Trong khi tình hình chỗ ở và chính sách cho người tị nạn còn đang là đề tài gây tranh cãi giữa các nước châu Âu thì những người tị nạn tại Đức đã có thể tiếp tục theo học các chương trình chuyên môn ở Đại học Kiron, đặt tại Berlin, thông qua các khóa học trực tuyến.
>> Những chương trình học bổng và khóa học từ xa miễn phí
Ngôi trường ra đời vào tháng 10 năm 2015 có tên gọi chính thức là Đại học trực tuyến Kiron hiện đã có hơn 1000 sinh viên theo học. Tất cả họ đều là người tị nạn và bất kì người tị nạn nào khác cũng có thể đăng kí theo học. Có nhiều sự lựa chọn về ngành học và tất cả các khóa học đều miễn phí.
Thông tin về ngôi trường này chỉ thực sự thu hút sự quan tâm của dư luận khi video giới thiệu về chiến dịch vận động gây quỹ từ đám đông được chia sẻ rộng rãi trên các báo.
“Mình tên là Fatuma, mình 25 tuổi và mình đến từ Somalia. Mình là người tị nạn ở Đức và ước mơ của mình là có thể theo đuổi chương trình đại học” là một nhân vật tị nạn như những người trẻ tị nạn khác xuất hiện trong video. Họ có thể là người đã đi làm ở quê hương, có người việc học bị dang dở… và dẫu đến từ đâu và có chuyên môn như thế nào thì họ cũng đều là những người có khao khát được theo đuổi việc học và viết tiếp những giấc mơ đời mình.
Markus Kressler, người đồng sáng lập của trường, nói trong video: “Ở thời điểm hiện nay, việc đăng ký vào học một trường Đại học như bình thường là điều bất khả thi… Điều này có nghĩa là có rất nhiều người đang phải sống bấp bênh và phải đặt tài năng của mình ở chế độ “tạm nghỉ” trong một, hai hoặc nhiều năm. Vì lí do này, chúng tôi đã lập ra Đại học Kiron, học viện đại học đầu tiên dành riêng cho dân tị nạn, bất kể hoàn cảnh cá nhân, tài chính của họ ra sao hay họ đến từ quốc gia nào”.
Hiện Đại học Kiron gồm có 6 khoa: kỹ thuật, kinh tế, tin học, khoa liên văn hóa, ngôn ngữ và kỹ sư.
Những sinh viên hai năm đầu có thể theo đuổi các khóa học trên hệ thống MOOCs (Khóa học đại trà trực tuyến mở) bằng tiếng Anh hoặc tiếng Đức. Một số chương trình học là những bài giảng trực tuyến được cung cấp bởi các trường Đại học hàng đầu như Harvard, Stanford hay Yale. Lên năm thứ ba, họ sẽ được theo đuổi các chương trình học trao đổi tại những trường Đại học thành viên, đặt ở châu Phi, châu Âu hay châu Mỹ.
>> Danh sách các trường học ở nước ngoài
Đặc điểm của ngôi trường này đó là chính sách tài chính dễ chịu và hệ thống dạy học trực tuyến có sự đa dạng về nội dung và phương pháp. Người đại diện của Đại học Kiron cho biết, tất cả các chương trình của trường đều được thực hiện dưới sự giám sát của các trường thành viên, bảo đảm chất lượng của nội dung giảng dạy. Người này cũng nói thêm sứ mệnh lớn lao mà trường này đã tự tạo cho mình, đó là để góp phần mang lại hòa bình cho thế giới, bởi theo họ, phương cách duy nhất để sống hòa bình đó là tập trung phát triển vào tri thức cá nhân.
Ý tưởng thành lập cơ sở đào tạo cho người nhập cư được sinh ra vào mùa hè 2014. Khi đó, Markus Kressler gặp Vincent Zimmer, một nhà kinh doanh trẻ rất quan tâm đến tương lai của giáo dục và những người tị nạn. Họ gặp nhau trong khuôn khổ một cuộc hội thảo. Khi đó, Vincent Zimmer say sưa nói về phương pháp giáo dục cho phép người dùng theo học trên mạng nhờ tận dụng các thành quả công nghệ mới. Còn Markus Kressler vốn là một người làm công việc tiếp đón người dân tị nạn đã nhanh chóng hiểu được giá trị nhân văn mà dự án mang lại.
"Đại học Kiron là câu trả lời thiết yếu đối với những thách thức hiện tại".
Markus và Vincent bắt tay nhau. Họ liên hệ với các nhà cung cấp khóa học trực tuyến, các trường đại học, các nhà kinh tế và chính trị gia và nhanh chóng nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng. Cuối cùng, dự án ý nghĩa này đã có thể bắt đầu chiêu sinh vào tháng 10 năm 2015.
Trường Đại học hiện được bảo trợ tài chính phần lớn nhờ vào quỹ thành viên. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đang thực hiện một chiến dịch kêu gọi ủng hộ từ đám đông để kêu gọi sự ủng hộ từ cộng đồng. Theo trang Fanpage của trường, chiến dịch này đã thu về hơn 536 000 euros, cho phép cung cấp học bổng cho 447 sinh viên trong vòng 3 năm.