Du học là giấc mơ của biết bao bạn trẻ, là cơ hội để mở mang kiến thức và trải nghiệm cuộc sống. Tuy nhiên, nỗi lo về việc làm sau khi trở về nước luôn là một câu hỏi lớn. Làm thế nào để tận dụng tối đa quãng thời gian du học và đảm bảo có một công việc tốt khi trở về? Bài viết của Hotcourses Vietnam sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc trên.
Với môi trường học tập quốc tế và những kỹ năng tích lũy được, du học sinh có nhiều lợi thế trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm. Lợi thế lớn nhất của du học sinh là sự tự tin, tự lực với ít vấn nạn chạy điểm mua bằng, trình độ ngoại ngữ và cởi mở về tư duy. Tuy nhiên, để thành công trong việc này, không chỉ dựa vào bằng cấp mà còn đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức, kinh nghiệm, và cách tiếp cận thị trường lao động khi trở về Việt Nam. Vì thế, bạn cần chuẩn bị tốt những yếu tố sau đây.
Học sâu
Học sâu, rành rẽ một kỹ năng chuyên môn là yếu tố quan trọng giúp du học sinh không lo thất nghiệp khi về nước. Trong thời đại AI đang làm thay đổi nhiều lĩnh vực, việc có một năng lực lõi – kỹ năng mà bạn thành thạo và có giá trị trong ngành – sẽ tạo nên lợi thế cạnh tranh lâu dài. Bạn có thể có nhiều tài lẻ, nhưng chính năng lực lõi sẽ là điều mà người ta sẵn sàng trả tiền cho bạn, tin tưởng bạn và đánh giá cao chất lượng công việc của bạn.
Để làm được điều này, hãy đầu tư thời gian và công sức vào một số ít lĩnh vực mà bạn thực sự quan tâm và có tiềm năng phát triển. Tự hỏi bản thân: "Đâu là kỹ năng chuyên môn mạnh nhất của tôi?" hoặc "Tôi được đánh giá cao trong lĩnh vực nào nhất?" Những câu hỏi này sẽ giúp bạn định hình hướng đi rõ ràng, tập trung vào việc phát triển thế mạnh của mình, đồng thời đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong tương lai.
Hiểu chính mình
Hiểu chính mình là yếu tố quan trọng để du học sinh không bị ảo tưởng và sớm hòa nhập vào thị trường lao động trong nước. Nhiều bạn khi trở về sau thời gian du học thường quá tự tin vào tấm bằng quốc tế mà quên mất rằng, kinh nghiệm thực tế và khả năng thích ứng với môi trường mới cũng đóng vai trò quyết định. Việc mong đợi một vị trí cao, mức lương hấp dẫn ngay từ đầu, trong khi chưa có nhiều kinh nghiệm, thường dẫn đến những kỳ vọng không thực tế.
Điều quan trọng là bạn cần nhận ra giá trị thực sự của bản thân, không chỉ dựa vào tấm bằng, mà còn là kỹ năng, kinh nghiệm và sự sẵn sàng học hỏi từ những công việc khởi điểm. Nếu bạn có năng lực, kết quả công việc sẽ là thước đo để nhà tuyển dụng đánh giá và cất nhắc. Vì vậy, hãy đặt kỳ vọng hợp lý, hiểu rõ năng lực của mình và sẵn sàng phát triển từ những bước đi nhỏ trước khi đạt được những mục tiêu lớn hơn.
Hiểu thị trường làm việc trong nước và nhà tuyển dụng cần gì
Một trong những lý do khiến nhiều du học sinh gặp khó khăn trong việc tìm việc sau khi về nước đó là sự thiếu hiểu biết về thị trường lao động ở Việt Nam và những yêu cầu mà các nhà tuyển dụng đang tìm kiếm.
Hiểu rõ thị trường lao động trong nước và nhu cầu của nhà tuyển dụng không chỉ giúp du học sinh tự tin hơn khi tìm việc mà còn tránh được những kỳ vọng không thực tế về mức lương. Các nhà tuyển dụng cho biết, lương khởi điểm ở các doanh nghiệp có thể khác nhau, nhưng họ thường có xu hướng trả cho ứng viên tốt nghiệp ở nước ngoài cao hơn một chút so với sinh viên trong nước, trung bình từ 13-25 triệu đồng (500-1.000 USD) mỗi tháng. Mức lương này tuy so với thu nhập ở trời Tây là quá thấp nhưng đã ở mức tốt cho vị trí khởi điểm ở quê hương. Tuy nhiên, điều này vẫn còn phụ thuộc vào năng lực thực tế, kỹ năng chuyên môn và khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của ứng viên. Các nhà tuyển dụng ngày nay ngày càng quan tâm đến các kỹ năng mềm, kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tế và sự phù hợp với văn hóa công ty, thay vì bằng cấp nước ngoài.
hotcourses.vn
Liên tục “Upskilling” - Nâng cao khả năng hiện có
Trong một thế giới luôn thay đổi và cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, việc liên tục nâng cao năng lực bản thân (upskilling) là điều vô cùng quan trọng. Tốt nghiệp loại giỏi hay loại xuất sắc, có bằng thạc sĩ hay cử nhân thì tất cả cũng chỉ trên giấy tờ, nếu không có kinh nghiệm chinh chiến trong lĩnh vực bạn theo đuổi thì khó có công ty nào nhận làm.
Thay vì chỉ dựa vào tấm bằng du học, các bạn cần chủ động học hỏi và cập nhật những kiến thức, kỹ năng mới. Thị trường lao động luôn đòi hỏi những người lao động có khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi. Ngay khi có ý nghĩ về nước tìm việc, bạn nên dành thời gian chiêm nghiệm, quan sát để biết mình đang ở đâu và làm thế nào để phát triển bản thân để phù hợp với thị trường.
Ngoài kiến thức chuyên môn, bạn cần chú trọng phát triển kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, và đặc biệt là ngoại ngữ. Thành thạo một ngôn ngữ chẳng hạn, đặc biệt là tiếng Anh hoặc một thứ tiếng quan trọng khác như tiếng Đức, tiếng Hàn, tiếng Trung,... Sẽ luôn có các cơ hội nghề nghiệp có một không hai cần những nhân sự thành thạo ngôn ngữ thứ 3, điều này không chỉ giúp bạn tiếp cận thông tin tốt hơn, tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng mà còn dễ có cơ hội việc làm tốt hơn.
Xây dựng branding và mối quan hệ tốt ở thị trường Việt Nam
Bên cạnh việc nâng cao năng lực bản thân, việc xây dựng một thương hiệu cá nhân mạnh mẽ và duy trì mối quan hệ tốt ở thị trường Việt Nam cũng là một yếu tố quan trọng giúp bạn tăng khả năng tìm được việc làm.
-
Xây dựng portfolio chuyên nghiệp: Để nổi bật trong mắt nhà tuyển dụng, bạn cần tạo dựng một hồ sơ chuyên nghiệp, bắt đầu bằng việc xây dựng một portfolio cá nhân để thể hiện các dự án, kỹ năng và thành tựu mà bạn đã đạt được trong suốt quá trình học tập và làm việc.
-
LinkedIn cá nhân: hãy đầu tư vào hồ sơ LinkedIn của bạn, cập nhật thông tin chi tiết về quá trình học tập, kinh nghiệm làm việc, và các kỹ năng chuyên môn. Một LinkedIn hoàn thiện không chỉ giúp bạn nổi bật mà còn là cầu nối quan trọng để kết nối với các nhà tuyển dụng và chuyên gia trong lĩnh vực.
-
Kết nối với HR: Hãy chủ động liên hệ với các bộ phận nhân sự của các công ty mà bạn muốn làm việc. Bạn có thể gửi email giới thiệu bản thân, gửi CV hoặc tham gia các sự kiện tuyển dụng của công ty.
-
University's alumni: Mạng lưới cựu sinh viên của trường đại học là một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, giúp bạn có thêm nhiều cơ hội và còn tăng khả năng nhận được sự giới thiệu (reference) từ những người trong ngành.
-
Giữ gìn mối quan hệ bạn bè tốt ở Việt Nam: Những mối quan hệ này có thể giúp bạn nắm bắt thông tin về thị trường, công việc và cơ hội được giới thiệu vào các vị trí phù hợp.
-
Tham gia các sự kiện networking: Đây là cơ hội tuyệt vời để bạn gặp gỡ những người mới, mở rộng mối quan hệ và tìm hiểu về các cơ hội việc làm.
-
Tham gia các tổ chức nghề nghiệp: Việc trở thành thành viên của một tổ chức nghề nghiệp sẽ giúp bạn cập nhật những thông tin mới nhất về ngành và kết nối với những người có cùng sở thích.
-
Viết blog hoặc bài viết chuyên môn: Việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình trên các nền tảng trực tuyến sẽ giúp bạn tăng độ nhận diện và thu hút sự chú ý của các nhà tuyển dụng.
Cuối cùng, để thành công trong hành trình tìm kiếm việc làm tại quê hương, các du học sinh cần có tinh thần "nhập gia tùy tục", giống như cách bạn đã hòa nhập khi chập chững qua nước ngoài du học. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thái độ tích cực và tinh thần ham học hỏi, các du học sinh hoàn toàn có thể tìm được một công việc phù hợp và phát triển sự nghiệp tại quê hương một cách tốt đẹp.
Hotcourses Vietnam chúc bạn thành công!