tập ở nước ta là để... đi thi - thi học sinh giỏi, thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp, thi đại học, thi abc... chứ không phải để có thể ứng dụng vào thực tế. Ngoài ra, “bệnh thành tích” đã cắm rễ quá sâu vào tâm trí của người dạy lẫn người học nên việc “dạy thực chất, học thực chất” là một khẩu hiệu còn quá xa vời.
Với một nền giáo dục còn nhiều thiếu sót như nước ta thì việc các bạn chọn đi du học ở một nền giáo dục tiên tiến hơn thay vì ở lại Việt Nam chẳng có gì là sai trái. Nền giáo dục tiên tiến và khác biệt có thể giúp người học dễ dàng bộc lộ khả năng. sMôi trường sống luôn có một ảnh hưởng vô cùng quan trọng đến sự phát triển của con người. Ngày xưa chẳng phải mẹ của Mạnh Tử đã phải chuyển nhà tận ba lần để cho con mình có một môi trường tốt để phát triển toàn diện đó sao?
Có một môi trường học tập tốt và thái độ học tập nghiêm túc thì chắc chắn việc học sẽ thành công dù bạn có đi đến đâu học đi chăng nữa. Môi trường giáo dục tốt chính là thứ mà Việt Nam chúng ta còn thiếu. Đôi khi chính nhờ môi trường học tập hiện đại và phù hợp ở nước ngoài sẽ khiến cho bạn cảm thấy ham thích học tập và cố gắng phấn đấu đạt thành tích cao hơn.
Vậy thì tại sao các bạn không nên đi du học khi trượt đại học?
1. Không có thời gian chuẩn bị
Để thi đại học, các bạn phải dành rất nhiều thời gian ôn luyện các môn thi như đi học thêm, giải bài tập... Bạn còn phải chọn ngành, chọn trường, tính toán phương tiện đi lại và cả nơi ăn ở trong suốt kì thi đối với các bạn ở tỉnh xa. Du học cũng cần phải được chuẩn bị kĩ càng như vậy và có khi còn hơn thế nữa. Do đó khi vừa mới trượt đại học, các bạn chắc chắn sẽ không có đủ thời gian để chuẩn bị hồ sơ, chọn trường, chọn nơi ở, thi chứng chỉ tiếng anh... và quan trọng nhất là tài chính để đi du học vì suốt thời gian qua các bạn đã tập trung hết sức lực cho kì thi đại học. (Trừ trường hợp các bạn thi đại học cho vui, trước sau gì cũng đi du học do đã chuẩn bị từ trước.)
2. Học cái gì?
Các bạn có dám khẳng định mình đã biết rõ đam mê của mình là gì chưa? Chắc là có, nhưng số đó có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi vì việc tìm kiếm đam mê chưa bao giờ là dễ dàng với tất cả mọi người. Tôi có những người bạn đã học đến năm ba Đại học rồi mà vẫn không biết sau này mình sẽ làm gì, thích cái gì. Sinh viên Đại học còn lăn tăn về định hướng tương lai huống chi là học sinh vừa mới thi đại học. Khi bạn đã xác định rõ đam mê của mình và sẵn sàng đầu tư tiền bạc, thời gian để theo đuổi đam mê đó thì hãy đi du học.
Như bạn biết đó, chi phí du học rất đắt đỏ so với mức sống của người Việt Nam nên tiền bỏ ra phải đáng, phải ý nghĩa. Đó là trường hợp của các bạn du học tự túc, còn du học có học bổng toàn phần (học bổng bán phần số tiền phải đóng cũng rất cao) thì các bạn cũng phải chịu sinh hoạt phí hằng tháng - nếu bạn học ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh thì tiền sinh hoạt phí cũng là một khoản không hề nhỏ đâu nhé. Còn học bổng toàn phần gồm luôn cả chi phí ăn ở du lịch thì thường tỉ lệ chọi, nếu bạn may mắn giành được học bổng này thì cứ vô tư đi du học.
Trường hợp xấu nhất là lỡ đi du học rồi phát hiện mình không hợp với ngành học đó thì sẽ không khác gì là địa ngục đâu. Bạn sẽ rơi vào trạng thái chán nản, mệt mỏi, không thiết tha phấn đấu. Rút cuộc số tiền lớn cộng với thời gian, công sức bỏ ra cho việc học bỗng trở nên vô nghĩa. Lúc ấy người đáng thương nhất ngoài bản thân bạn ra chính là ba mẹ các bạn khi phải cong lưng kiếm tiền cho bạn đi du học.
Du học là để học nên khi học xong bạn phải dùng được các kiến thức đã học. Nếu học xong mà về đi làm ngành khác hoặc không ứng dụng được gì thì quả thật là hoang phí.
Do đó thay vì đi quyết định đi du học ngay khi trượt đại học, bạn hãy bắt đầu hành trình tìm kiếm đam mê của mình sẽ tốt hơn.
3. Liệu bạn có sống độc lập được không?
Đi du học đồng nghĩa với việc bạn phải sống tự lập với nhiều thứ phải lo: tự nấu ăn, tự giặt giũ, tự đi chợ, tự thanh toán tiền nhà và vô số những kĩ năng khác ngoài việc học. (Tinh thần tự học là hiển nhiên phải có!). Những hành trang bắt buộc phải có khi đi du học này phải có cả một quá trình để chuẩn bị chứ không thể trong ngày một ngày hai. Ví như học mẹ cách làm một vài món Việt Nam đơn giản hàng ngày chẳng hạn. Và mình dám chắc là trong năm cuối cấp các bạn đều lo luyện thi tối mắt tối mũi, giờ ăn uống ngủ nghỉ còn phải cắt xén làm sao mà có thời gian chuẩn bị những kĩ năng trên.
Ngoài ra, lúc vừa tốt nghiệp THPT là lúc bạn tròn 18 tuổi, một độ tuổi vẫn còn ham chơi và bồng bột. Đời sống du học khi bạn chỉ một thân một mình nơi đất khách với biết bao cám dỗ sẽ rất dễ khiến bạn sa ngã mà chểnh mảng việc học. Nếu bạn là người sống sâu, có chí hướng và thật sự quyết tâm đi du học thì đây không phải là vấn đề quá quan trọng. Tuy nhiên không phải ai ở độ tuổi 18 cũng có thể nghĩ sâu đâu bạn ạ. Hãy suy nghĩ thật kĩ về vấn đề này.
Vậy khi nào thì nên đi du học?
Dương Thụy - một tác giả trẻ nổi tiếng với truyện về đề tài du học và du kí - đến năm 27 tuổi mới có học bổng du học Bỉ. Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai đã từ bỏ vị trí thư ký tòa soạn báo Hoa Học Trò năm 24 tuổi để đi du học Hà Lan. Và còn nhiều gương mặt khác đã chọn đi du học khi họ đã có một vốn sống và kinh nghiệm trong công việc nhất định. Nói đi cũng phải nói lại, có nhiều bạn đã đi du học từ rất trẻ và thành công. Do đó, khi nào đi du học không quan trọng bằng việc bạn đã thực sự sẵn sàng đi du học hay chưa. Hãy biết chờ đợi đến thời cơ chín mùi, đừng hấp tấp, vội vã. “Good things come to those who wait.”
Thay lời kết
Vậy khi trượt đại học nên làm gì? Việc đầu tiên là hãy ngồi lại suy nghĩ thật kĩ và vạch ra hướng đi phù hợp nhất với hoàn cảnh hiện tại: thi lại đại học? nộp hồ sơ nguyện vọng hai? chọn học cao đẳng rồi sau đó liên thông? Mỗi người mỗi một hoàn cảnh nên chỉ có bản thân bạn mới có thể đưa ra cho mình hướng giải quyết phù hợp nhất và tự chịu trách nhiệm với sự quyết định đó mà thôi. Sự học là việc cả đời người nên yên tâm đi, nếu bạn thật sự muốn đi du học thì chắc chắn không sớm thì muôn điều đó cũng sẽ thành hiện thực.
Hotcourses xin cám ơn những chia sẻ chân thành của các bạn và chúc mừng những bạn có nhận xét được chọn đăng.