Giáo sư Maurits van Rooijen, hiệu trưởng và giám đốc điều hành trường London School of Business and Finance, LSBF chia sẻ những quan điểm của mình về mối quan hệ tương hỗ giữa điểm đến và trường học.
Khoảng hai thập kỷ trước, tôi chuyển từ quê hương Hà Lan đến London để làm việc tại Đại học Westminster. Tôi đã có dịp tham dự một số hội chợ tuyển dụng do Hội đồng Anh tổ chức ở nước ngoài và trải nghiệm cách mà nhà trường thu hút sinh viên quốc tế. Khi đó, hầu như sinh viên nào cũng bắt đầu với câu hỏi: “Westminster cách London bao xa?” Trải nghiệm này khiến tôi nhận ra rằng không phải ai cũng có hiểu biết sâu sắc về vấn đề địa lý tại Vương quốc Anh. Sau đó, chúng tôi đã giới thiệu trường Westminster với dòng chữ “giáo dục ngay tại trái tim của London ”.
Còn ở Úc, điều khiến sinh viên quan tâm lại là khoảng cách của trường học với bãi biển! Trong các brochure, tờ rơi của các trường Đại học, khoảng cách từ trường và bãi biển luôn được nhắc đến.
Bài học thực tế là: sinh viên không chỉ quan tâm đến bản thân ngôi trường ấy mà còn để tâm đến đời sống, môi trường xung quanh.
Vương quốc Anh rất may mắn khi sở hữu nhiều trường Đại học đặt ở nhiều điểm đến đa dạng. Đó có thể là ngôi trường có bãi cỏ dài, nơi trung tâm đô thị hay rất nhiều trường lại nằm ngay trong trung tâm thành phố lớn…
Học tập trong một môi trường “cô lập” giữa không gian xanh thật sự là phương án hấp dẫn cho những sinh viên năm đầu, cho phép họ được dành nhiều thời gian trong các phòng thí nghiệm trang bị tối tân.
>> Chọn điểm đến du học: Thành phố lớn hay thành phố nhỏ?
Tuy nhiên, nhược điểm của loại hình này là sinh viên có thể trở nên hướng nội. Ngược lại, những sinh viên năng động lại thích học ở các thành phố lớn. Cộng đồng của họ có xu hướng ít khép kín, nhưng đồng thời cũng ít gắn bó với nhau hơn vì họ có quá nhiều lựa chọn giải trí thay thế. Hầu hết các sinh viên thích lối sống này (dù các bậc phụ huynh thì không hẳn). Tuy nhiên, một thành phố như London sẽ không là địa điểm thích hợp cho những sinh viên theo học ngành nông nghiệp, khai thác mỏ hoặc hàng không.
Sau cùng thì bạn vẫn phải xét đến yếu tố khóa học. Hầu hết các trường kinh doanh có xu hướng chọn địa điểm tại trung tâm các thành phố lớn. Điều này là để cho phép sinh viên tiếp xúc, gặp gỡ với những doanh nhân đang làm việc trong ngành công nghiệp. Sinh viên ngành này thường muốn được gần gũi với các nhà tuyển dụng lớn (những công ty lớn), với văn hóa và lối sống đô thị.
Với kinh nghiệm cá nhân tôi thì sinh viên học kinh tế thường là những người không thích bị gò bó trong môi trường lớp học. Họ luôn muốn được khám phá thế giới - trên toàn cầu cũng như tại địa phương.
London là nơi có nhiều tổ chức giáo dục hàng đầu thế giới. Điểm mạnh của những cơ sở này là mối quan hệ cởi mở và gắn bó của nhà trường với các công ty, các nhà hoạch định chính trị, các đại sứ quán, các tổ chức phi chính phủ...
>> 5 lí do nên chọn London làm điểm đến du học
Tuy chi phí học cũng cao hơn, nhưng bạn sẽ nhận được nhiều hơn khi theo học ở đây.
Mới đây, tôi được tham dự buổi khánh thành khu học xá mới của London School of Business and Finance ở Tower Hill. Với những phòng học có góc nhìn xuống Tower of London, cầu tháp và tòa nhà chọc trời city skyline, sinh viên thật sự sẽ được học ngay giữa lòng thành phố, cạnh bên những nhà tuyển dụng hàng đầu thế giới…
Còn bạn thì sao, bạn có nghĩ điểm đến du học là tiêu chí quan trọng, ảnh hưởng lớn tới hướng đi của mình?
Nguồn: Universityworldnews