Một món ăn ngon thôi chưa đủ, ấn tượng đầu tiên về món ăn thu hút thực khách là sự hấp dẫn bằng mắt. Nếu bạn từng tự hỏi ngoài đầu bếp thì có lựa chọn nghề nghiệp nào khác cho những người thích nấu nướng không thì câu trả lời chính là… food stylist. Cùng Hotcourses Vietnam tìm hiểu về hướng phát triển sự nghiệp tạm gọi là “nhà tạo mẫu ẩm thực” đầy tiềm năng nhưng cũng lắm thử thách hấp dẫn này bạn nhé.
>> Nghề làm bánh: Học gì, làm gì, cơ hội nghề nghiệp
Food stylist làm gì?
Food stylist là người “điểm trang” cho các món ăn sao cho bắt mắt nhất, đúng với từng yêu cầu cụ thể. Công việc của Food stylist bao gồm trang trí, bày biện, tạo ra phong cách cuốn hút cho món ăn, lên ý tưởng và hướng dẫn chụp ảnh để quảng bá hình ảnh. Mục đích là để khẳng định thương hiệu cho các nhà hàng, quán ăn hoặc các công ty chuyên về ẩm thực thông qua các hình ảnh trên menu nhà hàng, trong sách hướng dẫn nấu nướng hay các chương trình quảng cáo,… nhằm gây ấn tượng với thực khách. Đây là một nghề đòi hỏi khả năng teamwork, sự nhẫn nại, ham học hỏi và đặc biệt là khiếu thẩm mỹ.
Khác với đầu bếp trang trí món ăn để lôi cuốn thực khách trực tiếp, food stylist chỉ cần làm đẹp thức ăn để lên hình hoặc quay video thật lung linh là được. Đó là lý do các món ăn thức uống do food stylist làm ra đôi lúc có thể trông hấp dẫn nhưng hương vị không hề vừa miệng chút nào. Sau khi biết định nghĩa công việc, bạn hẳn đã phần nào hình dung được food stylist sẽ có các đầu việc chính như đi chợ mua nguyên liệu nấu nướng, chế biến thức ăn và bày trí thành phẩm cuối cùng.
Làm food stylist học gì?
Học nấu ăn là điều tất yếu nhưng bạn cần lưu ý thêm là phải học chế biến càng nhiều món càng tốt. Nắm được kỹ năng lựa chọn nguyên vật liệu, sơ chế, cắt thái, trang trí món ăn là những lợi thế lớn. Bạn nên nắm trong tay kỹ năng nấu nướng từ món Tây, món Ta đến tráng miệng, nước giải khát, bánh ngọt, bánh mặn,… để đáp ứng được yêu cầu của mọi khách hàng và tăng tính cạnh tranh của mình trong thị trường lao động. Thử tưởng tượng nếu bạn chỉ biết nấu các món Việt thì những dự án đòi hỏi việc tạo mẫu cho món Ý hay Mexico sẽ rơi vào tay người khác.
Hầu hết các khóa học nấu ăn dù ngắn hạn hay dài hạn, ở Việt Nam hay nước ngoài cũng hiếm khi có lớp chuyên về tạo mẫu ẩm thực. Nhưng những kỹ năng được giảng dạy trong các khóa học nấu nướng sẽ cho bạn nền tảng vững chắc để theo nghề food stylist sau này. Do đó ngoài kỹ năng nấu nướng, bạn còn cần phải chủ động tự trang bị thêm các kiến thức liên quan đến phối màu, thiết kế bố cục, nhiếp ảnh, quay dựng video để hợp tác nhịp nhàng với nhiếp ảnh gia hay chuyên viên thiết kế đồ họa trong công việc.
Các food stylist thường bắt đầu từ những Graphic Designer. Những kiến thức cơ bản về thiết kế, bố cục, màu sắc,... sẽ giúp bạn biết làm thế nào để có một bức hình thực phẩm đẹp. Cách bày trí, sắp xếp, lựa chọn nên cho gì vào khung hình, nên bỏ cái gì ra để món ăn được tôn vinh cao nhất đều có sự tính toán và khoa học.
>> Ngành đầu bếp: Học gì, học ở đâu, cơ hội nghề nghiệp thế nào
Học Food Stylist ở đâu?
Nhiều trường đại học và cao đẳng có các chương trình đào tạo về ẩm thực, nhà hàng, khách sạn, và nghệ thuật trình bày món ăn. Một số trường nổi tiếng khi bạn lựa chọn đi du học bao gồm:
-
Le Cordon Bleu - Úc
-
Institut Paul Bocuse - Pháp
Nếu bạn muốn học nhanh và không muốn theo học các chương trình dài hạn, có thể tham gia các khóa học ngắn hạn trên các nền tảng trực tuyến như Udemy, Coursera, Skillshare, Youtube và các workshop.
Cơ hội nghề nghiệp của food stylist như thế nào?
Food stylist thường làm việc trong hai mảng là xuất bản và truyền thông nghe nhìn như quảng cáo hay phim ảnh.
Với lĩnh vực xuất bản, food stylist sẽ phụ trách làm hình ảnh cho chuyên mục vào bếp của tạp chí hoặc các đầu sách dạy nấu ăn. Mục đích của các ấn phẩm này là giới thiệu các công thức mới nên food stylist có nhiều không gian để sáng tạo hơn. Tuy nhiên ngân sách đầu tư cho các sản phẩm in ấn thường vừa phải nên dù được thỏa sức thể nghiệm nhưng food stylist vẫn có những giới hạn nhất định. Ví dụ như với các món ăn có nguyên liệu quá đắt tiền thì vẫn cần phải cân nhắc thiệt hơn trong khâu sản xuất.
Với mảng truyền thông nghe nhìn, mục đích của các thương hiệu khi thuê food stylist chủ yếu là để bán được hàng như hamburger, phần cơm hộp hay ly cocktail bởi menu của nhà hàng hay danh sách sản phẩm của thương hiệu đều có giới hạn. Tuy nhiên ngân sách dành cho quảng cáo thường cao nên thù lao bạn nhận được cũng có phần rủng rỉnh hơn. Chưa kể hoạt động quảng cáo diễn ra quanh năm suốt tháng nên cơ hội công việc cũng dồi dào đáng kể.
Phim ảnh là một nhánh nhỏ trong mảng truyền thông nghe nhìn mà food stylist có cơ hội cộng tác. Food stylist sẽ được giữ vai trò chủ chốt trong các bộ phim chuyên về ẩm thực thường hiếm khi mới được sản xuất. Còn với những dự án phim ảnh thông thường, food stylist sẽ chỉ được thực hiện những món ăn phổ thông.
Trên lý thuyết là vậy nhưng để có cơ hội được giao những đầu việc này không phải là chuyện đơn giản. Ngoài việc phải tự nâng cao kỹ năng của mình, bạn còn phải cạnh tranh với nhiều nhân tài khác cho cùng một vị trí. Để có thể tăng cơ hội nhận được việc liên tục, bạn nên chuẩn bị cho mình một portfolio hoành tráng giới thiệu những sản phẩm tạo mẫu ẩm thực mình từng làm. Bạn có thể sẽ phải chịu khó tốn chi phí thuê nhiếp ảnh gia và các công cụ khác để có những bộ ảnh lung linh cho vào portfolio trước khi ký được hợp đồng đầu tiên.
Không giống như đầu bếp có căn bếp quen thuộc, Food stylist thường có địa điểm làm việc không cố định và khá linh động tùy thuộc vào từng tính chất công việc cụ thể, khi ngoài trời, trong một gian bếp, phim trường, hay một studio nào đó,… Dựa vào yêu cầu của khách hàng, tính thẩm mỹ và kỹ năng của bản thân, các Food stylist sẽ linh hoạt và sáng tạo lựa chọn kiểu bày biện, trang trí riêng phù hợp với mỗi món ăn nhất định, món chín hẳn sẽ phải bày khác với món sống, sự kết hợp giữa đồ tươi và đồ khô, đồ ăn và đồ uống thế nào cho hợp mắt nhất.
hotcourses.vn
Mức lương của Food Stylist là bao nhiêu?
Khởi điểm nghề Food Stylist có thể cho bạn mức thu nhập trung bình từ 10-12 triệu đồng/tháng. Nếu làm việc inhouse cho các nhãn hàng, thu nhập của Food Stylist sẽ được tính trên lương cứng và phần trăm từ các dự án. Nếu làm việc freelance, Food Stylist có thể nhận khoảng 3 dự án/tháng với mức lương trung bình từ 4,5 – 5 triệu/dự án.
Cần lưu ý những gì nếu bạn muốn trở thành food stylist?
Sẵn sàng với hình thức làm việc freelance
Một số nhà xuất bản hay công ty sản xuất sản phẩm truyền thông nghe nhìn có thể sẽ thuê food stylist toàn thời gian nhưng đa phần vị trí này thường gắn với hình thức làm việc freelance hơn cả. Làm freelancer có nghĩa bạn sẽ nhận lương dựa trên từng dự án/ hợp đồng được ký. Nhưng để có sự ổn định ở điểm khởi đầu, bạn nên làm việc theo team để có kinh nghiệm, mở rộng mối quan hệ trên tệp khách hàng có sẵn. Đến một thời điểm khi năng lực đủ vững và có thương hiệu cá nhân, bạn mới nên bước ra làm freelance độc lập.
Công việc đòi hỏi thể lực tốt
Bình thường việc nấu ăn vốn đã vất vả thì nay bạn còn phải đảm bảo sao cho món ăn sinh động đẹp mắt khi lên hình thì mức độ “gian khổ” sẽ tăng lên một bậc. Chẳng hạn như khi đến buổi chụp hình sản phẩm bạn sẽ phải tự mang theo mọi dụng cụ nấu nướng cần thiết như dao kéo, máy xay, nồi niêu xoong chảo,… Những vật dụng này rõ ràng không nhẹ cân chút nào, đó là chưa tính thêm toàn bộ nguyên vật liệu để nấu ăn cho buổi chụp hình hôm đó.
Food Styling thật sự là một công việc tuy nhiên bạn cần bình tĩnh điềm đạm và vui vẻ, tốn rất nhiều thời gian để ra styling ra một tấm hình đẹp có thể 1 tiếng 2 tiếng hay cả ngày, đặc biệt là khi bạn cần làm đúng yêu cầu của khách hàng thì thời gian sẽ kéo dài hơn Bạn nên trao đổi các ý tưởng một cách mạch lạc, rõ ràng để đối tác hiểu điều bạn muốn nói và bạn hiểu điều mọi người đang nhắc tới, trang bị kỹ năng sử lý vấn đề phát sinh ngay tại buổi chụp nhanh chóng. Hãy tận hưởng buổi làm việc và cố gắng đừng than phiền.
Nấu đi nấu lại một món là chuyện thường
Một bài văn hay luôn cần chỉnh sửa nhiều lần thì một món ăn đẹp phải nấu đi xào lại cả chục bận cũng là chuyện thường ngày ở huyện. Khách hàng sẽ yêu cầu bạn nấu nhiều lần cho cùng một món để có nhiều lựa chọn về thành phẩm cuối cùng, từ đó mới chọn ra được cái tốt nhất.
Lãng phí thức ăn là điều khó tránh
Trong trường hợp thức ăn còn sử dụng được sau khi ghi hình/ chụp ảnh thì mọi người có thể phát cho đội ngũ mang về dùng. Nhưng với các món đã bị ôi thiu hoặc vấy bẩn do để bên ngoài cả ngày thì chỉ còn lựa chọn là bỏ đi để đảm bảo sức khỏe. Ngoài ra, food stylist thường có một số mánh khóe để làm món ăn trông đẹp mắt hơn bằng các chất liệu không-ăn-được nên sản phẩm chỉ có mục đích minh họa đúng nghĩa. Ví dụ như food stylist hoàn toàn có thể thay thế si-rô bằng… dầu nhớt để lên hình cho đẹp hơn.
Nguồn tham khảo: We Are Chefs, Good Food, Career Explorer, Photography Course
*Bài viết được cập nhật và chỉnh sửa bởi Võ Quỳnh Hương vào ngày 03/06/2024.