Marketing thường được dịch là “Tiếp thị” còn Communications là “Truyền thông” nhưng thực tế thì hai khái niệm này vẫn còn nhiều nhập nhằng mà không phải ai cũng phân biệt được. Truyền thông và Marketing khác gì nhau? Hotcourses Vietnam sẽ giải thích cặn kẽ trong bài viết dưới đây để bạn tham khảo trước khi chính thức lựa chọn ngành học tương lai cho mình.
> Ngành Marketing: Học gì, học ở đâu và triển vọng nghề nghiệp
> Ngành truyền thông: Học gì, học ở đâu và cơ hội nghề nghiệp
Mục đích cốt lõi
Sự khác nhau giữa Truyền thông và Marketing thể hiện ở mục đích của chúng. Mục đích của lĩnh vực Marketing là bán được hàng nên mọi hoạt động trong marketing đều lấy sản phẩm và doanh thu làm trọng tâm. Một số đầu việc của marketing có thể kể đến như phát triển sản phẩm, định vị khách hàng mục tiêu, niêm yết giá thành hay lựa chọn kênh phân phối sản phẩm. Ngay cả khi đó là tổ chức phi lợi nhuận thì vẫn cần có bộ phận marketing để những dịch vụ cộng đồng thu hút được sự tham gia của mọi người hoặc nhận được sự tài trợ kinh phí từ các nguồn quỹ hoặc nhà hảo tâm.
Trong khi đó, mục đích của ngành Truyền thông đúng như cách dịch theo nghĩa đen là để “giao tiếp” hay văn vẻ hơn là “kể chuyện”. Mục tiêu cuối cùng của Truyền thông không nhất thiết là để bán được hàng mà chỉ đơn giản là truyền tải một thông điệp nhất định đến với người khác nhằm xây dựng hình ảnh, phổ cập kiến thức hay thậm chí là xử lý khủng hoảng truyền thông. Truyền thông có thể xuất hiện ở nhiều định dạng như bài phát biểu, văn bản đánh máy, hình ảnh hay đoạn phim mà bạn thường xuyên chứng kiến trên truyền hình hoặc các trang mạng xã hội.
Đối tượng tiếp nhận
Vì mục đích của Marketing là để bán hàng nên đối tượng tiếp nhận của mọi hoạt động marketing chủ yếu là khách hàng tiềm năng sẵn sàng chi tiền để sử dụng dịch vụ. Trong khi đó Truyền thông lại có đối tượng mục tiêu đa dạng hơn khi không chỉ gói gọn trong nhóm khách hàng mà còn cả nhân viên nội bộ, cư dân trong khu phố, nhà chức trách, cán bộ chính phủ hay toàn dân. Chẳng hạn như những ngôi sao quốc tế thường có người đảm nhiệm vị trí quản lý truyền thông, các chính trị gia sừng sỏ cũng tuyển cho mình một giám đốc truyền thông hay các công ty có hẳn vị trí chuyên viên truyền thông nội bộ lo nhiệm vụ đối nội với cán bộ nhân viên.
Hotcourses.vn
Mối quan hệ khi đứng chung
Trong những hoạt động khuyến khích mọi người mua sắm của Marketing thì công đoạn “trò chuyện” với khách hàng tiềm năng rất quan trọng nên tất nhiên những kiến thức được học trong Truyền thông có thể áp dụng trong lĩnh vực Marketing. Cụm từ Truyền thông Marketing (Marketing Communications) bạn thường thấy bấy giờ có thể hiểu là tương tác với khách hàng để họ chịu chi tiền mua sản phẩm.
Công việc phổ biến và dễ hình dung nhất trong Marketing Communications bạn thường gặp chính là nhân viên bán hàng (sales) hay chuyên viên tư vấn (counselor) có trách nhiệm cung cấp thông tin sản phẩm hay dịch vụ để khách hàng nắm rõ và cân nhắc sử dụng. Khi học Truyền thông bạn không nhất thiết phải làm trong lĩnh vực Marketing nhưng nếu muốn thành công trong Marketing bạn cần phải có các kỹ năng của Truyền thông.
Hướng phát triển sự nghiệp
Khi học Marketing, bạn thường có xu hướng đầu quân vào làm cho các doanh nghiệp để thúc đẩy doanh số bán hàng với các vị trí như chuyên viên nội dung, quản trị mạng xã hội, tổ chức sự kiện hay quản lý thương hiệu. Nếu bạn yêu thích việc bán sản phẩm hoặc dịch vụ thì Marketing là ngành học phù hợp.
Đối với Truyền thông, ngoài việc có thể dấn thân vào môi trường doanh nghiệp như Marketing thì con đường phát triển sự nghiệp của bạn sẽ rộng mở hơn một chút khi có thể theo đuổi một số lĩnh vực không thực sự liên quan đến bán hàng. Ví dụ như bạn có thể làm việc trong lĩnh vực nhân sự vốn yêu cầu phải giao tiếp với con người liên tục. Hoặc bạn cũng có thể thử sức với lĩnh vực truyền hình, báo chí hoặc các nền tảng truyền thông khác. Nếu có khả năng, bạn thậm chí có thể chọn con đường tiếp tục học Thạc sĩ ngành Luật vì luật sư cần có khả năng ăn nói một cách thuyết phục. Một lĩnh vực khác bạn có thể theo đuổi nữa chính là sư phạm vì bạn sẽ thường xuyên được trò chuyện và tiếp xúc với học viên mỗi ngày.
>> Ngành Luật: Mọi điều bạn cần biết
Tương quan với PR và Quảng cáo
Truyền thông và Marketing còn có mối quan hệ mật thiết với hai lĩnh vực phổ biến không kém là PR (Quan hệ công chúng) và Quảng cáo. Nôm na thì PR là một nhánh trong Truyền thông tập trung giao tiếp với công chúng. PR cũng là một phần của Marketing vì công chúng chính là đối tượng lớn nhất để bán được hàng.
Truyền thông hay Marketing đều cần phải thực hiện các hoạt động quảng cáo, hay nói cách khác là chi tiền để mua bài viết, sóng truyền hình, sóng phát thanh hay các kênh tiềm năng có thể tiếp cận với đối tượng mục tiêu nhằm truyền tải thông tin mà mình muốn. Nói chung thì Marketing, Truyền thông, PR và Quảng cáo luôn có mối quan hệ mật thiết, hỗ trợ qua lại lẫn nhau nên tốt nhất bạn nên tìm hiểu hết bốn lĩnh vực này để có thể “làm chủ cuộc chơi” trong sự nghiệp tương lai của mình.
> Phân biệt Marketing, PR và Quảng cáo
Bài viết được chỉnh sửa bởi tác giả Hoàng Thanh Phương vào ngày 22/10/2024