Thông tin về Cookies

Cookies giúp bạn dùng website hiệu quả hơn và nhận thông tin phù hợp. Khi cho phép tất cả, bạn đồng ý với cách dùng Cookies được nêu trong trang Thông tin về Cookies. Bạn có thể thay đổi lựa chọn này bất kỳ lúc nào.
Những điều cần biết
Hàn Quốc: TIÊU ĐIỂM NGÀNH HỌC

Du học ngành Truyền thông tại Hàn Quốc: trải nghiệm người trong cuộc

29 Tháng Chín 2018
15.8K
nganh truyen thong tai han quoc

 

Đất nước Hàn Quốc với tầm ảnh hưởng lan rộng của văn hóa K-pop là điểm đến lí tưởng thu hút nhiều du học sinh tới khám phá và học tập. Một trong những ngành học đang rất phát triển tại Hàn Quốc hiện nay là ngành truyền thông (media communication). Hotcourses Vietnam đã phỏng vấn bạn Lâm Khánh Dung, sinh viên ngành truyền thông của Đại học ChungAng, Hàn Quốc về bí quyết săn học bổng, quá trình học tập và định hướng nghề nghiệp cho ngành học thu hút này.

 

>> Du học Hàn Quốc: Lý giải thế mạnh của các ngành hot

 

Ngôi trường nào nổi tiếng về đào tạo truyền thông tại Hàn?

 

Ngành truyền thông được dạy ở hầu hết tất cả các trường đại học đa ngành ở Hàn. Hiện nay, Đại học ChungAng được đánh giá là trường đại học dẫn đầu về ngành truyền thông và trường đòi hỏi tiêu chí đầu vào rất cao đối với sinh viên. Một số trường khác cũng có môi trường đào tạo rất tốt ở Hàn có thể kể đến 3 trường hàng đầu Seoul, Korea, Yonsei, tiếp đến là HanYang, SoGang, Konkuk, SungKyungKwan.

 

Một lưu ý là hầu hết các trường đào tạo truyền thông chất lượng ở Hàn đều tập trung chủ yếu ở Seoul, vì thế nếu muốn có cơ hội không chỉ học tập nghiên cứu mà cả cơ hội cọ xát va chạm thực tế tốt.

 

Điều kiện đầu vào có khó không?

 

Nếu bạn vừa tốt nghiệp trung học phổ thông và muốn ứng tuyển vào trường, bạn nên lên mục tuyển sinh trên trang web trường để xem thông tin và thời hạn nộp đơn. Nếu đang là sinh viên khoa truyền thông hoặc khoa tiếng Hàn của những trường đại học tại Việt Nam, bạn có thể đăng kí theo diện trao đổi sinh viên tại trường bạn đang theo học để có một năm học và trải nghiệm xem môi trường của các trường đại học tại Hàn Quốc có phù hợp hay không. Sau một năm trao đổi, để có thể tiếp tục việc học tại trường đại học ở Hàn, bạn cần nộp đơn đăng kí chuyển tiếp.

 

Để vào được trường tốt, trước hết các bạn cần chuẩn bị kỹ năng thật vững vàng. Ví dụ, khi nộp đơn đăng kí, các bằng cấp cần thiết như bảng điểm cấp 3 (nếu nhập học từ năm nhất) hoặc bảng điểm đại học (nếu chuyển tiếp từ năm 2~3, cao học), bằng TOPIK (hoặc ít nhất là bảng điểm học tiếng) là điều kiện tiên quyết. Vì vậy, bạn nên trau chuốt bảng điểm của mình để cạnh tranh với các ứng viên khác. Hơn nữa, nếu bạn chọn chuyển tiếp từ một trường đại học ở Việt Nam, các trường thuộc hệ thống trường đại học quốc gia như Đại học ngoại ngữ, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ được đánh giá cao hơn.

 

Đơn đăng kí và giới thiệu bản thân cũng là một yếu tố quan trọng nhưng thường bị nhiều người xem nhẹ. Không nên ỷ lại vào bằng cấp và điểm số cao vì phần giới thiệu mà các bạn viết trong đơn đăng kí sẽ thể hiện nguyện vọng học tập cũng như trình độ tiếng Hàn thực tế của bạn. Nhiều bạn có topik 6, bảng điểm cao vẫn bị đánh trượt có thể là do phần này không được trau chuốt kĩ lưỡng.

 

>> Top những học bổng giúp bạn cất cánh sang Hàn

 

Bạn có thể chia sẻ thêm về nội dung và môi trường học ở Đại học ChungAng?

 

Ngành Truyền thông có 2 nhánh chính: thông tin ngôn luận (chủ yếu tập trung vào mảng ngôn luận xã hội, thông tin đại chúng) và digital media content (nhắm vào mảng phương tiện truyền thông kĩ thuật số). Sinh viên sẽ phải chọn 1 trong 2 nhánh chuyên ngành này để tập trung nghiên cứu từ năm 2~3. Bạn có thể tham khảo các môn học ngành Báo Chí Truyền Thông tại đại học ChungAng từ năm 1 đến năm 4 theo tiêu chuẩn năm học 2018 tại đây.

 

Các môn học hầu hết được dạy bằng tiếng Hàn, một số bằng tiếng Anh và một số dạy song ngữ. Tuy nhiên, để theo học được chuyên ngành thì thông thạo tiếng Hàn là yêu cầu bắt buộc.

 

Tại Đại học ChungAng, các giáo sư đều có bằng cấp từ các trường đại học lớn của nước ngoài, một số giáo sư đứng lớp các môn chuyên về thực hành như chế tác phim, dựng kịch bản. Các giáo sư hầu hết đều là đạo diễn hoặc có kinh nghiệm làm việc lâu năm ở các đài lớn của Hàn, và mỗi giáo sư sẽ có một phương pháp giảng dạy riêng. Có  giáo sư chuộng phương pháp truyền thống như giảng bài theo powerpoint, sau đó sinh viên học thuộc và đi thi, nhưng cũng có không ít giáo sư áp dụng các phương pháp như làm dự án nhóm, thuyết trình, viết bài luận thay cho bài thi viết. So với các ngành khác, lượng bài tập và thuyết trình của ngành truyền thông nặng hơn khá nhiều. Sinh viên quốc tế ngành truyền thông ở Đại học ChungAng không cần phải thực tập và viết luận văn tốt nghiệp.

 

Làm thế nào để học tập, thích nghi hiệu quả?

 

Tiếng Hàn chuyên ngành khá khó và các giáo sư dùng rất nhiều từ chuyên ngành trong quá trình giảng dạy, nên không ít bạn sẽ rơi vào tình trạng bỡ ngỡ vào giai đoạn mới nhập học. Lúc này, bạn cần tập trung trên lớp và luôn mang sẵn cuốn từ điển bên cạnh để theo kịp tiến độ bài học.

 

Bên cạnh đó, môi trường học thuật đòi hỏi sinh viên sử dụng thường xuyên các phần mềm chỉnh sửa video như Adobe Premiere, Final Cut Pro và biết sử dụng các phần mềm như Photoshop, After Effect. Các kĩ năng lập trình phần mềm, coding cũng sẽ được học trình độ sơ cấp. Ngoài việc học ở trường, các bạn nên tự nghiên cứu sâu thêm về các kĩ năng này để nhanh tiến bộ hơn.

 

Ngoài ra, vì sinh viên cần tham gia rất nhiều hoạt động nhóm, làm dự án, quay phim, thuyết trình nên các bạn cần nâng cao khả năng giao tiếp và kĩ năng làm nhóm, khả năng viết báo cáo, nghiên cứu tài liệu bằng tiếng Hàn và tiếng Anh. Có những môn học liên quan đến ngôn luận xã hội, chính trị, vì vậy, việc cập nhật tin tức về các mảng chính trị, xã hội, thể thao, giáo dục của Hàn và thế giới thường xuyên khá quan trọng trong quá trình học. Không chỉ vậy, các xu hướng mới trong phát triển truyền thông  như game, app điện thoại, quảng cáo, chương trình truyền hình thực tế, phim ảnh cũng nên được cập nhật liên tục.

 

Để thích nghi và cân bằng với cuộc sống du học, sinh viên quốc tế nên làm quen, kết bạn và giao tiếp nhiều với các bạn người Hàn. Lợi ích thứ nhất là những kĩ năng nghe nói và khả năng làm quen với khẩu âm của người bản xứ, từ đó việc nghe bài giảng của giáo sư sẽ thuận lợi hơn. Lợi ích thứ 2 là Hàn Quốc khá chuộng lối sống sinh hoạt tập thể nên việc có nhiều bạn người Hàn sẽ giúp bạn thích nghi tốt hơn, từ đó có thể nhờ bạn cùng lớp chia sẻ thông tin về bài học, bài tập, tài liệu, nội dung môn học.

 

 

Có nhiều cơ hội nghề nghiệp cho ngành truyền thông?

 

Khi xã hội ngày càng hiện đại, cơ hội việc làm của ngành truyền thông trở nên vô cùng tiềm năng. Sinh viên ra trường có thể phát triển theo rất nhiều hướng: từ phóng viên, nhà báo, đạo diễn, MC, nhân viên đài truyền hình, nhân viên các công ty media truyền thông đến marketing, tổ chức sự kiện, thiết kế, nhà văn, biên kịch truyền hình, biên tập viên hoặc dấn thân vào các ngành hot hiện nay như vlogger. Có không ít sinh viên xuất thân từ ngành truyền thông trường ChungAng hiện đang làm việc ở các đài truyền hình, tập đoàn lớn, vlogger nổi tiếng tại Hàn Quốc, ví dụ như beauty vlogger KIMDAX.


Một số môn học chuyên ngành năm 3, năm 4 sẽ được tổ chức tại các studio, đài truyền hình lớn tại Hàn Quốc hoặc giáo sư sẽ mời bạn bè là các đạo diễn từ các đài lớn như SBS, KBS, MBC về đứng lớp 1 - 2 buổi trong một học kì. Do đó, nếu bạn có kế hoạch làm việc lâu dài tại Hàn Quốc, hãy học tập và thể hiện bản thân thật tốt, tương tác nhiều với giáo sư bởi họ có thể sẽ giới thiệu cho bạn những cơ hội làm việc tuyệt vời.