Thông tin du học Úc
Úc: LÊN KẾ HOẠCH DU HỌC

Review trường: Kinh nghiệm du học Thạc sĩ kép tại Macquarie University (Úc)

1.8K
review macquarie university

Hotcourses Vietnam đã liên hệ với bạn Trịnh Thế Dân, hiện đang theo học chương trình Thạc sĩ kép ngành Creative Industries và Future Journalism tại trường Macquarie University để thực hiện bài phỏng vấn này với hy vọng những chia sẻ từ người trong cuộc sẽ đem đến cho các bạn góc nhìn cận cảnh hơn về môi trường du học tại Úc. Các bạn lưu ý đây chỉ là cảm nhận riêng của nhân vật cho mục đích tham khảo vì mỗi người sẽ có những trải nghiệm du học khác nhau.

 

>> Tải cẩm nang du học Úc

 

TRƯỚC KHI NHẬP HỌC

Xin chào Dân, trước tiên bạn có thể chia sẻ điểm vượt trội của Macquarie University (MQ) trong việc đào tạo hệ Thạc sĩ được không?

Theo mình thấy thì lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu của Macquarie rất rộng và bao quát, đặc biệt là về mảng Truyền thông và Nghệ thuật. Macquarie có chương trình học phù hợp với nguyện vọng của mình mà các trường khác không có đó là đào tạo bậc Thạc sĩ ngành sáng tạo.

 

Văn phòng tuyển sinh quốc tế tại trường đã phản hồi với bạn qua email như thế nào?

Văn phòng tuyển sinh quốc tế của MQ (MQ Internationals) phản hồi rất nhanh và tận tình. Vì ngành học của mình khá mới lạ nên ban đầu mình cảm thấy hơi hoang mang nhưng sau đó đã nhận được sự trấn an và tư vấn kỹ lưỡng từ Rita, người phụ trách đối ngoại của MQ Internationals.

 

Các yêu cầu đầu vào để theo học bằng kép hệ Thạc sĩ Creative Industries Future Journalism của bạn tại trường là gì?

Một ưu điểm lớn của MQ là không đặt ra yêu cầu quá cao cho bậc học Thạc sĩ khi bạn gần như chỉ cần có bằng Cử nhân thuộc các ngành liên quan đến văn hóa nghệ thuật (Bachelor of Arts) là được. Cá nhân mình tốt nghiệp Cử nhân ngành Ngôn ngữ và Văn học Anh (English Linguistics & Literature) cộng với khả năng tiếng Anh tương đương IELTS 6.5 trở lên.

 

Bạn có thể chia sẻ về học phí thực tế mỗi năm cho chương trình Thạc sĩ của mình tại Macquarie được không?

Mỗi tín chỉ ở MQ dao động trong khoảng từ AUD 800 – AUD 1,200 (12 – 19 triệu đồng) tại thời điểm mình đăng ký nhập học vào năm 2017. Mỗi môn học sẽ có 4 chỉ, riêng môn Capstone Unit sẽ là 8 chỉ. Học phí sẽ tăng 10% mỗi học kì. Do đó mỗi tín chỉ trong học kỳ đầu có giá là AUD 800 và đến học kỳ cuối sẽ tăng lên thành cỡ AUD 1,100 – AUD 1,200.

 

Trường có dịch vụ nào dành riêng cho du học sinh hệ Thạc sĩ trước khi nhập học không?

Trường có dịch vụ đưa đón sinh viên quốc tế tại sân bay nếu như bạn không có người thân. Tuy nhiên bạn phải đăng kí trước và mình được chia sẻ là dịch vụ không được tốt lắm.

 

 

TRONG QUÁ TRÌNH HỌC TẬP TẠI TRƯỜNG

Bạn đánh giá như thế nào về chất lượng đào tạo chương trình Thạc sĩ tại Macquarie University?

Mình nhận được phản hồi tốt từ các bạn học Thạc Sĩ các ngành như International Relations, Applied Linguistics hay TESOL nhưng thật sự mà nói thì chất lượng giảng dạy của ngành mình vẫn còn nhiều điều cần phải cải thiện. Mình cảm thấy một số môn học có các giáo viên đứng lớp không đúng với chuyên môn của họ. Hơn nữa, giáo viên có trình độ học vấn cao chưa hẳn có kĩ năng sư phạm tốt nhưng vấn đề này ở môi trường đào tạo nào cũng có nên mình cũng không quá đặt nặng.

 

Đối với ngành học của mình, những môn học bắt buộc sẽ có số lượng học sinh khá đông, dao động tầm 30 đến 40 người. Riêng những môn tự chọn, do tính phân hóa cao nên sẽ ít hơn cỡ 20 người một lớp. Còn với những ngành phổ biến hơn của trường như Kinh Tế, Thương mại, Kế Toán thì sẽ có những lớp đại cương khá lớn, có thể lên đến vài trăm người và đôi khi phải chia ca để học.

 

Bạn có thể giới thiệu một số câu lạc bộ (CLB) thú vị tại trường để sinh viên tham gia sau giờ học không? Bạn ấn tượng với CLB nào nhất?

Trường có nhiều CLB nhưng khá loãng. Trong ngày sinh hoạt đầu năm (Orientation Day) bạn sẽ rất choáng ngợp bởi số lượng CLB ở đây và nhanh chóng cảm thấy thích thú nhưng cũng dễ nhận ra mình không thuộc về nơi nào trừ các Hội nhóm sinh viên của Việt Nam. Nếu nhìn nhận một cách khách quan thì trường rất rộng cộng với lượng sinh viên đông đảo nên hoạt động của các CLB không được nổi trội cũng là điều dễ hiểu.

 

Một số các CLB mà bạn có thể tham gia như Photography Society, Musician Society, Macapella, vân vân. Riêng mình thì mình có sinh hoạt với Musician Society và biểu diễn với họ vài lần. Các bạn trong CLB này rất thân thiện, nhiệt tình và thường xuyên tổ chức nhiều buổi workshop thú vị về sáng tác, sản xuất, thanh nhạc hay chơi đàn ghi-ta.

 

 

Môi trường học đường ở MQ có cởi mở với cộng đồng LGBT hoặc những nhóm người thiểu số khác không? Bạn có thể chia sẻ thêm về một số ví dụ minh họa?

Từ góc nhìn của một sinh viên quốc tế như mình khi mới vào trường thì mình rất bất ngờ với hệ thống hỗ trợ của trường dành cho các sinh viên thuộc bộ phận thiểu số. MQ có một cộng đồng nhỏ dành cho các bạn LGBTIQ gọi là The Queer Collective, cùng với một khu vực riêng dành cho các bạn gọi là QueerSpace. Các bạn sinh viên LGBTIQ có thể đến để tìm sự giúp đỡ, hỗ trợ về tinh thần cũng như là một mái nhà chung cho các bạn ghé chơi mà vẫn cảm thấy an toàn và thoải mái. MQ năm vừa qua cũng xây thêm một số nhà vệ sinh không phân biệt giới tính (gender-neutral), dành cho các bạn sinh viên chuyển giới (Transgender) và liên giới (Intersexual). Và hầu như ở các tòa nhà trong khuôn viên trường đều có thêm nhà vệ sinh dành cho người khuyết tật (ambulant toilet).

 

Ở đây mình dùng cụm từ LGBTIQ luôn chứ không chỉ đơn thuần là LGBT nữa. Hai nhóm người đại diện cho hai chữ cái T và I này chính là chủ đề khiến mình rất tò mò tại MQ vì mình không nghĩ ban chấp hành nhà trường lại trân trọng những nhóm người thiểu số như vậy. Cũng vì vậy mà lúc học năm nhất tại MQ, mình đã chủ động tìm hiểu về cách nhìn nhận và hoạt động nhân quyền về LGBTIQ của các bạn sinh viên ở đây rồi thực hiện một bài báo so sánh với Việt Nam là Caring For The Minorities: Embracing the T and I.

 

Sau khi nghiên cứu và viết bài, mình học được một bài học rất quan trọng đó là chúng ta không được bỏ qua những nhóm người thuộc thiểu số vì chúng ta là đa số mà phải có nhiệm vụ làm họ cảm thấy là một phần trong đa số chúng ta.

 

Trường có các dịch vụ nào để giúp đỡ du học sinh hệ Thạc sĩ trong quá trình học tập?

Đối với mình thì trường có 2 dịch vụ mà mình đã sử dụng và đánh giá tốt.

 

Thứ nhất là dịch vụ hỗ trợ học tập trong thư viện của MQ. Các nhân viên trong thư viện sẽ giúp đỡ bạn tận tình nếu bạn cần tìm 1 tài liệu hay 1 quyển sách nào đó. Ngoài ra còn có dịch vụ hướng dẫn viết luận và làm bài tập cho sinh viên cũng rất hữu ích. Nếu bạn cảm thấy có khúc mắc về yêu cầu của bài tập hay cần người kiểm tra chính tả cho bài luận thì bạn hoàn toàn có thể đặt lịch hẹn với các thầy cô hướng dẫn (mentor) tại thư viện để nhờ giúp đỡ.

 

Thứ hai là dịch vụ của Campus Wellbeing giúp tư vấn về sức khỏe và tâm lý cho sinh viên. Thú thật là trong khoảng thời gian du học mình từng mắc phải chứng lo âu và trầm cảm nhẹ vì áp lực học tập. Mình tìm đến Campus Wellbeing và được họ giao cho rất nhiều tài liệu giúp mình thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực hằng ngày. Mỗi tuần sẽ có email hoặc có người gọi điện hỏi thăm xem mình đã hoàn thành đến đâu và có dấu hiệu tiến bộ nào không. Từ đó mình bắt đầu ý thức hơn về sức khỏe tâm lý của mình và của mỗi người.

 

Bạn có được phép đi làm trong lúc học Thạc sĩ không? Nếu bạn có làm thêm thì có thể chia sẻ một chút về công việc bạn từng làm được chứ?

Là du học sinh tại Úc thì bạn được phép làm việc không quá 40 tiếng mỗi hai tuần, tức là cỡ 20 tiếng/ tuần. Đa số các sinh viên nước ngoài sang đây đều làm việc chân tay là chủ yếu như làm nhân viên phụ bếp, chạy bàn, bán hàng vì những việc này dễ kiếm tiền và không đòi hỏi chuyên môn. Mình cũng giống như nhiều bạn khác là làm công việc bưng phở cho một quán ăn Việt Nam gần trường. Một năm trước thì mình làm một lúc hai chỗ để kiếm tiền làm nhạc. Giờ thì dự án âm nhạc của mình cũng đã hoàn thành và mình dự định sẽ tìm những việc đúng với chuyên môn hơn để trau dồi kiến thức thực tế.

 

Năm ngoái mình cũng có cơ hội làm việc với một công ty khởi nghiệp do các bạn du học sinh lập ra. Công ty của tụi mình tên là Packsy với mục tiêu là giúp các bạn du học sinh có một trải nghiệm học tập và sinh hoạt tốt hơn bằng cách cung cấp các gói vật dụng cần thiết khi vừa đặt chân đến Sydney. Tụi mình được xuất hiện rất nhiều trên các báo du học tại Úc, ví dụ như bài báo của trang SBS, nhưng thật sự khởi nghiệp rất khó vì du học sinh tụi mình không đủ vốn để đầu tư và ai cũng có những mối bận tâm riêng nên dự án Packsy vẫn còn dang dở và hiện đang tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên mình cũng học được rất nhiều từ khoảng thời gian đó.

 

Một số điều bạn nghĩ mọi người cần lưu ý khi tham gia chương trình học Thạc sĩ tại trường là gì?

Mình nghĩ đó là sự chủ động tìm tòi và nghiên cứu. Môi trường học ở Úc nói riêng hay ở các nước phương Tây nói chung có lẽ khác ở Việt Nam nhiều. Các bạn sẽ không được các thầy cô mớm cho kiến thức trên lớp, thậm chí ở trên lớp bạn cũng không học được gì nhiều. Chính những bài tập được giao sẽ tạo tiền đề cho các bạn chủ động thỏa sức sáng tạo và tìm hiểu. Do đó việc tự học rất quan trọng và nó quyết định việc bạn có giỏi hay không sau này.

 

Trải nghiệm đáng nhớ nhất của bạn trong quá trình học tập tại Macquarie University là gì?

Nếu kể chi tiết ra thì chắc dài lắm vì nếu bạn chịu dấn thân và lăng xả thì bạn thật sự sẽ tìm được nhiều trải nghiệm và bài học hay. Đối với mình thì đó là những buổi đi thu âm trong studio rồi hàng giờ ngồi trên lab để chỉnh sửa âm thanh, là những lần đi thực tế (field trip) để lấy tư liệu viết bài, những buổi tối học lớp ca đêm về đến nhà bụng đói meo.

 

Những trải nghiệm mà mình đã đi qua trong gần 3 năm học ở Sydney đã mang lại cho mình đủ tư liệu và cảm xúc để mình sáng tác album đầu tay với tên gọi From Home to Sydney của mình và mình rất tự hào về nó. Mình không chỉ đơn thuần muốn tạo ra một bộ sưu tập những bài hát không liên quan đến nhau mà là một tác phẩm nghệ thuật thống nhất về câu chuyện và thông điệp. Do đó, From Home to Sydney đúc kết lại chuyến đi của mình đến Sydney để theo đuổi ước mơ và những thăng trầm mình đã trải qua trên suốt chặng đường đó. Album sẽ được ra mắt vào tháng 7 sắp tới nhưng các bạn có thể nghe trước hai bài hát của mình trên YouTube hoặc các nền tảng streaming như Apple Music hay Spotify dưới tên Shimin.

 

Sinh hoạt phí cụ thể hàng tháng của bạn trong thời gian học tập tại Macquarie là bao nhiêu?

Tiền thuê phòng là đắt nhất nhưng mình có đi làm nên cũng san sẻ được một phần cho mẹ dù tiền làm thêm kiếm được không nhiều. Tiền đi lại chắc là đắt thứ hai, khoảng AUD 40 (600 ngàn đồng) một tuần. Phí đi lại bằng phương tiện công cộng trong giờ cao điểm sẽ tăng nên để tiết kiệm mình sẽ cố gắng né giờ đó ra. Ăn uống nếu tự nấu thì 1 tuần chỉ tốn khoảng AUD 30 (khoảng 500 ngàn) thôi. Nhưng đôi khi mình cũng phải ra ngoài gặp gỡ và giao lưu với bạn bè thì chắc cũng tốn thêm cỡ AUD 50 (800 ngàn đồng) nữa. Rồi nhiều thứ lặt vặt khác phát sinh nên mình ước lượng phí sinh hoạt mỗi tháng tầm AUD 1,500 (khoảng 24 triệu đồng) đổ lại.

 

 

 

SAU KHI TỐT NGHIỆP

Sau khi kết thúc chương trình học, bạn có được phép ở lại Úc để tìm việc không?

Chương trình Thạc sĩ văn bằng kép của mình kéo dài 2 năm rưỡi nên mình được phép xin thị thực làm việc để ở lại tìm cơ hội nghề nghiệp.

 

Nếu một người muốn học Thạc sĩ tại Úc thì bạn sẽ khuyên họ chọn học tại Macquarie chứ?

Có rất nhiều trường Đại học tốt khác tại Úc nên mình sẽ không tâng bốc Macquarie nhưng Macquarie là một trong những lựa chọn tốt cho các bạn nếu muốn sang Úc. Mình nghĩ học ở đâu cũng được, quan trọng nhất vẫn là học đúng với đam mê, sở thích và công việc mà mình thật sự muốn làm sau này. Có như vậy thì cho dù lựa chọn của các bạn không thực sự thỏa mãn thì các bạn vẫn biết cách tìm ra hướng đi mới cho mình từ những cái mình đang có.

 

Hotcourses Vietnam xin chân thành cảm ơn bạn đã dành thời gian để thực hiện bài phỏng vấn này!

 

 

Profile nhân vật

   

    TRỊNH THẾ DÂN (SHIMIN)

          

 

  • Người Việt gốc Hoa tại thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

  • Tốt nghiệp Cử nhân Tiếng Anh tại ĐH KHXH&NV

  • Tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Công nghiệp Sáng tạo và Báo chí Truyền thông tại Macquarie University, Úc

  • Hiện đang là nghệ sĩ tự do với công việc chính là ca sĩ và sáng tác ca khúc

 

Study in Australia

Free

Ebook Hướng dẫn du học Úc

Bạn thấy bài viết vô cùng hữu ích? Bạn có thể tìm thấy các bài viết tương tự trong cuốn ebook về du học Úc đã được HCVN dày công biên soạn trên nhé.

XEM NGAY

Không thể bỏ lỡ

article Img

10 trường đại học Úc chất lượng có học phí thấp năm 2024

Học phí các trường đại học tại Úc luôn là một trong những vấn đề được nhiều bạn học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh quan tâm trước khi quyết định du học tại xứ sở chuột túi. Làm thế nào để du học chi phí rẻ tại Úc nhưng vẫn đảm bảo chất lượng học tập? Cùng Hotcourses Vietnam khám phá 10 cái tên nằm trong top các trường đại học tốt ở Úc nhưng có học phí thấp!   Đại học Wollongong UOW là một trong những trường đại học rẻ nhất tại

11.3K
article Img

Go8 – Top 8 trường đại học hàng đầu tại Úc

Cũng như rất nhiều bạn nuôi dưỡng giấc mơ Mỹ muốn chinh phục Ivy League, Go8 trở thành điểm đến đầy khao khát của sinh viên toàn cầu muốn được theo học tại 1 trong 8 ngôi trường hàng đầu nước Úc, thuộc liên minh Group of Eight Australia (gọi tắt là Go8). Cả 8 trường Đại học này có chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất và dịch vụ dành cho sinh viên tốt nhất cả nước.   >> 6 thành phố du học hấp dẫn nhất nước Úc >>  Tóm lại là du học

10.2K
article Img

Giải đáp thắc mắc du học Úc miễn phí

Nếu bạn đang ấp ủ ước mơ du học Úc nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu thì hãy để các chuyên viên tư vấn giàu kinh nghiệm của IDP tư vấn trực tiếp cho bạn.   Thắc mắc về cách xin học bổng và làm hồ sơ du học Úc Có rất nhiều câu hỏi mà các bạn sinh viên thường đặt ra: - Hồ sơ của tôi đã đúng theo yêu cầu của trường? - Tiêu chí để trao học bổng của trường là gì? - Liệu tôi có kịp nộp hồ sơ du học trước deadline của trường?  

1K
article Img

Các tiêu chí tìm kiếm trung tâm tư vấn du học Úc uy tín

Nếu bạn đang ấp ủ dự định du học tại Úc, việc tìm kiếm trung tâm tư vấn du học Úc uy tín sẽ giúp hành trình lên đường của bạn trở nên suôn sẻ và dễ dàng hơn nhiều. Trong bài viết dưới đây, Hotcourses sẽ gợi ý cho bạn những tiêu chí bạn nên lưu tâm khi lựa chọn “người bạn đồng hành” trên con đường chuẩn bị du học tại Úc.   > Tìm hiểu về du học Úc cùng Hotcourses Vietnam   Kinh nghiệm tư vấn du học lâu năm  

327