Trang Ami, biên tập viên của Hotcourses Vietnam, chia sẻ về cuộc sống du học ngành Truyền thông và những dự án viết lách thú vị của mình.
>> Du học Pháp trong mắt (kính) tôi là
>> Du học Pháp: 6 công việc làm thêm tôi đã từng làm
Gặp gỡ biên tập viên
Tốt nghiệp chương trình Truyền thông tổ chức tại Pháp và khóa trao đổi Erasmus ở Đại học Khoa học Ứng dụng The Hague (Hà Lan), Trang Ami hiện đang là sinh viên ngành Truyền thông công (Viện Đại học Công nghệ Besançon, Pháp).
Cũng như những du học sinh khác, cuộc sống du học mang lại cho Trang cơ hội thử qua nhiều những trải nghiệm chạy bàn, mua bán lặt vặt, hướng dẫn viên… Nhưng “khủng” nhất khi nhìn vào hồ sơ của cô nàng chính là quãng thời gian làm cộng tác viên chính thức của báo Hoa Học Trò kéo dài tới 7 năm liền, chưa kể còn là cộng tác tự do cho các tạp chí thời trang và phong cách sống như Người đẹp, Mỹ Thuật.
Năm ngoái, Hotcourses đã từng giới thiệu về tác phẩm “Ở ngôi làng thế giới” (NXB Phụ Nữ) kể về trải nghiệm du học hai năm đầu của Trang tại Pháp. Mới đây nhất, Trang cô bạn chủ động tự in một tự truyện có tên gọi độc đáo là “Đi đâu loanh quanh cho đời lộn xộn”.

Xin chào Minh Trang, bạn có thể cho biết động lực nào khiến Trang đăng ký vào ngành Truyền thông? Việc học ngành này đem lại cho bạn những lợi thế gì cho việc viết lách và xuất bản nói chung?
Ngay từ đầu, cái mình muốn học là Báo chí nhưng ở Pháp đây là ngành học bạn không thể vào ngay sau khi tốt nghiệp THPT mà phải trải qua 2 năm học một ngành Ngôn ngữ hoặc Khoa học Xã hội nào đó trước. Vậy nên mình đã chọn Truyền thông, rồi hai năm đó đã đủ để “tán đổ” và khiến mình theo luôn đến bây giờ.
Truyền thông thật ra không phải một ngành liên quan trực tiếp đến báo chí hay xuất bản như mọi người vẫn nghĩ ở Việt Nam, chỉ có một số công việc như viết thông cáo báo chí hay diễn đạt chiến lược truyền thông qua giấy là cần viết lách mà thôi.
Viết lách tốt là điểm cộng trong ngành này, nhưng theo mình thì không có ngược lại.
Bạn có thể giới thiệu đôi nét về ngành truyền thông và môi trường học tập, sinh hoạt tại Pháp?
Mình học năm cuối Đại học nên cũng được học sâu sát hơn hồi những năm đầu, như Truyền thông văn hóa, Truyền thông du lịch, Truyền thông khủng hoảng, Phân tích thời sự, Quan hệ báo chí… điều đặc biệt là bọn mình được học với người hiện đảm nhiệm những công việc này trong đời thường, nên học thực tế nhiều hơn lí thuyết.
Nói về môi trường học tập và sinh hoạt tại Pháp, mọi người có thể tìm đọc “Ở ngôi làng thế giới” mình xuất bản vào năm ngoái, NXB Phụ nữ. Hoặc nếu không có thể gửi câu hỏi trực tiếp đến Facebook của mình (www.facebook.com/trangamiwriting)
>> Một lần trải nghiệm Work & Travel
Bạn có thể kể về một kỉ niệm khó quên nhất khi đi du học? Một điều bạn cho là đã thay đổi con người bạn rất nhiều?
Kỉ niệm khó quên thì vô vàn, nhưng gần nhất có lẽ là khoảnh khắc “đau tim” khi đi siêu thị cách đây 2 ngày. Không thể tả được bằng chữ nghĩa cái cảm giác hồi hộp mỗi lần cô thu ngân cà mã vạch của một món hàng trong giỏ. Với mình, đi siêu thị cuối tháng khi thẻ ngân hàng đã âm quá mức cho phép và chỉ còn đúng 30€ tiền mặt cũng như chơi một trò cảm giác mạnh (cười).
Hay nhất là mình sẽ còn được “cảm giác mạnh” trong một thời gian nữa và con người mình chắc sẽ còn “thép” hơn trong khâu xài tiền. Thì đó cũng là một thay đổi tốt trong thời điểm mà cả thế giới đều đang kêu gào vì khủng hoảng.

Được biết Trang thông thạo rất nhiều ngoại ngữ, bạn có thể chia sẻ với độc giả của Hotcourses sơ qua về cách học tập khi đi du học nói chung và học ngoại ngữ nói riêng?
Xin dùng lại một câu trích dẫn của chính mình nhé, là “Mình đánh giá cao trường Đại học ở khả năng khơi gợi những lỗ hỗng kiến thức, nhưng thiết tha và năng lực bồi đắp phụ thuộc hoàn toàn vào sinh viên”. Tức là có muốn và làm có được hay không là do chính bạn tự lo liệu thôi. Về cách thức thì tốt nhất là tạo cho mình một không gian dễ chịu để “nhét chữ vào đầu”: học trong bồn tắm, xem Ellen, thậm chí là vác sách vở vào Bar cũng được.
Về tác phẩm mới nhất “Đi đâu loanh quanh cho đời lộn xộn” Điều gì đã dẫn dắt bạn viết “Đi đâu loanh quanh cho đời lộn xộn”?
Năm đầu tiên du học Pháp, cô giáo môn Diễn đạt yêu cầu bọn mình thuyết trình về “ước mơ đời người” và ước mơ của mình là “Viết một quyển sách về mẹ của mình”. Hôm nay là lúc mà mình tỉnh dậy và thấy quyển sách đã ở ngay đầu giường.
Bạn có thể bật mí một chút về ý nghĩa tiêu đề sách và nội dung câu chuyện xoay quanh nó?
Mẹ mình mê nhạc Trịnh Công Sơn và thường dùng những lời nhạc trong cuộc đời sáng tác của ông để dạy mình về cách sống ở đời. Ám ảnh lớn nhất của mình là hình ảnh mẹ ôm guitar hát nhạc Trịnh Công Sơn ở khu vườn ba gian nhà ngoại trong những đêm tròn trăng.
Nhà mình thuộc dạng hộ nghèo “không nhất thì nhì” ở xóm nên dĩ nhiên hồi đó hai mẹ con không được đi chơi nhiều. Những buổi chiều nghe hàng xóm chộn rộn chuyện lên đèo Hải Vân ăn cháo hải sản, qua biển T20 ăn ốc hút, mít trộn, mẹ thường chép miệng, “Thôi, đi đâu loanh quanh cho đời lộn xộn” để tự an ủi rằng có đi đến đâu thì cuối cùng nơi trở về cũng là mái nhà xưa của ngoại. Mà đúng vậy thiệt, khi đặt chân về Đà Nẵng, nơi đầu tiên mình ghé về là nhà của ngoại chứ không phải đèo Hải Vân hay biển T20.
Tự truyện là kí ức của mình về những ngày tuổi nhỏ của mình khi căn nhà chỉ có ba bà cháu quẩn quanh…
Được biết bạn hoàn toàn tự viết sách, biên tập và xin giấy phép xuất bản. Bạn có gặp khó khăn gì trong quá trình này và cách bạn xử lý khó khăn đó?
Lúc đầu, mình dự định chỉ viết sách và bán trên một trang web “tự xuất bản, tự bán online” là Smashwords, nhưng rồi sau đó mình quyết định sẽ cho nó “lên giấy” và thử bán rộng rãi.
Khâu xin giấy phép và tự in, mình may mắn vì gõ đúng cửa, tức là tìm đến đúng một anh bạn cũ đang làm sales cho một nhà in có tiếng trong Sài Gòn. Từng đường đi nước bước trong quá trình này tất cả là do anh bạn mình chỉ dẫn.
Cái “khó” nhất của mình trong công trình này là tìm đơn vị phát hành. Dù đã thử gửi email qua địa chỉ liên hệ in trên hầu như tất cả các nhà phát hành, phân phối sách uy tín của cả nước, nhưng mình đều không nhận được bất cứ phản hồi nào. Cách mình xử lí ư? Liên hệ với những người bạn ở Việt Nam đang làm chủ các quán café để nhờ bán sách tại quán của họ. Lumos và La Rotonde ở Sài Gòn, 13S ở Đà Nẵng là những quán café đã “gật đầu” với dự án sách tự in, tự xuất bản, tự rao bán của mình.

Các địa chỉ bạn có thể mua sách
Điều gì khiến bạn tâm đắc nhất và muốn gửi gắm đến người đọc qua tác phẩm này?
“Đi đâu loanh quanh cho đời lộn xộn” giúp mình chắc nịch một điều là ước mơ gì và hiện thức hóa ước mơ đó thành sự thật là một sự lựa chọn vô cùng cá nhân, và hoàn toàn khả thi.
Còn với những kẻ “dòm ngó” hay gắng gượng “bóp méo” ước mơ của mình thì cứ mặc kệ họ đi, ngay từ đầu và cho tới sau cùng thì đây là một việc quá sức với họ rồi.
Bạn đã có dự định nào cho các tác phẩm sắp ra đời trong tương lai?
Que sera sera, biết ra sao ngày sau phải không.
Mời bạn đưa ra lời khuyên cho những người muốn theo học ngành truyền thông nói riêng và mơ ước đi du học nói chung.
Mình sẽ tổ chức hai buổi gặp gỡ (hoàn toàn miễn phí à nha - cười) nói về Truyền thông tại Sài Gòn và Đà Nẵng, mục đích chia sẻ những điều đã được học/đọc khi du học Pháp ngành truyền thông vào tháng 6 này. Mọi người có thể đăng ký tại hai link sau.
Đà Nẵng: http://www.keewi.me/Event/truyenthongthucsulagi
Sài Gòn : http://www.keewi.me/Event/truyenthongthucsulagisg
Mình cổ vũ cho tất cả những ai có nguyện vọng du học và học ngành Truyền thông. Đã đến lúc cần nhiều "tay" để tách "vỏ" Truyền thông ra khỏi cái mác Báo chí ở trong nước đi rồi.
Cảm ơn Trang về cuộc trò chuyện, chúc bạn thành công trong sự nghiệp và cho ra đời ngày càng nhiều tác phẩm hay.
P/S: Mọi người có thể đọc các bài viết của Minh Trang trên blog trangami.com hoặc giao lưu trực tiếp với tác giả tại Facebook Trang Ami.
Bài viết hữu ích:
>> Ba quyển sách “gối đầu giường” trước khi đi du học
>> Làm Quen Với Phương Pháp Học Tập Khi Đi Du Học
>> Kinh Nghiệm Luyện Thi IELTS
>> Kinh nghiệm giành học bổng Chevening ngay lần đầu đăng ký