Ngành Tài chính là một ngành trong nhóm ngành FAME (Tài chính, Kế toán, Quản lý và Kinh tế) - một trong những nhóm ngành du học phổ biến nhất ở cả cấp đại học và sau đại học. Trong bài viết này, cùng Hotcourses Vietnam tìm hiểu "ngọn ngành từ A-Z" về ngành tài chính nhé
> Thích tính toán có thể học ngành gì?
> 7 nghề nghiệp làm việc với tiền dành cho bạn
Ngành tài chính là gì?
Tài chính là một ngành học về sự quản lý và điều phối dòng tiền, ngân hàng, các hoạt động về tài sản và vốn. Nói một cách ngắn gọn, ngành tài chính (Finance) liên quan đến việc quản lý tiền bạc, đào sâu về tiền - một chủ đề có tầm quan trọng đáng kể đối với mọi lĩnh vực xã hội và kinh doanh.
Học gì trong ngành tài chính?
Lựa chọn du học ngành tài chính, bạn sẽ có cơ hội nâng cao kiến thức lý thuyết và thực tiễn về tài chính, bao gồm cả những kỹ năng cần thiết để chuẩn bị cho sự nghiệp của bạn trong lĩnh vực này. Kinh tế và thống kê cũng được đề cập tới trong khoá học, bởi những chủ đề này rất quan trọng và có liên quan mật thiết tới ngành tài chính. Các chủ đề tài chính quan trọng khác có thể được giảng dạy bao gồm kế toán, phương pháp toán học, kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô và công nghệ thông tin.
Sau năm học đại cương, sinh viên sẽ được lựa chọn những môn học chuyên sâu trong lĩnh vực tài chính tuỳ thuộc vào hướng đi cụ thể mà bạn muốn theo đuổi, chẳng hạn như thuế, kiểm toán, chiến lược kinh doanh, luật kinh doanh, kế toán quản trị, lý thuyết kế toán nâng cao hay quản lý rủi ro.
Dưới đây là một số chuyên ngành tài chính phổ biến mà bạn có thể chọn để theo đuổi:
Tài chính doanh nghiệp (Corporate finance)
Lĩnh vực tài chính doanh nghiệp tập trung vào quản lý tài chính và các quy trình trong tập đoàn. Các chủ đề tài chính được đề cập ở đây có thể bao gồm: đánh giá chi phí vốn, thiết lập các tiêu chuẩn cho lợi nhuận tài chính, đánh giá giá trị thị trường của các công ty, chiến lược giảm thiểu rủi ro, sáp nhập và mua lại.
Tài chính quốc tế (International finance)
Chuyên ngành tài chính quốc tế là cơ hội để nghiên cứu các chủ đề tài chính quan trọng ở cấp độ quốc tế. Chuyên ngành đem đến kiến thức cho các bạn sinh viên về các lĩnh vực như thuế quốc tế, báo cáo tài chính quốc tế, chính sách thương mại quốc tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài, hệ thống tiền tệ quốc tế và thị trường tài chính quốc tế.
Tài chính hành vi (Behavioral finance)
Tài chính hành vi là một trong những chủ đề ngày càng phổ biến hiện nay. Chuyên ngành này nghiên cứu về cách ra các quyết định về tài chính của những cá nhân, tổ chức bằng cách sử dụng kết hợp các mô hình tâm lý, xã hội và kinh tế.
Quản trị rủi ro tài chính
Chuyên ngành này tập trung vào việc đánh giá và quản lý rủi ro tài chính, bao gồm rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản, v.v
Thị trường tài chính
Chuyên ngành này tập trung vào hoạt động của các thị trường tài chính, bao gồm thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, thị trường ngoại hối, v.v.
Phân tích tài chính
Phân tích tài chính: Chuyên ngành này tập trung vào việc thu thập, phân tích và sử dụng thông tin tài chính để đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Toán học tài chính (Financial mathematics)
Các khóa học tập trung vào toán học tài chính cung cấp cho sinh viên các kỹ năng về tính toán và toán học cần thiết cho các nghề nghiệp tài chính chuyên biệt. Các chủ đề tài chính được đề cập có thể bao gồm: các phương pháp tính toán chính trong tài chính, các mô hình phân tích nâng cao, định giá chứng khoán phái sinh và mô hình lãi suất.
Kinh tế tài chính (Financial economics)
Du học chuyên ngành kinh tế tài chính sẽ cung cấp cho bạn sự hiểu biết vững chắc về kinh tế vi mô. Chuyên ngành thảo luận về các mô hình chuẩn trong cách người tiêu dùng và nhà sản xuất hành xử, đồng thời phân tích tác động của các mô hình này đối với việc phân bổ nguồn lực và hiệu quả thị trường. Chuyên ngành bao gồm các chủ đề như tối ưu hóa, tĩnh so sánh và cân bằng.
Ngoài những chuyên ngành trên, ngành Tài chính còn có 4 chuyên ngành khác như:
-
Tài chính công
-
Tài chính vi mô
Vì sao nên học tài chính?
Trước hết, lựa chọn học ngành tài chính sẽ có ích cho chính bản thân bạn. Ngành tài chính giúp bạn hiểu được các giá trị của đồng tiền, đồng thời biết cách tạo lập kế hoạch chi tiêu và quản lý một cách hiệu quả. Từ những nền tảng kiến thức cơ bản về quản lý tiền bạc được học trong các ngành tài chính, bạn có thể tạo lập những phương pháp, kế hoạch quản lý tài chính hàng ngày một cách hợp lý, từ đó xây dựng được một nền tảng vững chắc cho tương lai sau này.
Ngoài ra, bởi vì tài chính là một ngành khá rộng và các doanh nghiệp, tổ chức đều cần rất nhiều chuyên gia tài chính, kế toán, ngân hàng, đầu tư và quản lý rủi ro. Vì thế, nếu tốt nghiệp chuyên ngành tài chính, bạn sẽ nắm trong tay khá nhiều cơ hội việc làm rộng mở với mức thu nhập khủng.
Bạn có phù hợp với ngành tài chính?
Học tài chính đòi hỏi những kỹ năng và phẩm chất gì để dễ dàng tiếp thu kiến thức và thành công trong sự nghiệp sau này? Bạn hãy thử tham khảo một vài kỹ năng và phẩm chất cần thiết dưới đây để dễ dàng xác định liệu mình có phù hợp không nhé!
-
Đáp ứng về yếu tố bằng cấp: theo đuổi ngành tài chính bên cạnh các tấm bằng thạc sĩ, cử nhân, tiến sĩ cũng cần phải trải qua các kỳ thi để có các chứng chỉ tăng kiến thức, hỗ trợ công việc, khả năng chuyên môn như:
-
Chứng chỉ Kế toán công chứng Anh Quốc - ACCA (Association of Chartered Certified Accountants).
-
Chứng chỉ hành nghề kế toán – kiểm toán - CPA (Certified Public Accountants).
-
Chứng chỉ phân tích đầu tư tài chính - CFA (Chartered Financial Analyst).
-
Chứng chỉ phân tích đầu tư thay thế - CAIA (Chartered Alternative Investment Analyst).
-
-
Có khả năng tính toán, phán đoán và tư duy logic: Học và làm việc trong ngành tài chính đòi hỏi bạn phải làm việc với rất nhiều con số và các phép tính từ đơn giản cho đến phức tạp. Vì vậy, việc giỏi tính toán được cho là kỹ năng then chốt để theo đuổi các ngành tài chính.
-
Tính cách cẩn thận, chính xác: Việc tính toán sai hay chỉ đơn giản là ghi nhầm một con số cũng có thể khiến bạn phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng.
-
Khả năng quản lý dữ liệu: Ngành nghề này đòi hỏi bạn phải thu thập, xác nhận, xử lý và lưu trữ rất nhiều dữ liệu.
-
Trung thực: Khi làm trong lĩnh vực tài chính, bạn sẽ tiếp xúc hằng ngày với tiền, và đôi khi là rất nhiều tiền. Nếu không có tâm lý vững vàng, thái độ và hành đồng trung thực thì bạn rất dễ bị tác động bởi yếu tố bên ngoài hay lòng tham mà lao vào vòng lao lý.
hotcourses.vn
Học tài chính ở đâu?
Dưới đây là danh sách các nước và một vài trường tiêu biểu mà bạn có thể lựa chọn để du học ngành tài chính:
-
Du học ngành tài chính tại Mỹ: Không thể bỏ qua thủ đô tài chính của thế giới với nhiều trường đại học top đầu và mức lương ra trường trong mơ. Nhiều tổ chức đầu tư và ngân hàng lớn cũng được đặt trụ sở tại đây. Một số trường đại học danh giá đứng đầu trong việc đào tạo các ngành tài chính tại đây là Đại học Michigan State, Đại học Texas State, Đại học Maryville, Học viện công nghệ Florida, Đại học North Texas,...
-
Du học ngành tài chính tại Anh: Một trong những trung tâm tài chính trên thế giới là Vương quốc Anh. Theo học tài chính tại đây bạn sẽ được tiếp xúc với môi trường kinh doanh đa dạng, các công ty tài chính hàng đầu và mạng lưới liên kết quan trọng trong ngành. Các trường có chương trình đào tạo tốt để bạn cân nhắc bao gồm Đại học Leeds, Đại học Hull, Đại học Brighton, Đại học Reading, Đại học East Anglia UEA,...
-
Du học ngành tài chính tại Úc: Nếu bạn đang tìm hiểu Học tài chính ở đâu tốt thì Úc cũng là một “ứng viên" đáng để cân nhắc. Rất nhiều trường đại học ở Úc cung cấp các chương trình giảng dạy chất lượng cao với kết hợp hài hoà giữa lý thuyết và thực hành. Đến Úc du học ngành tài chính, bạn có thể chọn 1 trong các trường Đại học RMIT, Đại học Curtin, Đại học Nam Úc, Đại học Deakin,...
Ngoài ra, bạn có thể tìm kiếm các trường đại học khác để theo học ngành Tài chính bằng công cụ tìm kiếm của Hotcourses Vietnam hoặc liên hệ với chuyên gia tư vấn du học tại IDP để nhận được sự tư vấn phù hợp.
Học tài chính ra làm gì?
Du học ngành tài chính đem đến nhiều cơ hội nghề nghiệp với mức thu nhập hấp dẫn cho sinh viên. Một số lĩnh vực phổ biến nhất bao gồm:
-
Quản lý tài chính: công việc cụ thể có thể thay đổi tùy thuộc loại hình và quy mô của tổ chức bạn lựa chọn. Một số nhiệm vụ chính có thể kể đến giám sát dòng tiền, đóng góp vào việc lập kế hoạch và chiến lược kinh doanh dài hạn, quản lý ngân sách, cung cấp báo cáo tài chính, đảm bảo đáp ứng các quy định tài chính và đánh giá các cơ hội để giảm chi phí và tăng lợi nhuận.
-
Kinh doanh tài chính: liên quan đến việc mua và bán các công cụ tài chính như cổ phiếu, trái phiếu và tài sản. Thông thường, các nhà giao dịch tài chính được tuyển dụng bởi các công ty quản lý đầu tư lớn và bạn có nhiệm vụ thực hiện các giao dịch mua bán thay cho công ty của họ. Đây là một ngành nghề có áp lực cao, đòi hỏi khả năng giữ bình tĩnh trước áp lực, khả năng đưa ra quyết định nhanh chóng và đa nhiệm.
-
Kế toán: Kế toán là một trong những công việc quan trọng nhất trong lĩnh vực tài chính. Người làm kế toán có nhiệm vụ ghi chép và phân loại các giao dịch tài chính của một tổ chức hoặc doanh nghiệp. Công việc của kế toán còn chuẩn bị báo cáo tài chính hàng tháng, quý và năm để cung cấp thông tin về hiệu suất kinh doanh và tình hình tài chính của tổ chức.
-
Bảo hiểm: theo đuổi sự nghiệp bảo hiểm là một trong những lựa chọn dành cho sinh viên ngành tài chính. Công việc trong lĩnh vực bảo hiểm bao gồm đánh giá rủi ro tài chính liên quan đến việc bảo hiểm, cung cấp lời khuyên cho khách hàng, xử lý yêu cầu bảo hiểm và xác định các cơ hội mới trong lĩnh vực bảo hiểm.
-
Tài chính ngân hàng: nhu cầu nhân lực trong ngành tài chính ngân hàng luôn được xếp hạng cao do tính chất rộng lớn của ngành này, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như ngân hàng, tài chính doanh nghiệp, tài chính bảo hiểm, tài chính thuế,… Tuy vậy, việc có nhu cầu tuyển dụng cao không có nghĩa là tất cả sinh viên tốt nghiệp đại học đều có thể dễ dàng tìm được việc làm trong ngành này.
> Muốn trở thành chuyên viên phân tích tài chính thì phải làm sao?
Cơ hội việc làm ngành tài chính và mức lương tại Việt Nam và trên thế giới
Với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhu cầu nhân lực về ngành tài chính ngân hàng tại Việt Nam chưa bao giờ có dấu hiệu hạ nhiệt. Lương trung bình cho các chuyên viên tài chính tại Việt Nam rơi vào khoảng 18,6 triệu đồng/ tháng và mức lương này tăng lên khoảng 28 triệu đồng/ tháng cho các chuyên viên tài chính cao cấp và đã có những kinh nghiệm nhất định.
Trong khi đó trên thế giới, dữ liệu BLS đã chỉ ra rằng các cố vấn tài chính cá nhân có thu nhập trung bình hàng năm là gần 99.580 USD tính đến năm 2023, cao hơn gấp đôi mức lương trung bình hàng năm cho tất cả các ngành nghề trên toàn quốc. Các nhà phân tích tài chính - một trong những nghề nghiệp phổ biến nhất trong lĩnh vực tài chính - kiếm được mức lương trung bình hàng năm là 95.570 USD. Trên thực tế, BLS báo cáo mức lương tương đối cao cho các ngành nghề tài chính nói chung. Những chuyên gia này kiếm được mức lương trung bình hàng năm là 76.570 USD, cao hơn gần 31.000 USD so với mức lương trung bình hàng năm cho tất cả công việc ở Hoa Kỳ.
Xu hướng của ngành tài chính trong tương lai mà bạn nên biết
Ngành tài chính, với sự phát triển không ngừng của công nghệ và thay đổi của thị trường toàn cầu, đang chứng kiến những xu hướng mới và thay đổi liên tục. Điều này thể hiện sự chuyển đổi mạnh mẽ và đòi hỏi sự thích nghi nhanh chóng từ các chuyên gia trong ngành, cũng như sự sẵn sàng cập nhật kiến thức và kỹ năng để đối phó với thách thức mới.
-
Digitalisation and Fintech: Công nghệ Tài chính (Fintech) cách mạng hóa ngành tài chính với sự phát triển của các ứng dụng, nền tảng và công nghệ như thanh toán di động, blockchain, và tiền mã hoá. Sự gia tăng của ngân hàng số và các dịch vụ tài chính trực tuyến là không thể tránh khỏi.
-
Sử dụng rộng rãi của dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu: Sự thu thập và phân tích dữ liệu lớn đang giúp các công ty tài chính đưa ra quyết định tốt hơn về đầu tư, quản lý rủi ro và phục vụ khách hàng.
-
Trí tuệ nhân tạo và học máy: AI và học máy đang ngày càng được áp dụng trong ngành tài chính để tự động hoá các quy trình, tăng cường phân tích tài chính và tạo ra các mô hình dự báo chính xác hơn.
-
Tài chính bền vững và đầu tư có ý thức xã hội: Có sự chuyển dịch mạnh mẽ hướng đến đầu tư bền vững và có trách nhiệm xã hội, với việc đầu tư vào các công ty và dự án thúc đẩy mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
-
Tăng cường quy định và tuân thủ: Trong bối cảnh các vấn đề an toàn tài chính và rửa tiền ngày càng trở nên quan trọng, việc tăng cường quy định và tuân thủ trong ngành tài chính trở thành xu hướng không thể tránh khỏi.
-
Cybersecurity trong Tài chính: Với sự gia tăng các giao dịch tài chính trực tuyến và số hoá việc bảo vệ thông tin và tài sản tài chính khỏi các mối đe dọa mạng sẽ ngày càng quan trọng.
*Bài viết được cập nhật và chỉnh sửa bởi Võ Quỳnh Hương vào ngày 16/07/2024.