Graduate Management Admission Test (GMAT) là kỳ thi dành cho những ai muốn theo học bậc Thạc sĩ các ngành liên quan đến Kinh doanh như MBA (Master of Business Administration). GMAT kéo dài trong 3 tiếng 30 phút gồm 4 phần thi là Viết luận, Lý luận tổng hợp, Định lượng và Ngôn ngữ. Trong bài viết này HCVN sẽ bóc tách từng phần thi của GMAT để bạn có góc nhìn tổng quan.
Viết luận (Analytical Writing Assessment): 30 phút
Mục tiêu đánh giá:
Khả năng tư duy phản biện và trình bày quan điểm một cách mạch lạc của thí sinh về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực kinh doanh.
Yêu cầu đề thi:
Thí sinh được yêu cầu viết một bài luận phân tích lý lẽ được nêu trong đề bài. Lập luận được cho thường là một đoạn văn ngắn từ 4 đến 5 câu đề cập đến các khía cạnh như ý tưởng cải thiện doanh nghiệp, chính sách công ty, sức khỏe nhân viên hay an toàn nơi làm việc.
Đề thi chỉ yêu cầu bạn phân tích lập luận sẵn có và chứng minh sự thuyết phục của nó chứ không đòi hỏi bạn phải thảo luận một ý tưởng mới trong bài luận. Nếu bạn đề xuất một ý kiến khác thì bài làm sẽ được xem là lạc đề và bị trừ điểm.
Hình thức làm bài:
Bài thi GMAT được làm trên máy tính nên bạn sẽ phải đánh máy toàn bộ bài luận của mình. Phần mềm gõ văn bản của GMAT chỉ có những công cụ đơn giản như cắt và sao chép đoạn văn chứ không có tính năng kiểm tra chính tả (spelling check) nên bạn phải rà soát bài luận một cách kỹ lưỡng. Cả tiếng Anh Anh và Anh Mỹ đều được chấp nhận trong bài thi này.
Hình thức chấm điểm:
Thang điểm của phần thi Viết luận nằm trong khoảng 0 – 6 và sẽ được làm tròn lên mức 0,5. Bài luận của bạn sẽ được chấm hai lần: lần đầu bởi hệ thống máy tính có tên là “E-rater” và lần hai bởi người thật. Nếu kết quả hai lần chấm chênh lệch nhau hơn 1 điểm thì sẽ có lần chấm thứ ba bởi một chuyên gia nhiều kinh nghiệm với tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ.
Các yếu tố sẽ được đánh giá trong bài luận của bạn bao gồm:
-
Tổng quan về chất lượng những ý tưởng của bạn trong việc phân tích lập luận được giao
-
Kỹ năng sắp xếp, phát triển và trình bày những ý tưởng đó
-
Các dẫn chứng và luận điểm bạn sử dụng
-
Khả năng vận dụng ngôn ngữ viết tiếng Anh của bạn
Sau khi nhận kết quả nếu bạn cho rằng bài luận của mình xứng đáng được điểm cao hơn thì có thể nộp đơn xin phúc khảo.
Lý luận tổng hợp (Intergrated Reasoning): 30 phút
Mục tiêu đánh giá:
Khả năng phân tích và tổng hợp thông tin đến từ nhiều nguồn thuộc nhiều định dạng khác nhau của thí sinh. Đây là kỹ năng cần thiết trong thời đại số hóa hầu như mọi thứ đều được vận hành bởi cơ sở dữ liệu như hiện nay.
Yêu cầu đề thi:
Bạn sẽ phải thực hiện những việc sau để hoàn thành phần thi Lý luận tổng hợp:
-
Tổng hợp thông tin được cho trong biểu đồ, văn bản và thông số
-
Phân tích thông tin đến từ nhiều nguồn khác nhau
-
Sắp xếp thông tin để nhận ra sự liên kết nhằm giải quyết các vấn đề có liên quan
-
Kết hợp và vận dụng thông tin từ nhiều nguồn để đưa ra lời giải cho các vấn đề phức tạp
Hình thức làm bài:
Bạn phải hoàn thành 12 câu trắc nghiệm và cần lưu ý một số điều sau:
-
Do phần thi đòi hỏi bạn phân tích nhiều nguồn thông tin để giải quyết vấn đề nên mỗi câu hỏi cũng yêu cầu nhiều hơn một câu trả lời.
-
Để lấy điểm cho từng câu hỏi bạn phải đưa ra đầy đủ câu trả lời trong đó vì hệ thống sẽ không tính điểm nếu bạn chỉ trả lời một nửa.
-
Sau khi hoàn tất một câu hỏi bạn sẽ không thể quay lại và sửa đáp án nên cần cân nhắc thật kỹ trước khi làm tiếp.
-
Đáp án của câu hỏi này sẽ không là dữ kiện để bạn trả lời cho câu hỏi khác dù cả hai có thể đều sử dụng chung một nguồn dữ liệu.
Hình thức chấm điểm:
Thang điểm của Lý luận tổng hợp từ 1 đến 8 và được chấm bởi hệ thống máy tính. Vì hệ thống không tính điểm cho câu trả lời một nửa nên điểm không được làm tròn.
Định lượng (Quantitative): 75 phút
Mục tiêu đánh giá:
Kỹ năng phân tích dữ liệu và sử dụng tư duy lý luận để đưa ra câu trả lời chính xác. Kỹ năng Toán học dùng để giải các câu hỏi trong phần thi này chỉ dừng lại ở trình độ trung học cơ sở.
Yêu cầu đề thi:
Đề thi Định lượng gồm hai dạng câu hỏi là Giải quyết Vấn đề (Problem Solving) và Dữ liệu (Data Sufficiency). Dạng Problem Solving có hình thức trắc nghiệm thông thường bao gồm câu hỏi (có thể kèm theo biểu đồ) và 5 đáp án để bạn lựa chọn. Dạng Data Sufficiency hơi khác một chút khi kèm theo câu hỏi là hai mệnh đề dữ kiện yêu cầu bạn quyết định mệnh đề dữ kiện nào có thể dùng cho việc trả lời câu hỏi.
Bạn sẽ cần vận dụng các kỹ năng Toán học như Đại số và Hình học để giải quyết những câu hỏi trên. Bạn có thể yên tâm phần thi này không yêu cầu kỹ năng Toán học phức tạp như giải Lượng giác hoặc Tích phân.
Hình thức làm bài:
Bạn phải hoàn thành 37 câu trắc nghiệm trong phần thi Định lượng. Lưu ý một điều rằng bạn sẽ không được phép dùng máy tính trong lúc làm bài nên cố gắng tập tính nhẩm hoặc tính bằng tay.
Hình thức chấm điểm:
Thang điểm của phần thi Định lượng từ 0 đến 60 và được chấm bởi hệ thống máy tính. Các thi sinh thường đạt số điểm nằm trong khoảng từ 9 đến 44. Điểm của phần này cùng với phần thi Ngôn ngữ sẽ được dùng để tính điểm Total GMAT.
Ngôn ngữ (Verbal): 75 phút
Mục tiêu đánh giá:
Khả năng đọc hiểu văn bản, phân tích luận điểm và sửa lỗi câu trong tiếng Anh của thí sinh.
Yêu cầu đề thi:
Phần thi Ngôn ngữ gồm ba dạng câu hỏi chính là Lý luận (Critical Reasoning), Sữa lỗi câu (Sentence Correction) và Đọc hiểu (Reading Comprehension). Dạng Critical Reasoning có mục đích kiểm tra kỹ năng phân tích với câu hỏi bao gồm một số dữ kiện yêu cầu bạn phải đưa ra những phán đoán dựa vào các thông tin đó. Dạng Sentence Correct đánh giá khả năng Anh ngữ nên yêu cầu bạn phải chọn phiên bản chính xác nhất cho cụm từ được gạch dưới trong đoạn văn. Dạng Reading Comprehension đòi hỏi bạn phải đọc một đoạn văn ngắn và bóc tách dữ kiện để đưa ra đáp án chính xác.
Hình thức làm bài:
Bạn phải hoàn thành 41 câu trắc nghiệm trong phần thi Ngôn ngữ.
Hình thức chấm điểm:
Thang điểm của phần thi Ngôn ngữ từ 0 đến 60 và được chấm bởi hệ thống máy tính. Mọi người thường đạt điểm phần này trong khoảng 9 đến 44. Điểm của phần này cùng với phần thi Định lượng sẽ được dùng để tính điểm Total GMAT, thường nằm trong khoảng 200 đến 800. Hai phần ba thí sinh thi GMAT đạt điểm Total GMAT từ 400 đến 600.
Nguồn tham khảo : MBA, Kaptest