Giấy, nước và đất sét
Cuộc đời tình nguyện viên của Erin đến từ Adelaide, Úc, bắt đầu từ những lá thư, và đó tất nhiên không phải là những lá thư tràn trề tình thương mến, thậm chí còn là những lá thư đầy từ ngữ bức xúc.
Trở lại những năm Trung học, khi vừa mới vào học tại Walford School (Adelaide, Úc), Erin kể rằng cô giáo cấp III khi đó đã kêu gọi học sinh tham gia vào các hoạt động ngoại khóa thông qua một CLB hay tổ chức xã hội. Lý do là điều này có thể sẽ giúp phát triển những kỹ năng cá nhân cùng trải nghiệm hoạt động cộng đồng có giá trị “điểm cộng” trong học bạ.
Nghe lời cô giáo, Erin quyết định tham gia tổ chức Amnesty International (AI, Tổ chức Ân xá Quốc Tế). Cô cho biết: “Ở Úc có rất nhiều người tị nạn đến từ các nước khác trên thế giới, tuy nhiên nhiều trong số họ vẫn bị đối xử thiếu bình đẳng. AI giúp đỡ việc bào chữa, biện hộ cho những người tị nạn và gia đình của họ bằng việc viết thư đến các nhà chức trách, kiến nghị về những tổ chức quản lý việc vi phạm Nhân quyền.” Công việc của những cộng tác viên trung học của AI khi đó chính là lên trang web để tìm hiểu thông tin, và viết thư. Trung bình mỗi tháng cô viết khoảng 4 lá thư và về những vấn đề khác nhau.
Chưa chịu “dừng bước giang hồ” ở những lá thư, Erin sau đó đã bị cuốn hút vào những hành trình tình nguyện và quyết định đi xa hơn với những chuyến hướng đạo sinh ngoài trời. Cô từng là thành viên trong 3 năm liền của TOC – H, một chương trình tình nguyện dành cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn được đi cắm trại theo đúng nghĩa. Mỗi năm hai lần vào tháng 7 và tháng 12, Erin sẽ cùng TOC-H lên rừng xuống biển cùng các em học sinh và thông qua chuyến đi đó cô sẽ tổ chức trò chơi, chia sẻ kinh nghiệm sống sót ở nơi hoang dã và truyền tải tình yêu cuộc sống đến những thành viên trong đội.
Một lần tình cờ đọc được thông tin giới thiệu về chương trình 1000 varieties in Thai, Erin quyết định chọn Thái Lan làm điểm dừng chân đầu tiên cho sự nghiệp tình nguyện viên quốc tế của mình (Tháng 2, 2008). Bị "mê hoặc" bởi những vẻ đẹp của thiên nhiên hoang dã Á châu tới đâu, cô-gái-có-mái-tóc-hippy đau lòng tới đó khi chính mắt nhìn thấy cuộc sống đói nghèo của người dân bản địa. Những ngày theo chân 16 tình nguyện viên đến từ các nước khác và nhóm hướng dẫn viên bản địa (được gọi là PUN PUN), Erin đã học được kỹ năng đi rừng, tham gia hội chợ thương mại, học về Nhân quyền, học cách làm việc theo nhóm trong các Hợp Tác Xã và hay ho nhất là học làm nhà bằng đất sét và chính đôi bàn tay của mình. Nhóm bạn đã vừa học vừa giúp đỡ những người dân tộc thiểu số bằng cách giúp họ giữ trẻ con, gieo giống, sàn hạt, và làm nhà. Dù chương trình chỉ kéo dài 10 ngày, nhưng vì quá hứng thú quá nên Erin đã quyết định ở lại Thái Lan tận một tháng trời.
Từ thiện xuyên biên giới
Từ Thái, cô tiếp tục rong ruổi khắp ngả đường tại Lào, Campuchia. Đến Đà Nẵng, Erin đi làm từ thiện ở một số nhà trẻ mồ côi trong thành phố. Trên hành trình Á châu, cô cũng từng ghé tới Nepal để cùng một người bạn thân làm phim về đất nước này. Với kinh nghiệm từng đầu quân cho Amnesty International, Salvation Army, TOC- H, Vision Generation, Australian Youth Climate Coalition, STIR Radio… Sau khi tốt nghiệp Đại Học (University of Adelaide, ngành Nhân chủng học và Chính Trị học) vào năm 2009, Erin tiếp tục chương trình Thạc sĩ của mình tại Úc.
Giấy, nước và đất sét đã đưa đến cho Erin quyết định chọn tình nguyện làm công việc thực sự của cả đời. Trong một căn phòng nơi gác cũ ở xóm biển Thanh Bình (Đà Nẵng), Erin đã cùng một người bạn Việt Nam lên kế hoạch cho một chuyến du hành bằng xe hơi từ Tasmania, Úc đến Scotland, Anh với mục đích quyên góp từ thiện. Dù kế hoạch bị “bể” vì lí do tài chính, nhưng hành trình “về miền hoang dã”* (với giấy, nước và đất sét) của Erin sẽ vẫn còn dài ra trước mắt.
* Tên tiếng Việt bộ phim “Into the wild”, nội dung nói về một chàng trai người Mỹ sau khi tốt nghiệp Đại học đã quyết định hiến hết số tiền trong tài khoản của mình cho từ thiện và quyết định đi đến vùng Alaska để hòa mình với thiên nhiên.
_______________________
Thông tin hữu ích:
>> Volunteering Solutions - Thêm một lựa chọn tình nguyện 2012-2013
>> Gap year, năm học thứ 13 của tình nguyện và trải nghiệm
>> Bốn điểm đến tình nguyện của Projects Abroad 2012
>> Điểm đến du học Úc - Cẩm nang du học Úc - Học bổng du học Úc