Đi du học, bạn sẽ ít nhất một lần được trải qua cảm giác mua hàng trực tuyến (online) và nếu lần đầu tiên này trót lọt, chắc chắn sẽ có những lần shopping sau đó. Chính vì thế, một vài gạch đầu dòng dưới đây chắc chắn sẽ giúp ích cho “sự nghiệp shopping trên mạng” của bạn.
“Đây là giá thấp nhất” - Đừng tin!
Bất kỳ trang web nào cũng muốn cạnh tranh nhau cái mác “nơi bán hàng giá thấp nhất”, nhưng đó là họ muốn, còn sự thật có đúng như vậy không thì phải đợi bạn đọ giá xong mới rõ. Đừng vội hú hét vì một cái đồng hồ Thụy Sĩ giảm đến 50% trên trang web bán hàng của công ty đó mà vội vàng vào mua ngay. Đi mua hàng ở “ngoài đời”, chẳng phải bạn cũng phải đi khảo giá ở nhiều cửa hàng rồi mới quyết định mua đó thôi. Trên mạng cũng có rất nhiều địa chỉ cho bạn đọ giá, đặc biệt là với sự nở rộ của những trang web bán hàng kín (private-sales), bạn đôi khi sẽ mua được những món hàng hời hơn rất nhiều. Quay trở lại với chiếc đồng hồ Thụy Sĩ đó, nếu gặp đúng ngày, bạn có thể sẽ mua được nó với giá chỉ bằng 1/3 giá bán thật (như vậy là bạn đã lời được 25% so với giá đã giảm 50% rồi nhé!
Xem ai… click nhanh hơn nào?
Vấn đề ở những trang web bán hàng kín này chính là việc trở thành thành viên. Được phát triển dựa trên tiêu chí hoạt động của những câu lạc bộ đóng kín chỉ dành riêng cho “người của CLB”, những trang web bán hàng này tương tự cũng chỉ dành cho đối tượng khách hàng là khách quen. Khi đã trở thành thành viên rồi, bạn nên vào/ra trang web này để xem xét những mặt hàng đang sales và đặc biệt là mục hàng sắp sales để đón đầu thời điểm mà chương trình giảm giá bắt đầu có hiệu lực. Nếu đã chắc chắn rằng giá ở các trang bán hàng kín là rẻ nhất thì việc của bạn là… xông vào trang web đó mà mua ngay lập tức!
Còn đối với những trang bán hàng bình thường, việc nhanh nhạy trong khâu chọn mua hàng cũng đặc biệt quan trọng. Nếu không nhanh chân, bạn có thể vẫn sẽ chọn được kiểu đồ ưa thích nhưng lại hết size hay hết màu, và ngược lại.
Đọc Kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi trả hàng
Nếu bạn hài lòng với món hàng đã mua, xin chúc mừng! Nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy, bởi có nhiều mặt hàng dù mua đúng size của bạn nhưng vẫn quá rộng/chật. Với những trường hợp này, bạn nên trả hàng “không thương tiếc” và đây cũng là quyền lợi rất bình thường của người mua hàng ở các nước phát triển.
Đa số các trang bán hàng online đều cho phép trả đổi lại hàng sau khi nhận hàng mà không vừa ý. Chính vì thế, nếu cảm thấy món hàng không phù hợp với bạn, đừng ngại đổi/trả lại hàng để lấy lại tiền hay chọn màu sắc hoặc kích cỡ phù hợp. Tuy nhiên, bạn phải đọc kĩ yêu cầu về thời gian cũng như các hướng dẫn trả hàng bởi mỗi trang web sẽ có một yêu cầu đổi/trả khác nhau. Có trang web yêu cầu trả lại sau 7 ngày trong khi có trang buộc bạn phải gửi hàng ngay sau 3 ngày chẳng hạn. Khi trả hàng, nếu buộc phải viết tay địa chỉ công ty, bạn nên tìm hiểu thông tin cụ thể của Phòng/Ban chịu trách nhiệm nhận hàng đổi/trả để tránh thất lạc hàng hóa.
Một trong những điều cần nữa lưu ý là không nên cắt bỏ phần nhãn hàng vì nếu không việc trả hàng sẽ không hợp lệ. Thông thường bạn sẽ nhận được một tờ phiếu có nội dung trả hàng, trong đó trang web sẽ yêu cầu bạn điền thông tin về sản phẩm (tại sao lại khiến bạn không vừa lòng), ngày nhận hàng, ngày gửi lại hàng… và bạn sẽ nhận lại tiền mua hàng qua đúng tài khoản ngân hàng bạn đã sử dụng lúc mua. Tùy chế độ đãi ngộ của công ty mà bạn có nhận được chi phí vận chuyển bưu điện hay không. Đối với những trang web uy tín, thông thường bạn sẽ nhận được một tờ phiếu có ghi sẵn địa chỉ người nhận là địa chỉ công ty và được đính sẵn tem, bạn chỉ cần dán tờ phiếu đó bên ngoài bưu phẩm và gửi đi thì sẽ không bị sạc phí vận chuyển lúc trả hàng.
Để hạn chế khả năng phải đổi trả hàng vì không vừa ý chuyện mẫu mã, tốt nhất là bạn nên “copy-paste” (Cắt và dán) đường link để chia sẻ với các chuyên-gia-thời-trang thân cận như mẹ hay cô bạn gái thân để được “quân sư quạt mo”!
___________________________
Đọc thêm
>> Du học và mùa giảm giá SALE