Thông tin du học
Du học nước ngoài: TIÊU ĐIỂM NGÀNH HỌC

Ngành Quan hệ Công chúng (PR): Học gì, học ở đâu, và cơ hội nghề nghiệp

14K
du hoc nganh PR

Quan hệ công chúng (Public Relations - PR) là một ngành học thu hút nhiều các bạn trẻ bởi sự năng động, sáng tạo và cởi mở của ngành. Cùng Hotcourses Vietnam tìm hiểu về ngành học, điểm đến du học tiềm năng và cơ hội nghề nghiệp của ngành trong bài viết dưới đây.

 

Quan hệ công chúng (PR) là gì?

Quan hệ công chúng (PR) là ngành học về các quá trình giao tiếp chiến lược nhằm xây dựng, duy trì và phát triển mối quan hệ tích cực giữa các tổ chức, công ty, doanh nghiệp và công chúng. Trong thời đại kinh doanh cạnh tranh như ngày nay, Quan hệ công chúng được xem là nghề “giữ hồn” cho thương hiệu, giúp hình ảnh và tên tuổi của thương hiệu đó hiện lên một cách tốt đẹp trong tâm trí của khách hàng mỗi khi nghĩ đến. 

 

 

Trong khi mọi người thường nghĩ rằng quan hệ công chúng và marketing là giống nhau, chúng là hai lĩnh vực riêng biệt nhưng bổ sung cho nhau, đồng thời các nhà tiếp thị thường cộng tác với nhóm PR để phát triển các chiến dịch tiếp thị đáng tin cậy, hiệu quả cao.

  • Quan hệ công chúng giúp doanh nghiệp có một hình ảnh nhân văn liên quan đến các hoạt động dành cho cộng đồng, xử lý khủng hoảng truyền thông, giúp doanh nghiệp luôn được yêu mến. 

  • Marketing thì chủ yếu truyền thông sản phẩm, dịch vụ tiếp cận được lượng lớn khách hàng mục tiêu, nhằm thúc đẩy họ mua hàng hay sử dụng dịch vụ.

 

> Phân biệt ba lĩnh vực Marketing, PR và Quảng cáo

 

 

Vì sao nên du học ngành Quan hệ công chúng?

Trong thế giới ngày nay, khi việc tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng hầu như không giới hạn, các chuyên gia quan hệ công chúng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của các tổ chức, từ chính phủ, tập đoàn đa quốc gia đến tổ chức từ thiện và doanh nghiệp nhỏ. Nếu bạn là một người có năng khiếu giao tiếp, ưa thích sự sáng tạo trong nghề PR và biết cách giữ bình tĩnh trước áp lực, theo học ngành PR có thể là bước đi đúng đắn dành cho bạn.

 

Khi du học ngành quan hệ công chúng ở nước ngoài, bạn sẽ được tiếp cận với các phương pháp, chiến lược mà các công ty sử dụng để kết nối với các đối tượng công chúng khác nhau. Điều này sẽ giúp bạn trau dồi kỹ năng và phát triển triển vọng quốc tế mà các nhà tuyển dụng mong muốn.

 

 

Học gì trong ngành Quan hệ công chúng?

Khi theo học ngành PR, bạn sẽ có được các kỹ năng, kiến ​​thức và bản năng cần thiết để bắt đầu sự nghiệp của mình trong lĩnh vực PR. Bạn sẽ học cách giao tiếp hiệu quả, xây dựng các mối quan hệ chiến lược, quảng bá thương hiệu thành công và quản lý phương tiện truyền thông. Mặc dù nội dung chính xác của khóa học PR của bạn sẽ phụ thuộc vào trường đại học và quốc gia bạn chọn học, nhưng thông thường bạn sẽ được tìm hiểu các chủ đề cốt lõi sau:

  • Hiểu về quan hệ công chúng
  • Các khái niệm và bối cảnh PR
  • Sự kiện PR
  • Nền tảng phương tiện
  • Các nguyên tắc và thực hành giao tiếp
  • Tâm lý người tiêu dùng
  • Chiến lược kinh doanh
  • Quản lý thương hiệu

 

 

Hiện nay có hai chuyên ngành phổ biến trong Quan hệ công chúng là: 

  • Truyền thông và sáng tạo nội dung

  • Tổ chức sự kiện

 

Cả hai chuyên ngành này đều hướng tới sự phát triển kỹ năng và trau dồi những kiến thức cần thiết trong ngành PR cho sinh viên. Trong các chương trình quan hệ công chúng, sinh viên có thể dành phần lớn thời gian cho các bài giảng và hội thảo, và nhiều chương trình cũng bao gồm một dự án thực tập. Bởi vì truyền thông là một phần thiết yếu của PR, bạn cũng sẽ được tìm hiểu về các khía cạnh như soạn thảo văn bản, rèn luyện kỹ năng viết và xây dựng thông cáo báo chí. Ngoài ra, theo học để lấy bằng PR giúp sinh viên trau dồi các kỹ năng mềm như nghe, nói trước đám đông và quản lý thời gian, có thể áp dụng trong nhiều ngành nghề khác nhau.

 

hotcourses.vn

 

 

Những kỹ năng mà bạn có được khi theo học ngành Quan hệ công chúng 

Ngành Quan hệ công chúng (PR) là một lĩnh vực năng động và đầy thử thách, yêu cầu các cá nhân phải sở hữu nhiều kỹ năng và tố chất đa dạng để có thể thành công. Khi theo học ngành này, bạn sẽ phát triển một loạt kỹ năng quan trọng và cần thiết, bao gồm:

 

Khả năng phân tích, tổng hợp

Ngành PR đòi hỏi bạn phải có khả năng phân tích và tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Điều này rất quan trọng để hiểu và dự đoán xu hướng xã hội, từ đó đưa ra chiến lược truyền thông phù hợp cho doanh nghiệp. Ngay từ khi còn là sinh viên, bạn cần luôn cập nhật thông tin xã hội, phân tích các tình huống và tự quyết định cách thức thực hiện công việc.

 

Kỹ năng làm việc nhóm

Làm việc nhóm là một phần thiết yếu trong PR, bởi vì các chiến dịch truyền thông hiếm khi được thực hiện đơn lẻ. Bạn sẽ học được cách tương tác và hợp tác hiệu quả với đồng đội, khách hàng và các bên liên quan khác. Kỹ năng này giúp bạn tạo dựng mối quan hệ và phối hợp để đạt được mục tiêu chung.

 

Khả năng lên kế hoạch

Trong PR, khả năng lập kế hoạch chiến lược là vô cùng quan trọng. Bạn cần có khả năng lên kế hoạch không chỉ cho công việc hàng ngày mà còn phải dự báo và chuẩn bị cho các hoạt động trong tương lai. Điều này giúp bạn quản lý thời gian và nguồn lực hiệu quả, đồng thời linh hoạt điều chỉnh khi cần thiết.

 

Kỹ năng viết lách

Viết lách là một kỹ năng không thể thiếu trong PR, do ngành này liên quan mật thiết đến việc soạn thảo thông cáo báo chí, báo cáo, kịch bản quảng cáo và kế hoạch truyền thông. Khả năng viết tốt giúp bạn truyền đạt thông điệp một cách rõ ràng, thuyết phục và phù hợp với đối tượng mục tiêu.

 

Sáng tạo và đổi mới bản thân

Sáng tạo là một yếu tố cốt lõi giúp bạn tạo ra những nội dung hấp dẫn và khác biệt. Khả năng này giúp thông điệp của doanh nghiệp trở nên nổi bật, thu hút sự chú ý và tạo ấn tượng mạnh mẽ với công chúng. Trong PR, bạn sẽ thường xuyên phải đối mặt với những tình huống mới và không thể dự đoán trước. Điều này đòi hỏi bạn phải luôn sẵn sàng đổi mới, sáng tạo và thích nghi với những thay đổi để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng và thị trường.

 

Kỹ năng giao tiếp tốt

Giao tiếp hiệu quả là chìa khóa trong PR, giúp bạn truyền tải thông điệp và ý tưởng một cách rõ ràng, thuyết phục. Khả năng này không chỉ bao gồm việc sử dụng ngôn từ mà còn phải biết cách lắng nghe và hiểu rõ nhu cầu của đối tượng khác nhau.

 

Hiểu đúng về tự do thông tin

Cùng với sự phát triển của PR marketing, các phương tiện truyền thông ngày nay tồn tại rất nhiều thông tin sai lệch, giật tít, câu view, lâu dần làm mất đi bản chất vốn có của nghề PR.  Điều quan trọng nhất trong PR đó là đừng cố tạo ra thông tin. Sự tự do thông tin ở đây nằm ở việc bạn phải tìm ra vẻ đẹp và sự chân thực của thông tin mình muốn truyền tải, từ đó tạo tác động tích cực mang tính lan tỏa đến chính khách hàng của mình.

 

Khả năng thích nghi và linh hoạt

Công việc PR yêu cầu bạn phải nhanh chóng thích nghi với những tình huống và yêu cầu khác nhau, đồng thời có khả năng chuyển đổi linh hoạt giữa các nhiệm vụ và mục tiêu. Khả năng này giúp bạn duy trì sự ổn định và chuyên nghiệp trong công việc.

 

Kiến thức về văn hóa và xã hội

Hiểu biết sâu rộng về văn hóa và xã hội giúp bạn thiết kế các thông điệp truyền thông phù hợp, từ đó tăng hiệu quả giao tiếp và tạo sự kết nối với công chúng. Đây là một yếu tố quan trọng để xây dựng và duy trì hình ảnh tích cực cho thương hiệu.

 

Khi theo học ngành Quan hệ công chúng, bạn sẽ được trang bị những kỹ năng này và phát triển chúng qua các hoạt động học tập, thực tập và làm việc nhóm. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để bạn thành công trong lĩnh vực PR đầy cạnh tranh và luôn thay đổi.

 

 

Học ngành Quan hệ công chúng ở đâu?

Có rất nhiều trường đại học trên thế giới đào tạo ngành học quan hệ công chúng. Cùng tham khảo một số điểm đến uy tín đào tạo ngành quan hệ công chúng tại Anh, Mỹ, Úc:

 

 

Bạn lưu ý là bấm vào link "Xem [số] khóa học Quan hệ công chúng" để tìm hiểu thông tin cụ thể về chương trình học ở từng trường. Bạn có thể sử dụng công cụ tìm kiếm hữu ích để tìm kiếm khóa học phù hợp với bạn. Ngoài ra, nếu bạn được tư vấn từ chuyên gia du học, hãy liên hệ với IDP để được hỗ trợ hoàn toàn miễn phí.

 

 

Sinh viên ngành Quan hệ công chúng làm gì khi ra trường?

Một số vị trí công việc phổ biến trong lĩnh vực PR:

 

  • Thư ký báo chí (Press Secretary): Thư ký báo chí thường làm việc cho các cơ quan chính trị, cơ quan chính phủ, các ngành công nghiệp hoặc các tổ chức kinh doanh. Họ cung cấp thông tin cho công chúng để giúp duy trì hoặc cải thiện quan điểm của công chúng về người sử dụng lao động hoặc tổ chức của họ.

  • Chuyên gia Truyền thông (Communications Specialist): Chuyên gia truyền thông chịu trách nhiệm về việc khởi động và thực hiện việc truyền thông hiệu quả, kịp thời đến và từ khách hàng. Họ cũng chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề truyền thông toàn cầu.

  • Chuyên gia PR (PR Specialists): Các chuyên gia quan hệ công chúng đóng vai trò là người điều phối giữa doanh nghiệp hoặc khách hàng của họ và công chúng. Họ nuôi dưỡng các mối quan hệ tích cực, hợp tác với giới truyền thông, người tiêu dùng, chính phủ, cộng đồng khu vực và địa phương.

  • Chuyên gia Truyền thông xã hội (Social Media Specialist): Giao tiếp với công chúng thông qua các nền tảng truyền thông xã hội, bao gồm đăng nội dung để thu hút sự quan tâm đến các chủ đề liên quan đến thương hiệu và tương tác với khách hàng thông qua các phương tiện truyền thông xã hội

  • Điều phối viên Truyền thông (Communications Coordinator): Điều phối viên truyền thông tiếp thị tạo ra các bộ tài liệu tiếp thị và tài liệu quảng cáo bán hàng. Họ có trách nhiệm tương tác với khách hàng để thể hiện sứ mệnh và hành động của tổ chức với công chúng và giới truyền thông.

  • Chuyên viên phân tích và tư vấn quan hệ công chúng: phân tích và lập báo cáo về môi trường truyền thông đối nội và đối ngoại của đơn vị, trợ lý xây dựng và thực hiện chiến lược truyền thông trong kinh doanh, phát triển đội ngũ nhân sự, xây dựng và phát triển thương hiệu. 

  • Nghiên cứu, giảng dạy môn Quan hệ công chúng và Truyền thông trong các cơ sở giáo dục.

 

Mức lương trung bình cho một nhân viên học tập trong ngành Quan hệ công chúng khá cao so với các ngành khác, khởi điểm ở mức từ 9 – 15 triệu/tháng, thậm chí có thể cao hơn tùy vào những khả năng và kinh nghiệm mà mỗi người có được. Bên cạnh đó, một cử nhân ngành Quan hệ công chúng còn có thể lựa chọn nhiều công việc khác nhau phù hợp với khả năng, sở thích của bản thân ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: Kinh tế, xã hội, thương mại, giáo dục… tại các cơ quan Nhà nước, chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức trong nước và nước ngoài.

 

Vị trí PR thường được các công ty rất quan tâm, vì thế lương trả cho chuyên viên quan hệ công chúng khá cao. Trung bình trên thế giới, mức lương cho một người mới vào nghề có thể từ 20.000 đến 30.000 USD/năm so với mức lương 150.000 USD của một nhà quản trị cao cấp. Khoảng cách giữa hai vị trí này được thu hẹp lại theo thời gian khi bạn thu thập được nhiều kinh nghiệm và leo lên từng bậc trong nấc thang sự nghiệp của một công ty PR.

 

>> Ngành báo chí: Học gì? Học ở đâu? Cơ hội nghề nghiệp thế nào?

 

 

*Bài viết được chỉnh sửa bởi tác giả Võ Quỳnh Hương vào ngày 11/09/2024.

Không thể bỏ lỡ

article Img

Học Ngôn ngữ Anh ra trường làm gì?

Trong thời buổi toàn cầu hóa, Tiếng Anh cần thiết trong mọi ngành nghề trên khắp thế giới. Với tấm bằng ngôn ngữ Anh, ngoài việc trở thành giáo viên ngoại ngữ hay phiên dịch/ biên dịch viên, còn nhiều cơ hội việc làm ngôn ngữ Anh mà bạn có thể lựa chọn. Tìm hiểu ngay cùng Hotcourses Vietnam xem học ngành ngôn ngữ Anh ra trường làm gì nhé!   > Ngành Ngôn ngữ Anh: Mọi điều bạn cần biết > Vì sao bạn nên theo học ngành Ngôn ngữ

30K
article Img

Sự khác biệt giữa bằng B.A. và B.S.

B.A. – Bachelor of Arts (Cử nhân Nghệ thuật) và B.S. – Bachelor of Science (Cử nhân Khoa học) là hai từ viết tắt chỉ hai loại bằng cấp bậc Đại học ở Mỹ. Khi tìm kiếm các chương trình học bậc Đại học, bạn có thể dễ dàng nhầm lẫn về các từ viết tắt khác nhau được sử dụng trong tên gọi của các chương trình này. Nhưng một khi bạn hiểu nghĩa của những cụm từ này và sự khác biệt của chúng, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn về lựa chọn của mình. Cùng Hotcourses Vietnam

24.7K
article Img

Văn Nghị luận (Argument Paper): Cấu trúc bài đúng chuẩn

Bài văn Nghị luận (Argument Paper) là loại bài tập phổ biến nhất bậc Đại học, cho phép sinh viên thể hiện khả năng suy nghĩ logic và tư duy phản biện. Từ đó, giúp Giáo sư có cái nhìn khách quan và đánh giá được khả năng học thuật của sinh viên. Vậy cấu trúc và cách viết một bài văn Nghị luận ở bậc Đại học có những điểm gì cần chú ý? Cùng Hotcourses Vietnam khám phá ngay nào!     > Cách làm bài tiểu luận đúng chuẩn: Dạng bài

9.7K
article Img

Truyền thông và Marketing khác gì nhau?

Marketing thường được dịch là “Tiếp thị” còn Communications là “Truyền thông” nhưng thực tế thì hai khái niệm này vẫn còn nhiều nhập nhằng mà không phải ai cũng phân biệt được. Truyền thông và Marketing khác gì nhau? Hotcourses Vietnam sẽ giải thích cặn kẽ trong bài viết dưới đây để bạn tham khảo trước khi chính thức lựa chọn ngành học tương lai cho mình.   > Ngành Marketing: Học gì, học ở đâu và triển vọng nghề nghiệp

7K