Có thể bạn được truyền cảm hứng bởi các bộ phim bom tấn và tò mò về những công việc đằng sau hậu trường, cũng như làm thế nào để bắt đầu. Để giúp bạn có được chia sẻ chân thật nhất về công việc của những VFX artist người nước ngoài, Hotcourses Vietnam đã trực tiếp thực hiện phỏng vấn với anh Olivier Jezequel (lead/senior compositor), anh Charles Chorein (3D generalist) và chị Audrey Ferrara (environment supervisor & generalist TD) ở công ty MPC, London. Họ chính là những người đã làm kỹ xảo cho những bộ phim mà có thể bạn đã từng xem (Harry Potter, Xmen, Maleficent, Guardians of the galaxy…)
>> Ngành kỹ xảo điện ảnh VFX, bạn biết gì?
>> Hai góc nhìn cận cảnh về ngành Kỹ xảo điện ảnh
Học gì để trở thành VFX artist?
VFX là tên gọi chung của tất cả những công việc thuộc lĩnh vực Kỹ xảo điện ảnh. Có thể chia các VFX artists thành hai nhóm:
- Nhóm generalists: những người có hiểu biết về tất cả các công việc trong lĩnh vực VFX, tóm lại là “đụng” đâu cũng biết làm, và những người này thường làm việc ở những công ty nhỏ và ở trong lãnh địa quảng cáo.
- Nhóm specialists: chỉ tập trung vào một nghề duy nhất và sẽ cần đến sự hỗ trợ của các thành viên khác trong nhóm vì có những công việc mà người này không thể tự làm. Có thể bạn sẽ cho rằng trở thành specialist là tự giới hạn năng lực của bản thân, nhưng đồng thời đây cũng là cách để thực sự tập trung, cho ra thành quả công việc tốt hơn. Thường thì các generalist sẽ dần chuyển sang chuyên gia cho một thế mạnh nào đó khi đã “cứng cựa” trong nghề.
Khi được hỏi về kinh nghiệm học tập, anh Olivier chia sẻ rằng, rất nhiều các VFX “đời cũ” không học VFX bài bản, nhưng lại thông qua những khóa nghiệp vụ để rèn luyện kỹ năng. Đối với anh, bằng cấp không quá quan trọng, nhưng việc học hỏi và đắm mình trong thế giới sáng tạo thì vô cùng cần thiết. Trên thực tế, có rất nhiều người tự học trong ngành này, bằng cách xem các hướng dẫn hay theo học các khóa trực tuyến trên Internet. Ngay cả các chuyên gia trong nghề cũng trau dồi kiến thức của mình qua các trang web như DigitalTutors, Videocopilot, fxphd, Thegnomonworkshop, Fxguide, 3dvf.
Trong khi đó, anh Charles thì lại cho rằng bạn nên chọn một trường tốt, theo học những người thầy tốt. Với anh, thời gian đi học vô cùng quan trọng để học và phát triển các kĩ năng về phần mềm, làm việc nhóm hay thẩm mỹ. Bản thân nhân vật đã đi học trong 7 năm - 4 năm ở trường kỹ sư và 3 năm ở trường chuyên về VFX (ARTFX, Montpellier, Pháp). Cả hai trải nghiệm này đã giúp anh tiếp cận được những kiến thức về cả kỹ thuật lẫn mỹ thuật. Anh Charles đưa lời khuyên, nếu bạn có dự định du học ở Pháp thì hãy tìm hiểu về ARTFX và Supinfocom, còn ở Vương quốc Anh, theo anh, ngôi trường nổi tiếng nhất đó là Bournemouth.
>> Các khóa học ngành hoạt họa (animation)
Còn chị Audrey thì lại có một hướng đi có hơi khác. Audrey bắt đầu bằng một trường điện ảnh rồi sau đó mới theo học một trường chuyên dạy CG animation. “Cách tốt nhất để rèn luyện bản thân đó là đi làm và đặt mọi lý thuyết và kỹ năng mà bạn được dạy vào những tình huống thực hành, cụ thể nhất”. Đối với Audrey, nếu học điện ảnh ở trường Đại học đã mang lại kiến thức “truyền thống” về phim ảnh như biên tập, nhiếp ảnh, âm thanh, kịch bản… thì trường CG lại dạy cho chị kỹ thuật làm nghề. Ngoài ra, Audrey cũng đánh giá rất cao trải nghiệm làm việc đầu tiên của mình tại một trong những công ty hàng đầu châu Âu: BUF.
- Một số ngành học/môn học trong lĩnh vực VFX: Design, Modeling/texturing, Layout, Animation, FX, Lighting, Compositing, Coloring, Editing, graphic animation… Ngoài ra cũng không nên bỏ qua Programing và IT vốn cũng vô cùng quan trọng.
- Các thuật ngữ, từ khóa mà bạn nên tìm hiểu thêm: VFX, compositing, animation, making of, digital art, film fx, post production, 3D, tutorials, breakdown, mattepainting, motion capture, modeling, rendering, compisiting, rotoscopy…
Từ runner đến senior
Lĩnh vực này đòi hỏi rất nhiều vào portfolio và kinh nghiệm của bạn. Bạn không nhất thiết phải có thạc sĩ hay tiến sĩ, đơn giản vì đây không phải là một công việc có tính lý thuyết. Tất cả những gì bạn cần là demo reel và bản sơ yếu (resume). Khi xin việc, hãy luôn thể hiện điểm mạnh của mình sao cho có lợi vào vị trí mà bạn đang ứng cử. Chẳng hạn nếu xin làm compositing thì không nên nói nhiều về animations, trừ khi bạn thực sự giỏi về animations, và dù có thế thì cũng chỉ cần nói một ít là đủ. Tốt nhất là hãy cứ tập trung vào công việc compositing. Còn nếu bạn ứng tuyển vào làm generalist thì hãy phơi bày tất cả những gì bạn biết.
Động lực làm việc cũng là từ khóa quan trọng đối với người tuyển dụng. Ở lĩnh vực VFX, bạn sẽ phải kham thêm rất nhiều giờ làm cho chạy kịp tiến độ, và những giờ làm này thường không được trả thêm, vì thế nếu không đủ động lực thì sẽ rất khó để theo đến cùng.
Ngày càng có nhiều cơ hội việc làm trong ngành VFX, từ điện ảnh tới quảng cáo, MV, hoạt hình… Bạn có thể bắt đầu bằng runner ở các công ty lớn như rất nhiều tân sinh viên đang chọn hướng đi khởi điểm này. Một số khác lại xin vào những công ty nhỏ để có thể được học hỏi từ tất cả các vị trí. Và một khi đã được vào làm rồi, hãy nhớ là các runner cũng thường phải kiêm luôn pha cà-phê, lau rửa ly tách… Những người không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực VFX thường khởi nghiệp như thế và chịu khó học hỏi vào thời gian rảnh.
Để trở thành senior, bản thân mỗi VFX artist đã phải làm những dự án nhàm chán, những dự án mang tính thương mại vốn được “chạy” bởi những khách hàng “thiếu gu”. Nhưng họ cũng đã học được rất nhiều từ những dự án đó. Sự phát triển là tự nhiên. Dần dà, bạn sẽ đảm nhận những công việc khó hơn, nhưng cũng thú vị hơn. Để thăng chức, hãy tìm đến những việc khó vì đằng nào những việc dễ thì ai mà chẳng làm được, phải không?
“Hãy đi tìm cơ hội, ở các triển lãm nghề”
Để tìm cơ hội cho mình, cả ba nhân vật đều khuyên bạn nên tận dụng thời gian du học để tìm đến các triển lãm của nghề. Nổi tiếng nhất có Siggraph và Naad. Đó là nơi bạn có thể gặp đại diện các công ty và cho họ xem những dự án bạn đã từng làm. Bạn cũng có thể gửi resume và reel cho bộ phận nhân sự của công ty đang muốn vào làm và chờ đợi họ liên hệ lại.
Vấn đề lương bổng phụ thuộc nhiều vào đất nước mà bạn làm việc. Những sinh viên mới ra trường và không nhiều kinh nghiệm (trừ khi bạn đã có một reel ấn tượng) thì sẽ phải bắt đầu bằng mức lương tối thiểu mà quốc gia đó quy định. Ở Vương quốc Anh, bạn có thể hi vọng nhận được mức 30.000 bảng/năm, trong khi đó sinh viên vừa tốt nghiệp ở Pháp có thể được trả ở mức lương 1500 euros/tháng.
Bản thân Olivier đã bắt đầu bằng một công việc thực tập và sống bằng tiền trợ cấp từ chính phủ Pháp, sau đó anh đã được công ty nơi anh làm thực tập nhận vào chính thức. 12 năm trước, Olivier kiếm được khoảng 10.800 euros/năm ở Ma-rốc (Marocco) và đó là mức lương đủ tốt cho một người mới bắt đầu.
Vui vui về thế giới VFX
- Jurassic Park, Terminator 2 hay cả những bộ phim của Disney cũng chính là những nguồn cảm hứng tuổi nhỏ, kéo các VFX artists lại con đường dẫn họ đến nghề.
- VFX là công việc mà ở chỗ làm bạn sẽ không gặp những người đồng nghiệp mặc vest thắt cà-vạt, mà thay vào đó sẽ là những đôi dép xỏ ngón với quần đùi và bàn làm việc thì toàn mô hình đồ chơi.
- VFX artist sợ nhất là là “deadline” (thời hạn). Đây là lĩnh vực mà khách hàng thì ít nhưng các cơ sở VFX thì quá nhiều, đặc biệt là trong lãnh địa phim ảnh, vì thế các công ty phải cạnh tranh nảy lửa để có thể kiếm được dự án, và không phải lúc nào dự án cũng sẽ về với đội của bạn. Sẽ có những lúc mà bạn thèm có việc để lại được làm trễ, để làm việc quên luôn cuối tuần và ngày nghỉ (nhưng điều đó cũng có nghĩa là bạn chẳng còn thời gian để nghỉ ngơi với gia đình hay đơn giản chỉ là nằm dài tắm nắng ngoài trời).
- Là VFX artist chắc chắn sẽ giúp bạn gây được ấn tượng với người khác giới, nhất là khi bạn nói với họ rằng bạn đã từng có công làm ra Harry Potter hay Xmen… Tuy nhiên, rất buồn (hoặc buồn cười) ở chỗ câu đầu tiên họ hỏi sẽ là “vậy bạn có gặp các diễn viên không”, và câu trả lời thường là “Không”. Họ chỉ toàn là "geek" (dân cuồng công nghệ) trong bóng tối làm việc trên máy vi tính mà thôi.
Về các nhân vật
Olivier Jezequel
OlivierJezequel_Reel2014 from jazfx on Vimeo.
Charles Chorein
Charles Chorein demoreel 2014 from Charles Chorein on Vimeo.
Audrey Ferrara