Một trong những vấn đề của cuộc sống du học là bạn sẽ phải chủ động kết bạn. Trường Đại học và Hội sinh viên có rất nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề làm quen kết bạn của sinh viên nên họ sẽ tổ chức nhiều hoạt động lý thú. Nhiệm vụ của bạn là tham gia tẹt ga và đừng xấu hổ!
>> Tạo dựng quan hệ với người bản xứ trước khi đi du học
>> Những người không nên kết bạn khi đi du học
3 câu hỏi cần lặp đi lặp lại của tuần đầu tiên
Đây là những câu hỏi cả sinh viên bản xứ và sinh viên quốc tế đều sẽ hỏi nhau trong tuần đầu tiên, và bạn cũng không nên ngoại lệ:
-“Bạn đến từ đâu?”
-“Bạn đang học ngành gì?”
- “Bạn đang sống ở đâu?”
Những câu hỏi trên sẽ giúp bạn khỏi phải rơi vào cảnh im lặng và trao đổi được thông tin của nhau.
Sau khi đã hoàn thành 3 câu trên rồi, bạn có thể tiếp tục hỏi nhiều hơn về người đối diện, ví dụ như là tại sao họ lại chọn chia nhà mà không phải ở ký túc xá, tại sao họ lại chọn khoá học đặc biệt ấy hay tìm hiểu kỹ hơn về quê hương, đất nước họ…
Nhiệt tình hỏi đường
Vào những tuần lễ đầu tiên ở học xá mới, bạn sẽ thường xuyên bị lạc. Dần dà, bạn sẽ dần quen với đường đi nước bước ở trường. Tuy nhiên, để có thể đi lại trong trường một cách nhanh chóng mà không lạc lên lạc xuống cũng như tạo cho mình cơ hội làm quen với bạn mới, hãy mạnh dạn hỏi những sinh viên “tiền bối” vì họ sẽ rất sẵn lòng giúp đỡ.
Lưu ý nè: Nếu họ thông thuộc đường xá, ngóc ngách trong khoa của bạn thì khả năng lớn là họ cũng từng cùng chuyên ngành với bạn. Hãy thử bắt chuyện về ngành học, hoặc cả những thắc mắc không biết hỏi ai như là giá cả ăn uống ở căng-tin thế nào, hay thức ăn ở trường có ngon không…
Hào phóng lời khen
Đối với một số người, việc nhận được lời khen của một người xa lạ có thể không tự nhiên, nhưng nhìn chung ai ai cũng muốn nhận được lời ngợi khen về một điều gì đó. Khi khen ngợi một ai, bạn cũng có thể nhân tâm trạng phơi phới của họ để hỏi về nơi họ mua món đồ trang điểm, quần áo đó chẳng hạn.
>> Một số bí kíp sống chung với bạn bè quốc tế
>> Nếu mỗi sinh viên quốc tế là một đại sứ
Hăng hái nói về thời tiết
Khi du học tại Vương quốc Anh, bạn nhất thiết phải tập nói về thời tiết vì người Anh mê nói về đề tài này nhất – kể cả khi thời tiết hôm đó khủng khiếp đến thế nào. Nhìn chung, cả đất nước này rất thích nói chuyện về những cơn mưa, thời tiết nắng nóng… và đây cũng chính là đề tài giúp bạn dễ bắt chuyện với một người nào đó.
Rồi sau đó? Bạn có thể tiếp tục câu chuyện về thời tiết ở đất nước bạn. Những câu hỏi về nơi mua áo mưa, bottes đi mưa, ủng cũng có thể được đề cập đến. Nếu thời tiết trong lúc trò chuyện tươi đẹp và ấm áp, bạn cũng có thể nói về những kế hoạch thú vị nên làm trong những ngày nắng ấm.
Lắng nghe và thấu hiểu
Trong khi người khác đang nói chuyện, bạn hãy lắng nghe và cố gắng thấu hiểu, cảm nhận điều mà họ đang nói đến. Mỗi quốc gia sẽ có những phong cách trò chuyện khác nhau nên bạn cũng cần lưu ý điều này. Khi chú ý đến vấn đề của họ, có thể bạn sẽ giúp ích được họ một điều gì đó. Việc lắng nghe hơn nữa sẽ giúp bạn phát triển kĩ năng ngôn ngữ.
Một bí quyết nữa là bạn có thể quan tâm đến bộ phim, clip họ đang xem, thể loại nhạc họ đang nghe hay quyển sách họ đang đọc khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Khi thích hợp, bạn có thể hỏi thăm về loại sách/thể loại nhạc đó với chia sẻ rằng mình cũng đang quan tâm tới những điều đó. Từ đó, bạn có thể thu được những thông tin về chương trình truyền hình, bộ phim, quyển sách thú vị.
“Tám” về các thầy cô
Sớm muộn gì bạn cũng sẽ phải làm việc cùng với người bạn cùng lớp, vậy thì tại sao không tìm cách chuyện trò với họ về những vấn đề cả hai cùng quan tâm – chẳng hạn về những thầy/cô giáo ở lớp. Chỉ cần lưu ý không nên quá trớn và nói về những “tin đồn” quá nhạy cảm – điều có thể khiến bạn gặp rắc rối sau này – là được.
Tại sao phải quá nghiêm túc?
Chú ý chú ý: Đừng nói về những vấn đề quá nghiêm túc, chẳng hạn như quan điểm chính trị, giới tính hay tình dục. Những đề tài này là đặc biệt cần tránh khi bạn đi học tại nước ngoài vì sự chấp nhận của công chúng về những vấn đề này có thể có sự khác nhau giữa các quốc gia. Vào những tuần đầu tiên ở đất nước mới, hãy cẩn thận quan sát và rút ra cho mình những quan điểm xã hội và cách mà người bản xứ nói về những vấn đề có phần nhạy cảm này, trước khi bạn “lao vào” phát biểu quan điểm của mình.
>> Bài học bên lề về chống kỳ thị người đồng giới
>> Những chủ đề nhạy cảm không nên đề cập với bạn bè quốc tế
Thông tin cá nhân
Nếu một người lạ tiến đến và hỏi các thông tin cá nhân của mình, bạn nên cẩn thận. Bạn sẽ không thể biết họ thật sự hồn nhiên hay đang lăm le một ý đồ nào đó đằng sau. Thế nên, cần tự nhắc nhở bản thân rằng thông tin cá nhân như địa chỉ, tuổi tác, định hướng giới tính và đơn giản như cái tên của bạn cũng cần phải được bảo vệ. Chỉ nên chia sẻ thông tin cá nhân khi bạn đã có sự đánh giá của riêng mình về việc nên/không nên đưa (chẳng hạn ở trong quán bar thì việc hỏi tên nhau lại khá bình thường).
Cuối cùng: Khi không nên lại gần ai đó
Việc bắt chuyện ai đó không nên diễn ra tại một nơi vắng vẻ, tách biệt với tụ điểm công cộng vì điều này sẽ khiến họ nghi ngờ về thiện chí của bạn. Tuỳ vào từng điểm đến mà mọi người sẽ có mức độ dè chừng khác nhau nên đừng quá buồn lòng nếu người đối diện không có dấu hiệu muốn trò chuyện với bạn. (Hãy thử lật ngược vấn đề và tự hỏi xem “liệu là mình thì mình có sẵn lòng trả lời một người xa lạ, giữa đêm vắng vẻ như vậy không”…)
>> Danh sách những trường đại học quốc tế cung cấp các khóa học tiếng Anh (EFL)
Tạm dịch từ Hotcoursesabroad