Nếu bạn đang có mong muốn đi du học Mỹ bậc Đại học thì điều đầu tiên bạn cần nắm vững đó là một bộ hồ sơ du học gồm những gì. Quá trình làm hồ sơ du học có thể kéo dài từ vài tháng tới vài năm tùy vào khả năng của học sinh. Đó là một cuộc đua nước rút những năm cuối cấp mà ai bắt đầu trước sẽ có được nhiều ưu thế. Hotcourses sẽ cung cấp cho bạn một danh sách đầy đủ các yếu tố quan trọng, bắt buộc có của bộ hồ sơ du học Mỹ trong bài viết này.
≫ Du học Mỹ ngành gì để có mức lương cao nhất ?
Hạn nộp hồ sơ du học Mỹ
Trước hết thì các bạn cần biết về hạn nộp hồ sơ du học Mỹ để không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào nhé ! Với mỗi trường đại học, các em học sinh thường có thể lựa chọn ứng tuyển và một hay nhiều vòng tuyển chọn khác nhau sau :
Early decision (ED)
ED thường có deadline vào tháng 11. Học sinh ứng tuyển vòng ED của một trường sẽ nhận được kết quả sớm hơn so với các học sinh nộp hồ sơ trong các vòng muộn hơn của trường đó. ED là kỳ nộp đơn có ràng buộc, nghĩa là sinh viên cam kết với trường rằng nếu được chấp nhận, họ chắc chắn sẽ ghi danh và rút lại tất cả các đơn đăng ký vào các trường khác. Kết quả ED thường được thông báo vào tháng 12. Vì lý do này, học sinh chỉ nên nộp ED nếu đã chắc chắn rằng mình muốn học tại trường này. Một số trường có 2 vòng ED, vòng ED II chỉ khác ED I về mặt thời gian. Deadline của vòng này thường ở tháng 1 và kết quả được thông báo vào tháng 2.
Early action (EA)
EA là một vòng tuyển sinh khác thường có deadline vào tháng 11 hoặc 12. Học sinh nộp hồ sơ trong vòng này cũng sẽ nhận được kết quả sớm hơn so với các học sinh khác. Tuy nhiên, khác với ED, quyết định của EA không có tính ràng buộc. Hotcourses khuyên rằng nếu bạn đã có một bộ hồ sơ hoàn chỉnh vào tháng 10 hay đầu tháng 11, hãy tận dụng kỳ EA để tăng khả năng được nhận và được trao nhiều học bổng, hỗ trợ tài chính hơn.
Restrictive early action (REA)
REA là một lựa chọn không ràng buộc khác, khá tương tự như EA, có deadline vào đầu hoặc giữa tháng 11. Bạn không bắt buộc phải nhập học nếu được chấp nhận trong kỳ nộp đơn này. Tuy nhiên, nếu bạn chọn nộp đơn kỳ REA, bạn không thể nộp đơn cho bất kỳ trường nào khác trong những vòng tuyển sớm như EA hay ED. Việc nộp đơn REA cũng cho trường thấy rằng họ là lựa chọn số một của bạn và tất nhiên giúp tăng đáng kể cơ hội được chấp nhận của bạn.
Regular Decision (RD)
RD thường có deadline trong khoảng tháng 12 trở về sau và kết quả tuyển sinh sẽ được thông báo vào nửa cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4. Đây là kỳ nộp đơn phổ biến và cạnh tranh nhất.
Sau khi được nhận ở các kỳ EA, REA hay RD, học sinh có thời gian cho đến ngày 1/5 để quyết định trường sẽ theo học và đóng tiền bảo đảm (Deposit).
Rolling admissions (RD)
RD là kỳ nộp đơn liên tục, không có deadline. Nhà trường liên tục tiếp nhận và đánh giá hồ sơ trong suốt cả năm, có thể có một số hạn nộp hồ sơ ưu tiên nhưng không có hạn từ chối nhận hồ sơ. Nhà trường sẽ nhận thêm học sinh cho tới khi đủ học sinh cho niên khoá đó.

Phương thức nộp hồ sơ
Những thông tin cơ bản bắt buộc như thông tin cá nhân, gia đình, quá trình học tập từ năm lớp 9-12, hoạt động ngoại khóa, và bài luận chính-phụ đều có thể được điền trực tuyến trên Common App, Coalition App, hoặc website của trường.
≫ Hoạt động ngoại khóa được trường Mỹ đánh giá cao
The Common Application
Common App là một trang web nộp hồ sơ được hơn 900 trường Đại học Mỹ chấp nhận. Đúng như tên gọi của nó, học sinh chỉ cần điền hồ sơ 1 lần trên Common App nhưng có thể nộp tới tối đa 20 trường đại học khác nhau. Tuy nhiên, các bạn học sinh cần lưu ý rằng ngoài mẫu hồ sơ chính là giống nhau cho các trường, mỗi trường đại học có thể yêu cầu thí sinh trả lời thêm các câu hỏi phụ, bài luận phụ do riêng trường đặt ra. Vì vậy, học sinh nên dự trù thêm thời gian để viết luận.
Coalition Application
Coalition App là một trang web nộp hồ sơ tương tự như Common App nhưng chỉ được hơn 150 trường Đại học Mỹ chấp thuận. Bạn có thể nộp cho bao nhiêu trường tùy thích trên Coalition App.
UC Application
Nếu bạn muốn nộp hồ sơ vào hệ thống trường University of California, đừng bỏ qua UC Application. Đây là hệ thống nộp hồ sơ dành cho 9 trường Đại học thuộc khối UC.
Hệ thống riêng của trường
Ngoài ra, bạn cũng có thể nộp hồ sơ qua hệ thống riêng của trường. Thậm chí, một số trường yêu cầu bạn phải nộp qua website của họ, ví dụ như Massachusetts Institute of Technology hay Georgetown University. Các bạn có thể xem trên website của các trường đại học để biết có thể sử dụng phương thức nộp hồ sơ nào nhé!

Những yếu tố bắt buộc phải có ngoài thông tin cơ bản trong bộ hồ sơ trực tuyến
Bài luận chính (personal statement)
- Mục đích là để học sinh thể hiện khả năng viết luận bằng tiếng Anh, kể lại câu chuyện cá nhân của mình, gây ấn tượng mạnh với Hội đồng tuyển sinh. Bài luận chính là một yếu tố quan trọng nhất, quyết định khả năng nhập học của bạn.
- Độ dài không quá 650 chữ
Lệ phí nộp hồ sơ
- Dao động từ $50 đến $90.
- Cách xin miễn phí nộp hồ sơ: Một số trường cung cấp các code miễn phí nộp hồ sơ (fee waiver) cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bạn chỉ cần nhờ giáo viên hoặc người hướng dẫn (counselor) gửi email hỏi xin Đại diện tuyển sinh và chờ họ gửi code cho mình nhé!
Điểm SAT/ ACT
- Mục đích là để giúp hội đồng tuyển sinh đánh giá các em có đủ trình độ để theo học tại các trường đại học tại Mỹ hay không.
- Có thể thi SAT hay ACT nhiều lần và được nộp nhiều bảng điểm. Các trường sẽ tính điểm cao nhất của mỗi bài thi (superscore) để cân nhắc hồ sơ.
- Chính sách Test-optional: Vì những ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số trường đã cho phép thí sinh không cần nộp điểm SAT hay ACT.
≫ Kỳ thi ACT là gì ?
≫ Kỳ thi SAT là gì ?
Điểm IELTS/TOEFL/DUOLINGO
- Mục đích là để học sinh chứng minh được khả năng sử dụng ngôn ngữ Tiếng Anh trong môi trường học thuật.
- Yêu cầu: IELTS trên 6.5, TOEFL trên 80 hoặc DUOLINGO trên 105.
- Nộp bảng điểm
+ IELTS: bạn sẽ có thể gửi 5 bảng điểm miễn phí tới trường trong vòng 1 tháng kể từ khi thi. Nếu quá thời gian đó hoặc số lượng trường vượt quá 5, bạn sẽ phải trả phí 100.000 VND cho mỗi lần gửi điểm.
+ TOEFL: bạn sẽ được gửi miễn phí bảng điểm cho 4 trường, mỗi bảng điếm sau sẽ mất phí 20 USD.
+ Duolingo cho phép bạn nộp bảng điểm miễn phí cho tối đa 20 trường.
>> Kinh nghiệm thi IELTS Speaking?
Thư giới thiệu (Letter of Recommendation)
- Mục đích là để cho Hội đồng tuyển sinh một cái nhìn mới mẻ hơn của học sinh, đến từ những người đã làm việc với học sinh như giáo viên (teacher), người hướng dẫn (counselor), quản lý (supervisor/employer), v.v.
- Yêu cầu: 1-3 lá thư, thể hiện được cá tính riêng, sự nổi bật, những cố gắng của học sinh.
- Nếu như người viết thư có học hàm cao thì sức ảnh hưởng của lá thư sẽ cao hơn đó!
Giấy tờ chứng minh tài chính bao gồm
- Giấy tờ xác nhận thu nhập hằng tháng của ba mẹ (income statement)
- Sổ tiết kiệm của ngân hàng (bank statement).
- CSS Profile kèm IDOC (25 USD cho lần nộp đầu tiên và 16 USD cho các trường tiếp theo, có thể xin code để nộp miễn phí) hoặc ISFAA kèm ICOF (bản giấy).
Một số trường cho phép bạn nộp một trong hai bộ hồ sơ CSS Profile hoặc ISFAA nên để tiết kiệm, bạn hãy email xin phép trường nộp ISFAA nhé!
Điểm GPA (Grade Point Average) các năm lớp 9-12
- Yêu cầu: Học sinh quốc tế nộp điểm GPA (School Transcript) bằng tiếng Anh các năm lớp 9,10,11 và 12 (nếu có sớm), có dấu đỏ của Đại diện trường.
- Điểm GPA nên được cập nhật liên tục cho nhà trường qua email sau khi ứng viên đã nộp hồ sơ online.
- Điểm GPA nên trên 8.0 đối với thang điểm 10.0 và 3.7 đối với thang điểm 4.0.

Ngoài những yếu tố kể trên, học sinh cũng có thể nộp thêm Resume/CV hay Portfolio (tổng hợp toàn bộ dự án mà ứng viên đã từng tham gia thực hiện) cho nhà trường thông qua Portal sau khi nộp hồ sơ online qua Common App, Coalition App, v.v. Portfolio thường dành cho những bạn có tài lẻ như đàn, hát, múa, vẽ, v.v.
Học sinh cũng có thể thi các kỳ thi chuẩn hóa khác như AP để chứng minh thêm khả năng học thuật của mình cũng như tiết kiệm được thời gian và tiền bạc khi lên đại học bởi nhiều môn AP được coi như các lớp nhập môn ở Đại học.
