Thông tin du học Mỹ
Mỹ: TIÊU ĐIỂM NGÀNH HỌC

Những cột mốc đáng nhớ từ kinh nghiệm học MBA ở Mỹ

Học MBA tại Mỹ

MBA – Thạc sĩ quản trị kinh doanh là một tấm bằng “nóng bỏng tay” mà rất nhiều sinh viên nước ngoài muốn có được khi chọn nước Mỹ làm điểm đến du học. Bản thân mình trong quá trình theo học chương trình học MBA tại Đại Học St. Thomas (Houston, tiểu bang Texas) cũng đã có những cột mốc và kinh nghiệm đáng nhớ.

 

>> Du học MBA: Bạn biết gì

 

Cột mốc 1: Nộp đơn xin vào chương trình MBA

 

Trước tiên, không như lầm tưởng của nhiều người - mình muốn khẳng định rằng MBA không chỉ là cánh cửa chỉ dành cho các bạn học chuyên ngành về kinh tế, kế toán, tài chính, mà còn là cánh cửa để các bạn trái ngành có thể bước vào những lĩnh vực liên quan đến kinh tế và tài chính. Trong quá trình học MBA ở Mỹ, mình đã gặp và quen biết nhiều bạn công tác ở vô số ngành nghề khác nhau, có y tá, có kĩ sư, có thầy cô giáo… Nhiều trong số họ học MBA để đổi nghề qua một mảng khác, và cũng có nhiều người học với kế hoạch sẽ tự lập kinh doanh sau khi hoàn thành khóa học.

 

Về điều kiện đăng ký, cá nhân mình đã học cử nhân tại Đại Học St. Thomas liên thông, gọi là BBA/MBA chuyên ngành tuỳ chọn (Kế toán, Tài chính…), do đó những bạn học cử nhân ở trường mình không cần phải thi GMAT hay GRE để được xét tuyển vào chương trình MBA.

 

Thêm một lợi thế nữa đó là với một số môn trùng lặp giữa 2 chương trình BBA/MBA, sinh viên sẽ không cần phải lấy lớp 2 lần mà có thể chọn học trong quá trình BBA hay MBA tùy chọn, giúp tiết kiệm được học phí của một vài môn và lệ phí thi GMAT/GRE. Yêu cầu để được nhận vào chương trình này là có điểm cao trong quá trình học cử nhân (điểm trung bình khoảng 3.5 trở lên, trên tổng điểm 4). Vì thế, khi đủ các tín chỉ cần thiết, mình đã nộp đơn vào chương trình này và được nhận ngay.

 

Từ kinh nghiệm cá nhân, mình nghĩ bạn nào có kế hoạch sang Mỹ học từ bậc cử nhân thì nên lựa chọn những trường có chương trình liên thông như thế này, vừa tiết kiệm được tiền, lại có sẵn mối quan hệ với các thầy cô nên sẽ dễ dàng hơn cho việc xin học bổng.

 

>> Danh sách tổng hợp các khóa học MBA tại Mỹ

 

Cột mốc 2: Trải nghiệm học tập đầy khác biệt giữa MBA và bậc cử nhân

 

Với lợi thế đã từng theo học ở trường từ thời cử nhân nên mình không cảm thấy lạ lẫm hay hoang mang như thuở mới là sinh viên năm nhất, đặc biệt còn biết được yêu cầu và phong cách dạy của từng thầy cô đối với các bài kiểm tra, viết luận hay đồ án… Tuy nhiên, vẫn có một vài điểm khác biệt rõ rệt giữa hai chương trình cử nhân và MBA:

 

  • Khả năng “tự thân vận động” trong việc học: Ở chương trình MBA, sinh viên sẽ phải chủ động rất nhiều trong quá trình học. Thông thường giáo sư sẽ giao bài đọc cho tiết học tiếp theo, và bạn phải có nhiệm vụ đọc và tìm hiểu trước giờ lên lớp. Vì vậy đa số các giáo sư đều yêu cầu bạn biết về chủ đề hôm nay sẽ học. Họ sẽ chỉ có trách nhiệm hướng dẫn bạn, chứ không phải là “cầm tay chỉ việc” như hồi học cử nhân.

 

  • Đọc, đọc nữa, đọc mãi: Nếu bạn đã chọn học MBA, hãy chuẩn bị tinh thần là bạn sẽ phải đọc rất nhiều. Có thể bạn không tin nhưng mình đã từng học lớp mà giáo viên yêu cầu bọn mình đọc trung bình ít nhất 100 trang A4 mỗi ngày. Mỗi lần lên lớp sẽ có bài kiểm tra 15 phút hoặc thầy sẽ đặt câu hỏi rồi chỉ định bất kì ai đứng lên trả lời. Ai trả lời không được sẽ bị trừ điểm. Những tài liệu đó đa số là các tình huống cụ thể (study case) từ Havard Business Review nên chữ nhiều và lượng thông tin thì rất khổng lồ. Phương pháp đọc để nhớ của mình là mình sẽ đánh dấu những từ khóa chính và các diễn biến chính của bài đọc bằng màu nổi, như thế sẽ giúp mình “nghía” nhanh được bài đọc trước khi vào lớp.

 

 

  • Mỗi môn học ít nhất 1 bài thuyết trình: Không chỉ đọc nhiều mà mình có thể cam đoan 100% với bạn rằng bạn sẽ được thuyết trình mệt nghỉ, chắc chắn trong bất kì môn học nào cũng có ít nhất 1 bài thuyết trình. Mình đã từng học một lớp Marketing mà 50% điểm tổng của bọn mình dựa vào một bài thuyết trình về một dự án được làm xuyên suốt trong thời gian học. Vì ngôn ngữ gốc của chúng ta không phải là tiếng Anh nên khi đứng trước rất nhiều người để nói, bạn có run không? Mình thì có! Và bí quyết đầu tiên mình thường áp dụng để khắc phục được việc bị “brain freeze” (não đơ) khi thuyết trình đó là luyện tập, luyện đến nhuyễn thì thôi. Vì mình sinh ra không có tài ăn nói nên có những bài thuyết trình mình đã luyện đến cả hơn 100 lần. Bạn nào bị stage fright (nỗi sợ thuyết trình/nói trước đám đông) thì cũng đừng lo lắng, “practice makes perfect” (luyện tập sẽ đem lại sự hoàn hảo) nên các bạn cứ tự tin lên. Bí quyết 2 là chuẩn bị note cards (note card là những tờ giấy nhỏ nhỏ bạn có thể cầm gọn trên tay), trên những tờ giấy này mình sẽ ghi lại những điểm chính của từng slide powerpoint, chỉ để chắc chắn rằng mình không quên điều gì. Khi luyện tập cũng nên vừa đọc to ra vừa cầm note card để luyện cho não bạn quen dần nha.

 

  • Essay (bài luận) á? Có vô số bài essay cho bạn viết đến tận ngày ra trường. Có 1 lớp khác của mình mỗi tuần đều phải nộp 1 bài essay ít nhất 5 trang (font Times New Roman, size 12, index 1’’ nhé). Có lớp thì mỗi tuần đều đều 2 bài tóm tắt về bất cứ bài báo nào trên Wall Street Journal. Và đặc biệt, với những dự án lớn thì yêu cầu viết luận càng dày đặc. Kinh nghiệm của mình là: đối với những bài essays được giao về nhà, bạn nên đem chúng đến Tutor Center (Trung Tâm Dạy Kèm) ở ngay trong trường để được các gia sư ở đó đọc lướt qua coi có bị lỗi ngữ pháp, từ đã dùng đúng chưa, kết cấu bài đã hợp lý chưa. Đặc biệt, việc hỗ trợ ở trung tâm này là hoàn toàn miễn phí! Lưu ý thứ hai là đừng bao giờ sao chép bài người khác, nếu chép phải để nguồn. Mỹ rất lên án việc plagiarism (dịch nôm na là đạo văn hay ăn cắp câu văn của người khác), đa số các thầy cô sẽ yêu cầu bạn nộp bài essay lên các trang web chuyên dụng để kiểm tra xem có bao nhiều phần trăm trong bài bạn là sao chép của người khác. Những bạn bị phát hiện sao chép bài văn người khác trong trường mình đều bị kiểm điểm cho lần đầu tiên, và lần thứ 2 thì bị thôi học với lý do bị đuổi học được ghi rõ trong học bạ.

  • Kỹ năng làm việc nhóm là cả một nghệ thuật, và đó là điều mà bạn sẽ cảm nhận rõ nhất trong quá trình trao đổi ý tưởng hay phân công, vốn không không tránh khỏi những xung đột. Ngoài ra, nếu… xui xẻo, bạn còn gặp phải những người nói nhiều làm ít, không làm phần mình được giao và cuối cùng bạn phải thức khuya để giải quyết các thảm họa làm việc nhóm. Vì vậy, nếu giáo viên để các sinh viên tự chọn nhóm thì bạn nên chọn cẩn thận. Mình đã có rất nhiều trải nghiệm tuyệt vời khi làm nhóm, có nhóm mà các thành viên đều làm tốt nhất nhiệm vụ được giao, giúp đỡ nhau, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau, nhưng cũng có vài lần mình cũng đã phải đi làm phần việc của người khác vào phút chót.

 

Cột mốc 3: Xin học bổng

 

Trong quá trình học MBA, ngoài những học bổng mình đã có từ hồi học cử nhân, mình còn xin được thêm 2 học bổng khác. Đa số các học bổng ở bậc sau đại học đều yêu cầu sinh viên phải hoàn thành 1-2 học kỳ trước khi đăng ký xin học bổng, nên những bạn mới vừa từ Việt Nam qua có thể không đáp ứng đủ yêu cầu để nộp đơn. Một lợi thế của các bạn học liên thông đó là vì đã quen các thầy cô ở trường, nên bạn có thể nhờ họ viết thư giới thiệu (recommendation letter) khi nộp đơn xin học bổng.

 

Cột mốc 4: Xin thực tập/làm việc

 

Xin thực tập hay làm việc là một trong những băn khoăn của rất nhiều du học sinh. Theo kinh nghiệm của mình thì bạn NÊN xin thực tập dù chương trình có bắt buộc hay không. Một là vừa có thể tăng kinh nghiệm, hai là để sau này dễ xin việc hơn khi ra trường. Để xin thực tập, mình đã rải đơn ở rất nhiều nơi, phỏng vấn ở vô số chỗ, có nhiều chỗ phỏng vấn vô đến vòng cuối rồi vẫn rớt, và cuối cùng… mình vẫn không xin được vào chỗ nào. Hơn nữa, lúc đó mình đang làm việc trong trường và có lẽ do ham muốn… kiếm tiền mà mình đã không kiên trì nộp đơn xin thực tập ở nhiều nơi hơn. Không đi thực tập là một trong những nuối tiếc nhất khi mình đi học MBA. Mọi người đừng như mình, đừng ham kiếm tiền mà sao nhãng việc xin đi thực tập!

 

Ở các trường đại học Mỹ có rất nhiều phương tiện để giúp bạn tìm việc làm, ví dụ như Career Center (Trung Tâm Nghề Nghiệp) thường xuyên đăng những công việc đang tuyển người và luôn có những advisors (tư vấn viên) túc trực để giúp bạn rà soát cải thiện CV. Những advisors này có thể cùng bạn làm mock interview (phỏng vấn thử) để giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc phỏng vấn thực tiễn. Ngoài ra, trong trường đôi khi cũng sẽ có Job Fair là ngày mà các công ty sẽ về trường để tuyển người, đây là cơ hội để các bạn đi rải CV.

 

Cột mốc 5: Nộp đơn đăng ký giấy phép OPT (Optional Practical Training – Đào tạo thực hành tuỳ chọn)

 

Sau khi tốt nghiệp, bạn thường sẽ có 12 tháng làm việc ở Mỹ (gia hạn thêm 24 tháng cho những người có bằng STEM: Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học). Để được đi làm trong 12 tháng này, bạn phải nộp đơn xin được cấp giấy phép OPT. Vì số lượng hồ sơ quá nhiều, thông thường USCIS sẽ cần 60-90 ngày để xét duyệt hồ sơ của bạn, do đó kinh nghiệm là bạn nên liên lạc với International Office (Văn phòng Sinh viên quốc tế) để được tư vấn và nộp đơn đúng hạn.

 

Cột mốc 6: Tốt nghiệp ra trường

 

Mình nghe nói ở Việt Nam để tốt nghiệp phải bảo vệ luận văn, ở Mỹ thì thường không cần phải bảo vệ luận văn cho cấp thạc sĩ. Cho chương trình MBA, để được ra trường, mình phải làm một bài kiểm tra tổng hợp kiến thức của cả quá trình học MBA. Bài thi rất dài và không hề đơn giản, nên kinh nghiệm cuối cùng mình muốn chia sẻ trong bài viết này đó là bạn nên đừng chờ nước tới chân mới nhảy.

 

Và cuối cùng, vào một ngày đẹp trời tháng 5, mình đã tốt nghiệp ra trường và cầm trong tay tấm bằng MBA mơ ước.

 

Mong bài viết này sẽ giúp các bạn có một cái nhìn tổng thể về chương trình MBA ở Mỹ để các bạn có thể chuẩn bị tốt hơn trước khi học. Chúc các bạn may mắn!

 

Study in the USA

Free

EBook Hướng dẫn du học Mỹ

Bạn thấy bài viết vô cùng hữu ích? Bạn có thể tìm thấy các bài viết tương tự đã được HCVN dày công biên soạn trong cuốn ebook Hướng dẫn du học Mỹ trên nhé.

XEM NGAY

Không thể bỏ lỡ

article Img

Du học Mỹ nên chọn 7 ngành này và lý do tại sao

“Du học Mỹ nên học ngành gì?” chắc chắn là băn khoăn của rất nhiều bạn trẻ đang ấp ủ giấc mơ du học. Vậy thì hãy tham khảo ngay danh sách các ngành đại học ở Mỹ dưới đây trước khi đưa ra quyết định cuối cùng nhé! Danh sách này chỉ có giá trị tham khảo và mang tính tương đối nên trong trường hợp ngành học yêu thích của bạn không xuất hiện thì chỉ có nghĩa bạn học ngành đó ở đâu cũng được mà không nhất thiết phải là Mỹ.   Khoa học Máy tính/ Công

44.5K
article Img

Kỳ thi ACT: Mọi điều cơ bản bạn cần biết

Kỳ thi ACT đóng vai trò đáng kể trong quy trình tuyển sinh đại học tại Mỹ. American College Testing, hay ACT, là một kỳ thi đầu vào được chuẩn hóa dành cho các học sinh trung học muốn nộp đơn vào các trường cao đẳng và đại học Hoa Kỳ.   ≫ Làm sao để tăng cơ hội nhận được học bổng du học?   Tổng quan về ACT Kỳ thi ACT thường được tổ chức trên phạm vi quốc tế vào tháng 2, 4, 6, 7, 9, 10 và 12. Một bài thi

29.3K
article Img

Advanced Placement là gì? Mọi điều bạn cần biết về kỳ thi AP

Advanced Placement (AP) là chương trình giáo dục dùng để đáng giá xét tuyển đại học và ngày càng phổ biến ở Mỹ. Đối với những thí sinh làm hồ sơ xét tuyển du học Mỹ, đặc biệt là các trường có thứ hạng cao, kỳ thi AP đóng vai trò quan trọng. Hotcourses Vietnam sẽ giúp bạn hiểu về chương trình và kỳ thi AP, từ lợi ích đến cách tham gia trong bài viết này.   AP là gì?   AP là chương trình giáo dục được quản lý bởi College

17.1K
article Img

STEM là gì? Những điều bạn cần biết về nhóm ngành STEM ở Mỹ

Các chuyên ngành STEM đặc biệt nổi tiếng ở Mỹ và thu hút nhiều sinh viên quốc tế theo học. Cơ hội việc làm rộng lớn và mức lương cao là hai lý do chính thúc đẩy sinh viên quốc tế cân nhắc mạnh mẽ theo đuổi chuyên ngành STEM. Vậy STEM là gì? Cùng Hotcourses Vietnam tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!   STEM là gì? STEM là viết tắt của 4 khối ngành: Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và

10.4K