Khi dân số già ngày càng tăng cao khiến tỷ lệ mắc các bệnh về mắt liên quan đến tuổi tác như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, thoái hóa điểm vàng hay võng mạc tiểu đường cũng tăng lên đáng kể. Người lớn tuổi cần được chăm sóc mắt thường xuyên hơn và can thiệp phẫu thuật, từ đấy thúc đẩy nhu cầu về nhiều bác sĩ mắt hơn để có thể sử dụng kỹ thuật phẫu thuật mới, hay liệu pháp laser thành thạo. Bên cạnh các vị trí hấp dẫn khác trong ngành y, bác sĩ nhãn khoa đang dần trở thành ngành nổi bật và thu hút được đông đảo sự quan tâm từ sinh viên cũng như từ các bậc phụ huynh muốn định hướng nghề nghiệp cho con em. Hotcourses Vietnam sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về ngành Nhãn khoa thông qua bài viết này.
Ngành Nhãn khoa là gì?
Thuật ngữ Nhãn khoa có nguồn gốc từ chữ “ophthalmos” trong tiếng Hy Lạp, nghĩa là các chứng bệnh về mắt. Bác sĩ nhãn khoa đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các bệnh về mắt thông qua việc phát hiện và quản lý sớm, giảm nguy cơ mất thị lực và mù lòa. Trong đó, bác sĩ mắt sẽ phải chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ chăm sóc mắt toàn diện bao gồm khám mắt định kỳ, điều chỉnh thị lực, chẩn đoán và điều trị các tình trạng về mắt như tật khúc xạ, đục thủy tinh thể, cườm nước, thoái hóa điểm vàng, võng mạc tiểu đường, nhiễm trùng và viêm mắt cũng như bệnh giác mạc.
Bên cạnh sự kết hợp giữa kỹ thuật quang học và nhãn khoa hiện đại, ngành này sử dụng các trang thiết bị, phương pháp khoa học công nghệ khám mắt tiên tiến nhất nhằm điều trị, phục hồi hiệu quả các chấn thương về mắt và thị giác. Bác sĩ nhãn khoa sẽ được đào tạo để sử dụng công nghệ trong kiểm soát cận thị giúp tăng độ chính xác trong quá trình điều trị hay máy mổ Laser thuộc công nghệ mới nhất về phẫu thuật không dùng dao, hỗ trợ tối ưu trong phẫu thuật đục thủy tinh thể.
Cũng như các chuyên khoa khác trong ngành y tế, nhãn khoa cũng được chia thành nhiều chuyên khoa phụ khác nhau, cho phép các bác sĩ tập trung vào các lĩnh vực chăm sóc mắt cụ thể, chẳng hạn như nhi, chuyên gia võng mạc, chuyên gia bệnh tăng nhãn áp, chuyên gia giác mạc, nhãn khoa thần kinh hay phẫu thuật tạo hình mắt…
Ngành Nhãn khoa học gì?
Chuyên ngành này sẽ trang bị cho sinh viên hệ thống các kiến thức từ khoa học y học cơ bản đến chuyên ngành nhãn khoa, đồng thời cũng trau dồi các phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Cụ thể là:
-
Nghiên cứu chi tiết về cấu trúc mắt, chức năng và vai trò của mắt trong hệ thần kinh.
-
Đào tạo về các phương pháp điều trị tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị và lão thị
-
Chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh về mắt như bệnh tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng, bệnh võng mạc tiểu đường và các bệnh nhiễm trùng như viêm kết mạc.
-
Thực hiện nhiều loại phẫu thuật mắt khác nhau, bao gồm phẫu thuật cắt đục thủy tinh thể, thủ thuật laser, ghép giác mạc và phẫu thuật võng mạc.
-
Am hiểu về từng loại thuốc đặc trị dành riêng cho mắt.
-
Nắm vững các công cụ chẩn đoán và kỹ thuật hình ảnh, chẳng hạn như soi đáy mắt, kiểm tra đèn khe, quét võng mạc và kiểm tra trường thị giác.
-
Hiểu về các bệnh toàn thân (như tiểu đường và tăng huyết áp) ảnh hưởng đến mắt và cách kiểm soát chúng.
-
Điều trị các rối loạn về mắt ở trẻ em, chẳng hạn như lác mắt (mắt lé) và nhược thị (mắt lười).
Bên cạnh đó, sinh viên sẽ được trang bị thêm các kỹ năng như chăm sóc bệnh nhân, xử lý tình huống, giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định góp phần thêm sự tự tin để hòa nhập vào môi trường làm việc thực tế.
Để trở thành một bác sĩ nhãn khoa, sinh viên cần phải có bằng đại học 5 năm. Đầu vào ngành Nhãn khoa có sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt và hầu hết các ứng viên phải học tốt toán học, vật lý nếu muốn theo đuổi ngành này. Hơn nữa, sau khi tốt nghiệp đại học y, sinh viên cần phải thực hiện tiếp 2 năm đào tạo và thực hành trong thực tế.
Học ngành Nhãn khoa ở đâu?
Hiện nay có một số trường đào tạo về ngành Nhãn khoa đáng tin cậy ở Việt Nam như ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Y Dược Huế. Nếu bạn có mong muốn nâng cao cơ hội và khả năng của bản thân thì có thể cân nhắc du học tại những địa điểm du học mà Hotcourses Vietnam gợi ý bên dưới:
Nếu bạn có thắc mắc về du học ngành này thì các chuyên gia du học IDP giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn hoàn toàn miễn phí.
hotcourses.vn
Có thể làm gì sau khi tốt nghiệp ngành Nhãn khoa?
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đảm nhận những công việc trong lĩnh vực y khoa về mắt như sau:
-
Bác sĩ khúc xạ
-
Bác sĩ nhãn khoa nhi
-
Chuyên gia chỉnh hình mắt
-
Kỹ thuật viên nhãn khoa
-
Chuyên gia phục hồi chức năng thị lực kém
-
Kỹ thuật viên ngân hàng mắt
-
Chuyên viên tư vấn, giáo dục sức khỏe mắt cho cộng đồng
-
Nghiên cứu, thí nghiệm, khảo sát về mắt tại các viện nghiên cứu và phát triển về mắt
-
Giảng dạy về chuyên ngành Nhãn khoa tại các trường cao đẳng, đại học, trung cấp y tế
Địa điểm làm việc của sinh viên sau tốt nghiệp cũng khá đa dạng, bao gồm:
-
Các khoa mắt của các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh và tuyến huyện, các cơ sở chăm sóc sức khỏe, phòng khám tư nhân…
-
Các cơ quan quản lý nhà nước về y tế, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ
Thực tế công việc sau khi tốt nghiệp ngành Nhãn khoa thế nào?
Với quá trình tuyển chọn đầu vào cạnh tranh và khốc liệt, không phủ nhận rằng thu nhập của các bác sĩ hoặc kỹ thuật viên khám mắt rất hấp dẫn. Ở Việt Nam, bạn có thể kiếm từ 15 - 50 triệu/tháng tùy theo năng lực, vị trí và khối lượng công việc sẽ đảm nhận. Còn theo báo cáo về mức lương của Medscape năm 2023, bác sĩ chuyên khoa mắt ở Mỹ có thể kiếm trung bình 388,000 USD/năm ở các bang như Washington, Delaware và Virginia. Ở các bang khác, bác sĩ nhãn khoa làm việc tại bệnh viện có thể kiếm được khoảng 205,000 USD/ năm, trong khi làm việc tại các phòng khám ngoại trú có thể kiếm thêm 68,000 USD/ năm. Ở Anh, mức lương trung bình của ngành này sẽ là 240,000 USD/năm với mức cao nhất đạt 320,000 USD/ năm dành cho các bác sĩ có thâm niên lâu năm.
Thêm nữa, bác sĩ mắt cũng được thưởng hậu hĩnh khi bệnh viện có nhiều doanh thu và hoàn thành xuất sắc trong công việc. Ngoài ra, các bác sĩ nhãn khoa cũng có thể tự kinh doanh mở thêm phòng khám riêng và thu về cho mình những khoản lương gấp nhiều lần so với lương bệnh viện chi trả.
Các bác sĩ chuyên khoa mắt có một số giờ làm việc cố định hơn bất kỳ ngành y khoa khác, thỉnh thoảng cũng có những lúc việc ngoài giờ, nhưng tính chất công việc không yêu cầu làm việc ban đêm. Đây là một ưu điểm bạn có thể cân nhắc nếu muốn theo đuổi ngành nhãn khoa.
>> 7 thử thách khi du học ngành Y chưa ai nói với bạn
Bài viết được chỉnh sửa bởi Marilyn Giang Nguyen vào ngày 14 tháng 09 năm 2024.