Một năm “gap year” để trải nghiệm thế giới xứng đáng là cuộc phiêu lưu đáng nhớ cả đời, đem lại cho bạn không chỉ những kỉ niệm tuyệt vời mà cả cơ hội tô điểm CV trước khi xin việc. Gap year sẽ dạy bạn những kĩ năng sống cần thiết, đặc biệt hữu ích cho quá trình xin việc.
Nhưng, gap-year không phải là một trải nghiệm cho không biếu không. Theo nghiên cứu của Charter Savings Bank, một năm gap year sẽ tiêu tốn của bạn 5000 bảng Anh (khoảng 150.000 triệu đồng) và cứ ba người thì có một người lập kế hoạch làm việc trong chuyến đi của mình. Kinh nghiệm cho thấy, chỉ cần một chút chăm chỉ cộng thêm kế hoạch kỹ lưỡng sẽ giúp bạn có một năm gap year tuyệt vời mà không rơi vào thảm cảnh tài chính.
>> Gap-year, năm học thứ 13 của tình nguyện và trải nghiệm
“Cày” trước chuyến đi
Trừ khi có khoản viện trợ không hoàn lại từ quỹ “utachi” của “ngân hàng Bố Mẹ”, bạn sẽ phải kiếm việc ở trong nước để có thể kiếm đủ tiền lo liệu các chi phí cần thiết cho chuyến đi, chẳng hạn như vé máy bay, visa, hay lệ phí tham gia các dự án tình nguyện.
Chỉ riêng quá trình này, theo Andreas Kornevall, đồng sáng lập WorkingAbroad, sẽ mang đến cho bạn kinh nghiệm lập ngân sách và sau đó là trải nghiệm làm việc thực tiễn. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng bạn không cần phải tiết kiệm cả một số tiền lớn ngay từ đầu. “Bạn có thể chẳng cần nhiều tiền như bạn tưởng đâu. Ví dụ bạn có thể sống ở Ecuador 3 tháng với 1,500 bảng Anh và chỉ cần lo chi phí vé máy bay nữa thôi.”
Khi đã chắc chắn mình có một số tiền nhất định đủ để chi trả cho những chi phí ban đầu, bạn có thể bắt tay vào tìm kiểm những lựa chọn phù hợp cho một năm của mình. Ngoài ra, bạn cũng cần xem xét chuyện xin visa. Bạn không thể kiếm việc với visa du lịch thế nên hãy tìm kiếm một công việc cụ thể để được cấp loại visa cho phép vừa du lịch vừa làm việc.
Chọn lọc chương trình thiện nguyện
Khâu lựa chọn chương trình để tham gia đòi hỏi bạn phải xem xét nhiều tiêu chí khác nhau. Trước nhất, hãy tìm đến những tổ chức uy tín. Bạn có thể đăng kí tham gia các chương trình tình nguyện của một số tổ chức như Voluntary Service Overseas hay the British Council. Ngoài ra, bạn cũng có thể thử một số tổ chức tình nguyện và thực tập tư nhân như WorkingAbroad, Bunac, GVI, Year Out Group, OysterWorldwide hoặc Gap360.
Lợi thế của các tổ chức này là họ có dự án ở khắp châu Á, châu Phi, châu Úc và cả Nam Mĩ với đa dạng các vị trí khác nhau (Chăm sóc động vật, bảo tồn, các công việc xã hội, công việc liên quan đến giới trẻ, huấn luyện viên thể thao, dược, nghệ thuật, dạy học…) Bạn sẽ nhận rằng tình nguyện không chỉ giới hạn với công việc dạy tiếng Anh, và nếu chịu khó tìm tòi, rồi bạn sẽ tìm thấy nhiều vị trí phù hợp với sở trường và đam mê của bản thân.
Kornevall đưa lời khuyên: “Hãy chắc chắn rằng bạn học những kĩ năng lí thú chứ không chỉ là hái nho. Nếu bạn đam mê và muốn trở thành một nhà sinh vật biển hay làm việc cho một khu bảo tồn động vật hoang dã, hãy làm tình nguyện trước.”
Yếu tố tài chính cũng nên xem xét kỹ lưỡng. Stefan Wathan, giám đốc điều hành Year Out Group cũng chia sẻ một thực tế rằng những trải nghiệm có thời gian kéo dài lâu hơn sẽ tỉ lệ thuận với khoản phí mà bạn phải bỏ ra. “Bạn có thể chi trả khoảng 500 - 700 bảng Anh/tuần, khoảng 2,000 - 3,000 bảng Anh/6 tuần trong khi đi khoảng 3 đến 12 tháng chỉ tốn có 3,000-8,000 bảng Anh.” Một phương án rất hay nữa đó là tìm đến những công việc không công được đài thọ ăn ở. Nhớ là trải nghiệm mới chính là thứ sẽ giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng sau này.
Kiếm tiền ở nơi sang, chi tiêu chốn có mức sinh hoạt thấp
Adam Wiltshire bắt đầu gap year vào mùa thu năm 2005 trước khi theo học bằng kinh tế chính trị tại Đại học Sheffield. “Việc biết rằng mình đã có một chương trình để theo học khiến tôi tự tin dành một năm gap year”. Bằng việc đi làm ở bar trong một câu lạc bộ golf địa phương, anh kiếm đủ tiền cho chuyến đi dài 3 tháng qua Trung Quốc, Tây Tạng, Hồng Kong, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Bali và sau đó là giáng sinh ở Úc và cuối cùng là tới New Zealand.
Quan trọng là Adam và bạn đồng hành Andy Gill đã kiếm đủ tiền để trả tiền vé máy bay về từ New Zealand – điều kiện thiết yếu để đảm bảo working holiday visa. Tại Auckland, anh làm cho một quán bar đồng thời và làm công việc điều hành bến nhảy dù.
Hồi phỏng vấn, anh được yêu cần nhảy từ Sky Tower cao một 192m. “Cuối cùng thì tôi đã nhảy từ cái tháp đó xuống 201 lần trong quá trình hướng dẫn khách nhảy.”
>> Những công việc gap-year nghe lạ tai nhưng hấp dẫn
Adam làm việc trong bar với mức lương 4 bảng Anh/giờ, nhưng công việc đó rất vui. Bằng việc tiết kiệm, anh và Andy đã kiếm đủ tiền đề lái xe quanh New Zealand một tháng, sau đó dành 2 tuần ở Cook Islands.
Adam, hiện đang làm digital marketing, khuyên các bạn trẻ nên có thái độ tích cực và cố gắng kiên trì để kiếm việc. “Hãy sắp xếp mấy việc giấy tờ, trở nên say mê và kiên định. Làm việc ở nơi có mức lương cao hơn, và đến những nơi có chi phí sinh hoạt thấp hơn để du lịch lâu hơn.”
Theo kinh nghiệm của những gap-year tiền bối, Úc, New Zealand, Canada, Thái Lan và Trung Quốc là những điểm đến lý tưởng, mang đến một số cơ hội tốt nhất cho những ai muốn kiếm một công việc có lương trong khi ở nước ngoài.
Check-list trước chuyến đi
Để đảm bảo giấc mơ gap year không biến tướng thành cơn ác mộng tài chính, bạn cần lập kế hoạch từ trước một cách cẩn thận. Một số việc cần làm liên quan đến vấn đề tài chính gồm:
-
Cân nhắc lựa chọn chuyến bay và các chính sách bảo hiểm du lịch
-
Kiểm tra hạn sử dụng của tất cả giấy tờ quan trọng như hộ chiếu, thẻ tín dụng…
-
Đảm bảo có loại thẻ tín dụng phù hợp tại nước ngoài. Hầu hết các loại thẻ ngân hàng thông thường đều tính thêm phí dịch vụ khi giao dịch tại nước ngoài, khoản phí có thể lên tới 3% giá trị giao dịch.
-
Luôn báo cho ngân hàng bạn đang đi vắng vì ngân hàng có thể khóa thẻ của bạn để ngừa gian lận nếu có giao dịch phát sinh ở địa điểm lạ.
Danh sách các bí kíp gap-year tiết kiệm hẳn còn rất dài. Bạn có thể bổ sung với Hotcourses Vietnam qua phần nhận xét bên dưới nhé!