Gap year, bạn có biết
Gap year là thời gian một năm (thông thường sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học) dành cho các hoạt động cộng đồng để bổ sung kinh nghiệm sống. Thật ra, không cần phải đủ 18 tuổi hay có một khoảng thời gian tới 365 ngày để thực hiện một kế hoạch Gap year. Ngày nay, thuật ngữ này dành cho những hoạt động mang lại thách thức qua việc gặp gỡ với người lạ, bằng chuyến du lịch hay “công tác” (làm việc làm thêm, hoạt động thiện nguyện) tại một quốc gia mới lạ. Đan Chi (người Đan Mạch gốc Việt) hiện đang là tình nguyện viên tại một trại trẻ mồ côi ở Huế dù Chi chỉ mới tốt nghiệp cấp II.
www.gap year.com là một trong những trang web có tiếng nhất về các thông tin liên quan đến hoạt động này. Thật ra, chương trình Work&Travel vào các kì nghỉ ở Mỹ cũng có cùng chí hướng với Gap year, tuy nhiên hình thức này “dài hơi” hơn và có tính cộng đồng cao, các thành viên tha gia thường làm với tư cách từ thiện là chính, bên cạnh đó họ cũng đặt nặng vấn đề giao thoa với văn hóa bản xứ hơn. Erin (Adelaide, Úc) đã từng đi Gap year vòng quanh các nước châu Á (Thái Lan, Việt Nam, Campuchia) để làm các công việc như xây nhà, trồng cây, dạy chữ, quay phim… và cô vẫn còn muốn quay lại những nơi này với những mối quan hệ thân quen với người dân ở đây vì đã xem họ như gia đình mình.
Vào những năm 60, phong trào này lan rộng tại Vương quốc Anh và thuật ngữ này cũng lần đầu tiên xuất hiện tại đây vào năm 1972 bởi GAP Activity Projects (Dự án hành động GAP, ngày nay là Lattitude Global Volunteering). Vào thời điểm này, sinh viên thường du lịch kết hợp làm từ thiện trong kì nghỉ.
Gap year xuyên biên giới
Vì con số sinh viên tạm hoãn một năm học ở trường để đi du lịch và làm việc toàn thời gian ở nước ngoài, nên vào tháng tư năm 2009, chính phủ Đan Mạch đã đề ra một Luật mới dành ra một khoản tiền thưởng thêm cho những sinh viên tham gia hoạt động này trong một năm.
Trong khi đó, sinh viên Mỹ có lẽ là những người hào hứng nhất với hoạt động này. Các trường Đại học như Princeton University, Harvard University, Amherst College, Massachusettes Institute of Technology và Reed College luôn đưa nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên khi họ phải hoãn việc nhập học cho kỳ Gap year.
Tại Ấn độ, Gap year còn được gọi bằng một thuật ngữ tương tự là Drop Year. Tuy nhiên, giới trẻ Ấn độ lại thường dành khoảng thời gian này để đăng ký vào các trung tâm luyện thi để chuẩn bị cho các kì thi đầu vào khắc nghiệt của Đại học, bao gồm cả kì kiểm tra đầu vào Viện công nghệ danh tiếng Indian Institute of Technology.
Tại Yemen, một năm trì hoãn sau tốt nghiệp cấp III là bắt buộc. Trừ khi nhập học vào Đại học tư, giới trẻ Yemen phải đợi một năm để đăng kí vào Đại học. Trong khi nam sinh phải tham gia vào quân đội, nữ sinh sẽ nhận trách nhiệm giảng dạy tại trường hay làm việc tại bệnh viện.
Cuối cùng, Úc không chỉ là quốc gia có “nguồn” sinh viên tham gia Gap Year phong phú nhất (địa điểm ưa thích của họ là châu Âu hoặc Đông Nam Á) mà còn là điểm đến Gap Year hấp dẫn của sinh viên nước ngoài. Một số trong đó tham gia vào chương trình Quốc phòng Úc (ADF) và gắn bó luôn với hoạt động này trong khi số còn lại trở về nhà và tiếp tục học lên cao.
Suy cho cùng, Gap year là để dừng lại quan sát, nghỉ-lấy-hơi và... tiến nhanh hơn về phía trước!
Đọc thêm
- Du học và du lịch Melbourne
- Du học và du lịch New Zealand
- Xê dịch là một bài tập đọc hiểu
- Khám phá Vương Quốc Anh